Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17989/BTC-PC
V/v thực hiện chi phí giám định tư pháp

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2016

 

Kính gửi:

- Bộ Y tế;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Thông tin và truyền thông.

 

Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động giám định tư pháp và nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn của công tác giám định tư pháp, trong việc thực hiện “phí giám định tư pháp”, Luật giám định tư pháp được Quốc hội thông qua năm 2012 đã có quy định quan trọng là chuyển sang thực hiện theo cơ chế “chi phí giám định tư pháp”. Tại Điều 36 của Luật giám định tư pháp đã quy định về chi phí giám định tư pháp: “Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định”. Để thực hiện Luật giám định tư pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch. Sau đó, ngày 14/8/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, trong đó đã quy định cụ thể các loại chi phí phát sinh trong công tác giám định tư pháp để bao quát hết các lĩnh vực giám định tư pháp và phù hợp với từng loại hình cơ quan, tổ chức giám định (công lập, ngoài công lập, giám định theo vụ việc). Để hướng dẫn Nghị định số 81/2014/NĐ-CP về lập dự toán, quyết toán kinh ngân sách cho công tác giám định, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 215/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 quy định cụ thể các nội dung về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách cho hoạt động trưng cầu giám định, định giá, người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tố tụng.

Qua quá trình thực hiện các quy định về chi phí giám định theo quy định đã tạo sự chủ động, linh hoạt cho các Bộ, ngành, cơ quan giám định trong việc xác định rõ các loại chi phí giám định tư pháp nên nhiều bộ, ngành cho rằng việc chuyển đổi sang thực hiện theo cơ chế chi phí giám định đã góp phần tạo chủ động cho đơn vị giám định và nâng cao chất lượng, hoạt động giám định tư pháp trong thời gian vừa qua (như các Bộ: Xây dựng, Công thương, Ngân hàng Nhà nước,...). Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết Đề án 258, đối với một số lĩnh vực như giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, thông tin truyền thông vẫn còn có ý kiến băn khoăn trong việc chuyển sang thực hiện chi phí giám định do trong thời gian qua các lĩnh vực này vẫn đang vận dụng theo các Thông tư quy định về phí giám định tư pháp trong từng lĩnh vực đó.

Theo quy định của Luật phí, lệ phí số 97/2015/QH13 thì phí giám định tư pháp không còn trong danh mục phí do đã chuyển sang cơ chế chi phí giám định tư pháp theo quy định của Luật giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn. Để triển khai thực hiện Luật phí, lệ phí đối với nhóm các loại phí chuyển sang cơ chế giá dịch vụ mà nhà nước không định giá (trong đó có chi phí giám định tư pháp), ngày 23/9/2016 Bộ Tài chính đã có Công văn số 13373/BTC-QLG đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị đang thực hiện thu 12 khoản thu đã đưa ra khỏi danh mục phí, lệ phí (trong đó có phí giám định tư pháp) để thực hiện theo quy định Luật chuyên ngành (công văn kèm theo).

Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/10/2016, Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn số 3568/BTP-BTTP gửi các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông; hướng dẫn thực hiện chi phí giám định tư pháp. Tại công văn, Bộ Tư pháp đã đề nghị các Bộ cần xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý, tạo cơ sở cho các cơ quan giám định xác định chi phí giám định theo quy định Luật giám định tư pháp, Pháp lệnh chi phí giám định và yêu cầu tại khoản 3 Điều 22 của Nghị định số 81/2014/NĐ-CP 1.

Theo đó, để các đơn vị kịp thời thực hiện các quy định về chi phí giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, Thông tin truyền thông theo đúng quy định về chi phí giám định tư pháp (Luật giám định tư pháp, Pháp lệnh về chi phí giám định, Nghị định số 81/2014/NĐ-CP, Thông tư số 215/2015/TT-BTC), tránh lúng túng, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ khẩn trương nghiên cứu, thực hiện theo nội dung tại các Công văn số 13373/BTC-QLG của Bộ Tài chính, Công văn số 3568/BTP-BTTP của Bộ Tư pháp.

Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn các tổ chức giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý xác định chi phí giám định cần bám sát các quy định của Nghị định số 81/2014/NĐ-CP đối với từng loại chi phí và cách xác định chi phí tương ứng với từng loại hình, tổ chức giám định tư pháp; đồng thời, cần căn cứ vào yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ, tính chất phức tạp của các loại hình giám định... Ngoài ra, cần tham khảo các mức thực tế đã thực hiện thời gian qua. Trong đó, đối với một số loại chi phí, cần lưu ý các vấn đề sau:

- Về chi phí tiền lương, thù lao: Cần căn cứ vào khối lượng công việc, nội dung yêu cầu giám định, thời gian cần thiết để giám định; việc xác định mức tiền lương, thù lao thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về chế độ tiền lương, thù lao áp dụng đối với từng loại hình tổ chức giám định.

- Về chi phí khấu hao máy móc, thiết bị: Cần căn cứ vào nhu cầu về các loại máy móc, thiết bị và thời gian sử dụng cần thiết cho việc giám định; chi phí khấu hao thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về khấu hao tài sản cố định. Trường hợp máy móc, thiết bị không đủ điều kiện là tài sản cố định thì thực hiện phân bổ dần vào chi phí nhưng tối đa không quá 2 năm và không quá thời gian thực tế thực hiện giám định.

- Về chi phí vật tư tiêu hao: Được xác định theo định mức vật tư tiêu hao do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định phù hợp với lĩnh vực giám định. Trường hợp chưa có quy định, hướng dẫn về định mức vật tư tiêu hao thì căn cứ các quy định có liên quan và điều kiện sử dụng vật tư phục vụ giám định để xác định mức vật tư tiêu hao.

- Về chi phí sử dụng dịch vụ mua ngoài và chi phí khác (nếu có): Cần căn cứ vào mức phải thanh toán theo hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ thanh toán theo quy định.

Đề nghị các Bộ khẩn trương xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ xác định chi phí giám định tư pháp và hướng dẫn các tổ chức giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý, đồng thời, đây cũng là nội dung cần thiết trong việc triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các Bộ, ngành có đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác giám định tư pháp.

Đề nghị các Bộ nghiên cứu triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TTg Trương Hòa Bình (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tư pháp (để phối hợp);
- Văn Phòng Chính phủ;
- Ban chỉ đạo Đề án 258;
- Cổng thông tin điện tử BTC;
- Lưu: VT, PC (30b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 



1 Khoản 3, Điều 22 quy định: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 17989/BTC-PC năm 2016 thực hiện chi phí giám định tư pháp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 17989/BTC-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/12/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản