Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/QĐ-BCĐ389

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ TIN BÁO VỀ BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

Căn cứ Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia); Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Quyết định số 1802/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2017 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Quyết định số 264/QĐ-BCĐ389 ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả" của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành; các bộ, ngành có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các thành viên BCĐ389 quốc gia;
- Văn phòng Thường trực BCĐ389 quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, V.I;
- Lưu: VT, BCĐ389 (3b).

TRƯỞNG BAN




PHÓ THỦ TƯỚNG
Trương Hòa Bình

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC TIẾP NHẬN, XỬ LÝ TIN BÁO VỀ BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 195/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, trình tự, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành; Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bộ, ngành có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực); các bộ, ngành có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ thuộc các đơn vị nói trên.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các vụ việc, hành vi có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các vi phạm pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực này.

2. Các hình thức tin báo

Tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua các hình thức sau:

a) Điện thoại;

b) Thư điện tử (email);

c) Văn bản;

d) Trực tiếp.

3. Người tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ thuộc các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 1 Quy chế này được giao nhiệm vụ tiếp nhận, đề xuất xử lý các tin báo đã tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế này.

Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

1. Tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải được tiếp nhận kịp trường hợp, đầy đủ, chính xác, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế này.

2. Chỉ tiếp nhận, xử lý tin báo được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này do các tổ chức, cá nhân phản ánh qua các hình thức được quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này.

3. Số điện thoại đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.

4. Chỉ những người tiếp nhận, xử lý tin báo được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này mới được sử dụng các trang thiết bị để nhận tin báo hoặc trực tiếp nhận tin báo từ các tổ chức, cá nhân cung cấp, chuyển giao.

5. Giữ bí mật các thông tin riêng của tổ chức, cá nhân báo tin và nội dung tin báo.

6. Quá trình tiếp nhận, xử lý tin báo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này được thực hiện theo chế độ "MẬT".

7. Tin báo, tố giác thuộc các lĩnh vực khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tổ chức việc tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

1. Các cơ quan, đơn vị được quy định tại khoản 2 Điều 1 Quy chế này có trách nhiệm lập và công bố số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử (email) của mình trên các phương tiện thông tin truyền thông, trên cơ sở số điện thoại đường dây nóng, thư điện tử đã có, hoặc lập đường dây nóng, thư điện tử mới để tiếp nhận tin báo; tổ chức nhận tin báo bằng văn bản và phản ánh trực tiếp của tổ chức, cá nhân về các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này.

2. Các cơ quan, đơn vị, người tiếp nhận, xử lý tin báo thuộc quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này phải mở sổ theo dõi việc tiếp nhận tin báo theo mẫu tại phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.

3. Khi người tiếp nhận, xử lý tin báo vắng mặt hoặc thay đổi công tác phải báo cáo và bàn giao lại các trang thiết bị, tài liệu, sổ theo dõi theo sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Việc bàn giao phải được ghi nhận bằng văn bản.

4. Văn phòng Thường trực có trách nhiệm tiếp nhận tin, xử lý báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các tổ chức, cá nhân đến Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

5. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các Bộ: Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các tổ chức, cá nhân đến Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành mình. Các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia còn lại, tùy theo tình hình thực tế, giao cho một đơn vị trực thuộc tiếp nhận, xử lý tin báo của các tổ chức, cá nhân.

6. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các tổ chức, cá nhân đến Ban Chỉ đạo 389 địa phương mình.

Điều 5. Tiếp nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

1. Người tiếp nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có trách nhiệm tiếp nhận kịp trường hợp, đầy đủ, chính xác nội dung tin báo.

2. Đối với tin báo không thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này, người tiếp nhận tin báo có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn người báo tin liên hệ với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.

3. Người tiếp nhận tin báo có quyền từ chối, không xử lý những tin báo có tính chất hoang báo; sử dụng tiếng nước ngoài, dùng từ ngữ thô tục, nội dung bôi nhọ, xúc phạm người khác; quấy rối điện thoại.

Điều 6. Xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

1. Người xử lý tin báo được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này thực hiện các công việc sau:

a) Tiếp nhận tin báo theo quy định;

b) Nghiên cứu, phân tích, nhận định độ tin cậy của nội dung tin báo;

c) Báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo phụ trách về nội dung tin báo, đề xuất xử lý. Đối với tin báo nhận được ngoài giờ làm việc mà cần xử lý ngay thì báo cáo qua điện thoại sau đó hoàn chỉnh báo cáo bằng văn bản;

d) Ghi chép đầy đủ các nội dung tin báo, biện pháp xử lý, kết quả xử lý vào sổ theo dõi;

đ) Theo dõi quá trình xử lý và kết quả xử lý tin báo;

e) Tổng hợp, báo cáo lãnh đạo kết quả xử lý tin báo.

2. Xác minh, thẩm định tin báo.

Sau khi tiếp nhận nội dung tin báo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này thì lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách căn cứ vào nội dung, độ tin cậy của tin báo để cử cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ của cơ quan, đơn vị mình tiến hành xác minh, kiểm tra, thẩm định nội dung tin báo hoặc xét thấy không thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình thì chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.

3. Chuyển tin báo.

a) Đối với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Chánh Văn phòng Thường trực căn cứ nội dung, tính chất, mức độ của tin báo và lĩnh vực, thẩm quyền xử lý của các cơ quan, đơn vị để quyết định việc chuyển tin báo đến Ban Chỉ đạo hoặc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành; Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc chuyển trực tiếp đến đơn vị theo tin báo đang có vụ việc xảy ra để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp cụ thể, xét thấy cần thiết Chánh Văn phòng cử chuyên viên của Văn phòng Thường trực phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng liên quan để xác minh, thẩm định nội dung tín báo trước khi chuyển giao tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp xử lý tin báo; theo dõi, giám sát, đôn đốc quá trình xử lý, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

b) Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành căn cứ nội dung, tính chất, mức độ của tin báo để quyết định việc chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định. Nấu nội dung tin báo có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc các bộ, ngành khác nhau thì trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành hoặc chuyển tin đến Văn phòng Thường trực để phối hợp xử lý. Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo phụ trách Cơ quan thường trực xin ý kiến Trưởng Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành trước khi chuyển tin báo.

c) Đối với các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhưng không thành lập Ban Chỉ đạo, nếu tiếp nhận tin báo có nội dung quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế này nhưng không thuộc thẩm quyền xử lý thì cán bộ phụ trách theo dõi tin báo đề xuất lãnh đạo chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý hoặc trao đổi, chuyển tin đến Văn phòng Thường trực để phối hợp xử lý.

d) Đối với Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ nội dung, tính chất của tin báo để quyết định việc chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định. Trong một số trường hợp cụ thể, xét thấy cần thiết có thể cử cán bộ của Cơ quan thường trực phối hợp với các lực lượng, đơn vị liên quan để tiến hành xác minh, thẩm định nội dung tin báo trước khi chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp xử lý. Theo dõi, đôn đốc quá trình xử lý tin báo, tổng hợp báo cáo theo quy định. Đối với các nội dung tin báo có liên quan đến nhiều địa phương khác hoặc có tính chất, mức độ phức tạp thì có thể báo cáo Trưởng Ban cho ý kiến chỉ đạo để trao đổi, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đó để xử lý hoặc trao đổi, chuyển tin đến Văn phòng Thường trực để phối hợp xử lý.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhưng không thành lập Ban Chỉ đạo; Chánh Văn phòng Thường trực; lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức và phân công người làm công tác tiếp nhận, xử lý tin báo theo đúng quy định pháp luật và Quy chế này. Kịp trường hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá nội dung tin báo; quyết định việc chuyển tin báo đến các đơn vị chức năng để xác minh, kiểm tra, xử lý theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị xử lý khi tiếp nhận tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

1. Văn Phòng Thường trực; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương sau khi tiếp nhận tin báo phải kịp thời xử lý tin báo, chuyển tin báo đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý tin báo theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế này. Theo dõi quá trình xử lý, tổng hợp báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (qua Văn phòng Thường trực); Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương theo đúng quy định.

2. Các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhưng không thành lập cơ quan thường trực khi tiếp nhận tin báo chuyển đến phải kịp trường hợp chỉ đạo các đơn vi trực thuộc tiến hành xác minh, xử lý và tổng hợp quá trình tiếp nhận, xử lý và báo cáo kết quả cho đơn vị chuyển tin theo đúng quy định.

3. Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khi tiếp nhận tin báo chuyển đến có trách nhiệm tổ chức lực lượng xác minh, xử lý theo quy định; tổng hợp quá trình và kết quả xử lý báo cáo cho cơ quan, đơn vị chuyển tin báo.

Điều 9. Chế độ bảo đảm

Người được phân công nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí hàng tháng theo quy định tại Thông tư số 339/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Chế độ báo cáo

Các cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến phải tổng hợp quá trình tiếp nhận, xử lý tin báo, báo cáo kết quả xử lý theo quy định.

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành; các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cơ quan, đơn vị mình thành mục riêng trong báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và gửi về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (qua Văn phòng Thường trực).

Điều 11. Khen thưởng và kỷ luật

1. Khen thưởng: Tổ chức, cá nhân có tin báo đem lại hiệu quả thiết thực, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý những vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có giá trị lớn, nghiêm trọng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Thủ trưởng cơ quan nhà nước thực hiện việc tiếp nhận, xử lý tin báo có trách nhiệm đề xuất hình thức khen thưởng cho tổ chức, cá nhân cung cấp tin báo.

2. Xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nếu vi phạm hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật và của Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Điều khoản thi hành

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc Quy chế này; nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc phải kịp trường hợp phản ánh về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (qua Văn phòng Thường trực) để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

BAN CHỈ ĐẠO 389…………………..
VĂN PHÒNG THƯỜNG TRỰC
(hoặc Cơ quan Thường trực……….)

Mẫu số 01

SỔ THEO DÕI

TIẾP NHẬN VÀ KẾT QUẢ XỬ LÝ TIN BÁO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 195/QĐ-BCĐ389 ngày 23/3/2020 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia)

Năm…………

STT

Thời gian và nguồn tiếp nhận

Thông tin tiếp nhận

Biện pháp xử lý

Kết quả xử lý

Nội dung tin báo

Người tiếp nhận

Đề xuất xử lý

Lãnh đạo xử lý

Nội dung xử lý

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu sổ

(kèm theo Quyết định số 195/QĐ-BCĐ389 ngày 23/3/2020 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia)

BAN CHỈ ĐẠO 389…………………..
VĂN PHÒNG THƯỜNG TRỰC (hoặc Cơ quan Thường trực……….)

SỔ THEO DÕI

TIẾP NHẬN VÀ KẾT QUẢ XỬ LÝ TIN BÁO

Năm………….

STT

Thời gian và nguồn tiếp nhận

Thông tin tiếp nhận

Biện pháp xử lý

Kết quả xử lý

Nội dung tin báo

Người tiếp nhận

Đề xuất xử lý

Lãnh đạo xử lý

Nội dung xử lý

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 195/QĐ-BCĐ389 năm 2020 về Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành

  • Số hiệu: 195/QĐ-BCĐ389
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/03/2020
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
  • Người ký: Trương Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản