Hệ thống pháp luật

Chương 6 Bộ luật Dân sự 1995

CHƯƠNG VI

ĐẠI DIỆN

Điều 148. Đại diện

1- Đại diện là việc một người (gọi là người đại diện) nhân danh một người khác (gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi thẩm quyền đại diện.

2- Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình, nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

3- Quan hệ đại diện được xác lập theo quy định của pháp luật hoặc theo uỷ quyền.

4- Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện trong phạm vi thẩm quyền đại diện.

Điều 149. Đại diện theo pháp luật

Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Điều 150. Người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

1- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

2- Người giám hộ đối với người được giám hộ;

3- Người được Toà án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

4- Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

5- Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;

6- Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;

7- Những người khác theo quy định của pháp luật.

Điều 151. Đại diện theo uỷ quyền

1- Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại diện.

2- Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản.

Điều 152. Người đại diện theo uỷ quyền

1- Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thể uỷ quyền cho người khác phù hợp với quy định của Bộ luật này nhân danh mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không được làm người đại diện theo uỷ quyền.

Điều 153. Phạm vi thẩm quyền đại diện

1- Người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định khác.

2- Phạm vi đại diện theo uỷ quyền được xác lập theo văn bản uỷ quyền.

3- Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi thẩm quyền đại diện.

4- Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi thẩm quyền đại diện của mình.

5- Người đại diện không được thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.

Điều 154. Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện

1- Giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện chấp thuận; nếu không được chấp thuận, thì người không có thẩm quyền đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có thẩm quyền đại diện.

2- Người đã giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có thẩm quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

Điều 155. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá thẩm quyền đại diện

1- Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá thẩm quyền đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện chấp thuận; nếu không được chấp thuận, thì người đại diện phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch dân sự vượt quá thẩm quyền.

2- Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá thẩm quyền hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá thẩm quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

3- Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá thẩm quyền đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện, thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Điều 156. Chấm dứt đại diện của cá nhân

1- Đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

b) Người đại diện hoặc người được đại diện chết;

c) Người đại diện mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

d) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

2- Đại diện theo uỷ quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;

b) Người uỷ quyền huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền;

c) Người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chết, mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án tuyên bố mất tích hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết.

Khi chấm dứt đại diện theo uỷ quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với người được đại diện hoặc với người thừa kế của người được đại diện.

Điều 157. Chấm dứt đại diện của pháp nhân

1- Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt.

2- Đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn uỷ quyền hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;

b) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân huỷ bỏ việc uỷ quyền;

c) Pháp nhân chấm dứt.

Bộ luật Dân sự 1995

  • Số hiệu: 44-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 28/10/1995
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đức Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH