Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/CT/UBBT-VX

Phan Thiết, ngày 8 tháng 7 năm 2002

 

CHỈ THỊ

V/V TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ GIAI ĐOẠN 2002 - 2010 CỦA BỘ Y TẾ

Thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh về hệ hô hấp. Theo số liệu điều tra năm 1997, ước tính 10% dân số ở Việt Nam sẽ chết sớm do các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó 3,7 triệu người sẽ chết ở tuổi trung niên. Dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020 số người chết vì thuốc lá sẽ nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông đường bộ. Thuốc lá không những ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống và làm việc xung quanh. Ngoài tác hại đến sức khoẻ, thuốc lá còn gây ra những tổn thất lớn về kinh tế của từng gia đình và toàn xã hội.

Thấy rỏ tầm quan trọng của công tác phòng chống tác hại của thuốc, ngày 14/8/2000 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết "Chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá" giai đoạn 2000 - 2010.; Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép tổ chức tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 hàng năm; Ngày 12/4/2002, Bộ Y tế ban hành chương trình hành động phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2002 - 2010.

Để thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về "chính sách quốc gia không hút thuốc lá giai" đoạn 2000 - 2010 và "Chương trình hành động phòng, chống tác hại của thuốc lá" giai đoạn 2002 - 2010 của Bộ Y tế, UBND Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể Tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai tổ chức thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2002 - 2010 với các hoạt động cụ thể sau:

1- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, UBND các huyện, thành phố phối hợp với ngành Y tế tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm làm giảm nhu cầu tiêu thu thuốc lá, đặc biệt là các hoạt động trọng tâm như thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và các nội dung về phòng chống tác hại của thuốc lá cho cán bộ, công nhân viên và trong cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá như mít ting hưởng ứng, hội nghị, hội thảo ... ;lồng ghép việc phòng chống tác hại của thuốc lá với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và các hoạt động giáo dục sức khỏe tại địa phương; tổ chức tìm hiểu về tác hại của thuốc lá, đưa ra các quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc, vận động cho người đang hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị mình cam kết không hút thuốc lá, vận động nhân dân tổ chức các đám cưới, đám tang, lễ hội không mời thuốc lá, tiến đến xây dựng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị không có người hút thuốc lá; tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá từ 25 - 31/5 hàng năm.

2- Sở Y tế, Sở Văn hóa -Thông tin, Đài Phát thanh truyền hình, Báo Bình Thuận phối hợp xây dựng các phóng sự, bài viết về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, các phương pháp cai nghiện thuốc lá và ảnh hưởng của thuốc lá đến kinh tế, xã hội, tập trung phát sóng và đăng tải định kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình văn hóa nghệ thuật.

3- Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Thương mại và Du lịch, Chi cục quản lý thị trường Tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành và các ngành chức năng liên quan làm tốt những việc sau:

- Tiến hành xây dựng các biển báo cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng (công viên, khu vui chơi giải trí, các nhà văn hóa, câu lạc bộ thể thao ...) và chỗ giành riêng cho người hút thuốc lá.

- Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện cấm quảng cáo, tiếp thị, tặng quà đối với các sản phẩm thuốc lá, kể cả việc sử dụng hệ thống nhân viên chào hàng, việc in nhãn hiệu và biểu tượng các sản phẩm thuốc lá trên các trang báo và trên các phương tiện vận chuyển trái với quy định về quảng cáo thương mại.

- Tổ chức kiểm tra và giám sát hoạt động sản xuất thuốc lá trong tỉnh và nhập khẩu thuốc lá sản xuất tại nuớc ngoài trên địa bàn tỉnh, việc bán sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá kém phẩm chất hoặc hết thời hạn sử dụng, các sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu không được bảo hộ tại Việt Nam, không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam, không ghi nhãn hoặc không dán tem theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra và giám sát việc in lời cảnh báo về sức khoẻ trên bao bì thuốc lá theo quy định của Bộ Y tế.

- Có kế hoạch kiểm tra các quầy bán lẻ thuốc lá việc thực hiện quy định về không được bán các sản phẩm thuốc lá tại các trường phổ thông, bệnh viện, rạp chiếu phim, rạp biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và có hình thức bắt buộc các chủ tiệm bán thuốc lá phải có bảng đề "không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi".

4- Sở Y tế có kế hoạch  tư vấn cho người bệnh và người nhà của người bệnh về tác hại của thuốc lá và cách cai nghiện thuốc lá; xây dựng chương trình giáo dục về phòng chống tác hại của thuốc lá.

5- ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá, phổ biến các quy định của Nhà nước về việc mua bán các sản phẩm thuốc lá cho thanh thiếu niên; tổ chức ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá và tham gia mua bán thuốc lá trong thanh thiếu niên.

6- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế biên soạn tài liệu về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe để hướng dẫn cho các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với học sinh về tác hại của thuốc lá (ít nhất 2 lần /một năm học), vận động các thầy giáo thực hiện việc không hút thuốc lá trong nhà trường để làm gương cho học sinh; có kế hoạch lồng ghép việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình văn nghệ, các hoạt động thể thao của các trường; đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong học sinh, sinh viên, giáo viên, xây dựng trường học không có thuốc lá.

7- Hàng năm, Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy định của Chính phủ về việc không sử dụng thuốc lá tiếp khách, không hút thuốc lá tại nơi làm việc và những nơi đông người, đánh giá tình hình hút thuốc của cán bộ, công nhân viên, qua đó có biện pháp tích cực vận động cán bộ, công nhân viên và nhân dân thực hiện tốt chính sách Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2000 - 2010.

8- Sở Y tế có trách nhiệm giúp UBND Tỉnh theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.Sáu tháng một lần, Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, UBND các huyện, thành phố phải có văn bản báo cáo UBND Tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này (qua Sở Y tế để tổng hợp gửi về UBND Tỉnh).

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c ) 
- TT Tỉnh ủy (b/c) 
- TT HĐND Tỉnh (b/c)
-Các Sở, Ban, Ngành
 Đoàn thể Tỉnh.
- UBND các huyện, thành phố
- Các Ban của Đảng
- Đ/C Hồ Dũng Nhật
- Lưu VP, VX

KT. CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Dũng Nhật

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 33/CT/UBBT-VX năm 2002 về tổ chức thực hiện chương trình hành động phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2002 - 2010 của Bộ Y tế do Tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 33/CT/UBBT-VX
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/07/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Hồ Dũng Nhật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản