Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 574-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

BỔ SUNG MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 35-NQ/UBTVQHK9 ngày 17 tháng 5 năm 1993 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 9;
Căn cứ Nghị định số 25-CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang; Nghị định số 27-CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định tạm thời việc điều chỉnh mức lương hưu và mức trợ cấp đối với đối tượng hưởng chính sách xã hội;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối với các chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ (kể cả một số chức vụ khác xếp lương bầu cử) trong hệ thống các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp huyện, nếu được tái cử thì từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương chức vụ cho mỗi nhiệm kỳ.

Điều 2. Công chức, viên chức Nhà nước được cử sang làm việc ở các Hội trước đây đã được Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ duyệt biên chế, nếu được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt chuyên trách của Hội thì xếp lương theo ngạch chuyên môn đang hưởng và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Hội, quy định như sau:

a) Đối với các Hội ở Trung ương, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo cao nhất bằng 1,1 mức lương tối thiểu;

b) Đối với các Hội của cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo cao nhất bằng 0,7 mức lương tối thiều. Riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo cao nhất bằng 0,8 mức lương tối thiểu.

Giao cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng Hội nói trên ở Trung ương và ở địa phương, quy định mức phụ cấp cụ thể cho các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Hội.

Điều 3. Quy định phụ cấp đặc biệt, áp dụng đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác ở một số hải đảo xa và một số vùng biên giới, có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn. Phụ cấp gồm 3 mức: 30%, 50% và 100% của mức lương cấp bậc hoặc chức vụ.

Điều 4.

a) Lãnh đạo Ban Quản lý thị trường cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hưởng phụ cấp chức vụ như chức vụ lãnh đạo cấp Sở;

b) Một số Ban ở địa phương hiện nay do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, nhưng thực tế do Phó ban thường trực điều hành và chịu trách nhiệm chính thì được hưởng phụ cấp chức vụ ngang cấp Trưởng ban.

Điều 5. Tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp phục vụ hàng tháng đối với những chức danh hiện hưởng chế độ người phục vụ nhưng thực tế tự phục vụ. Mức phụ cấp cho một định suất bằng một lần lương tối thiểu, nửa định suất bằng 50% lương tối thiểu.

Điều 6. Công chức, viên chức, công nhân viên Nhà nước và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng sinh hoạt phí do Nhà nước ta đài thọ hoặc hưởng lương, sinh hoạt phí do nước ngoài, tổ chức quốc tế đài thọ theo Quyết định số 144-CT ngày 12-6-1986 và Quyết định số 277-CT ngày 30-10-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), được để lại cho gia đình 40% tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ.

Điều 7. Tiếp tục giữ chế độ trợ cấp thêm 20.000 đồng/tháng đối với cán bộ, nhân viên y tế ở các đội lưu động và ở cơ sở miền núi, vùng sâu, hải đảo theo công văn số 4407-PPLT ngày 28-4-1992 của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) cho đến khi có quy định mới.

Điều 8. Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân hưởng phụ cấp quân hàm được hưởng phụ cấp khu vực tính trên mức phụ cấp quân hàm binh nhì.

Điều 9. Học sinh tốt nghiệp các trường đào tạo đi nhận công tác ở miền núi, vùng sâu và hải đảo được hưởng 100% tiền lương ngay trong thời gian còn đang tập sự.

Điều 10. Những người về hưu trong năm 1993 không chuyển xếp lương mới nếu là công chức, viên chức hoặc công nhân viên chức Nhà nước được hưởng thêm 20%, nếu là quân nhân, công an nhân dân được hưởng thêm 30% lương cấp bậc hoặc chức vụ và các khoản trợ cấp trượt giá, bù giá theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 11. Thương binh các hạng, bệnh binh các hạng không phải là công nhân viên chức hoặc người được hưởng lương hưu đang hưởng trợ cấp thương tật, trợ cấp bệnh binh hàng tháng tính theo tiền lương, được hưởng phụ cấp tiền học theo Quyết định số 117-TTg và tiền nhà ở nếu chưa được miễn, giảm tiền nhà ở theo Quyết định số 118-TTg ngày 27-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ. Các khoản này được cộng vào trợ cấp đang hưởng của tháng 3 năm 1993 để điều chỉnh mức trợ cấp theo tiền lương mới từ ngày 1 tháng 4 năm 1993.

Điều 12. Giao cho Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì cùng Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Điều 13. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 1993.

Điều 14. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 574-TTg năm 1993 bổ sung chế độ đối với công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 574-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/11/1993
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản