Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1993

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 32/LĐTBXH-TT NGÀY 9 THÁNG 12 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG ĐỂ LẠI CHO GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN NHÀ NƯỚC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐI CÔNG TÁC, LÀM VIỆC, HỌC TẬP Ở NƯỚC NGOÀI

Thi hành Điều 6, Quyết định 574/TTg, ngày 25 tháng 11 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung một số chế độ đối với công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương để lại cho gia đình đối với cán bộ, công nhân viên Nhà nước và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG

1. Đối tượng được áp dụng chế độ tiền lương để lại cho gia đình

- Cán bộ, công nhân viên Nhà nước (kể cả Đảng, đoàn thể), và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (ngoại giao, thường vụ, tuỳ viên quân sự, báo chí, phát thanh truyền hình, thông tấn xã, quản lý lao động...)

- Công nhân, viên chức làm việc ở các tổ chức Quốc tế được hưởng chế độ sinh hoạt phí bằng ngoại tệ do Nhà nước đài thọ.

- Cán bộ, công nhân viên Nhà nước (kể cả Đảng, đoàn thể), lực lượng vũ trang được cử đi học, thực tập và nghiên cứu sinh ở nước ngoài).

2. Đối tượng không được áp dụng chế độ tiền lương để lại cho gia đình

- Cán bộ, công nhân viên và những người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Nghị định số 370/HĐBT ngày 9 tháng 11 năm 1991.

- Cán bộ, công nhân, viên chức và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đi làm chuyên gia, cộng tác viên, hoặc làm việc ở nước ngoài, hưởng lương do nước ngoài hoặc các tổ chức Quốc tế đài thọ.

- Cán bộ, công nhân viên đi học, thực tập và nghiên cứu sinh quá thời hạn quy định không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hoặc đi theo nguyện vọng cá nhân và tự túc mọi chi phí.

- Cán bộ, công nhân viên được Nhà nước cho phép đi thăm người thân đi giải quyết việc riêng ở nước ngoài.

II. TIỀN LƯƠNG ĐỂ LẠI CHO GIA ĐÌNH

Các đối tượng ở điểm 1, mục 1 nói trên được để lại cho gia đình 40% tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc của thang lương, bảng lương quy định tại Nghị định số 25/CP, 26/CP và hệ số chệnh lệch bảo lưu (nếu có) theo Thông tư số 25/LB-TT ngày 13-9-1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Tài chính (không được tính các khoản phụ cấp lương).

Ví dụ: Một trưởng phòng hưởng mức lương chuyên môn theo ngạch, bậc có hệ số mức lương là 3,91 mức lương từ 1-4-1993 là 262.000 đồng, đi công tác dài hạn ở nước ngoài, thì phần tiền lương để lại cho gia đình hàng tháng là 262.000 đ x 40% = 104.800 đồng/tháng.

III. KHOẢN THI HÀNH

- Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, lực lượng vũ trang hưởng lương nơi nào cử đi thì nơi đó tính toán và trả tiền lương để lại.

- Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-4-1993. Những quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vương mắc đề nghị các Bộ, ngành và địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 32/LĐTBXH-TT năm 1993 hướng dẫn chế độ tiền lương để lại cho gia đinh đối với cán bộ công nhân viên Nhà nước, lực lượng vũ trang đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 32/LĐTBXH-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/12/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản