Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2188/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2019 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về các giải pháp tăng cường công tác quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận trong nhập khẩu phế liệu, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn, chất thải, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; đồng thời, ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, căn cứ Luật bảo vệ môi trường, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019, công văn số 1036/VPCP-TH ngày 01/02/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu, để thực hiện đồng bộ, đúng quy định của pháp luật, Tổng cục Hải quan hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
I. Tiếp nhận, kiểm tra và xử lý phế liệu dỡ xuống kho, bãi, cảng
1. Cửa khẩu nhập;
Phế liệu thuộc Danh mục được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất thuộc Danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BCT ngày 09/01/2019 của Bộ Công Thương.
2. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài chỉ được phép dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống kho, bãi, cảng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Người nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa đối với vận tải đường biển (E-Manifest) hoặc Bản khai hàng hóa đối với vận tải đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Bản khai hàng hóa) có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (sau đây gọi tắt là Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu) và còn giá trị hiệu lực.
b) Người nhận hàng trên Bản khai hàng hóa có Giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu ghi trên Bản khai hàng hóa.
c) Lượng phế liệu dỡ xuống cảng hoặc vận chuyển qua cửa khẩu đường thủy nội địa không được vượt quá lượng phế liệu được nhập khẩu còn lại trên Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu (lượng phế liệu được dỡ xuống cảng còn lại bằng (=) lượng phế liệu được nhập khẩu trên Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu trừ (-) lượng phế liệu đã nhập khẩu (bao gồm lượng phế liệu đã dỡ xuống cảng nhưng chưa thông quan và lượng phế liệu đã thông quan).
d) Phế liệu ghi trên Bản khai hàng hóa phải thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Trình tự thực hiện
a) Kiểm tra việc khai báo trên manifest phải đầy đủ các thông tin cụ thể về doanh nghiệp nhận hàng tại tiêu chí “Người nhận hàng/Consignee” theo thứ tự như sau: Mã số thuế#Số của Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu#Số của Giấy xác nhận ký quỹ#Tên doanh nghiệp#Địa chỉ.
b) Khai báo giữa các thông tin có ngăn cách là dấu thăng “#”, trong đó lưu ý kiểm tra việc khai các tiêu chí sau:
b.1) Đối với thông tin tại tiêu chí “Người nhận hàng”:
- Mã số thuế gồm dãy các chữ số liền mạch, không gồm ký tự đặc biệt (như khoảng trống, .,-)/\(=!“%&*; <>@&|?:+‘’`~...).
- Số của Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu gồm dãy các ký tự liền mạch, không ít hơn 12 ký tự, không gồm ký tự đặc biệt (trừ ký tự đặc biệt là / và -).
- Giấy xác nhận ký quỹ do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc Ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu cấp. Số Giấy xác nhận ký quỹ gồm dãy các ký tự liền mạch, không gồm ký tự đặc biệt (trừ ký tự đặc biệt là / và -).
- Tên doanh nghiệp phải tương ứng mã số thuế và tương ứng với tên doanh nghiệp trên Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, Giấy xác nhận ký quỹ đã khai báo.
- Đối với các thông tin như số điện thoại, email hoặc các thông tin khác của doanh nghiệp thì thực hiện khai nối tiếp sau các thông tin nêu trên và ngăn cách giữa các thông tin là dấu thăng “#”.
- Ví dụ:
+ VD1: 3500813231#48/GXN-BTNMT#44/VCB-IKI#Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn#Địa chỉ Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
+VD2:5700557606#04/GXN-BTNMT#15/BIDV-ĐHN#POLYESTER FIBER VIETNAM CO., LTD#CAILAN INDUSTRIAL ZONE HALONG CITY QUANGNINH.
b.2) Trường hợp thông tin tại tiêu chí “Người nhận hàng/Consignee” trên manifest khi khai báo là “To order” hoặc “To order of…” thì thực hiện kiểm tra thông tin khai báo tại tiêu chí “Người được thông báo/Notify party” phải đầy đủ các thông tin cụ thể về doanh nghiệp (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, số của Giấy xác nhận ký quỹ).
b.3) Mã số HS khai báo riêng tại tiêu chí “Mã hàng/ HS code” của Bản khai hàng hóa và vận đơn gom hàng, mã số HS gồm dãy các chữ số liền mạch gồm 8 chữ số, không gồm ký tự đặc biệt và tương ứng với tên phế liệu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Người khai hải quan không khai chung mã số HS với thông tin tên hàng, mô tả hàng hóa tại tiêu chí “Tên hàng, mô tả hàng hóa”.
b.4) Tên hàng, mô tả hàng hóa:
b.4.1) Về thứ tự khai báo: Tên hàng, mô tả hàng hóa phải ngắn gọn và khai báo theo thứ tự bắt buộc như sau: Tên hàng#Mô tả hàng hóa.
b.4.2) Khai báo giữa các thông tin có ngăn cách là dấu thăng “#”, trong đó các tiêu chí liên quan đến hàng hóa khai báo như sau:
- Tên hàng khai trên Hệ thống Emanifest là sử dụng tên hàng theo Danh mục HS tương ứng tại Phụ lục I ban hành kèm theo công văn này.
- Mô tả hàng hóa không khai các nội dung không cần thiết, không liên quan đến thông tin của hàng hóa. Nội dung mô tả hàng hóa ngắn gọn gồm các nội dung mô tả về tính chất hàng hóa, quy cách đóng gói, số kiện, trọng lượng...
- Ví dụ:
+ VD1: Giấy phế liệu#20 BAG(S)
+ VD2: WASTE PLASTIC#44 PKG#176 PACKAGE hoặc PLASTIC SCRAP#44 PKG#176 PACKAGE
b.5) Khai báo mã cảng, tên cảng:
Tiêu chí cảng giao hàng/cảng đích, cảng xếp hàng, cảng xếp hàng gốc, cảng dỡ hàng là các tiêu chí bắt buộc phải khai. Trường hợp tàu nhập cảnh chuyển cảng thì ngoài các tiêu chí bắt buộc nêu trên phải bắt buộc phải khai thêm tiêu chí cảng chuyển tải/quá cảnh.
Mã cảng được khai thống nhất, tương ứng tên cảng cụ thể trong Bảng mã đã công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và trên website của Tổng cục Hải quan.
b.6) Trường hợp không khai báo cụ thể về doanh nghiệp nhận hàng, hàng hóa như trên thì không chấp nhận khai báo, thông báo lý do chưa tiếp nhận và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, đồng thời thông báo cho hãng tàu, đại lý hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng. Ví dụ: không khai là “phế liệu” chung chung mà phải khai là phế liệu nhựa, phế liệu giấy; không khai các danh từ chung như hàng bách hóa (general cargo, freight of all kinds, FAK, said to contain, STC).
c) Thực hiện rà soát, phân tích thông tin khai trên manifest trong thời hạn 04 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin khai báo trên Hệ thống e-manifest và xử lý như sau:
c.1) Trường hợp có cơ sở xác định hàng hóa vận chuyển trên tàu biển là chất thải theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường thì thông báo ngay cho hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ hàng hóa đó xuống cảng; đồng thời yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý vi phạm theo quy định.
c.2) Trường hợp tàu biển chưa cập cảng Việt Nam hoặc đã cập cảng Việt Nam nhưng chưa dỡ hàng hóa xuống bãi cảng, có thông tin hàng hóa khai báo trên Hệ thống e-manifest là phế liệu, đối chiếu thông tin người nhận hàng trên manifest với danh sách các doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhận nhập khẩu phê liệu còn hiệu lực và xử lý như sau:
c.2.1) Người nhận hàng trên manifest có tên trong danh sách các doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhập khẩu phế liệu còn hiệu lực, còn hạn ngạch nhập khẩu, đã thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu thì thực hiện thủ tục theo quy định.
c.2.2) Nếu người nhận hàng trên manifest không có trong danh sách hoặc có trong danh sách nhưng Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu đã hết hiệu lực hoặc doanh nghiệp đã nhập khẩu hết số lượng trên Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu hoặc doanh nghiệp chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định thì thông báo ngay cho hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh cảng về việc không được phép dỡ lô hàng phế liệu đó xuống cảng, đồng thời yêu cầu hãng tàu đưa hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
d) Kiểm tra thông tin phế liệu dự kiến dỡ xuống kho, bãi, cảng:
d.1) Trên cơ sở thông tin lô hàng phế liệu dự kiến dỡ xuống kho, bãi, cảng và Giấy xác nhận ký quỹ có trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng dẫn tại mục III công văn này, trước khi phương tiện vận tải nhập cảnh, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh phương tiện vận tải kiểm tra đối chiếu thông tin trên Bản khai hàng hóa (tên người nhận hàng, mã số thuế, tên hàng, lượng hàng, số/ngày cấp của Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, Giấy xác nhận ký quỹ) và xử lý như sau:
- Trường hợp đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 mục này thì xác nhận lô hàng dự kiến dỡ xuống cảng trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu để doanh nghiệp nhập khẩu, hãng tàu/đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng theo dõi và thực hiện dỡ lô hàng phế liệu xuống cảng hoặc giải quyết thủ tục vận chuyển hàng qua khu vực giám sát theo quy định trong trường hợp hàng hóa không dỡ xuống kho, bãi, cảng.
- Trường hợp không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 mục này thì ghi rõ lý do, cập nhật thông tin lô hàng (danh sách Container hoặc lượng hàng đối với hàng rời) không được dỡ xuống kho, bãi, cảng trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu để doanh nghiệp nhập khẩu, hãng tàu/đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng không được dỡ lô hàng phế liệu xuống cảng, đồng thời yêu cầu hãng tàu/đại lý hãng tàu đưa hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
d.2) Trường hợp không có thông tin lô hàng phế liệu dự kiến dỡ xuống kho, bãi, cảng trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh phương tiện vận tải kiểm tra, đối chiếu thông tin các lô hàng phế liệu khai trên Bản khai hàng hóa và xử lý như sau:
- Nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 mục này thì cập nhật danh sách hàng hóa được phép dỡ hàng xuống kho, bãi, cảng trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu để hãng tàu/đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng nơi dự kiến dỡ lô hàng phế liệu xuống cảng căn cứ thông tin này theo dõi và thực hiện dỡ lô hàng phế liệu xuống kho, bãi, cảng hoặc giải quyết thủ tục vận chuyển hàng qua khu vực giám sát theo quy định trong trường hợp hàng hóa không dỡ xuống kho, bãi, cảng.
- Nếu không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 mục này thì cập nhật danh sách hàng hóa không được phép dỡ hàng xuống kho, bãi, cảng trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu để hãng tàu/đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng không được dỡ lô hàng phế liệu đó xuống kho, bãi, cảng, đồng thời yêu cầu hãng tàu/đại lý hãng tàu đưa hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
d.3) Kiểm tra phế liệu nhập khẩu trong quá trình xếp dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống kho, bãi, cảng, khu vực cửa khẩu nhập
Trong quá trình hàng hóa lưu giữ tại cửa khẩu chờ làm thủ tục thông quan, trường hợp có nghi vấn lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan (như: không đúng chủng loại hàng hóa khai báo; cất giấu hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc chủng loại hàng hóa khác,...) thì Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện kiểm tra hàng hóa nhập khẩu bằng máy soi theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp.
đ) Cập nhật lượng phế liệu dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống cảng:
Sau khi hàng hóa dỡ xuống cảng, cơ quan hải quan hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh cảng xác nhận thông tin đã dỡ hàng hóa xuống cảng trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu để doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu biết, theo dõi và làm các thủ tục tiếp theo.
Phần mềm sẽ tự động thực hiện việc trừ lùi lượng phế liệu còn được dỡ xuống kho, bãi, cảng sau khi cơ quan hải quan cập nhật thông tin về lô hàng phế liệu dỡ xuống kho, bãi, cảng hoặc vận chuyển hàng qua khu vực giám sát.
II. Hướng dẫn thực hiện thủ tục hải quan đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
1. Địa điểm làm thủ tục hải quan
Người khai hải quan được lựa chọn làm thủ tục hải quan và kiểm tra phế liệu nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập hoặc Chi cục Hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Hồ sơ hải quan:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16, điểm a khoản 1 Điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC), người khai hải quan thực hiện khai các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan điện tử và gửi các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Bộ hồ sơ hải quan gồm:
- Hóa đơn thương mại: 01 bản chụp;
- Vận tải đơn (đối với vận chuyển bằng đường biển): 01 bản chụp;
- Giấy xác nhận ký quỹ nhập khẩu phế liệu: 01 bản sao chứng thực.
- Hợp đồng ủy thác (trong trường hợp nhập khẩu ủy thác): 01 bản chụp;
- Kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu của Tổ chức giám định được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định: 01 bản chính (nộp sau khi Tổ chức giám định cấp để thông quan).
Trường hợp kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu được cấp trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia thì người khai hải quan không phải nộp chứng từ này.
Đối với Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, cơ quan hải quan căn cứ thông tin số, ngày cấp do người khai hải quan khai tại chỉ tiêu 1.38 - Giấy phép nhập khẩu trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để kiểm tra, đối chiếu theo hướng dẫn tại điểm a khoản 4 mục này; không yêu cầu người khai hải quan phải nộp bản sao chứng thực.
3. Đăng ký tờ khai hải quan:
Cơ quan hải quan không chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa là phế liệu nếu doanh nghiệp nhập khẩu không khai thông tin Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu trên tờ khai hải quan hoặc có khai thông tin Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu nhưng không còn hiệu lực, không còn hạn ngạch nhập khẩu, không gửi kèm các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo hướng dẫn tại khoản 2 nêu trên qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (riêng kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu sẽ nộp sau khi được Tổ chức giám định được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định cấp để quyết định thông quan).
4. Kiểm tra hồ sơ hải quan:
Trước khi kiểm tra hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, công chức hải quan được giao quản lý tài khoản sử dụng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu kiểm tra, cập nhật thông tin về tờ khai nhập khẩu phế liệu vào phần mềm để kiểm tra lượng hạn ngạch còn lại.
Công chức hải quan tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã được doanh nghiệp gửi qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và kiểm tra tính hợp lệ của các chứng từ giấy do người khai hải quan nộp. Nội dung kiểm tra cụ thể như sau:
a) Kiểm tra thông tin về Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu:
- Căn cứ thông tin số Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu trên tờ khai hải quan, công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu với thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng thông tin một cửa quốc gia, trường hợp có thì thực hiện tiếp các thủ tục; trường hợp không có thông tin về Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng thông tin một cửa quốc gia thì báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan) để thực hiện việc xác minh.
- Kiểm tra đối chiếu thông tin: tên tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất/tên tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; tên và địa chỉ cơ sở sử dụng phế liệu để sản xuất/địa chỉ kho, bãi lưu giữ phế liệu; tên phế liệu; mã HS; khối lượng được phép nhập khẩu; thời hạn hiệu lực của Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu.
- Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác thì kiểm tra bản sao hợp đồng ủy thác nhập khẩu ký với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã được cấp Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu.
Lưu ý: Không thực hiện thủ tục hải quan đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu ủy thác phế liệu được cấp Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu từ ngày 17/9/2018. ...
b) Kiểm tra Giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu:
b.1) Giấy xác nhận ký quỹ do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc Ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu cấp và là bản sao chứng thực.
b.2) Thời gian thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu:
Việc ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu phải thực hiện trước thời điểm phế liệu dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua đường biển hoặc nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp khác.
b.3) Số tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu thực hiện theo quy định hiện hành.
c) Kiểm tra, đối chiếu, so sánh số liệu (số lượng, mã HS) nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp trên hồ sơ hải quan (tờ khai hải quan, chứng từ có liên quan) với thông tin Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, Giấy xác nhận ký quỹ.
d) Kiểm tra Kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu:
Căn cứ kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu do tổ chức giám định phế liệu nhập khẩu được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc bản chính do người khai hải quan nộp, công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu với các thông tin trên tờ khai hải quan, bộ hồ sơ hải quan để xem xét việc thông quan.
đ) Kiểm tra vận đơn
Công chức hải quan kiểm tra đối chiếu các thông tin trên vận đơn với nội dung khai trên tờ khai hải quan và các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan, trong đó phải đảm bảo phù hợp các thông tin về: Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nhận hàng; Tên hàng, trọng lượng, số/ngày cấp Giấy xác nhận, số/ngày văn bản xác nhận ký quỹ,...
e) Xử lý kết quả kiểm tra hồ sơ:
e.1) Trường hợp hồ sơ đáp ứng các quy định thì giải quyết tiếp thủ tục hải quan theo quy định.
e.2) Không thực hiện thủ tục hải quan đối với trường hợp không có hoặc có Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu nhưng không còn hiệu lực hoặc có giá trị hiệu lực vượt quá thời hạn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không còn hạn ngạch nhập khẩu.
Người khai hải quan bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải tái xuất toàn bộ lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc tái xuất được thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập.
e.3) Trường hợp lượng hàng khai trên tờ khai hải quan vượt quá hạn ngạch nhập khẩu thì yêu cầu người khai hải quan thực hiện khai sửa đổi, bổ sung theo quy định và cơ quan hải quan chỉ thực hiện thủ tục hải quan đối với lượng hàng hóa còn trong hạn ngạch nhập khẩu. Lượng hàng hóa nằm ngoài hạn ngạch nhập khẩu thì xử lý theo hướng dẫn tại điểm e.2 nêu trên.
e.4) Trường hợp các thông tin trên vận đơn không phù hợp hoặc không đầy đủ thì chưa giải quyết thủ tục, yêu cầu người khai hải quan giải trình, làm rõ hoặc liên hệ với hãng tàu/đại lý hãng tàu để chỉnh sửa lại thông tin cho phù hợp.
e.5) Trường hợp số tiền ký quỹ không đủ theo quy định của pháp luật thì yêu cầu bổ sung số tiền ký quỹ theo đúng quy định trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo.
e.6) Trường hợp Giấy xác nhận ký quỹ không đáp ứng thời gian theo quy định thì chưa giải quyết thủ tục thông quan.
5. Kiểm tra thực tế hàng hóa:
a) Địa điểm kiểm tra:
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập hoặc Chi cục Hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất thực hiện theo đề nghị của người khai hải quan.
Trường hợp Chi cục Hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất kiểm tra thực tế hàng hóa, việc kiểm tra thực tế phải được thực hiện tại địa điểm kiểm tra tập trung thuộc địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan do Tổng cục Hải quan quyết định thành lập, phải có hệ thống camera giám sát kết nối với Tổng cục Hải quan và có đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc nâng hạ, xếp dỡ hàng hóa.
Trường hợp địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan chưa có địa điểm kiểm tra tập trung, việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải được thực hiện tại cửa khẩu nhập. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thực hiện theo đúng quy định tại khoản 9 Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC).
Tại cửa khẩu hoặc tại địa điểm kiểm tra tập trung có lắp đặt camera giám sát và có kết nối với Trung tâm giám sát trực tuyến của Tổng cục Hải quan, việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải thực hiện trong khu vực có lắp đặt camera quan sát.
b) Phân công kiểm tra thực tế
Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế phân công công chức hải quan thuộc Chi cục thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định và giám sát quá trình kiểm tra và lấy mẫu (nếu có) của tổ chức giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu.
c) Hình thức, mức độ kiểm tra:
c.1) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai quyết định hình thức, mức độ, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa trên cơ sở:
- Đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
- Thông tin thu thập được liên quan đến lô hàng và người khai hải quan tại thời điểm quyết định kiểm tra.
- Chỉ dẫn trên hệ thống quản lý rủi ro.
c.2) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai xem xét giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế, trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan cung cấp cho cơ quan hải quan các chứng từ sau đây:
- Chứng thư giám định của tổ chức giám định nước ngoài chứng nhận lô hàng phế liệu xuất khẩu đến Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.
- Chứng từ chứng minh nguồn gốc, chất lượng của phế liệu nhập khẩu.
d) Thời hạn, thời gian kiểm tra
- Thời hạn kiểm tra thực tế của cơ quan hải quan phải đảm bảo đúng quy định tại Điều 23 Luật Hải quan.
- Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa trong giờ hành chính; trường hợp kiểm tra ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ thì địa điểm kiểm tra thực tế phải đáp ứng các điều kiện cho việc kiểm tra (như: ánh sáng, không gian, camera giám sát...).
e) Kiểm tra thực tế:
e.1) Tại địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan thực hiện việc kiểm tra bằng mắt thường và sử dụng các thiết bị, công cụ được Tổng cục Hải quan trang bị để kiểm tra, xác định thực tế hàng hóa nhập khẩu.
Việc kiểm tra thực tế và lấy mẫu (nếu có) của cơ quan hải quan được thực hiện cùng thời điểm kiểm tra và lấy mẫu của tổ chức giám định phế liệu nhập khẩu do Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ định.
e.2) Kiểm tra số hiệu phương tiện vận chuyển; số hiệu container, số chì vận tải, chì hải quan (nếu có) với thông tin khai trên tờ khai hải quan và chứng từ vận chuyển hàng hóa (vận đơn, biên bản bàn giao hàng vận chuyển chịu sự giám sát hải quan...);
e.3) Kiểm tra đối chiếu thực tế hàng hóa với nội dung khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kịp thời phát hiện các vi phạm về nhập khẩu hàng cấm, chất thải, hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, hàng hóa có mức phóng xạ vượt quy định, nhập khẩu hàng hóa không đúng chủng loại, số lượng hoặc không khai hải quan.
g) Xử lý kết quả kiểm tra
Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan xử lý như sau:
g.1) Trường hợp qua kiểm tra bằng mắt thường và sử dụng các thiết bị, công cụ tại hiện trường, xác định lô hàng phế liệu nhập khẩu không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan thì Chi cục Hải quan căn cứ kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu của tổ chức giám định phế liệu nhập khẩu được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định để quyết định thông quan (trừ trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng).
g.2) Trường hợp xác định lô hàng nhập khẩu vi phạm các quy định pháp luật về hải quan và người khai hải quan đồng ý với kết luận của cơ quan hải quan thì lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét xử lý hình sự theo quy định và buộc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với lô hàng xác định là chất thải, rác thải hoặc phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với kết luận của cơ quan hải quan thì cơ quan hải quan thực hiện lấy mẫu để phân tích đánh giá theo hướng dẫn tại điểm g.3 dưới đây.
g.3) Trường hợp lô hàng nhập khẩu có thông tin chỉ đạo của Tổng cục Hải quan hoặc có dấu hiệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hoặc hàng hóa là chất thải thì Chi Cục Hải quan nơi thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa phối hợp với Cục Kiểm định/Chi cục Kiểm định Hải quan thực hiện lấy mẫu đại diện của lô hàng để thực hiện phân tích đánh giá. Việc lấy mẫu được lập thành Biên bản lấy mẫu theo mẫu số 01/BBLM-PL ban hành kèm theo công văn này. Nội dung biên bản chứng nhận việc lấy mẫu phải ghi rõ thời gian lấy mẫu, vị trí lấy mẫu (vị trí cụ thể trong container hoặc trong lô hàng), phương pháp lấy mẫu và số lượng mẫu, số hiệu container hoặc phương tiện vận chuyển hàng hóa là phế liệu.
Sau khi lấy mẫu thì niêm phong mẫu. 01 mẫu bàn giao cho Cục Kiểm định/Chi cục Kiểm định Hải quan để thực hiện kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật hải quan. 01 mẫu bàn giao cho tổ chức giám định phế liệu nhập khẩu được chỉ định (trừ trường hợp tổ chức giám định phế liệu được chỉ định kiểm tra bằng mắt thường, không lấy mẫu phân tích). 01 mẫu lưu tại Chi cục Hải quan nơi kiểm tra. Thời gian lưu mẫu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính.
Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai căn cứ kết quả giám định, phân tích chất lượng phế liệu nhập khẩu của tổ chức giám định phế liệu nhập khẩu được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định để quyết định thông quan.
Trường hợp kết quả kiểm định hải quan xác định lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu thì Cục Kiểm định/Chi cục Kiểm định Hải quan thông báo ngay cho Trực ban Tổng cục Hải quan để giám sát các lô hàng phế liệu nhập khẩu tiếp theo của doanh nghiệp, thông báo cho Cục Điều tra chống buôn lậu để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời gửi Cục Giám sát quản lý về hải quan để thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phục vụ công tác quản lý, giám sát các tổ chức giám định.
g.4) Trường hợp phát hiện tổng mức phóng xạ vượt quá mức giới hạn cho phép thì Chi cục Hải quan thông báo ngay cho Sở Khoa học và Công nghệ trên địa bàn để phối hợp kiểm tra, xử lý theo quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 29/7/2015 của liên Bộ Tài chính - Khoa học và Công nghệ. Đồng thời yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với đơn vị chức năng kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan về điều kiện hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc không được phép xuất khẩu, nhập khẩu để cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.
g.5) Trường hợp phát hiện có cất giấu hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hóa không khai báo hải quan trong các container thì tiến hành kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng và xử lý theo quy định của pháp luật.
h) Kết thúc việc kiểm tra thực tế, công chức hải quan lập phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu số 06/PGKQKT/GSQL ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) ký xác nhận tại ô số 4 phần kiểm tra thủ công, mục II trên Phiếu ghi kết quả kiểm tra.
i) Trong quá trình kiểm tra thực tế và lấy mẫu (nếu có), công chức Chi cục Hải quan giám sát việc lấy mẫu phải chụp ảnh các vị trí kiểm tra, lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu, ghi hình toàn bộ quá trình kiểm tra, lấy mẫu từ khi bắt đầu mở container (đối với hàng hóa đóng trong container) hoặc bắt đầu kiểm tra đối với hàng rồi cho đến khi kết thúc việc kiểm tra, lấy mẫu. Đối với những lô hàng có thời gian kiểm tra kéo dài thì chỉ ghi những hình ảnh phản ánh được nội dung, phương pháp kiểm tra, thực tế hàng hóa để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện. Hình ảnh chụp các vị trí kiểm tra, lấy mẫu gửi về hòm thư thanhtra@customs.gov.vn, phim ghi hình quá trình kiểm tra, lấy mẫu lưu hồ sơ tại Chi cục Hải quan thực hiện việc kiểm tra thực tế để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện.
k) Trực ban Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện phân tích, lựa chọn các lô hàng phế liệu trọng điểm, có rủi ro cao để giám sát toàn bộ quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa thông qua hệ thống camera giám sát.
6. Đối với trường hợp phế liệu nhập khẩu dưới dạng hàng rời và vận chuyển nguyên tàu thì cơ quan hải quan xem xét cho đưa hàng về bảo quản theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan. Giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển phế liệu về địa điểm bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC), trong đó lưu ý:
a) Chi cục Hải quan nơi giải quyết cho hàng hóa đưa về bảo quản có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời gian vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan, số hiệu phương tiện vận tải chở hàng (số biển số đăng ký ô tô, xà lan, ...) trên hệ thống khi hàng hóa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan.
b) Cơ quan hải quan nơi cho phép hàng hóa đưa về bảo quản và cơ quan hải quan nơi quản lý địa điểm bảo quản hàng hóa phối hợp, trao đổi thông tin về thời gian, số lượng hàng hóa vận chuyển về địa điểm bảo quản và theo dõi quá trình bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp.
c) Cục Điều tra chống buôn lậu tổ chức giám sát theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu đến các địa điểm bảo quản trên cơ sở thông tin vận chuyển hàng hóa (thời gian, số hiệu phương tiện vận chuyển,...) thông qua hệ thống giám sát hành trình phương tiện vận tải tại Trung tâm giám sát trực tuyến - Tổng cục Hải quan. Trường hợp xác định hàng hóa vận chuyển không đúng tuyến đường, thời gian, địa điểm bảo quản không đúng với đăng ký thì phối hợp với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan và cơ quan hải quan nơi quản lý địa điểm bảo quản hàng hóa tiến hành kiểm tra thực tế việc bảo quản và xử lý theo quy định của pháp luật.
d) Trên cơ sở phân tích thông tin rủi ro, Trực ban Tổng cục Hải quan lựa chọn các lô hàng phế liệu trọng điểm, có rủi ro cao để giám sát các lô hàng phế liệu trong quá trình vận chuyển về địa điểm bảo quản hàng hóa.
7. Giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển phế liệu về địa điểm kiểm tra tập trung
Việc giám sát hải quan đối với phế liệu nhập khẩu dùng làm nguyên liệu sản xuất trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập về địa điểm kiểm tra tập trung để kiểm tra thực tế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 51c Thông tư 38/2015/TT-BTC, cụ thể:
a) Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi:
a.1) Căn cứ đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai, thực hiện niêm phong, cập nhật thông tin Biên bản bàn giao hàng hóa vận chuyển đi vào Hệ thống;
a.2) In 03 Biên bản bàn giao từ Hệ thống, xác nhận, ký tên, đóng dấu công chức hải quan, yêu cầu người khai hải quan ký và ghi rõ họ tên. Chi cục Hải quan lưu 01 bản và giao 02 Biên bản bàn giao cùng hàng hóa cho người khai hải quan vận chuyển về địa điểm kiểm tra;
a.3) Cập nhật các thông tin có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan (như: thời điểm xuất phát, thời gian dự kiến đến đích, biển kiểm soát của phương tiện vận tải,...) vào hệ thống và theo dõi thông tin về lô hàng vận chuyển chịu sự giám sát hải quan;
a.3) Tổ chức xác minh về tình trạng hàng hóa trong trường hợp quá thời hạn vận chuyển nhưng hàng hóa chưa vận chuyển đến địa điểm kiểm tra.
Hàng ngày, công chức hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện rà soát trên hệ thống, lập danh sách các lô hàng quá thời gian vận chuyển đã đăng ký mà chưa đến đích; xác định rõ những lô hàng quá hạn mà người khai hải quan có thông báo về trường hợp bất khả kháng, những lô hàng không có thông báo về trường hợp bất khả kháng và xử lý như sau:
- Đối với những lô hàng quá thời gian vận chuyển đã đăng ký mà người khai hải quan có thông báo về trường hợp bất khả kháng theo quy định thì công chức hải quan hướng dẫn người khai hải quan khai bổ sung thời gian vận chuyển dự kiến và thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan nơi vận chuyển đến xem xét lý do giải trình và xử lý vi phạm (nếu có);
- Đối với những lô hàng quá thời gian vận chuyển đã đăng ký mà người khai hải quan không có thông báo về trường hợp bất khả kháng thì liên hệ với người khai hải quan, người vận chuyển để xác định tình trạng vận chuyển hàng hóa; đồng thời sử dụng hệ thống định vị GPS hoặc các thiết bị theo dõi hành trình khác để xác định vị trí của hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng hóa (nếu có) hoặc áp dụng các biện pháp xác minh khác.
a.4) Trường hợp có thông tin về việc lô hàng vận chuyển không còn nguyên trạng mà không có lý do giải trình xác đáng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan thì thông báo cho Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến và Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp tiếp tục tổ chức xác minh, kiểm tra;
b) Chi cục Hải quan nơi vận chuyển đến:
- Tiếp nhận hàng hóa do người khai hải quan vận chuyển đến, kiểm tra tình trạng niêm phong hàng hóa và đối chiếu với thông tin hàng hóa vận chuyển đi trên Hệ thống và ký tên, đóng dấu công chức hải quan, ghi rõ ngày, tháng, năm xác nhận trên 02 Biên bản bàn giao, lưu 01 bản và trả lại 01 bản cho người khai hải quan;
- Cập nhật thông tin hàng đến trên Hệ thống (số hiệu container, lượng hàng, thời điểm phương tiện vận chuyển đến, biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển hàng hóa...);
- Theo dõi thông tin hàng hóa vận chuyển, phối hợp với Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa để xác minh tình trạng lô hàng trong trường hợp quá thời hạn vận chuyển nhưng hàng hóa chưa đến địa điểm kiểm tra.
c) Cục Điều tra chống buôn lậu tổ chức giám sát theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu đến địa điểm kiểm tra tập trung thông qua hệ thống giám sát hành trình phương tiện vận tải tại Trung tâm giám sát trực tuyến - Tổng cục Hải quan. Trường hợp xác định hàng hóa vận chuyển không đúng tuyến đường, thời gian, địa điểm bảo quản không đúng với đăng ký thì phối hợp với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan và cơ quan hải quan nơi hàng hóa được vận chuyển đến tiến hành kiểm tra thực tế và xử lý theo quy định của pháp luật.
d) Trên cơ sở phân tích thông tin rủi ro, Trực ban Tổng cục Hải quan lựa chọn các lô hàng phế liệu trọng điểm, có rủi ro cao để giám sát các lô hàng phế liệu trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập về địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung.
III. Phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu.
1. Hướng dẫn tải, cài đặt và sử dụng phần mềm tại đầu cơ quan Hải quan:
a) Phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Hải quan tại địa chỉ:
http://ptsw.customs.gov.vn/vnaccs/QLHNPL/eScrap.rar
b) Các Chi cục Hải quan thực hiện tải phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu và cài đặt vào máy tính cố định trong mạng nội bộ của cơ quan hải quan. Mỗi Chi cục được cấp phát 03 tài khoản để sử dụng cho 03 nhóm đối tượng là: Bộ phận làm thủ tục nhập cảnh phương tiện; Bộ phận giám sát; Bộ phận kiểm tra hồ sơ hải quan.
c) Sau khi tiếp nhận mật khẩu truy cập cho từng tài khoản, các Chi cục thực hiện giao tài khoản cho một (01) cán bộ phụ trách theo dõi phế liệu nhập khẩu (có biên bản bàn giao cụ thể) để truy cập và sử dụng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu. Thông tin tài khoản được cấp thống nhất như theo định dạng như sau:
+ XXXX_DK: dùng cho bộ phận kiểm tra hồ sơ hải quan.
+ XXXX_GS: dùng cho bộ phận giám sát.
+ XXXX_TT: dùng cho bộ phận làm thủ tục nhập cảnh phương tiện.
Trong đó, XXXX là mã Chi cục Hải quan (VD: 51C1, 03EE, 23CI...). Tùy theo tình hình thực tế tại Chi cục Hải quan mà có thể sử dụng 1 hoặc cả 3 loại tài khoản nêu trên.
d) Các Chi cục Hải quan chủ động nghiên cứu phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu và triển khai thực hiện theo Bản hướng dẫn sử dụng chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo công văn này. Trong quá trình thực hiện trường hợp phát sinh vướng mắc hoặc lỗi kỹ thuật thì phản hồi trực tiếp về Tổng cục Hải quan tại địa chỉ email vugsql@customs.gov.vn hoặc địa chỉ email của cán bộ kỹ thuật tại mục Hướng dẫn sử dụng trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu để xử lý kịp thời.
2. Hướng dẫn tải, cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu tại đầu doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu phế liệu và các doanh nghiệp kinh doanh cảng:
a) Đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng:
- Chi cục Hải quan cửa khẩu thông báo cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng thuộc địa bàn phụ trách thông tin về việc triển khai phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu.
- Tài khoản truy cập đã được Tổng cục Hải quan cấp cho tất cả các cảng trên cả nước với định dạng như sau:
+ XXXXX, trong đó XXXXX là mã cảng trên hệ thống VNACCS hiện đang sử dụng (VD: VNTCI, VNTTC,...)
+ Mật khẩu là mật khẩu thực hiện theo hướng dẫn khoản 3 dưới đây.
b) Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu:
- Tổng cục Hải quan cấp tài khoản cho các doanh nghiệp nằm trong Danh sách các doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia.
- Tài khoản truy cập là mã số thuế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu có thể truy cập vào phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu để kiểm tra hạn ngạch còn lại của mình. Cũng có thể sử dụng để gửi thông tin tới Chi cục Hải quan đề nghị cho phép dỡ phế liệu xuống cảng đối với các tàu chở phế liệu chuẩn bị đến cảng.
3. Hướng dẫn liên quan đến mật khẩu đăng nhập:
- Tổng cục Hải quan sẽ gửi thông tin về mật khẩu đăng nhập đối với các tài khoản theo định dạng nêu tại khoản 2 mục này cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo hình thức công văn mật.
- Các đơn vị thông báo thông tin tài khoản và mật khẩu đăng nhập cho các đơn vị kinh doanh cảng biển và doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Định dạng tài khoản đăng nhập theo hướng dẫn tại khoản 2 mục này và mật khẩu tương tự như mật khẩu mà các đơn vị nhận được dành cho đơn vị hải quan.
- Tại lần đăng nhập đầu tiên, hệ thống sẽ yêu cầu đổi mật khẩu đăng nhập để đảm bảo tính bảo mật.
- Trong trường hợp quên mật khẩu hoặc không xác định được tài khoản đăng nhập, các đơn vị hải quan, đơn vị kinh doanh cảng và doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu liên hệ với Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) để được cài đặt lại mật khẩu.
4. Theo dõi lượng phế liệu còn được dỡ hàng xuống cảng, nhập khẩu.
- Cơ quan hải quan theo dõi thông tin lượng phế liệu đã dỡ hàng xuống cảng, còn được dỡ hàng xuống cảng, đã nhập khẩu, còn được nhập khẩu; Doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu được sử dụng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu để theo dõi lượng phế liệu của doanh nghiệp còn được dỡ hàng xuống cảng, còn được nhập khẩu.
- Trong trường hợp phát hiện ra có sự sai lệch so với thực tế thì công chức hải quan báo cáo Chi cục trưởng và sau khi được Chi cục trưởng phê duyệt thì thực hiện điều chỉnh lượng bằng cách cập nhật phiếu điều chỉnh tăng giảm trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu.
- Phiếu điều chỉnh tăng giảm sử dụng bút toán dương (+) để điều chỉnh tăng, bút toán âm (-) để điều chỉnh giảm số lượng còn được dỡ hàng xuống cảng, nhập khẩu còn lại.
- Khi cập nhật phiếu, có thể sửa ngay thông tin phiếu nếu chưa đóng chức năng. Trường hợp đã đóng chức năng mà phát hiện việc điều chỉnh có sự nhầm lẫn thì phải lập thêm phiếu mới để điều chỉnh.
- Phiếu điều chỉnh phải ghi rõ lý do điều chỉnh để theo dõi.
1. Công văn này thay thế công văn số 6644/TCHQ-GSQL ngày 13/11/2018, công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 và các nội dung hướng dẫn liên quan đến khai hàng hóa là phế liệu nhập khẩu trên manifest tại công văn số 6889/TCHQ-GSQL ngày 23/11/2018 của Tổng cục Hải quan.
2. Phân công thực hiện:
a) Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:
- Tổ chức kiểm tra, giám sát công chức hải quan trong quá trình triển khai thực hiện nội dung hướng dẫn tại công văn này, trường hợp phát hiện công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm chậm quá trình giải quyết thông quan hàng hóa hoặc thực hiện không đúng quy trình thủ tục hải quan, tùy theo mức độ vi phạm, xử lý theo quy định.
- Hướng dẫn tải, cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu cho cán bộ, công chức thuộc đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.
b) Cục Điều tra chống buôn lậu:
- Phối hợp với Văn phòng Tổng cục xây dựng kế hoạch giám sát, điều tra, xác minh các lô hàng phế liệu nhập khẩu trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập về các địa điểm bảo quản hàng hóa, địa điểm kiểm tra tập trung và trong quá trình bảo quản để chờ kết quả kiểm tra chất lượng.
- Tiếp nhận thông tin về các lô hàng phế liệu nhập khẩu có kết quả kiểm định không đạt yêu cầu nhập khẩu từ Cục Kiểm định/Chi cục Kiểm định Hải quan để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
c) Cục Kiểm định Hải quan:
- Bố trí đủ lực lượng thường trực, tham gia vào quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa của Chi cục Hải quan, của tổ chức giám định được chỉ định, không gây phiền hà cho doanh nghiệp, đồng thời giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra của cán bộ, công chức kiểm định đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu.
- Xây dựng kế hoạch theo dõi, đánh giá việc kiểm tra, đánh giá chất lượng phế liệu nhập khẩu của các tổ chức giám định được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định.
- Thông báo kịp thời các trường hợp kết quả kiểm định xác định lô hàng không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hoặc hàng hóa là chất thải đến Chi cục Hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu.
- Tổng hợp kết quả kiểm định các lô hàng phế liệu nhập khẩu báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua Văn phòng Tổng cục) để theo dõi.
d) Cục Quản lý rủi ro:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất dựa trên kết quả thu thập thông tin, phân tích đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động nhập khẩu phế liệu để đưa ra các tiêu chí miễn, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế và các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp theo từng thời kỳ.
- Hỗ trợ phân tích thông tin Emanifest, chuyển luồng kiểm tra thực tế các lô hàng khai báo là hàng có đặc trưng phế liệu (dây thừng, dây đai, bao tải dứa, bao jumbo, màng nhựa, lưới đánh cá đã qua sử dụng...) có nghi vấn là chất thải, phế liệu nhập khẩu.
- Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Kiểm định Hải quan để xây dựng tiêu chí kiểm tra điều kiện, không cho phép đăng ký tờ khai đối trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu không có Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu.
đ) Vụ Thanh tra - Kiểm tra:
Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất quá trình giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra thực tế các lô hàng phế liệu nhập khẩu; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm của cán bộ, công chức hải quan thừa hành.
e) Cục Kiểm tra sau thông quan:
Chủ trì, phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Quản lý rủi ro, Cục Kiểm định hải quan, Vụ Thanh tra - Kiểm tra để thu thập, phân tích thông tin, lập và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra trọng điểm việc sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không đưa vào sản xuất theo đúng Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu đã được cấp.
g) Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan:
- Xây dựng hệ thống cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam.
- Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện cấp Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
- Định kỳ trước ngày 10 hàng tháng cung cấp cho Cục Giám sát quản lý về hải quan số liệu kim ngạch nhập khẩu các chủng loại phế liệu (nhựa, giấy, sắt thép và phế liệu khác) để theo dõi, đánh giá.
h) Cục Giám sát quản lý về hải quan:
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục nhập khẩu phế liệu theo đúng hướng dẫn tại công văn này và các văn bản liên quan.
3. Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Công văn này. Quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị báo cáo Tổng cục Hải quan (qua Cục GSQL về Hải quan) để kịp thời xem xét, hướng dẫn./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
MẪU BIÊN BẢN LẤY MẪU PHẾ LIỆU NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm công văn 2188/TCHQ-GSQL ngày 16/4/2019 của Tổng cục Hải quan)
Mẫu số 01/BBLM-PL
CỤC HẢI QUAN... | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./………. | Ngày ……. tháng …… năm 20….. |
BIÊN BẢN LẤY MẪU PHẾ LIỆU NHẬP KHẨU
1. Tờ khai số/số vận đơn:……………………. ngày …….. tháng ……… năm .............
2. Chi cục Hải quan đăng ký tờ khai: ………………………………………………………
3. Hình thức kiểm tra thực tế (miễn kiểm/kiểm tra tỷ lệ/kiểm tra toàn Bộ): ……………
4. Chi cục Hải quan nơi lấy mẫu: …………………………………………………………..
5. Người lấy mẫu:
+ Công chức Chi cục Hải quan nơi lấy mẫu: …………………….
+ Cán bộ kiểm định: ………………………………………………..
+ Đại diện tổ chức chứng nhận sự phù hợp: ………………………………..
+ Đại diện chủ hàng: …………………………..
6. Vị trí lấy mẫu: ………………………………………………………………..
7. Thời gian lấy mẫu: ………….. giờ ... ngày .... tháng….. năm ………..
8. Phương pháp lấy mẫu: …………………………….
9. Tên mẫu: ……………………………………………………………..
10. Số lượng mẫu: …………………………………………..
11. Trọng lượng mẫu: ………………………………………….
12. Chi tiết mẫu (kích thước, đặc điểm): ………………………………………………
13. Niêm phong mẫu, mục đích yêu cầu kiểm tra:
STT | Đơn vị thực hiện | Số lượng mẫu | Trọng lượng mẫu | Số niêm phong | Mục đích, yêu cầu kiểm tra |
1 | Chi cục Hải quan cửa khẩu |
|
|
|
|
2 | Cơ quan kiểm định Hải quan |
|
|
|
|
3 | Tổ chức giám định được chỉ định |
|
|
|
|
14. Số hiệu container hoặc phương tiện vận chuyển hàng hóa là phế liệu:
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN HẢI QUAN | TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH | ĐẠI DIỆN CHỦ HÀNG |
TÊN PHẾ LIỆU VÀ TÊN HÀNG TƯƠNG ỨNG SỬ DỤNG ĐỂ KHAI BÁO TRÊN E-MANIFEST
(Ban hành kèm theo công văn số 2188/TCHQ-GSQL ngày 16/4/2019 của Tổng cục Hải quan)
STT | Tên phế liệu | Mã HS | Tên hàng khai trên emanifest | |||
Tên tiếng Việt | Tên tiếng Anh | |||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) |
1 | Thạch cao. | 2520 | 10 | 00 | Thạch cao | Gypsum |
2 | Xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép. | 2618 | 00 | 00 | Xỉ hạt nhỏ | Granulated slag |
3 | Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự. | 3818 | 00 | 00 | Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp | Chemical elements doped |
4 | Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme etylen (PE): Dạng xốp, không cứng. | 3915 | 10 | 10 | Nhựa phế liệu | Waste plastics hoặc Scrap plastics |
5 | Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme etylen (PE): Loại khác. | 3915 | 10 | 90 | ||
6 | Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme styren (PS): Dạng xốp, không cứng. | 3915 | 20 | 10 | ||
7 | Phế liệu và mẩu vụn của plastic (nhựa) từ polyme styren (PS): Loại khác. | 3915 | 20 | 90 | ||
8 | Phế liệu và mảnh vụn của plastic (nhựa) từ polyme vinyl clorua (PVC): Dạng xốp, không cứng. | 3915 | 30 | 10 | ||
9 | Phế liệu và mảnh vụn của plastic (nhựa) từ polyme vinyl clorua (PVC): Loại khác. | 3915 | 30 | 90 | ||
10 | Phế liệu và mẩu vụn từ plastic (nhựa) khác. | 3915 | 90 | 00 | ||
11 | Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng. | 4707 | 10 | 00 | Giấy phế liệu | Waste paper |
12 | Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy hoặc bìa khác được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình hóa học đã tẩy trắng, chưa nhuộm màu toàn bộ. | 4707 | 20 | 00 | ||
13 | Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Giấy hoặc bìa được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình cơ học (ví dụ, giấy in báo, tạp chí và các ấn phẩm tương tự). | 4707 | 30 | 00 | ||
14 | Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa): Loại khác, kể cả phế liệu và vụn thừa chưa phân loại. | 4707 | 90 | 00 | ||
15 | Tơ tằm phế liệu (kể cả kén không thích hợp để quay tơ, xơ sợi phế liệu và xơ sợi tái chế). | 5003 | 00 | 00 | Tơ tằm phế liệu | Waste silk |
16 | Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác; thủy tinh ở dạng khối. | 7001 | 00 | 00 | Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác; thủy tinh ở dạng khối | Cullet and other waste and scrap of glass; glass in the mass. |
17 | Phế liệu và mảnh vụn của gang. | 7204 | 10 | 00 | Sắt hoặc thép phế liệu | Iron or steel scrap |
18 | Phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: bằng thép không gỉ. | 7204 | 21 | 00 | ||
19 | Phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: Loại khác (khác với loại bằng thép không gỉ). | 7204 | 29 | 00 | ||
20 | Phế liệu và mảnh vụn của sắt hoặc thép tráng thiếc. | 7204 | 30 | 00 | ||
21 | Phế liệu và mảnh vụn khác của sắt hoặc thép: Phoi tiện, phoi bào, mảnh vỡ, vảy cán, phoi cắt và bavia, chưa được ép thành khối hay đóng thành kiện, bánh, bó. | 7204 | 41 | 00 | ||
22 | Phế liệu và mảnh vụn khác của sắt hoặc thép: Loại khác. | 7204 | 49 | 00 | ||
23 | Thỏi đúc phế liệu (bằng sắt, thép, gang) nấu lại. | 7204 | 50 | 00 | ||
24 | Đồng phế liệu và mảnh vụn. | 7404 | 00 | 00 | ||
25 | Niken phế liệu và mảnh vụn. | 7503 | 00 | 00 | Niken phế liệu và mảnh vụn | Nickel waste and scrap |
26 | Nhôm phế liệu và mảnh vụn. | 7602 | 00 | 00 | Nhôm phế liệu và mảnh vụn | Aluminium waste and scrap |
27 | Kẽm phế liệu và mảnh vụn. | 7902 | 00 | 00 | Kẽm phế liệu và mảnh vụn | Zinc waste and scrap |
28 | Phế liệu và mảnh vụn thiếc. | 8002 | 00 | 00 | Phế liệu và mảnh vụn thiếc | Tin waste and scrap |
29 | Vonfram phế liệu và mảnh vụn. | 8101 | 97 | 00 | Vonfram phế liệu và mảnh vụn | Tungsten (wolfram) waste and scrap |
30 | Molypden phế liệu và mảnh vụn. | 8102 | 97 | 00 | Molypden phế liệu và mảnh vụn | Molypdenum waste and scrap |
31 | Magie phế liệu và mảnh vụn. | 8104 | 20 | 00 | Magie phế liệu và mảnh vụn | Magnesium waste and scrap |
32 | Titan phế liệu và mảnh vụn. | 8108 | 30 | 00 | Titan phế liệu và mảnh vụn | Titanium waste and scrap |
33 | Zircon phế liệu và mảnh vụn. | 8109 | 30 | 00 | Zircon phế liệu và mảnh vụn | Zirconium waste and scrap |
34 | Antimon phế liệu và mảnh vụn. | 8110 | 20 | 00 | Antimon phế liệu và mảnh vụn | Antimony waste and scrap |
35 | Mangan phế liệu và mảnh vụn. | 8111 | 00 | 00 | Mangan phế liệu và mảnh vụn | Manganese waste and scrap |
36 | Crom phế liệu và mảnh vụn. | 8112 | 22 | 00 | Crom phế liệu và mảnh vụn | Chrome waste and scrap |
- 1Công văn 4202/TCHQ-PC năm 2018 hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2Công văn 5874/TCHQ-TXNK năm 2018 về cảnh báo dấu hiệu gian lận, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Công văn 7427/BCT-PVTM năm 2018 phản ánh về dấu hiệu gian lận, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công thương ban hành
- 4Công văn 6644/TCHQ-GSQL năm 2018 hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành
- 5Quyết định 1802/QĐ-TTg năm 2018 sửa đổi Quyết định 09/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 389/QĐ-TTg về thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Công văn 2508/TCHQ-GSQL năm 2019 về lưu giữ hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển do Tổng cục Hải quan ban hành
- 7Quyết định 35/2019/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 195/QĐ-BCĐ389 năm 2020 về Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành
- 9Công văn 3060/TCHQ-GSQL năm 2020 về việc nhập khẩu phế liệu qua cửa khẩu quốc tế Dinh Bà thuộc tỉnh Đồng Tháp do Tổng cục Hải quan ban hành
- 10Thông báo 189/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Công văn 3452/TCHQ-GSQL năm 2020 về tăng cường công tác quản lý hàng hóa là chất thải do Tổng cục Hải quan ban hành
- 12Công văn 906/TCHQ-GSQL về kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp năm 2021 do Tổng cục Hải quan ban hành
- 13Công văn 2694/GSQL-GQ2 năm 2020 về chính sách nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp chế xuất do Cục Giám sát quản lý về hải quan ban hành
- 14Công văn 649/TCMT-QLCT năm 2021 về nhập khẩu ray thép đã qua sử dụng do Tổng cục Môi trường ban hành
- 1Công văn 4202/TCHQ-PC năm 2018 hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2Công văn 6644/TCHQ-GSQL năm 2018 hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Công văn 6889/TCHQ-GSQL năm 2018 về kiểm tra và chấn chỉnh việc khai thông tin Emanifest do Tổng cục Hải quan ban hành
- 4Công văn 2345/TCHQ-GSQL năm 2019 về địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa do Tổng cục Hải quan ban hành
- 1Luật bảo vệ môi trường 2014
- 2Luật Hải quan 2014
- 3Thông tư 14/2015/TT-BTC Hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5Thông tư liên tịch 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn cơ chế phối hợp và xử lý trong kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại cửa khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 6Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7Quyết định 15/2017/QĐ-TTg Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2018 về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Công văn 5874/TCHQ-TXNK năm 2018 về cảnh báo dấu hiệu gian lận, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Tổng cục Hải quan ban hành
- 10Công văn 7427/BCT-PVTM năm 2018 phản ánh về dấu hiệu gian lận, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công thương ban hành
- 11Quyết định 1802/QĐ-TTg năm 2018 sửa đổi Quyết định 09/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 389/QĐ-TTg về thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Thông tư 01/2019/TT-BCT quy định về cửa khẩu nhập khẩu phế liệu do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 13Nghị quyết 09/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019
- 14Công văn 1036/VPCP-TH năm 2019 về thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 15Công văn 2508/TCHQ-GSQL năm 2019 về lưu giữ hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển do Tổng cục Hải quan ban hành
- 16Quyết định 35/2019/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17Quyết định 195/QĐ-BCĐ389 năm 2020 về Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành
- 18Công văn 3060/TCHQ-GSQL năm 2020 về việc nhập khẩu phế liệu qua cửa khẩu quốc tế Dinh Bà thuộc tỉnh Đồng Tháp do Tổng cục Hải quan ban hành
- 19Thông báo 189/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 20Công văn 3452/TCHQ-GSQL năm 2020 về tăng cường công tác quản lý hàng hóa là chất thải do Tổng cục Hải quan ban hành
- 21Công văn 906/TCHQ-GSQL về kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp năm 2021 do Tổng cục Hải quan ban hành
- 22Công văn 2694/GSQL-GQ2 năm 2020 về chính sách nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp chế xuất do Cục Giám sát quản lý về hải quan ban hành
- 23Công văn 649/TCMT-QLCT năm 2021 về nhập khẩu ray thép đã qua sử dụng do Tổng cục Môi trường ban hành
Công văn 2188/TCHQ-GSQL năm 2019 về tăng cường giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu chất thải và chống buôn lậu gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu do Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 2188/TCHQ-GSQL
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 16/04/2019
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Mai Xuân Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra