Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2010/CT-UBND

Vinh, ngày 24 tháng 6 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước; lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội được đảm bảo, góp phần đáng kể vào việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Tổ chức bộ máy cơ quan Thi hành án dân sự từng bước được kiện toàn. Trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên và cán bộ thi hành án đã dần được nâng lên.

Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự chuyển biến mạnh mẽ. Án tồn đọng hàng năm vẫn còn nhiều. Đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tuy đã giảm mạnh nhưng có lúc, có nơi vẫn chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Lực lượng cán bộ thi hành án còn mỏng so với khối lượng vụ việc phải thi hành hàng năm. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong hoạt động thi hành án dân sự hiệu quả chưa cao.

Ngày 14 tháng 11 năm 2008, Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Cục Thi hành án dân sự tỉnh

a) Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện.

Phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy hoàn thành việc quy hoạch và bổ nhiệm Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng cho 20 đơn vị cấp huyện. Tiến hành các thủ tục để bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp, đặc biệt là đối với 6 huyện miền núi cao để tăng cường lực lượng chấp hành viên, tập trung đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự.

Tuyển dụng đủ biên chế được giao. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ nguồn trong quy hoạch từ năm 2010 - 2015;

b) Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh tổ chức tổng rà soát, xác minh, phân loại, làm rõ thực trạng số việc phải thi hành ngay từ đầu năm. Có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ thi hành án. Tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thi hành nghiêm và dứt điểm những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung thi hành xong số việc có điều kiện thi hành; ra quyết định xử lý chính xác loại việc chưa có điều kiện thi hành. Kịp thời phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự. Phấn đấu hàng năm thi hành xong đạt từ 90% trở lên về việc, 70% trở lên về tiền và giảm cơ bản số vụ việc tồn đọng;

c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật ngay trong quá trình thi hành án, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ thi hành án gắn với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

2. Sở Tư pháp

a) Tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân trong việc thi hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

b) Thực hiện chức năng theo dõi thi hành pháp luật, trong đó có hoạt động thi hành án dân sự; chỉ đạo phòng Tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tăng cường phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

3. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo cơ quan công an các cấp tăng cường phối hợp với cơ quan thi hành án trong hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định tại Quyết định số 1501/2008/QĐ-BCA ngày 16/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy trình hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc công an nhân dân;

b) Chỉ đạo cơ quan điều tra thực hiện tốt việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời về phong tỏa tài sản trong các vụ án kinh tế, các vụ án mà đối tượng phạm tội phải bồi thường, bồi hoàn để hạn chế việc tẩu tán tài sản bảo đảm cho giai đoạn thi hành án; thực hiện việc chuyển giao đầy đủ, kịp thời vật chứng và các tài liệu liên quan cho cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật;

c) Chỉ đạo phòng Cảnh sát giao thông phối hợp kịp thời với Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án trong việc ngăn chặn tình trạng chuyển dịch tài sản là các phương tiện giao thông để bảo đảm thi hành án;

d) Chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thu các khoản tiền, tài sản để thi hành án và làm căn cứ xét miễn, giảm hình phạt tù khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tài chính

a) Thực hiện và hướng dẫn các phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc giao nhận vật chứng bị tuyên tịch thu xung công quỹ nhà nước; tham gia Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản. Tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Thông tư liên tịch số 04/2009/BTP-BTC ngày 15/10/2009 về hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án;

b) Tham mưu UBND tỉnh quyết định cấp kinh phí hoạt động hàng năm cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh; đề xuất biện pháp hỗ trợ tài chính để thi hành án cho các đối tượng là cơ quan, tổ chức do Nhà nước thành lập, hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết án tồn đọng.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chỉ đạo, hướng dẫn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các yêu cầu của Chấp hành viên có liên quan đến giao dịch đối với tài sản là đất đai; kịp thời làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sử dụng cho người mua, người nhận tài sản là quyền sử dụng đất để trừ vào số tiền được thi hành án; tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai trong trường hợp không có hoặc không thu hồi được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

b) Cử đại diện tham gia và thực hiện các yêu cầu khác của Chấp hành viên trong việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Thi hành án dân sự;

c) Hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện thực tốt các nội dung nêu trên.

6. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An, Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An và các tổ chức tín dụng khác

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án; thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời quyết định của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án và các yêu cầu khác theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

7. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án và các yêu cầu khác theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

8. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xử lý các phương tiện, tài sản trên khu vực biên giới, vùng biển, đảo.

9. Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

a) Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải thích và chuyển giao bản án, quyết định, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.

b) Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

10. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trên địa bàn; tập trung chỉ đạo có hiệu quả việc cưỡng chế thi hành án đối với các vụ việc lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương;

b) Kiện toàn lại Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện, xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành dân sự theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp;

c) Bố trí mặt bằng, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng để các cơ quan thi hành án dân sự xây dựng trụ sở và kho vật chứng phù hợp với mô hình tổ chức theo quy định;

d) Chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp, các cơ quan hữu quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự và các quy định có liên quan một cách có hiệu quả;

đ) Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn.

11. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, xác nhận tiền, tài sản, các khoản thu nhập khác của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức vận động đương sự tự nguyện thi hành án; giám sát công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

13. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành các Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; kịp thời đưa tin về hoạt động thi hành án dân sự.

Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên. Giao Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Thái Văn Hằng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/2010/CT-UBND triển khai Luật Thi hành án dân sự và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 11/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/06/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Thái Văn Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản