Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 4 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH CHI CHẶT CHẼ, PHÙ HỢP VỚI KHẢ NĂNG THU NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Hoạt động du lịch gặp khó khăn do tình trạng hủy tour, hủy phòng, các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận chuyển giảm sút; sức mua tại các siêu thị và chợ trung tâm cũng bị ảnh hưởng; điều này dẫn đến khả năng ngân sách địa phương sẽ hụt thu lớn, nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước tỉnh nói chung và các huyện, thị xã và thành phố Huế nói riêng.

Để tăng cường các biện pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế (gọi là các huyện) thực hiện ngay các giải pháp sau đây:

1. UBND các huyện chủ động rà soát nguồn thu ngân sách, xây dựng phương án điều hành chi ngân sách theo phương châm “Thu giảm, chi giảm”. Xây dựng chi tiết kịch bản điều hành thu, chi ngân sách trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 kết thúc trong tháng 6/2020 hoặc muộn hơn trong tháng 9/2020; trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ cần ưu tiên đảm bảo kinh phí theo dự toán đầu năm, các nhiệm vụ cần sắp xếp cắt giảm để phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương. Trong trường hợp ngân sách huyện, xã hụt thu lớn, UBND các huyện báo cáo HĐND huyện chủ động sớm điều chỉnh dự toán theo quy định tại Điều 52 và Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước.

Căn cứ tiến độ thu NSNN tỉnh, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh phương án điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương nói chung và ngân sách tỉnh nói riêng trong tháng 4/2020.

2. UBND các cấp thực hiện quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai; không bổ sung ngoài dự toán đầu năm, trừ một số trường hợp đặc biệt cấp bách.

Trước mắt, Sở Tài chính chỉ tham mưu UBND tỉnh điều hành, sử dụng dự phòng ngân sách trong phạm vi 50%, tạm giữ lại 50%; UBND cấp huyện điều hành, sử dụng 40% dự phòng ngân sách và tạm giữ lại 60% để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách giảm lớn hoặc chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

UBND các huyện ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu thực hiện so với dự toán năm 2019 còn lại (sau khi đã trừ nguồn kinh phí huy động thực hiện cải cách tiền lương theo quy định) để bù hụt thu (nếu có), chi cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh và chi thực hiện chính sách an sinh xã hội...

3. Trên cơ sở ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh tại Công văn số 43/HĐND-KTNS ngày 09/4/2020, thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2020 của các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ ngành y tế) cấp tỉnh và các huyện, không bao gồm các khoản: Chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các khoản chi đặc thù khác.

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh quyết định mức tiết kiệm cụ thể cho từng đơn vị dự toán cấp I và UBND huyện.

Đối với chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân để có phương án cắt giảm các công trình, dự án chưa thực sự cấp bách với tổng mức tối thiểu là 120 tỷ đồng (bao gồm cả ngân sách huyện), báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/4/2020.

4. Điều hành, quản lý chi NSNN tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí.

a) Các đơn vị sử dụng ngân sách phải điều hành, quản lý chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, đúng định mức, chế độ quy định; triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Từ đây đến cuối năm, không đề xuất bổ sung kinh phí các đề án, chương trình, dự án hoặc chế độ, chính sách mới, nâng định mức làm tăng chi ngân sách (trừ chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch bệnh).

Kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế việc ứng trước dự toán NSNN, giảm chi chuyển nguồn sang năm sau, việc bố trí lại các nhiệm vụ chi ngân sách năm trước và cho phép chi chuyển nguồn thường xuyên phải thật sự cấp thiết và theo đúng quy định của pháp luật.

b) Các Sở, ban, ngành chủ động sắp xếp, bố trí trong phạm vi dự toán được giao để xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh quản lý chặt chẽ các nhiệm vụ chi phát sinh mới và chỉ xem xét bổ sung chi thường xuyên cho các đơn vị có nhu cầu chi thật cấp thiết nhằm thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được tỉnh giao.

5. Thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập:

5.1 Thực hiện các yêu cầu về tiết kiệm, chống lãng phí theo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thông tư số 188/2014/TT-BTC ngày 10/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số Điều của Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ và Chương trình thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 của UBND tỉnh.

5.2 Về thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên:

a) Chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị để dành nguồn ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách.

b) Mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ nguồn NSNN phải gắn với nhu cầu thực sự cần thiết, đảm bảo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản theo quy định của Nhà nước. Trường hợp rà soát lại mà Thủ trưởng các đơn vị nhận thấy có thể trì hoãn việc mua sắm thì hủy dự toán và bố trí vào nguồn ngân sách năm sau.

c) Đi công tác trong và ngoài nước:

Thực hiện rà soát để dừng các đoàn đi công tác nước ngoài không thực sự cần thiết theo đúng tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài; tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài trong thời điểm hiện nay.

Rà soát việc tổ chức các đoàn công tác trong nước theo tinh thần triệt để tiết kiệm, không kết hợp đi công tác với tham quan, du lịch. Rà soát kỹ các chương trình kiểm tra, thanh tra, các đoàn công tác từ cấp trên xuống cấp dưới, bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả; không tổ chức đón tiếp gây tốn kém chi phí đối với cấp dưới và các cơ quan có liên quan.

d) Chi phí văn phòng phẩm: Triệt để tiết kiệm trong sử dụng văn phòng phẩm, thực hiện quy chế về công tác văn thư, trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan và giữa các cơ quan với nhau để hạn chế in, sao chụp giấy tờ.

đ) Chi phí xăng, dầu:

Xây dựng quy chế sử dụng xe chặt chẽ, có sự kiểm tra, giám sát của các bộ phận có liên quan. Không sử dụng xe ô tô công đưa đón cán bộ không có tiêu chuẩn từ nơi ở tới nơi làm việc và ngược lại, không sử dụng xe ô tô công vào việc riêng; đẩy nhanh việc thực hiện khoán xe ô tô công phục vụ công tác.

e) Chi phí sử dụng điện: Thực hiện tiết kiệm điện theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 01/6/2009 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

f) Chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm, động thổ, khởi công, khánh thành công trình, dự án:

- Thực hiện nghiêm quy định về chế độ đón tiếp khách nước ngoài, chế độ chi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và chế độ chi tiếp khách trong nước; hạn chế tình trạng phô trương, hình thức, tiếp khách gây lãng phí NSNN. Giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo.

- Thực hiện lồng ghép các nội dung, công việc cần xử lý; chuẩn bị kỹ, đầy đủ đúng yêu cầu, nội dung cuộc họp, tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng đại biểu tham dự cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.

- Hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung; tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo điều hành và xử lý các công việc liên quan.

6. Tổ chức thực hiện:

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế căn cứ chức năng, nhiệm vụ và những nội dung của Chỉ thị này khẩn trương triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện ở các đơn vị trực thuộc để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành ngân sách năm 2020; báo cáo về Sở Tài chính phương án tiết kiệm chi trước ngày 10/4/2020; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật liên quan đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm.

b) Giao Sở Tài chính tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai các nội dung tại Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý.

Căn cứ Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- Công an tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, Tp. Huế;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- VP: CVP, PCVP;
- Lưu: VT, TC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ