Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 36/2014/TT-BNNPTNT về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương II

QUY TRÌNH PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI

Điều 5. Giai đoạn khởi đầu quá trình phân tích nguy cơ dịch hại

1. Điểm khởi đầu khi thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại

a) Xác định đường lan truyền sinh vật gây hại mà theo đó đối tượng kiểm dịch thực vật có thể du nhập, lan rộng;

b) Xác định sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật.

2. Phân tích nguy cơ dịch hại bắt đầu bằng đường lan truyền

Yêu cầu đối với phân tích nguy cơ dịch hại mới hoặc sửa đổi bắt đầu từ những tình huống sau:

a) Một loại hàng hóa mới hoặc loại hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ mới dự kiến xuất khẩu vào Việt Nam;

b) Loài thực vật mới chưa có ở Việt Nam được nhập khẩu với mục đích nghiên cứu khoa học và chọn giống;

c) Đường lan truyền khác: lan rộng tự nhiên, bao bì đóng gói, bưu phẩm, chất thải, hành lý của hành khách,...;

d) Có sự thay đổi quy định về kiểm dịch thực vật hoặc các yêu cầu liên quan đến hàng hóa nhập khẩu;

đ) Biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới hoặc thông tin mới cần xem xét.

3. Phân tích nguy cơ dịch hại bắt đầu từ loài sinh vật gây hại

Yêu cầu đối với một phân tích nguy cơ dịch hại mới hoặc sửa đổi bắt đầu từ một trong những tình huống sau:

a) Phát hiện loài sinh vật gây hại mới đã thiết lập trong vùng phân tích nguy cơ dịch hại;

b) Phát hiện loài sinh vật gây hại mới trong hàng hóa nhập khẩu;

c) Loài sinh vật gây hại có nguy cơ gây hại lớn hơn ở vùng mới so với vùng phân tích nguy cơ dịch hại và vùng xuất xứ;

d) Loài sinh vật gây hại cụ thể bị tái phát hiện;

đ) Yêu cầu nhập khẩu một loài sinh vật để nghiên cứu, thực nghiệm, giảng dạy, thương mại hoặc làm sinh vật cảnh;

e) Biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới hoặc thông tin mới cần xem xét.

4. Lập Danh mục sinh vật gây hại có thể lan truyền theo hàng hóa nhập khẩu. Sau đó mỗi loài sinh vật gây hại trong Danh mục này sẽ được chuyển qua giai đoạn 2 của quy trình phân tích nguy cơ dịch hại. Nếu không có đối tượng kiểm dịch thực vật theo đường lan truyền thì phân tích nguy cơ dịch hại sẽ dừng tại đây.

Điều 6. Xem xét lại kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đã thực hiện

1. Xem xét báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại có liên quan đã thực hiện. Nếu đã có sự đánh giá đầy đủ trước đây về phân tích nguy cơ dịch hại thì sử dụng kết quả đó.

2. Xem xét thực trạng hàng hóa cùng loại nhập khẩu từ các nước khác mà đã được phân tích nguy cơ dịch hại.

Điều 7. Đánh giá nguy cơ trở thành cỏ dại

Đánh giá nguy cơ trở thành cỏ dại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ có khả năng sử dụng để trồng trọt thực hiện theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 8. Nội dung đánh giá nguy cơ dịch hại

1. Phân tích số liệu sinh vật gây hại được phát hiện trên vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cùng loại đã được nhập khẩu vào Việt Nam: Tổng hợp số liệu về việc phát hiện sinh vật gây hại trên hàng hóa nhập khẩu được thực hiện theo mẫu quy định tại Bảng 1, Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phân cấp sinh vật gây hại

a) Nguồn thông tin để xây dựng Danh mục sinh vật gây hại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ bao gồm:

Danh mục và thông tin về sinh vật gây hại của nước xuất khẩu và những yêu cầu về thông tin liên quan được quy định cụ thể trong Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

Danh mục sinh vật gây hại đã phát hiện trên vật thể phải phân tích nguy cơ được xây dựng theo mẫu quy định tại Bảng 1, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

Các kết quả đánh giá nguy cơ dịch hại trước đây;

Cơ sở dữ liệu quốc tế có liên quan.

b) Thông tin sử dụng để phân cấp sinh vật gây hại gồm:

Phân bố địa lý (bản đồ phân bố, vùng khí hậu);

Đặc điểm sinh học;

Phương thức gây hại;

Đường lan truyền;

Các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đang được áp dụng;

Các thông tin liên quan khác.

c) Kết quả phân cấp sinh vật gây hại được xây dựng theo mẫu quy định tại Bảng 2, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Xác định sinh vật gây hại có khả năng trở thành đối tượng kiểm dịch thực vật

a) Các tiêu chí để xác định gồm:

Có phân bố ở nước xuất khẩu;

Có khả năng đi theo vật thể phải phân tích nguy cơ;

Có tiềm năng trở thành đối tượng kiểm dịch thực vật.

b) Các sinh vật gây hại trong Danh mục theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều này đáp ứng các tiêu chí được quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này được đưa vào Danh mục sinh vật gây hại có khả năng trở thành đối tượng kiểm dịch thực vật để tiếp tục đánh giá theo mẫu tại Bảng 3, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đánh giá hậu quả du nhập

a) Đối với mỗi loài sinh vật gây hại, hậu quả du nhập được đánh giá căn cứ vào 5 yếu tố nguy cơ bao gồm: Mối quan hệ giữa sinh vật gây hại với ký chủ và khí hậu; Phổ ký chủ; Khả năng phát tán; Tác động kinh tế; Tác động môi trường. Việc đánh giá thực hiện theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Tổng hợp kết quả đánh giá hậu quả du nhập

Kết quả đánh giá hậu quả du nhập của sinh vật gây hại được thực hiện theo mẫu quy định tại Bảng 4, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Đánh giá khả năng du nhập

a) Khả năng du nhập của mỗi loài sinh vật gây hại được đánh giá căn cứ vào 6 yếu tố nguy cơ bao gồm: Khối lượng của vật thể phải phân tích nguy cơ nhập khẩu hàng năm; Khả năng sống sót của sinh vật gây hại sau khi xử lý; Khả năng sống sót của sinh vật gây hại trong quá trình vận chuyển; Khả năng sinh vật gây hại không phát hiện được tại cửa khẩu; Khả năng sống sót của sinh vật gây hại tại nơi mà vật thể phải phân tích nguy cơ được chuyển đến; Ký chủ phù hợp cho sự sinh sản của sinh vật gây hại. Việc đánh giá thực hiện theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Tổng hợp kết quả đánh giá khả năng du nhập

Kết quả đánh giá khả năng du nhập của sinh vật gây hại theo mẫu quy định tại Bảng 5, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Kết luận về mức nguy cơ dịch hại và yêu cầu các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với sinh vật gây hại

a) Tổng hợp kết quả về mức nguy cơ dịch hại của sinh vật gây hại theo mẫu quy định tại Bảng 6, Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này.

b) Tùy theo mức nguy cơ của mỗi loài sinh vật gây hại để đưa ra biện pháp quản lý nguy cơ như sau:

Nguy cơ thấp: Không cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật;

Nguy cơ trung bình: Cần thiết áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật cụ thể;

Nguy cơ cao: Phải áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật chặt chẽ và cụ thể.

Điều 9. Quản lý nguy cơ dịch hại

1. Biện pháp quản lý

Trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ dịch hại đối với vật thể phải phân tích nguy cơ, có sự tham khảo ý kiến của các bên liên quan như: các nhà khoa học, quản lý, sản xuất, nhập khẩu để đưa ra các yêu cầu quản lý cụ thể nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch hại như sau:

a) Yêu cầu nước xuất khẩu thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật cụ thể đối với vật thể phải phân tích nguy cơ vào Việt Nam;

b) Thống nhất với nước xuất khẩu về việc xuất khẩu vật thể phải phân tích nguy cơ vào Việt Nam.

2. Các biện pháp quản lý để giảm thiểu nguy cơ dịch hại gồm:

a) Cấm nhập khẩu vật thể phải phân tích nguy cơ từ những quốc gia hoặc vùng cụ thể;

b) Yêu cầu phải có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu;

c) Kiểm tra tại nước xuất khẩu;

d) Yêu cầu các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật tại nước xuất khẩu;

đ) Yêu cầu vật thể phải phân tích nguy cơ được sản xuất tại vùng không nhiễm sinh vật gây hại;

e) Kiểm tra, xử lý tại cửa khẩu;

g) Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu;

h) Các biện pháp khác.

3. Đánh giá hiệu quả và tác động của các biện pháp quản lý

Việc đánh giá hiệu quả và tác động của các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch hại được thực hiện dựa trên các tiêu chí sau:

a) Kinh tế;

b) Môi trường;

c) Xã hội;

d) Tính khả thi;

đ) Sự phù hợp với những quy định đang áp dụng;

e) Thời gian cần thiết để áp dụng một biện pháp mới.

4. Lựa chọn biện pháp

Trên cơ sở xem xét những tác động và hiệu quả của các biện pháp quản lý để đưa ra sự lựa chọn phù hợp đối với mỗi đối tượng kiểm dịch thực vật cụ thể; đề xuất các biện pháp kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vật thể phải phân tích nguy cơ.

5. Dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại

a) Dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại.

6. Dự thảo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu

a) Dự thảo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm Thông tư này;

b) Tổ chức lấy ý kiến về yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

7. Hoàn chỉnh báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

Thông tư 36/2014/TT-BNNPTNT về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 36/2014/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/10/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Quốc Doanh
  • Ngày công báo: 19/11/2014
  • Số công báo: Từ số 991 đến số 992
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra