Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 215/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2015

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ LẬP DỰ TOÁN, CHẤP HÀNH VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH, ĐỊNH GIÁ, TRIỆU TẬP NGƯỜI LÀM CHỨNG, NGƯỜI PHIÊN DỊCH CỦA CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng;

Căn cứ Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng;

Căn cứ Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động trưng cầu giám định, định giá, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động trưng cầu giám định, định giá, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các cơ quan tiến hành tố tụng;

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giám định, định giá, làm chứng và phiên dịch trong tố tụng.

Điều 2. Nguồn kinh phí chi trả

Cơ quan tiến hành tố tụng nào trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch thì chi trả kinh phí trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch.

Kinh phí thanh toán chi phí giám định, định giá tài sản, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch do cơ quan tiến hành tố tụng chi trả được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm giao cho cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng chi phí giám định, định giá tài sản, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch

Kinh phí ngân sách nhà nước bố trí để thanh toán chi phí giám định, định giá tài sản, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn, chế độ hiện hành; không được sử dụng kinh phí để chi cho nhiệm vụ khác của cơ quan, đơn vị.

Điều 4. Nội dung chi, mức chi, thủ tục tạm ứng, thủ tục thanh toán

Các khoản chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng; thủ tục tạm ứng, thủ tục thanh toán chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, định giá, người làm chứng, người phiên dịch với cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ.

Điều 5. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí

Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện chi trả chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm đặc thù như sau:

1. Lập dự toán:

Hàng năm, căn cứ tình hình chi trả chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch năm trước và ước thực hiện năm hiện hành, yêu cầu triển khai công tác giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch quy định tại Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ; cơ quan tiến hành tố tụng lập dự toán kinh phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan tiến hành tố tụng gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Phân bổ dự toán:

Trên cơ sở kinh phí thực hiện nhiệm vụ giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch đã được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm, các cơ quan tiến hành tố tụng khi phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị dự toán trực thuộc phải xác định rõ số kinh phí dành cho nhiệm vụ giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch quy định tại Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ.

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch của các cơ quan tiến hành tố tụng được phân bổ vào phần kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ.

3. Hồ sơ thanh toán, quyết toán kinh phí chi công tác giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm:

a) Chi phí giám định:

- Văn bản trưng cầu giám định;

- Hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn và phiếu thu tiền của cơ quan giám định.

b) Chi phí định giá:

- Văn bản yêu cầu định giá;

- Hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn và phiếu thu tiền của tổ chức định giá.

c) Chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch:

- Giấy mời hoặc giấy triệu tập người làm chứng, người phiên dịch;

- Bảng kê chi tiết các khoản chi phí của người làm chứng, người phiên dịch kèm theo các hóa đơn, chứng từ có liên quan (vé tàu xe, hóa đơn thuê chỗ nghỉ...).

- Giấy biên nhận tiền giữa đại diện cơ quan tiến hành tố tụng và người làm chứng, người phiên dịch.

4. Đối với việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2014/TT-BTC ngày 18/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/02/2016.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan TW của các Đoàn thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND, HĐND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Huỳnh Quang Hải

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 215/2015/TT-BTC về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động trưng cầu giám định, định giá, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tiến hành tố tụng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 215/2015/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Huỳnh Quang Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 181 đến số 182
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản