Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2023/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ XÂY DỰNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;

Căn cứ Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

Theo đề nghị của Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị ở trung ương và địa phương chủ trì tổ chức thực hiện xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc quy định tại khoản 2 Điều 9 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Lực lượng Công an nhân dân; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Trung ương chủ trì thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

b) Ủy ban nhân dân các cấp;

c) Tổ chức chính trị - xã hội các cấp;

d) Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội;

đ) Lực lượng không chuyên trách làm nhiệm vụ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cấp xã; thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương thuộc xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Nguồn kinh phí đảm bảo

1. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

2. Nguồn kinh phí lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

3. Kinh phí huy động từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân theo hình thức xã hội hóa; thực hiện theo nguyên tắc cấp nào vận động cấp đó quản lý, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, công khai, dân chủ, minh bạch theo quy định hiện hành.

Điều 3. Nội dung chi

1. Các nội dung chi do các bộ, cơ quan Trung ương thực hiện:

a) Chi ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chi công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải các hoạt động, nội dung liên quan đến xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các phương tiện thông tin truyền thông, cổng/trang thông tin điện tử; xây dựng tin, bài viết, phóng sự, clip, triển lãm nội dung và hình ảnh kết quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

b) Chi tổ chức bồi dưỡng kiến thức, tập huấn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

c) Chi công tác tổ chức hội nghị tuyên truyền, nhân rộng mô hình tiêu biểu tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

d) Chi thăm hỏi, động viên mô hình tổ chức quần chúng, cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2. Các nội dung chi cho công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do các cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện:

a) Chi ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

b) Chi công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải các hoạt động, nội dung liên quan đến xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các phương tiện thông tin truyền thông, cổng/trang thông tin điện tử; xây dựng tin, bài viết, phóng sự, clip, triển lãm nội dung và hình ảnh kết quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

c) Chi công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” 19 tháng 8 hằng năm;

d) Chi phục vụ công tác khảo sát, hướng dẫn, xây dựng, tổ chức hội nghị tuyên truyền, nhân rộng mô hình tiêu biểu tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở;

đ) Chi tổ chức bồi dưỡng kiến thức (bao gồm hoạt động cấp giấy chứng chỉ, giấy chứng nhận theo quy định (nếu có)), học tập, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

e) Chi khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

g) Chi thăm hỏi, động viên mô hình tổ chức quần chúng, cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

h) Chi tổ chức sơ kết, tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

i) Chi văn phòng phẩm, in ấn tài liệu và chi khác phục vụ trực tiếp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

3. Các nội dung chi cho công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do các cơ quan, đơn vị ở cấp xã thực hiện:

a) Chi công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

b) Chi phục vụ công tác khảo sát, hướng dẫn, xây dựng, tổ chức hội nghị tuyên truyền, nhân rộng mô hình tiêu biểu tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở;

c) Chi công tác phí đi học tập, tham gia tập huấn, trao đổi kinh nghiệm thực tế với các địa phương khác về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

d) Chi văn phòng phẩm, in ấn tài liệu và chi khác phục vụ trực tiếp công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 4. Mức chi

Mức chi cho các nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư này được thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Thông tư này quy định một số mức chi cụ thể như sau:

1. Chi công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mức chi theo Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

2. Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền, tạo lập dữ liệu đăng tải các hoạt động về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên cổng/trang thông tin điện tử; xây dựng tin, bài viết, phóng sự, clip, triển lãm nội dung và hình ảnh về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn và các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

3. Chi tổ chức khảo sát, xây dựng, thực hiện mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở:

a) Chi tiền xăng xe đi vận động của cơ quan, tổ chức cấp xã: Khoán 12.000đ/km trên cơ sở bảng số kilomet thực tế đi vận động được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã duyệt;

b) Chi đảm bảo công tác xây dựng, thành lập, hoạt động của mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở: 20.000.000 đồng/01 mô hình/01 đơn vị cấp xã/01 năm.

4. Chi tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, khảo sát; chi hội nghị tuyên truyền, sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chi tổ chức hội nghị điểm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

5. Chi tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; chi hỗ trợ cán bộ tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại dự thảo Thông tư.

6. Chi thăm hỏi, động viên những mô hình tổ chức quần chúng, cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cụ thể:

a) Cơ quan chủ trì thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Trung ương chi không quá 20.000.000 đồng/01 mô hình/01 năm và không quá 30 địa phương/01 năm; chi không quá 5.000.000 đồng/01 người/01 năm, mỗi địa phương không quá 05 người/01 năm và không quá 30 địa phương/01 năm (Tổng các khoản chi theo điểm này không quá 1.350.000.000 đồng/01 năm);

b) Cơ quan chủ trì thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp tỉnh chi không quá 10.000.000 đồng/01 mô hình/01 đơn vị cấp xã/01 năm và không quá 30 đơn vị cấp xã/01 năm; chi không quá 3.000.000 đồng/01 người/01 năm và không quá 100 người/01 năm (Tổng các khoản chi theo điểm này không quá 600.000.000 đồng/01 năm);

c) Cơ quan chủ trì thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp huyện chi không quá 5.000.000 đồng/01 mô hình/01 đơn vị cấp xã/01 năm và không quá 10 đơn vị cấp xã/01 năm; chi không quá 1.000.000 đồng/01 người/01 năm và không quá 50 người/01 năm (Tổng các khoản chi theo điểm này không quá 100.000.000 đồng/01 năm).

7. Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11, Luật số 39/2009/QH12 và Luật số 39/2013/QH13; Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024); Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

8. Các khoản chi như chi in ấn các ấn phẩm, sách, tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền; chi làm phim, làm video clip; triển lãm và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhưng chưa có quy định về mức chi: Tham khảo giá thị trường đối với những công việc tương tự tại địa bàn thực hiện; có hóa đơn, chứng từ hợp pháp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong phạm vi dự toán đã được giao.

Điều 5. Công tác lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán

Công tác lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cấp thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản của cấp có thẩm quyền quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên. Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số nội dung như sau:

1. Lập dự toán, chấp hành dự toán:

a) Hằng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, căn cứ vào kế hoạch công tác được phê duyệt và các văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc lập dự toán chi ngân sách nhà nước cho xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị (theo phân cấp quản lý ngân sách) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành;

b) Việc phân bổ, chấp hành dự toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước;

c) Nội dung và mức chi từ nguồn kinh phí khác ngoài ngân sách nhà nước thực hiện theo các quy định hiện hành đối với từng loại nguồn vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, khuyến khích các đơn vị huy động tối đa từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân theo hình thức xã hội hóa.

2. Quyết toán:

Kinh phí xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương chủ trì tổ chức thực hiện xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo quy định.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 7 năm 2023.

2. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Các khoản bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư này được áp dụng cho đến khi Bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế Bảng lương hiện hành áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức ban hành và có hiệu lực.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử, Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ I. (410 bản)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 40/2023/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 40/2023/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/06/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Võ Thành Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản