Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Thông tư 36/2016/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Mục 3. KẾT THÚC THANH TRA

Điều 21. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra

1. Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, từng thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng thanh tra, Nhóm trưởng thanh tra (nếu có) về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo đó; đồng thời gửi kèm biên bản làm việc, biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra, ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, hồ sơ, tài liệu khác (nếu có).

2. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra phải có tối thiểu các nội dung sau đây:

a) Nhiệm vụ được phân công, kết quả kiểm tra, xác minh từng nội dung thanh tra;

b) Kết luận về từng nội dung đã được kiểm tra, xác minh, nêu rõ hành vi tham nhũng phát hiện qua thanh tra (nếu có); chỉ rõ quy định của pháp luật làm căn cứ để kết luận;

c) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);

d) Đánh giá các rủi ro tiềm ẩn (nếu có);

đ) Kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có); kiến nghị khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật (nếu có);

e) Vướng mắc trong quá trình thanh tra và đề xuất, kiến nghị (nếu có).

3. Đối với Đoàn thanh tra có Tổ thanh tra, Nhóm thanh tra thì chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra theo nội dung được phân công, Tổ trưởng thanh tra, Nhóm trưởng thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Tổ thanh tra, Nhóm thanh tra bám sát nội dung, kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ của Đoàn thanh tra.

Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra, Tổ thanh tra, Nhóm thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra thực hiện theo Mẫu số 16-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Trường hợp nhận thấy nội dung báo cáo chưa rõ, chưa đầy đủ thì Trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng thanh tra, Nhóm trưởng thanh tra yêu cầu thành viên Đoàn thanh tra bổ sung, làm rõ.

Điều 22. Xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra

1. Căn cứ để xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra gồm:

a) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra;

b) Báo cáo kết quả thanh tra của các Tổ thanh tra, Nhóm thanh tra (nếu có);

c) Biên bản làm việc với đối tượng thanh tra;

d) Biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra (nếu có);

đ) Ý kiến giải trình bằng văn bản của đối tượng thanh tra (nếu có);

e) Hồ sơ do Đoàn thanh tra thu thập trong quá trình thanh tra;

g) Hồ sơ, tài liệu khác (nếu có).

2. Nội dung báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau:

a) Khái quát về đối tượng thanh tra;

b) Tóm tắt tình hình tài chính;

c) Kết quả kiểm tra, xác minh: Trình bày chi tiết kết quả kiểm tra, xác minh thực tế đối với từng nội dung thanh tra, nêu rõ các quy định pháp luật làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm (nếu có);

d) Kết luận: Đánh giá tình hình hoạt động của đối tượng thanh tra; kết luận về từng nội dung thanh tra; tổng hợp các vi phạm quy định của pháp luật, hậu quả, nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với từng vi phạm (nếu có); đánh giá, nhận xét về việc vi phạm của các đối tượng có liên quan (nếu có); đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro, các rủi ro tiềm ẩn và hiệu quả hệ thống quản trị điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro của đối tượng thanh tra, kết luận khác (nếu có);

đ) Kiến nghị: kiến nghị biện pháp xử lý đối với các vi phạm phát hiện qua thanh tra (nếu có); kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng (nếu có); kiến nghị, yêu cầu đối tượng thanh tra có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật (nếu có); kiến nghị xử lý khác (nếu có);

e) Ý kiến khác nhau giữa các thành viên Đoàn thanh tra (nếu có);

g) Vướng mắc trong quá trình thanh tra và đề xuất, kiến nghị (nếu có).

3. Trưởng đoàn thanh tra lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các thành viên Đoàn thanh tra đối với dự thảo báo cáo kết quả thanh tra và hoàn chỉnh báo cáo kết quả thanh tra. Trong trường hợp các thành viên Đoàn thanh tra có ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo thì Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

4. Trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, khi cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo cho việc kết luận, kiến nghị xử lý được chính xác, khách quan.

5. Trường hợp đề xuất chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, Trưởng đoàn thanh tra phải tổ chức họp để các thành viên trong Đoàn thanh tra tham gia đánh giá chứng cứ đối với từng nội dung kết luận, kiến nghị, đề xuất và phải được lập thành biên bản họp.

6. Chậm nhất 25 ngày, kể từ ngày kết thúc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có báo cáo kết quả thanh tra kèm theo văn bản về ý kiến khác nhau của thành viên Đoàn thanh tra đối với báo cáo kết quả thanh tra (nếu có) và biên bản làm việc, biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra (nếu có), ý kiến giải trình bằng văn bản của đối tượng thanh tra (nếu có); hồ sơ, tài liệu khác (nếu có) gửi người ra quyết định thanh tra, trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

7. Trưởng đoàn thanh tra ký báo cáo kết quả thanh tra.

Điều 23. Xem xét báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra trực tiếp nghiên cứu hoặc giao cho cơ quan, đơn vị chuyên môn, người tham mưu giúp việc nghiên cứu, xem xét các nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra.

2. Trường hợp cần phải làm rõ hoặc cần phải bổ sung thêm nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra tổ chức họp Đoàn thanh tra để nghe báo cáo trực tiếp hoặc có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản, yêu cầu Trưởng đoàn và các thành viên trong Đoàn thanh tra báo cáo.

3. Trưởng đoàn thanh tra tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; họp Đoàn thanh tra để thảo luận, xây dựng báo cáo bổ sung, làm rõ báo cáo kết quả thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra trình báo cáo bổ sung, làm rõ báo cáo kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra kèm theo những ý kiến khác nhau của thành viên Đoàn thanh tra (nếu có).

Điều 24. Xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra

1. Sau khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra và báo cáo bổ sung, làm rõ (nếu có) của Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra.

2. Dự thảo kết luận thanh tra phải có các nội dung sau đây:

a) Khái quát về đối tượng thanh tra;

b) Tình hình tài chính đối tượng thanh tra;

c) Kết quả kiểm tra, xác minh: Trình bày chi tiết kết quả kiểm tra, xác minh thực tế đối với từng nội dung thanh tra, nêu rõ các quy định pháp luật làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm (nếu có);

d) Kết luận: Kết luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra; đánh giá, nhận xét về việc vi phạm của các đối tượng có liên quan; xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm quy định pháp luật, hậu quả, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với từng vi phạm (nếu có); đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro, các rủi ro tiềm ẩn và hiệu quả hệ thống quản trị điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro của đối tượng thanh tra (nếu có); đánh giá tình hình tài chính của đối tượng thanh tra; kết luận khác (nếu có);

đ) Kiến nghị: Kiến nghị các biện pháp xử lý đối với các vi phạm phát hiện qua thanh tra (nếu có); kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng (nếu có); kiến nghị, yêu cầu đối tượng thanh tra có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật (nếu có); kiến nghị xử lý khác (nếu có).

3. Trong quá trình xây dựng Dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra.

4. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định.

Quyết định trưng cầu giám định được thực hiện theo Mẫu số 17-TTr; Văn bản về việc trưng cầu giám định được thực hiện theo Mẫu số 18-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trường hợp gửi Dự thảo kết luận thanh tra để đối tượng thanh tra giải trình thì việc giải trình của đối tượng thanh tra phải thực hiện băng văn bản kèm theo các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra.

Nội dung tiếp thu ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, ý kiến tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

Điều 25. Ký và ban hành kết luận thanh tra

1. Chậm nhất 25 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký kết luận thanh tra; trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, kết luận thanh tra phải được gửi như sau:

a) Đối với cuộc thanh tra do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành thì kết luận thanh tra phải gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tiến hành thì kết luận thanh tra phải gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Kết luận thanh tra thực hiện theo Mẫu số 19-TTr ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 36/2016/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 36/2016/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/12/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: 21/01/2017
  • Số công báo: Từ số 75 đến số 76
  • Ngày hiệu lực: 18/02/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH