Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 1501/2008/QĐ-BCA

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH HỖ TRỢ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ TƯ PHÁP THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an Nhân dân”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây của Bộ Công an trái với Quy trình ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các đồng chí Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

 

QUY TRÌNH

HỖ TRỢ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ TƯ PHÁP THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN
(ban hành kèm theo Quyết định số 1501/2008/QĐ-BCA(C11) ngày 10/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công An)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy trình này quy định trình tự các bước thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân trong hoạt động hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự.

Điều 2. Hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là nòng cốt nhằm bảo vệ trật tự an toàn cho việc cưỡng chế, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Điều 3.

1. Yêu cầu của cơ quan thi hành án về việc hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự được gửi đến Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (nếu ở cấp tỉnh) hoặc Đội Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Nhà tạm giữ (nếu ở cấp huyện).

2. Đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp khi nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án phải xây dựng kế hoạch; phân công nhiệm vụ cho các lực lượng có liên quan; bố trí cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ, thông tin liên lạc cần thiết để bảo đảm an toàn, hiệu quả và có phương án cụ thể, báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp được phân công phụ trách Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp duyệt.

3. Các lực lượng chức năng khác thuộc Công an được giao nhiệm vụ phối hợp giữ gìn trật tự, an toàn, hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự phải tuân theo sự chỉ huy thống nhất trực tiếp của người chỉ huy thuộc lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp.

4. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát làm nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự phải nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật, chấp hành đúng điều lệnh Công an nhân dân, giải quyết công việc linh hoạt, khẩn trương, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Các bước và nội dung cơ bản khi xây dựng kế hoạch và phương án hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự

1. Nắm tình hình có liên quan đến hoạt động hỗ trợ cưỡng chế để xây dựng kế hoạch và lập phương án

- Kế hoạch của cơ quan thi hành án về việc tổ chức cưỡng chế.

- Nội dung vụ án thuộc vụ, việc cưỡng chế.

- Biện pháp cưỡng chế.

- Thời gian, địa điểm tiến hành cưỡng chế.

- Tình hình chung của địa bàn có vụ, việc cưỡng chế.

- Dư luận quần chúng về việc tranh chấp và quyết định của Tòa án.

- Những diễn biến và biểu hiện về tư tưởng của người phải thi hành án và thân nhân của họ.

- Các lực lượng cưỡng chế, lực lượng hỗ trợ và lực lượng phối hợp.

2. Lập kế hoạch và xây dựng phương án.

a) Nội dung kế hoạch gồm:

- Mục đích, yêu cầu: nêu rõ mục đích, yêu cầu của hoạt động hỗ trợ, giữ trật tự, an toàn cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự và tình hình có liên quan đến hoạt động cưỡng chế;

- Giao nhiệm vụ và phân công trách nhiệm: giao nhiệm vụ cho người chỉ huy chung, người chỉ huy từng lực lượng; phân công trách nhiệm của từng đơn vị chức năng trong việc chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện nghiệp vụ cần thiết khác phục vụ cho công tác. Đối với những vụ, việc cưỡng chế được đánh giá có khả năng xảy ra nhiều diễn biến phức tạp thì phải có lực lượng dự phòng và công tác chuẩn bị cần tăng cường thêm các phương tiện như: phương tiện phòng cháy chữa cháy (xe chữa cháy, chăn chiên dập lửa, bình cứu hỏa,…), phương tiện dò mìn, xe chở đối tượng vi phạm pháp luật, khóa tay.

b) Nội dung phương án gồm:

- Nêu khái quát nhiệm vụ và đặc điểm tình hình có liên quan, thời gian, địa điểm thực hiện nhiệm vụ;

- Dự kiến tình huống có thể xảy ra, trong đó đặc biệt lưu ý đến các tình huống chống đối gây hậu quả cháy, nổ, gây thương vong cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ và phương án giải quyết các tình huống đó (nêu rõ nhiệm vụ của người chỉ huy, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong từng tình huống cụ thể);

- Quy ước phối hợp giữa các lực lượng và quy ước thông tin liên lạc.

Phương án hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, có sơ đồ kèm theo và có sự thống nhất với cơ quan thi hành án cùng các đơn vị có liên quan khác.

- Việc xây dựng nội dung kế hoạch và phương án phải được trao đổi, thống nhất giữa lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với cơ quan thi hành án trước khi trình lãnh đạo cấp trên duyệt ký.

Điều 5. Những việc người chỉ huy phải tiến hành trước khi triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự

1. Phổ biến kế hoạch, phương án và quán triệt yêu cầu nhiệm vụ cụ thể tới từng cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự.

2. Kiểm tra công tác chuẩn bị của cán bộ, chiến sĩ về vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ và việc nắm vững yêu cầu nhiệm vụ của từng vị trí được giao.

3. Tổ chức thực tập, hướng dẫn giải quyết thành thục các tình huống.

Điều 6.

1. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự phải có mặt đồng thời với chấp hành viên của cơ quan thi hành án được phân công tổ chức cưỡng chế và nhanh chóng triển khai đến các vị trí trọng yếu đã định.

2. Cán bộ, chiến sĩ phải yêu cầu những người không có liên quan ra khỏi khu vực cưỡng chế và giám sát biểu hiện, diễn biến tâm lý của người phải thi hành án, thái độ, hành vi của họ cũng như người thân của họ để sẵn sàng ngăn chặn kịp thời các hành vi chống đối.

3. Tập trung sự chú ý vào khu vực có hoạt động cưỡng chế đầu tiên và khi di chuyển tài sản có giá trị lớn vì lúc này người phải thi hành án và những thành viên trong gia đình dễ bị kích động nhất nên khả năng chống đối cưỡng chế có thể xảy ra.

4. Luôn quan sát, phát hiện các hiện tượng không bình thường xảy ra và kịp thời báo cáo cho người chỉ huy biết để ngăn chặn khi cần thiết.

5. Khi có tình huống xấu xảy ra thì cán bộ, chiến sĩ triển khai theo phương án đã định và tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy, bảo vệ tuyết đối an toàn cho cán bộ thi hành án và những người tham gia cưỡng chế. Chỉ điều động lực lượng dự phòng hỗ trợ nếu xét thấy cần thiết.

6. Khi giải quyết các tình huống phải kiên quyết, nhanh chóng, dứt điểm, không để kéo dài làm nảy sinh những diễn biến phức tạp (tụ tập đông người gây kích động, kích thích sự phản ứng của người phải thi hành án và người thân của họ).

7. Khi có phản ứng của người phải thi hành án hoặc người thân của họ, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phải yêu cầu họ bình tĩnh, kiềm chế, tôn trọng pháp luật và lắng nghe ý kiến của người có trách nhiệm giải thích. Trách nhiệm nhiều người cùng tham gia giải thích dẫn đến cách hiểu không thông nhất, gây nên sự thiếu tin tưởng của quần chúng hoặc những phản ứng tiêu cực.

Điều 7. Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Công an với các cơ quan hữu quan trong việc cưỡng chế thi hành án dân sự.

1. Khi nhận được thông báo cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan Công an được yêu cầu phải đề nghị cơ quan thi hành án trao đổi những thông tin có liên quan đến vụ án để phục vụ cho việc lập kế hoạch, phương án hỗ trợ cưỡng chế.

2. Chỉ huy lực lượng Cảnh sát hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự phải thông báo kịp thời cho cơ quan thi hành án biết những diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự có liên quan đến công tác cưỡng chế thi hành án dân sự.

3. Khi có vụ việc xảy ra thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều người hoặc nhiều cơ quan thì người hoặc cơ quan nào phát hiện đầu tiên có trách nhiệm giải quyết vụ việc sau đó chuyển giao cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền chính giải quyết. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

4. Khi có vụ việc xảy ra mà thẩm quyền giải quyết ở mỗi giai đoạn thuộc các cơ quan khác nhau thì các cơ quan cùng bàn thống nhất cách giải quyết.

Điều 8. Sau khi Chấp hành viên của cơ quan thi hành án công bố kết thúc buổi cưỡng chế, các lực lượng tham gia đã ra khỏi khu vực cưỡng chế, người chỉ huy hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự mới ra lệnh rút lực lượng về đơn vị, tổ chức họp rút kinh nghiệm, viết báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, đề nghị khen thưởng, kỷ luật (nếu có).

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự có trách nhiệm thực hiện đúng Quy trình này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Người có thành tích được khen thưởng theo quy định; nếu có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 10. Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện Quy trình này.

Điều 11. Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, các đơn vị chức năng thực hiện Quy trình này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1501/2008/QĐ-BCA về Quy trình hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 1501/2008/QĐ-BCA
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/09/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 529 đến số 530
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản