Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4343-HTTK

Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 1957 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÉT CÁC ĐƠN XIN THAY ĐỔI HỌ TÊN

BỘ NỘI VỤ

Kính gửi

- Ủy ban Hành chính Liên khu 3, 4, Khu Tả ngạn, Khu Hồng quảng
- Khu Tự trị Thái-Mèo, Khu Tự trị Việt bắc
- Ban cán sự Hành chính thành phố Hà Nội, Hải phòng, Nam định,các tỉnh Phú thọ, Vĩnh phúc, Bắc ninh, Bắc giang, Hải ninh, Khu Vĩnh tinh

 

Về việc xin thay đổi họ tên, thông tư liên bộ số 9-NV/5TT ngày 19-3-1951 đã quy định những cấp nào có thẩm quyền giải quyết những thứ đơn này và đã nhấn mạnh rằng phải rất dè dặt trong khi giải quyết : chỉ những đơn có lý do thực xác đáng mấy được chấp nhận.

Trong thời kỳ kháng chiến, những đơn xin thay đổi họ tên rất ít, nhưng từ ngày hòa bình lập lại, số những đơn xin này tăng lên khá nhiều, hầu hết là do cán bộ và sinh viên xin. Những lý do trình bày trong các đơn này rất phức tạp và thường thường là không được chính đáng lắm, ví dụ như : trùng tên với người trong họ, với các tên phản động ; tên xấu xí, tên tuy không xấu nhưng anh em chúng bạn cũng cố xoay ra thành buồn cười để chế riễu; cũng có người muốn chọn lấy một tên kêu hơn, “xinh đẹp” hơn, v.v…

Ngoài việc muốn thay đổi họ tên cần phải có những lý do xác đáng, Bộ nhận thấy là đối với cán bộ, việc thay đổi họ tên không thể không gây trở ngại ít nhiều về mặt quản lý cán bộ, đối với người thường cũng có ảnh hưởng về mặt quản lý hộ khẩu, về mặt trị an ninh chung.

Vì vậy Bộ thấy cần phải chặt chẽ thận trọng trong việc cho phép thay đổi họ tên theo tinh thần đó, đặt ra một số tiêu chuẩn dưới đây để làm căn cứ giải quyết, và do đó sự giải quyết của Bộ cũng như của các địa phương sẽ được thống nhất hơn:

Tên trùng với tên của ông bà nội ngọai, của cha mẹ hai bên vợ chồng;

Tên thô tục, bẩn thỉu quá, đọc lên ngượng miệng, trái tai;

Bỏ họ tên của cha mẹ nuôi đặt cho và lấy lại họ tên của cha mẹ đẻ đặt từ lúc bé, khi thôi không làm con nuôi nữa;

  Bỏ họ tên đã dùng trong khi công tác bí mật hồi kháng chiến, lấy lại họ tên cũ để tiện liên lạc với gia đình, bằng hữu; hoặc ngược lại, bỏ họ tên lúc còn nhỏ, lấy họ tên hoặc bí danh biệt hiệu đã dùng quen trong thời kháng chiến để kỉ niệm đời chiến đấu của mình và cũng để tiện trong việc giao dịch với cơ quan đơn vị mình có quan hệ công tác.

Ngoài bốn trường hợp đặc biệt nói trên, nếu còn có trường hợp nào khác cũng quan trọng tương đương như thế, mà các địa phương xét cần được chiếu cố thì cần hỏi ý kiến của Bộ trước khi quyết định cho phép.

Trường hợp trong đơn xin thay đổi họ tên có thêm xin sửa chữa tuổi nữa, thì đối với việc xin sửa chữa tuổi, cần hỏi ý kiến của Bộ trước đã vì đây là một vấn đề mới khá phức tạp, Bộ còn theo dõi trong một thời gian để nắm tình hình nghiên cứu kỹ và có chủ trương chung về sau.

Vấn đề xét đơn xin thay đổi họ tên của Hoa kiều sẽ giải quyết giống như đối với nhân dân Việt nam theo tinh thần của công văn số 3031/HTTK ngày 7-6-1957 của Bộ gửi cho thành phố Hải phòng. Đối với việc xin thay đổi họ tên của ngoại kiều khác, Bộ sẽ nghiên cứu thêm và có chỉ thị sau.

 

 

T/L BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
K.T  GIÁM ĐỐC VỤ DÂN CHÍNH
PHÓ GIÁM ĐỐC


 
 
 
Diệp Ba

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 4343-HTTK năm 1957 về việc xét đơn xin thay đổi họ tên do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 4343-HTTK
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/08/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Diệp Ba
  • Ngày công báo: 06/11/1957
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: 22/08/1957
  • Ngày hết hiệu lực: 08/01/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản