Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 23/2009/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 12 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm gây chết người như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch… Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2020 số người chết do thuốc lá gây ra sẽ nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông. Trước những tác hại to lớn của thuốc lá, ngày 14 tháng 8 năm 2000 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP về “Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá” trong giai đoạn 2000 - 2010 và ngày 10 tháng 5 năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/2007/CT- TTg về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngày 21 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1315/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.

Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã thực hiện tốt cuộc vận động không hút thuốc lá và tích cực triển khai Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá, các quy định về cấm hút thuốc, quảng cáo thuốc lá. Tuy nhiên tỷ lệ người dân hút thuốc lá vẫn còn cao, nhất là đối tượng trẻ em và học sinh, sinh viên.

Để nâng cao nhận thức người dân về tác hại thuốc lá đối với sức khỏe và kinh tế của bản thân và gia đình, đảm bảo quyền bảo vệ sức khỏe của những người không hút thuốc lá, đồng thời để thực hiện nếp sống văn hóa lành mạnh nơi công cộng, trường học, bệnh viện, công sở, khu vui chơi giải trí… Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở - Ban - Ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Mặt trận, đoàn thể các cấp tăng cường thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá với các nội dung như sau:

1. Tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá:

- Hàng năm tổ chức mít tinh, hội thảo hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31 tháng 5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá;

- Các sở - ngành, đoàn thể, quận - huyện tham gia kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá của thành phố và xây dựng kế hoạch thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá của ngành mình, đơn vị mình.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về tác hại của thuốc lá dưới nhiều hình thức sinh động, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cơ quan công sở và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, hạn chế tiến tới không sử dụng và mời thuốc lá trong các tiệc cưới, đám tang, lễ hội và trong các cuộc vui của gia đình, bè bạn;

- Thực hiện nghiêm các quy định cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc và nơi công cộng: tại các cuộc họp, tại trụ sở cơ quan, nhà trường, nhà trẻ, các cơ sở y tế, rạp hát, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại những nơi cấm hút thuốc lá, phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá”;

- Tại các nơi công cộng như nhà văn hóa, thư viện, nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng và khu vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường cần bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá;

- Thanh tra các sở - ngành và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá của Chính phủ.

2. Phân công thực hiện:

a) Sở Y tế:

- Chủ trì phối hợp với các sở - ngành, đoàn thể, các quận - huyện để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá; theo dõi việc thực hiện, tổng hợp kết quả và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chủ nhiệm Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia;

- Tổ chức mít tinh, hội thảo, triển lãm về phòng, chống tác hại thuốc lá;

- Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong các cơ sở y tế và xây dựng “bệnh viện không thuốc lá” tiến đến “cơ sở y tế không thuốc lá”;

- Biên soạn và cung cấp các tài liệu truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá và biện pháp cai nghiện thuốc lá cho các sở - ngành, đoàn thể, các quận - huyện để triển khai trong cộng đồng;

- Cùng với Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống tác hại thuốc lá tại cộng đồng và xây dựng các cộng đồng không thuốc lá, khu vực công cộng không thuốc lá.

b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Phối hợp với Sở Y tế hàng năm tổ chức hội thảo, mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31 tháng 5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá;

- Phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, ấp văn hóa không có người hút thuốc; khuyến khích, vận động nhân dân không hút thuốc lá trong các lễ hội, các cuộc vui gia đình, tiệc cưới, đám tang…

c) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các khu dân cư, khu vực công cộng;

- Kiểm tra và xử phạt hành chính đối với những vi phạm quy định về quảng cáo thuốc lá;

- Phối hợp với Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và các Báo xây dựng các phóng sự, bài viết về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, ảnh hưởng của thuốc lá đến kinh tế xã hội; tăng thời lượng phát sóng và đăng tải thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá, phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá và các biện pháp cai nghiện thuốc lá, hạn chế tối đa việc đăng tải các tác phẩm có cảnh hút thuốc lá.

d) Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Phối hợp với Sở Y tế phát động các hội thi tìm hiểu về phòng, chống tác hại thuốc lá, xây dựng các chương trình ngoại khóa về tác hại của thuốc lá cho học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng phòng, chống tác hại thuốc lá;

- Đẩy mạnh cuộc vận động không hút thuốc lá trong trường học, thực hiện “trường học không thuốc lá”. đ) Sở Công Thương:

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh thuốc lá điếu, bán buôn, bán lẻ thuốc lá và quảng cáo khuyến mại thuốc lá;

- Phối hợp lực lượng cảnh sát kinh tế, tăng cường các biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn, mác; tiếp tục tăng cường kiểm tra chống buôn lậu thuốc lá;

- Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về việc bán lẻ thuốc lá và cấm bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi theo đúng Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ;

- Tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất thuốc lá trong việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản xuất thuốc lá điếu;

- Chỉ đạo các doanh nghiệp không được phép đầu tư mở rộng hoặc đầu tư vượt quá tổng năng lực sản xuất thuốc lá điếu hiện tại đã được cấp giấy phép;

- Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra vệ sinh an toàn lao động của công nhân và vệ sinh an toàn của sản phẩm thuốc lá ở các nhà máy sản xuất thuốc lá.

e) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc quản lý đầu tư ngành công nghiệp thuốc lá theo quy định của Chính phủ; chủ động đề xuất các biện pháp xử lý đối với các cơ sở liên doanh hợp tác sản xuất với nước ngoài vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.

g) Công an thành phố:

- Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra chống buôn lậu thuốc lá;

- Xây dựng phong trào toàn dân tự giác tham gia chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ thuốc lá nhập lậu.

h) Sở Tài chính:

Cân đối, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các sở - ngành, địa phương theo chế độ quy định.

i) Ủy ban nhân dân các quận - huyện và phường - xã, thị trấn:

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn quận, huyện;

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá, phát các tin, bài về phòng, chống tác hại thuốc lá, xây dựng các cộng đồng dân cư không thuốc lá, khu vực công cộng không thuốc lá trên hệ thống loa truyền thanh tại các xã - phường, thị trấn;

- Mỗi quận, huyện chọn một phường - xã, thị trấn để chỉ đạo điểm xây dựng cộng đồng không thuốc lá để rút kinh nghiệm nhân rộng trên toàn địa bàn.

k) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành phố phối hợp với ngành y tế thành phố và các cơ quan nhà nước có liên quan vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Mặt trận, đoàn thể các cấp tích cực hưởng ứng thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, từng bước tiến đến xây dựng thành phố văn minh hiện đại không thuốc lá./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/2009/CT-UBND về tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 23/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/12/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Hứa Ngọc Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 09/01/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản