Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-CTUBND

Hưng Yên, ngày 25 tháng 4 năm 2020

 

CHỈ THỊ

THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Sau 3 tuần triển khai thực hiện giãn cách toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hưng Yên đã triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các biện pháp, hoạt động kiểm soát, phát hiện, khoanh vùng, ngăn chặn, cách ly, dập dịch ngay từ cơ sở thôn, tổ dân phố, chợ, trung tâm thương mại, các tòa nhà chung cư… đạt được kết quả tích cực trong công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát tốt tình hình dịch, bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, được cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân đồng tỉnh ủng hộ, nghiêm túc thực hiện và tin tưởng vào khả năng phòng, chống dịch của Đảng, chính quyền.

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn mới, lâu dài, căn cơ cùng với thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cả hệ thống chính trị và mọi người dân đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, kiên định nguyên tắc phòng, chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, phương châm “4 tại chỗ”, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được thỏa mãn, lơ là, chủ quan; mục tiêu, nhiệm vụ hiện nay là ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, vừa đảm bảo giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, bền vững.

2. Dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục nhanh các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là các điểm nóng, có nguy cơ cao, cụ thể:

a) Người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tạo thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 01 mét khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; người có dấu hiệu ốm, ho, sốt, đau họng nên ở nhà, không đến công sở, cơ quan, trường học và nơi công cộng, phải liên hệ ngay với bệnh viện, cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị và theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ.

b) Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, các hoạt động văn hóa, thể thao, các sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, ở sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

c) Tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: Khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, gội đầu, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, game internet, phòng tập gym...

d) Cho phép hoạt động trở lại các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ như: Siêu thị, chợ bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, khu tập luyện thể thao ngoài trời, khu di tích, danh lam thắng cảnh, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như trang bị phòng hộ cho nhân viên, tổ chức đo thân nhiệt khách đến, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc; cơ sở dịch vụ ăn uống bố trí khách ngồi một chiều, không ngồi đối diện tại bàn ăn, khuyến cáo mọi người nên mua đồ ăn mang về nhà, hạn chế ăn tại quán và giảm 50% số bàn, ghế ngồi trong các phòng ăn, uống so với bố trí trước khi có dịch; đối với cửa hiệu cắt tóc, thợ và khách phải thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn trước và sau khi cắt tóc.

đ) Hoạt động vận tải hành khách công cộng nội tỉnh được hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như: Số khách trên phương tiện không quá 50% số ghế, giữ khoảng cách giữa các hành khách; hành khách và lái xe phải thường xuyên đeo khẩu trang; bố trí đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn; bố trí khách lên xuống một chiều.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh thực hiện theo Công văn số 3864/BGTVT-VT ngày 22/4/2020 của Bộ Giao thông vận tải (Xe tuyến cố định hoạt động tối đa đến 50% theo biểu đồ, tối thiểu không nhỏ hơn 01 chuyến/tuyến; xe hợp đồng du lịch hoạt động tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải, tối thiểu không nhỏ hơn 01 xe/đơn vị kinh doanh vận tải; bến khách ngang sông trên sông Hồng, sông Luộc hoạt động tối đa đến 50% số chuyến trên một ngày. Chủ các phương tiện yêu cầu hành khách thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ngồi tối thiểu 1m và bố trí rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi lên phương tiện.

e) Học sinh từ lớp 5 trở lên đi học trở lại từ ngày 27/4/2020; học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 đi học từ ngày 4/5/2020; trẻ em mầm non 5 tuổi đi học từ ngày 11/5/2020; các nhóm lớp mầm non còn lại căn cứ tình hình dịch bệnh sẽ có thông báo sau. Các trường phải thực hiện đúng Hướng dẫn số 1398/BGDĐT- GDTC ngày 23/4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chia ca, chia lớp, giảm, giãn số học sinh trong phòng học, đảm bảo không quá 30 học sinh/phòng học; bố trí lệch chỗ ngồi để đảm bảo khoảng cách an toàn; các hoạt động sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người theo quy định; tạm thời chưa bố trí ăn bán trú; bố trí đo thân nhiệt cho học sinh khi đến lớp, thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh; thực hiện khử trùng, tổng vệ sinh trường lớp trước khi học sinh đến trường và định kỳ trong thời gian tổ chức dạy học; tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả việc học trực tuyến, học qua truyền hình.

g) Các công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và có các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

h) Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc ăn mừng.

i) Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định.

k) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp, các chợ, siêu thị, nhà ở chung cư chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan đơn vị phù hợp; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích làm việc tại nhà, trực tuyến, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương các chợ, siêu thị, khu nhà ở chung cư quản lý.

3. Các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu nhà ở chung cư, chợ, siêu thị, trường học trên địa bàn; xử lý (hoặc kiến nghị xử lý) nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; đồng thời tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự.

4. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh xác định phạm vi khu vực nguy cơ cao trên địa bàn để áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm việc phát hiện ngay, kịp thời, đầy đủ người có nguy cơ như: Người đi về từ vùng có dịch trong và ngoài nước; người sau khi thực hiện cách ly tập trung; người sau khi điều trị khỏi bệnh dịch tại bệnh viện trở về địa phương để tổ chức theo dõi thu dung, điều trị, khoanh vùng, cách ly, dập dịch ngay theo quy định, đảm bảo chặt chẽ, kịp thời không bỏ sót đối tượng.

c) Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng xét nghiệm, chất lượng khám, chữa bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế; tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn đối với cán bộ y tế, người tham gia phòng, chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, các đối tượng yếu thế.

d) Hướng dẫn công tác phòng, chống dịch cho các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức; hướng dẫn phòng, chống dịch tại nhà ăn, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận tải theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, bộ, ngành trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh, an toàn thực phẩm.

đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên, đột xuất tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhất là các cơ sở sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

5. Công an tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đơn vị trực thuộc, lực lượng công an địa phương, cơ sở tiếp tục rà soát, nắm tình hình nhanh, kịp thời, đầy đủ người nhập cảnh, người từ ngước ngoài, người từ vùng dịch, người sau khi thực hiện cách ly tập trung, người sau khi điều trị khỏi dịch bệnh về Hưng Yên để kịp thời phối hợp với lực lượng y tế tổ chức cách ly, khai báo y tế, theo dõi sức khỏe; thực hiện kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh; nắm chặt chẽ di biến động dân cư trên địa bàn, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh, thông qua Sở Y tế;

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại đảm bảo truyệt đối an toàn;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đề xuất UBND tỉnh việc điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021 phù hợp quy định và điều kiện thực tế của tỉnh, kế hoạch thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2019-2020 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Các sở: Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan:

a) Tập trung, khẩn trương thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, hàng hóa, nhất là các hàng hóa có lợi thế và tiềm năng phát triển để triển khai ngay các hoạt động sản xuất, dịch vụ cung ứng sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác hàng hóa để tuyên truyền quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu thị trường; chuẩn bị cho việc tiêu thụ vụ vải, nhãn và cây ăn quả chủ lực sắp thu hoạch của tỉnh đạt hiệu quả cao.

b) Tiếp tục rà soát, bảo đảm nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu.

c) Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng, bảo đảm đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống; từng bước mở lại hoạt động tham quan, du lịch nội địa.

d) Chủ động nghiên cứu, xây dựng ngay phương án khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, các hoạt động đầu tư công bảo đảm nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch.

8. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, làm việc, học trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.

9. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức tốt việc cách ly, cải thiện điều kiện sinh hoạt tại các cơ sở cách ly tập trung.

10. UBND huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, công trường xây dựng, tăng cường việc bảo hộ an toàn đối với công nhân, người lao động; quan tâm đến đời sống các đối tượng yếu thế trên địa bàn. Chỉ đạo các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong tình hình dịch, phương án cung cấp thực phẩm tại các khu vực tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

b) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc, UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, lập danh sách đối tượng người có công, bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo hướng dẫn của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; thẩm định chặt chẽ, phê duyệt danh sách đúng quy định; báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) trước ngày 28/4/2020.

c) Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm về công tác chỉ đạo, kiểm tra đúng quy định việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp, khu đô thị, chợ, chung cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trường học trên địa bàn. Các doanh nghiệp chỉ được tiếp tục hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

11. Chủ tịch UBND, Trưởng Công an cấp xã chịu trách nhiệm trong việc quản lý chặt chẽ di biến động dân cư trên địa bàn, kiểm soát triệt để người từ nơi khác, từ nước ngoài, đặc biệt người từ vùng dịch về địa phương; phải kịp thời phát hiện, không để người từ vùng dịch về địa bàn gây lây lan bệnh dịch.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động Nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch; tiếp tục phát động và đẩy mạnh công tác xã hội hóa ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh đến các đối tượng thụ hưởng trong thời gian sớm nhất, đúng quy định, không được để tiêu cực, trục lợi chính sách.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện và phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để chỉ đạo./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phóng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-CTUBND năm 2020 về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 12/CT-CTUBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/04/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Phóng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản