Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2572/BTP-BTTP
V/v thực hiện Luật Quy hoạch liên quan đến hoạt động công chứng

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2019

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Vừa qua, Bộ Tư pháp nhận được Công văn của một số Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, Luật công chứng (vướng mắc về xác định hiệu lực của Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, trình tự, thủ tục thành lập Văn phòng công chứng trong điều kiện không còn quy hoạch và một số vướng mắc khác). Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời chung như sau:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Điều 2 của Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng, theo đó, bãi bỏ các quy định có liên quan đến quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

2. Điều 22, 23 Luật Công chứng quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng. Điểm d, khoản 1 Điều 70 quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng để lựa chọn hồ sơ cấp phép thành lập Văn phòng công chứng nhằm bảo đảm sự minh bạch, tránh khiếu kiện trong việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng; bảo đảm thành lập Văn phòng công chứng uy tín, chất lượng vì hoạt động công chứng là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm, việc công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch liên quan chặt chẽ đến quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc thành lập Văn phòng công chứng phải tuân theo các tiêu chí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và các quy định tại Luật công chứng.

Luật Công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có liên quan đến quy hoạch giao Bộ Tư pháp xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển nghề công chứng. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng chính sách này để trình Chính phủ xem xét, ban hành bảo đảm Nhà nước có chính sách phát triển nghề công chứng một cách phù hợp, tránh tùy tiện, tràn lan, kém chất lượng.

3. Về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật công chứng, ngày 12/02/2019, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 449/BTP-BTTP gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đã hướng dẫn một số nội dung cơ bản về việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, Luật công chứng, kính gửi Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp nghiên cứu.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Vụ PLDSKT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL;
- Cổng thông tin Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Cục BTTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu