Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2014/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 08 tháng 04 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh thì vấn đề ô nhiễm môi trường cũng có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT); ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một bộ phận dân cư, cơ quan, tổ chức, các đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa cao; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn chỉnh; một số hành vi vi phạm có mức độ tinh vi, gây khó khăn cho hoạt động quản lý và công tác phát hiện, xử lý theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai các quy định pháp luật về BVMT, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện ô nhiễm nguồn nước, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, chất lượng môi trường tại một số nơi vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực.
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị có liên quan
a) Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về BVMT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư (khóa X), Luật Bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT và các văn bản hướng dẫn tới cán bộ, đảng viên, trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nhất là trong cộng đồng dân cư; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVMT cấp huyện, cấp xã.
b) Biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến về BVMT. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Công bố công khai những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đặc biệt là tăng cường công tác hậu kiểm; rà soát, nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường đối với các dự án ngay từ giai đoạn thi công xây dựng, nhằm tăng cường kiểm soát các biện pháp kỹ thuật đối với các dự án trước khi đi vào vận hành.
b) Tổ chức quản lý, giám sát việc đăng ký và thực hiện thu gom, xử lý chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải nguy hại thuộc phạm trên toàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ trên nền GIS đối với các cơ sở có chất thải nguy hại để phục vụ công tác quản lý hiệu quả; quản lý chặt chẽ việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận chủ nguồn thải nguy hại.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các đoàn thể, cơ quan báo, đài và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
d) Chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2020;
đ) Chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Ban Quản lý (BQL) các Khu công nghiệp tỉnh, BQL Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
e) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc xã hội hóa trong công tác BVMT, nhất là lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại.
g) Chủ trì, phối hợp với sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư, và các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường; có kế hoạch trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị kiểm tra, đo đạc môi trường cho Trạm quan trắc và Phân tích môi trường đủ điều kiện nâng cấp thành Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường trong thời gian tới.
3. BQL các Khu Công nghiệp tỉnh, BQL Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô
a) Chỉ đạo Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp, các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo đấu nối 100% các cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xử lý nước thải đạt QCVN trước khi thải ra môi trường; thường xuyên phổ biến pháp luật về BVMT cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, trong đó chú trọng phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong phạm vi quản lý. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hoàn thiện tổ chức, bộ phận chuyên môn về BVMT theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính Phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về BVMT tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
4. Sở Y tế
a) Tăng cường kiểm tra việc đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ cải tạo hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường và công an tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý nước thải y tế, chất thải y tế nguy hại.
b) Tổ chức thanh, kiểm tra, kiến nghị với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để có kế hoạch xúc tiến nhanh việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế của các cơ sở y tế trực thuộc Trung ương quản lý.
5. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương xây dựng quy chế cụ thể để quản lý các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
6. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với sở Tài nguyên Môi trường, BQL Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành quy định pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm môi trường.
7. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải. Khuyến khích ứng dụng công nghệ xanh, sạch thân thiện với môi trường; áp dụng công nghệ phù hợp để xử lý rác thải nông thôn, khuyến khích tái sử dụng chất thải thông qua hệ sinh thái tự nhiên hoặc bằng công nghệ sinh học; tăng cường quản lý an toàn sinh học.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về công nghệ sạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế, chính sách, pháp luật công nghệ sạch. Tăng cường quản lý việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch đối với các ngành công nghiệp trọng điểm sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường.
8. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, BQL các khu công nghiệp tỉnh, BQL Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế để kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức quản lý nhà nước về BVMT từ cấp tỉnh đến huyện; quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan.
9. Sở Tài chính
a) Phối hợp với sở Tài nguyên Môi trường đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phân định các nhiệm vụ chi về BVMT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để tăng cường nguồn lực BVMT, phân bố kinh phí sự nghiệp môi trường theo quy định, đảm bảo sử dụng hiệu quả.
b) Chủ trì, phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành sớm xây dựng đơn giá, định mức, cơ chế chính sách hỗ trợ trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đến Nhà máy xử lý rác/Bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Đảm bảo cân đối, chi đủ, đúng mục chi và sử dụng hiệu quả việc phân bổ, quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh; trong năm 2014 và những năm tiếp theo ưu tiên sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho xây dựng các bãi rác thải hợp vệ sinh, xây dựng mạng lưới quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường 05 năm theo Luật Bảo vệ Môi trường, vận chuyển xử lý các bãi rác tồn đọng, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế và các cơ sở dịch vụ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
c) Hàng năm khi xây dựng kế hoạch phải đảm bảo bố trí ngân sách không dưới 1% tổng chi ngân sách hàng năm của tỉnh cho sự nghiệp BVMT.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tăng cường công tác giám sát thực hiện nội dung xác nhận cam kết BVMT, rà soát, nâng cao chất lượng thẩm định và xác nhận cam kết BVMT trên địa bàn thuộc thẩm quyền của huyện, thị xã và thành phố Huế, đảm bảo ngăn chặn và phòng ngừa ô nhiễm, theo đúng quy định của pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng cảnh sát Phòng chống tội phạm Môi trường tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường theo thẩm quyền.
c) Chủ động phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan đẩy mạnh đầu tư xây dựng các mô hình xử lý chất thải hợp vệ sinh có quy mô phù hợp; thành lập các tổ đội vệ sinh môi trường tự quản tiến tới thành lập các hợp tác xã dịch vụ môi trường xử lý rác thải dọc các quốc lộ, tỉnh lộ, các khu vực công cộng, các cụm, dân cư tập trung; Phát triển các hình thức dịch vụ môi trường; xây dựng và phát triển lực lượng tình nguyện viên bảo vệ môi trường cấp phường, xã.
d) UBND huyện Phú Lộc, thị xã Hương Trà và thành phố Huế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc xử lý 03 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Vôi hàu Lăng Cô, Gạch ngói Hương Vinh, Hương Toàn, Đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân) để đưa ra khỏi Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ đúng quy định.
đ) Tổ chức vận động nhân dân xây dựng Hương ước, cam kết BVMT trong cộng đồng dân cư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về BVMT; triển khai nhân rộng mô hình điểm, mô hình tiên tiến về BVMT.
11. Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo, Đài phát thanh và truyền hình, Đài truyền thanh
Tiếp tục tăng cường chương trình truyền thông về công tác bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu (Đài truyền hình Việt Nam tại Huế - HVTV, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế -TRT; Báo Thừa Thiên Huế; Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố Huế...) để phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình tốt trong công tác BVMT, công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
12. Tổ chức thực hiện
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị theo phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình.
b) Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2009 về giải pháp cấp bách tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hoá, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 2Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2013 về vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 3Quyết định 1279/QĐ-UBND năm 2013 về Quy định mức chi cụ thể hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường các huyện thành phố, trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 4Chỉ thị 05/CT-UB năm 1996 về tăng cường thực hiện Luật Bảo vệ môi trường do tỉnh Bến Tre ban hành
- 5Chỉ thị 12/2006/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ môi trường năm 2006 do Tỉnh Bình Dương ban hành
- 6Chỉ thị 22/2005/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ môi trường do tỉnh Bến Tre ban hành
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Nghị định 81/2007/NĐ-CP về tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước
- 3Quyết định 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 29-CT/TW năm 2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) do Ban Bí thư Trung ương ban hành
- 5Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2009 về giải pháp cấp bách tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hoá, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 6Quyết định 08/2013/QĐ-UBND về Quy định phân định nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 7Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2013 vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 1788/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2013 về vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 10Quyết định 1279/QĐ-UBND năm 2013 về Quy định mức chi cụ thể hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường các huyện thành phố, trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 11Chỉ thị 05/CT-UB năm 1996 về tăng cường thực hiện Luật Bảo vệ môi trường do tỉnh Bến Tre ban hành
- 12Chỉ thị 12/2006/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ môi trường năm 2006 do Tỉnh Bình Dương ban hành
- 13Chỉ thị 22/2005/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ môi trường do tỉnh Bến Tre ban hành
Chỉ thị 16/2014/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- Số hiệu: 16/2014/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/04/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Phan Ngọc Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra