Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87-NV/DC

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

ẤN ĐỊNH THỂ THỨC VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ NỘI VỤ - TƯ PHÁP SỐ 484-NĐ/LB NGÀY 24-12-1958 VỀ VIỆC XÉT CÁC ĐƠN XIN THAY ĐỔI HỌ, TÊN

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái – Mèo, Khu Tự trị Việt Bắc, thành phố Hà nội, Hải phòng và các tỉnh;
- Ban Cán sự hành chính Lào – Hà – Yên, Khu Vĩnh linh, khu Hồng quảng

Về vấn đề xét các đơn vị xin thay đổi họ, tên (bao gồm cả chữ đệm), tính đến nay đã có ba văn bản nguyên tắc là:

- Thông tư Liên bộ Nội vụ, Tư pháp số 09-NV/5-TT ngày 19-3-1951, quy định rằng: các cơ quan có thẩm quyền xét đơn là các cấp chính quyền nơi đã đăng ký khai sinh cho đương sự, có phân biệt từng cấp tuỳ theo độ tuổi của đương sự, có phân biệt từng cấp tuỳ theo độ tuổi của đương sự (Ủy ban hành chính xã nếu là trẻ em dưới 6 tuổi, Ủy ban hành chính tỉnh nếu là người từ 6 tuổi đến 18 tuổi, Ủy ban hành chính Liên khu nếu là người từ 18 tuổi trở lên ). Về đường lối xét đơn, thông tư Liên bộ, nêu rõ là phải rất dè dặt, chỉ có những đơn có lý do thực xác đáng mới được chấp nhận.

- Thông tư của Bộ Nội vụ số 3055-HTTK ngày 26-12-955 (đoạn cuối cùng) nhắc lại tinh thần thận trọng của thông tư Liên bộ trong việc xét đơn và tạm thời dành cho Bộ Nội vụ giải quyết các đơn của những người sinh quán ở miền Nam mà hiện nay đại đa số là cán bộ, bộ đội và đồng bào ra tập kết từ sau ngày hoà bình được lập lại, không phân biệt đương sự thuộc độ tuổi nào.

- Thông tư của Bộ Nội vụ số 4343-HTTK ngày 07-8-1957, cụ thể hoá đường lối thận trọng của thông tư Liên bộ bằng cách quy định 4 trường hợp có thể được phép thay đổi họ, tên: tên trùng với tên cha mẹ, ông bà, tên tục tĩu, bỏ tên, họ cha mẹ nuôi đặt cho, lẫn lộn tên thực với bí danh dùng trong kháng chiến, hoặc hoạt động cách mạng bí mật.

Ngoài ra Bộ Nội vụ đã gửi nhiều công văn trả lời các khu, tỉnh, thành về một số trường hợp khó giải quyết mà các địa phương đã gặp trong công tác thực tế.

Nay nhận thấy rằng:

Tình hình phân tán các văn bản nguyên tắc như trên là một trở ngại cho các địa phương tra cứu và thi hành.

Nội dung các điểm quy định có nhiều chỗ không thích hợp với tình hình mới hiện nay nữa về nhiều mặt như: đường lối xây dựng và củng cố các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều thay đổi; việc quản lý học sinh, quản lý cán bộ, quản lý lực lượng quốc phòng và quản lý nhân khẩu ngày càng được mở rộng và thêm tầm quan trọng;

Chế độ công văn giấy tờ hành chính đã được Thủ tướng phủ quy định rõ ràng.

Hai Bộ Nội vụ, Tư pháp đã ra Nghị định số 484-NĐ/LB ngày 24-12-1958 và Bộ Nội vụ ban hành thông tư này nhằm:

- Quy định lại thẩm quyền xét đơn của các cấp Ủy ban Hành chính

- Cụ thể hóa hơn nữa đường lối giải quyết các đơn.

- Quy định một số điểm về các công văn giấy tờ phải làm trong khi giải quyết đơn.

- Thống nhất vào một thông tư chung các điều đã quy định từ trước vẫn còn được áp dụng và các điều mới quy định nói trên, để các cấp chính quyền địa phương dễ tra cứu và thi hành.

I. VỀ THẨM QUYỀN XÉT ĐƠN

Từ nay mỗi đơn xin thay đổi họ, thay đổi tên (bao gồm cả chữ đệm) hoặc thay đổi cả họ và tên, đều thuộc quyền xét định của Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố hoặc khu nơi đương sự hiện đương cư trú; không phân biệt là đương sự năm nay bao nhiêu tuổi (dưới 18 tuổi hoặc từ 18 tuổi trở lên), không phân biệt đương sự đẻ ở miền Bắc hoặc miền Nam, hay là ở nước ngoài.

Các Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố hoặc khu nơi đương sự cư trú có quyền quyết định chung thẩm, sau khi có ý kiến của Công an cấp tương đương. Các đơn khiếu nại gửi lên cấp trên, sẽ trả lại cho Ủy ban Hành chính này để yêu cầu xét lại, nếu thấy cách giải quyết không đúng đường lối chung; những việc quyết định cho hay không cho, trong khi xét lại từng đơn một, vẫn thuộc thẩm quyền tối hậu của Ủy ban Hành chính sở quan ấy.

II. VỀ ĐƯỜNG LỐI XÉT ĐƠN

Mỗi lần cho phép một người thay đổi họ, tên là có ảnh hưởng đến cách xưng hô, đến quan hệ của người ấy trong xã hội, đến việc giao dịch của người ấy trong xã hội, đến việc giao dịch của người ấy với các cơ quan Nhà nước, việc thay đổi họ còn có thể ảnh hưởng đến quan hệ cha con; nó đòi hỏi phải sửa chữa vào rất nhiều sổ sách, giấy tờ của bản thân đương sự, của vợ con đương sự và của nhiều cơ quan Nhà nước, như sổ sách và các giấy chứng nhận sinh, tử, kết hôn, văn bằng, học bạ, giấy chứng minh, sổ sách quản lý hộ khẩu, quản lý công thương, quản lý cán bộ, quản lý bộ đội, v.v… Mặt khác, các phần tử xấu có thể lợi dụng việc thay đổi họ, tên để trốn tránh sự theo dõi của nhân dân, sự truy nã của các cơ quan Công an, Tư pháp. Do đó, việc điều tra phải hết sức kỹ lưỡng, không những điều tra ở nơi đương sự hiện đương cư trú mà có khi còn cần điều tra cả ở các nơi sinh quán, nguyên quán, hoặc các nơi cư trú cũ của đương sự; khi quyết định phải thận trọng vừa chiếu cố đến nguyện vọng tình cảm chính đáng của nhân dân, đồng thời tránh gây xáo lộn nhiều trong việc quản lý con người về mọi mặt của các cơ quan chuyên trách.

Chỉ các đơn thuộc các trường hợp sau đây mới được xét và có thể được chấp nhận:

Tên tục tĩu quá, gọi lên chướng tai quá, hoặc khiêu gợi lên những hình ảnh xấu xa quá không đổi sẽ ảnh hưởng đến tình cảm tinh thần hoặc tư tưởng của đương sự.

Tên trùng với tên ông bà nội ngoại, chú bác, cô dì ruột, anh chị em ruột, với tên cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, cùng ở chung trong một xã, thị xã, thị trấn, khu phố, hoặc ở xa hơn nhưng có quan hệ thường xuyên liên lạc đi lại thăm hỏi giỗ tết; không đổi sẽ ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, sự nhầm lẫn trong việc xưng hô đã dẫn đến nhiều trường hợp thiệt thòi đến các quyền lợi tinh thần hoặc vật chất của đương sự.

Bỏ tên, họ của cha mẹ nuôi đặt cho, lấy lại họ của cha mẹ đẻ và tên mà cha mẹ đẻ đã đặt cho, nhằm chắp nối lại hoặc tăng thêm mật thiết, hoặc xác định một cách rỏ ràng hơn quan hệ với gốc tích tổ tiên của mình, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong gia đình bố mẹ đẻ.

Cán bộ, bộ đội muốn bỏ họ, tên thực mà thay thế bằng bí tính bí danh đã quen dùng trong kháng chiến, hoặc hoạt động cách mạng bí mật đã được phần nào chính thức hoá, ghi vào các văn bằng khen thưởng, vào các sổ sách của chính quyền, quân đội, đoàn thể, hoặc ngược lại.

Nói chung thì các đơn xin thay đổi tên cho trẻ em có thể được chiếu cố tương đối rộng rãi hơn các đơn của người lớn; đối với học sinh phải chặt chẽ hơn; đối với công nhân, cán bộ, bộ đội, lại càng phải chặt chẽ hơn nữa. Việc thay đổi họ chỉ nên cho phép trong các trường hợp thật là có biệt. Không nên cho phép một người thay đổi họ, tên nhiều lần.

Không nên lẫn lộn việc xin thay đổi họ, tên với việc xin sửa chữa các sai lầm, thiếu xót nói ở điều 25 Bản điều lệ đăng ký hộ tịch chung kèm theo Nghị định số 764-TTg ngày 8-5-1956 của Thủ tướng phủ, đã được giải thích ở tiểu mục 6 trong thông tư của Bộ Nội vụ số 06-NV/DC/TT ngày 25-5-1956. Khi ghi chép vào sổ các việc khai sinh, khai tử, kết hôn, nếu cán bộ ghi sai các lời khai, ghi thiếu các lời khai của người đứng khai, người làm chứng, hoặc trong bản sao chép sai các điều đã ghi ở sổ cái, thì phải sửa chữa hoặc bổ sung cho đúng; trường hợp này áp dụng theo điều 25 Bản điều lệ đăng ký hộ tịch. Còn như nếu giấy khai sinh đã ghi đúng họ, tên rồi, song vì tình cảm gia đình, vì quyền lợi cá nhân, muốn xin thay đổi, thì phải theo thông tư này.

III. VỀ CÁCH THỨC LÀM ĐƠN XÉT ĐƠN.

Các đơn xin thay đổi họ, tên phải do đương sự viết và ký tên và phải kèm theo đơn bản sao giấy khai sinh, nếu trước chưa khai sinh thì phải đính kèm giấy tờ căn cước khác. Nếu đương sự chưa đủ 18 tuổi, thì phải do cha mẹ hoặc người có quyền thay thế đứng đơn xin. Người không biết chữ có thể nhờ một người khác làm thay, nhưng đơn phải được Ủy ban hành chính cơ sở, hoặc Thủ trưởng cơ quan đơn vị, xí nghiệp chứng nhận và chuyển lên Ủy ban Hành chính tỉnh, khu, thành phố.

Nếu Ủy ban Hành chính tỉnh, khu, thành phố bác một đơn xin phải trả lời cho đương sự, nói rõ lý do gì đơn không thể chấp nhận được. Có thể trả tời miệng, hoặc bằng công văn. Khi xét đơn xin đáng được chiếu cố, thì Ủy ban Hành chính tỉnh, khu, thành phố ra một quyết định cho phép. Trong quyết định cần ghi rõ cả họ, tên cha mẹ và ngày tháng năm sinh, hoặc tuổi lúc đương sự làm đơn, để tránh mọi sự nhầm lẫn có thể xẩy ra về sau, vì trùng tên, trùng họ với một người khác.

Ủy ban Hành chính này sẽ:

1. Gửi một bản sao quyết định đến Ủy ban Hành chính cơ sở nơi sinh quán của đương sự để Ủy ban này tự sửa chữa vào bản khai sinh cũ của đương sự.

2. Gửi một bản sao quyết định đến Ủy ban cơ sở nơi cư trú của đương sự để sửa chữa trong sổ hộ khẩu;

3. Phát cho đương sự một bản sao quyết định, để đương sự dùng làm bằng chứng mà tự mình đem đến;

Ủy ban nơi đương cư trú để xin khai sinh quá hạn theo họ, tên mới, nếu trước đây chưa khai sinh;

Cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nhà trường v.v…để xin sửa chữa vào các sổ sách, hồ sơ, lý lịch, học bạ, văn bằng, hoặc giấy tờ khác lưu trữ tại nơi này.

Khi sửa chữa cơ quan sở quan dùng mực đỏ ghi chú sang bên cạnh chỗ sửa chữa, số và ngày tháng, năm của quyết định đã cho phép thay đổi họ, tên, chữ đệm.

IV. VỀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Nghị định Liên bộ nói trên và thông tư này bãi bỏ các thể lệ đã ban hành trước về thay đổi họ, tên; thông tư nay được thi hành ngay sau khi các khu, tỉnh, thành phố nhận được, nó cũng áp dụng cho tất cả các đơn đã nhận được từ trước, nhưng hiện nay còn chưa giải quyết xong. Đối với các đơn đã giải quyết xong, không đặt thành vấn đề đem ra xét lại nữa, nếu không có lý do hoặc bằng chứng gì mới đáng được chiếu cố hơn.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 87-NV/DC năm 1958 ấn định thể thức và hướng dẫn thi hành Nghị định 484-NĐ/LB về việc xét các đơn xin thay đổi họ, tên do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 87-NV/DC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: 14/01/1959
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 10/01/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản