Hệ thống pháp luật

BỘ CHÍNH TRỊ
******

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
********

SỐ 41-NQ/TW

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2004

NGHỊ QUYẾT

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ SỐ 41-NQ/TW NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2004 VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

I- TÌNH HÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, thể chế từng bước được xây dựng và hoàn thiện, phục vụ ngày càng có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường. Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Những kết quả đó đã tạo tiền đề tốt cho công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, môi trường nước ta vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh, có nơi, có lúc đã đến mức báo động: đất đai bị xói mòn, thoái hoá; chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh; không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng; tài nguyên thiên nhiên trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, không có quy hoạch; đa dạng sinh học bị đe doạ nghiêm trọng; điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không bảo đảm. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng dân số trong khi mật độ dân số đã quá cao, tình trạng đói nghèo chưa được khắc phục tại một số vùng nông thôn, miền núi, các thảm hoạ do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang tăng, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường, đặt công tác bảo vệ môi trường trước những thách thức gay gắt.

Những yếu kém, khuyết điểm trong công tác bảo vệ môi trường do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là do chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chưa biến nhận thức, trách nhiệm thành hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành và từng người cho việc bảo vệ môi trường; chưa bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thường chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế mà ít quan tâm việc bảo vệ môi trường; nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường của nhà nước, của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư rất hạn chế; công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều yếu kém, phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng; việc thi hành pháp luật chưa nghiêm.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng thông qua đã khẳng định quan điểm phát triển đất nước là "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường".

Để giải quyết các vấn đề về môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo quan điểm nêu trên, cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đặc biệt trong tổ chức, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong toàn Đảng và toàn xã hội.

II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

A- QUAN ĐIỂM

1- Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

2- Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

3- Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của cha ông ta.

4- Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống.

5- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

B- MỤC TIÊU

1- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

2- Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường.

3- Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

C- NHIỆM VỤ

1- Các nhiệm vụ chung

a) Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường

Bảo đảm yêu cầu về môi trường ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt các qui hoạch, dự án đầu tư; không cho đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Kiểm soát chặt chẽ việc gia tăng dân số cơ học, hình thành hệ thống các đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực về dân số, giao thông, môi trường lên các thành phố lớn. Tập trung bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm; chủ động phòng tránh thiên tai; hạn chế và khắc phục xói lở ven biển và dọc các sông phù hợp với quy luật của tự nhiên; quan tâm bảo vệ môi trường biển.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn; chú trọng quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ y tế, nghiên cứu khoa học. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Chú trọng bảo vệ môi trường không khí, đặc biệt là ở các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Tích cực góp phần hạn chế tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế. Từng bước áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng do mình sản xuất, nhập khẩu.

b) Khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái

Ưu tiên phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hệ sinh thái đã bị suy thoái nặng.

Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các khu dân cư do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Từng bước khắc phục các khu vực bị nhiễm độc do hậu quả chất độc hoá học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

c) Điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học

Chủ động tổ chức điều tra cơ bản để sớm có đánh giá toàn diện và cụ thể về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và về tính đa dạng sinh học ở nước ta.

Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng và thực hiện các hình thức khoán thích hợp cho cá nhân, hộ gia đình, tập thể bảo vệ và phát triển rừng.

Bảo vệ các loài động vật hoang dã, các giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng; ngăn chặn sự xâm hại của các sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường. Bảo vệ và chống thất thoát các nguồn gen bản địa quý hiếm.

Việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và phải gắn với bảo vệ môi trường trước mắt và lâu dài.

d) Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường

Hình thành cho được ý thức giữ gìn vệ sinh chung, xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen, nếp sống không văn minh, không hợp vệ sinh, các hủ tục trong mai táng.

Xây dựng công sở, xí nghiệp, gia đình, làng bản, khu phố sạch, đẹp đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường.

Đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân.

Quan tâm bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường. Thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

đ) Đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế

Xây dựng và hoàn thiện chính sách và tiêu chuẩn môi trường phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngăn chặn việc lợi dụng rào cản môi trường trong xuất khẩu hàng hoá làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh. Hình thành các cơ chế công nhận, chứng nhận phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường.

Tăng cường năng lực kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi chuyển chất thải, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta.

2- Nhiệm vụ cụ thể

a) Đối với vùng đô thị và vùng ven đô thị

- Chấm dứt nạn đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh, rạch, ao, hồ; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường các lưu vực sông, trước hết là đối với sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Hương, sông Hàn:

- Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp;

- Xử l?ý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời đối với những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư nhưng không có giải pháp khắc phục có hiệu quả;

- Hạn chế hợp lý mức độ gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân, quy định và thực hiện các biện pháp giảm khí độc, khói, bụi thải từ các phương tiện giao thông và trong thi công xây dựng công trình;

- Khắc phục tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng bằng cách bảo đảm các điều kiện về nơi vệ sinh, phương tiện đựng rác ở những nơi đông người qua lại và xử l?ý nghiêm các hành vi vi phạm;

- Tăng lượng cây xanh dọc các tuyến phố và các công viên, hình thành các thảm cây xanh trong đô thị và vành đai xanh xung quanh đô thị;

- Trong công tác quy hoạch, xây dựng các khu đô thị mới hoặc chỉnh trang đô thị với quy mô lớn, cần chú ?ý bố trí diện tích đất hợp lý cho các nhu cầu về cảnh quan môi trường và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho công tác bảo vệ môi trường.

b) Đối với vùng nông thôn

- Hạn chế sử dụng hoá chất trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; thu gom và xử l?ý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hoá chất sau khi sử dụng;

- Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, đặc biệt là đối với các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; hạn chế đến mức thấp nhất việc mở đường giao thông và các hoạt động gây tổn hại đến tài nguyên rừng; đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc và khôi phục rừng ngập mặn; phát triển kỹ thuật canh tác trên đất dốc có lợi cho bảo vệ độ màu mỡ của đất, ngăn chặn tình trạng thoái hoá đất và sa mạc hoá đất đai;

- Nghiêm cấm triệt để việc săn bắt chim, thú trong danh mục cần bảo vệ; ngăn chặn nạn sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ, hải sản; quy hoạch phát triển các khu bảo tồn biển và bảo tồn đất ngập nước;

- Phát triển các hình thức cung cấp nước sạch nhằm giải quyết cơ bản nước sinh hoạt cho nhân dân ở tất cả các vùng nông thôn trong cả nước; bảo vệ chất lượng các nguồn nước, đặc biệt chú ý khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm;

- Khắc phục cơ bản nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các cơ sở công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp đi đôi với hình thành các cụm công nghiệp bảo đảm các điều kiện về xử lý môi trường; chủ động có kế hoạch thu gom và xử lý khối lượng rác thải đang ngày càng tăng lên;

- Hình thành nếp sống hợp vệ sinh gắn với việc khôi phục phong trào xây dựng “ba công trình vệ sinh” của từng hộ gia đình phù hợp với tình hình thực tế; chú ý khắc phục tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng đang diễn ra tại nhiều vùng ven biển;

- Trong quá trình đô thị hoá nông thôn, quy hoạch xây dựng các cụm, điểm dân cư nông thôn phải hết sức coi trọng ngay từ đầu yêu cầu bảo vệ môi trường.

III- CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường

Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật và các thông tin về môi trường và phát triển bền vững cho mọi người, đặc biệt là trong thanh niên, thiếu niên; đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình, sách giáo khoa của hệ thống giáo dục quốc dân, tăng dần thời lượng và tiến tới hình thành môn học chính khoá đối với các cấp học phổ thông.

Tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường đi đôi với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm, đúng mức mọi vi phạm.

Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về môi trường để đánh giá mức độ bảo vệ môi trường của từng xí nghiệp, cơ quan, gia đình, làng bản, khu phố, tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên.

Khôi phục và phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó với môi trường.

2- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, trước mắt sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường.

Tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp. Xây dựng và phát triển các cơ chế giải quyết vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng. Chú trọng xây dựng năng lực ứng phó sự cố môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; quy định và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Sớm xây dựng, ban hành quy định giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.

3- Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường

Xác định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của Nhà nước, cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đặc biệt đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và dịch vụ.

Tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

Chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư.

Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường để khen thưởng, phổ biến, nhân rộng; duy trì và phát triển giải thưởng môi trường hàng năm. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và vào tiêu chuẩn xét khen thưởng.

4- áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường

Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường. Từng bước thực hiện việc thu phí, ký quỹ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường.

áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

Khuyến khích áp dụng các cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý chất thải phù hợp với cơ chế thị trường.

5- Tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư bảo vệ môi trường

Đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho môi trường. Riêng ngân sách nhà nước cần có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm đến năm 2006 đạt mức chi không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường.

Khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư bảo vệ môi trường, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho bảo vệ môi trường; tăng tỷ lệ đầu tư cho bảo vệ môi trường trong nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

6- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường

Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học phục vụ công tác hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững.

Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường.

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Xây dựng đồng bộ và nâng cao năng lực các cơ quan nghiên cứu phát triển về môi trường. Hiện đại hoá trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá về bảo vệ môi trường.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về môi trường. Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ môi trường tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu.

7- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường

Tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực về môi trường; thực hiện đầy đủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, các cam kết quốc tế, chương trình, dự án song phương và đa phương về bảo vệ môi trường phù hợp với lợi ích quốc gia.

Hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường liên quốc gia.

Nâng cao vị thế của nước ta trên các diễn đàn khu vực và toàn cầu về môi trường.

Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Ban cán sự đảng Chính phủ đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, đưa mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường, tăng cường giám sát việc thực hiện.

- Các tỉnh uỷ, thành uỷ và các cấp uỷ đảng địa phương tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết và trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường ở địa phương mình.

- Ban cán sự đảng các bộ, ngành có trách nhiệm đưa công tác bảo vệ môi trường vào chương trình hoạt động của ngành; hàng năm tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Nghị quyết, đưa công tác bảo vệ môi trường vào nội dung hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể.

- Ban cán sự đảng các Tổng Công ty, các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp phải nắm vững mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

- Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường với các hình thức phong phú, hấp dẫn.

- Ban Khoa giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Bộ Chính trị ban hành

  • Số hiệu: 41-NQ/TW
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 15/11/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Chính trị
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản