Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2006/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 17 tháng 4 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2006

Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển Bình Dương thành một đô thị văn minh, hiện đại, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh luôn được quan tâm thông qua các chính sách và hành động cụ thể. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, công tác bảo vệ môi trường cần phải được thực hiện thường xuyên, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và toàn thể các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 41-NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/02/2005. Các văn bản trên bao gồm: Chỉ thị số 50- CT/TU ngày 16/09/2005 của Tỉnh ủy Bình Dương, Chương trình hành động của UBND tỉnh Bình Dương ban hành kèm Quyết định số 236/2005/QĐ-UBND ngày 03/11/2005 của UBND tỉnh Bình Dương. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường cho chính mình, Bình Dương còn có vị trí quan trọng là tỉnh nằm trên lưu vực hai sông Đồng Nai, Sài Gòn - nguồn cung cấp nước quan trọng cho khu vực. UBND tỉnh cũng đã ký cam kết với 12 tỉnh trong khu vực để thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Từ những yêu cầu nêu trên, đặc biệt là khi Luật Bảo vệ môi trường (2005) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2006, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt một số công tác trọng tâm trong năm 2006 như sau :

1. Sở Công nghiệp, UBND các huyện, thị xã phải tập trung thực hiện tốt công tác di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ lên khu quy hoạch Cụm công nghiệp Đất Cuốc theo đúng thời gian và kế hoạch quy định; lập danh sách và có kế hoạch thông báo cho các cơ sở gạch, ngói thủ công chấm dứt hoạt động theo quy định tại Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/07/2000 của Bộ Xây dựng.

2. UBND thị xã Thủ Dầu Một phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương khẩn trương di dời bãi rác Hiệp Thành ra khỏi khu vực trung tâm thị xã đến địa điểm mới tại xã Định Hòa ngay trong năm 2006 nhằm đảm bảo thực hiện tốt theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/04/2003.

3. Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, UBND các huyện, thị xã khi xem xét các dự án đầu tư cần khuyến khích các đơn vị đầu tư sản xuất vào các khu công nghiệp hoặc các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý chất thải.

4. Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Công nghiệp, UBND các huyện, thị xã quy định các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường chỉ được phép đầu tư tại một số địa bàn, vị trí cụ thể để phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm môi trường ngay từ khi cấp phép đầu tư, thời gian thông quan UBND tỉnh trong tháng 06/2006.

5. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã xây dựng hệ thống tổ chức thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn trình UBND tỉnh trong quý 3/2006, đề xuất giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

6. Sở Tài nguyên - Môi trường :

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2010 trong quý 2/2006 và tổ chức thực hiện.

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã lập kế hoạch điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, để từ đó lập “sách xanh” tuyên dương các đơn vị thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, lập “sách đen” các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để có kế hoạch xử lý dứt điểm các cơ sở này.

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các đơn vị gây ô nhiễm môi trường, các đơn vị hoạt động không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, thực hiện không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.

- Phối hợp với Sở Xây dựng chỉ cấp giấy phép hoàn công đối với các đơn vị đã xây dựng và được nghiệm thu các công trình về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

- Phối hợp cùng Sở Tài chính để điều chỉnh kinh phí bảo vệ môi trường, nâng dần kinh phí bảo vệ môi trường đạt trên 1% tổng chi ngân sách của tỉnh cho mục chi về sự nghiệp bảo vệ môi trường theo Chương trình hành động của Chính phủ. Riêng kinh phí sự nghiệp môi trường bổ sung 6 tháng cuối năm 2006 Sở Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm tổng hợp từ các ngành, các huyện, thị xã trình UBND tỉnh trước ngày 15/05/2006 để kịp trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua kinh phí bổ sung trong 6 tháng cuối năm 2006, theo Công văn số 5267/BTNMT-MT ngày 22/12/2005 của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh trong quý 3/2006, phối hợp cùng Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh thành lập Trung tâm quan trắc môi trường trong năm 2006 và bổ sung các thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra, bảo vệ môi trường cho Sở Tài nguyên - Môi trường và các huyện, thị xã.

- Phối hợp cùng Sở Tư pháp xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành quy định bảo vệ môi trường của tỉnh trong quý 3/2006, trong đó cần làm rõ quy chế phối hợp, phân công, phân cấp nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các sở ngành và địa phương. Phối hợp cùng Sở Nội vụ để tăng cường bộ máy biên chế làm công tác bảo vệ môi trường cho Sở Tài nguyên - Môi trường và phòng Tài nguyên - Môi trường các huyện, thị xã đủ để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ quy định của Luật Bảo vệ môi trường (2005).

7. Sở Y tế xây dựng kế hoạch xử lý chất thải rắn y tế toàn tỉnh ngay trong năm 2006, phấn đấu đến hết năm 2007: 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, huyện, thị xã phải có hệ thống xử lý chất thải rắn, đến năm 2010: 100% chất thải rắn của các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn, tư nhân được thu gom xử lý.

8. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Dương cần tăng thời lượng và có chuyên mục phát sóng nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân về công tác bảo vệ môi trường, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo cho các địa phương phát thanh các chương trình bảo vệ môi trường và tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Ngoài các nội dung cần tập trung trong năm 2006, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp phải tập trung cụ thể hóa chương trình hành động của ngành mình, địa phương mình nhằm thực hiện tốt các yêu cầu trong Chương trình hành động của UBND tỉnh Bình Dương thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, coi đây là một trong những nhiệm vụ nhằm đánh giá mức độ hoàn thành công việc của UBND tỉnh giao trong báo cáo đánh giá cuối năm của đơn vị, địa phương mình.

Trên đây là một số nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh Bình Dương về công tác bảo vệ môi trường trong năm 2006, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện chỉ thị này từ ngày ký.

Giao Sở Tài nguyên - Môi trường theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
 KT. CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Kim Vân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2006/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ môi trường năm 2006 do Tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 12/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/04/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thị Kim Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản