Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2001/TT-TCHQ

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 02/2001/TT-TCHQ NGÀY 29 THÁNG 05 NĂM 2001 QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN VÀ QUẢN LÝ XE ÔTÔ, XE GẮN MÁY CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU, TẠM NHẬP KHẨU THEO CHẾ ĐỘ PHI MẬU DỊCH

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/02/1990;
Căn cứ Điều 20 Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27/03/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan;
Tổng cục Hải quan quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu (dưới đây gọi chung là nhập khẩu) theo chế độ phi mậu dịch như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Cơ quan Hải quan chỉ cấp giấy phép để quản lý đối với việc nhập khẩu và chuyển nhượng mặt hàng là xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng sau:

1.1. Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao.

1.2. Đối tượng được hưởng ưu đãi về chính sách thuế theo quy định của nhà nước Việt Nam.

1.3. Đối tượng là người Việt Nam và gia đình định cư ở nước ngoài được phép trở về định cư ở Việt Nam.

1.4. Các đối tượng khác nhập khẩu các mặt hàng trên theo chế độ phi mậu dịch.

2. Cơ quan cấp, quản lý giấy phép: Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố cấp, quản lý giấy phép cho các đối tượng có địa chỉ trên địa bàn Tỉnh, Thành phố mình quản lý. Nếu đối tượng ở Tỉnh, Thành phố không có tổ chức Hải quan thì có thể đề nghị Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố thuận tiện cấp giấy phép.

3. Giấy phép do Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố cấp có giá trị thực hiện tại các cửa khẩu trong cả nước. Thời hạn hiệu lực của giấy phép là 30 ngày kể từ ngày cấp.

Trường hợp có lý do xác đáng, chủ hàng có văn bản đề nghị xin gia hạn thì Cục trưởng Cục Hải quan nơi cấp giấy phép xem xét để gia hạn thêm 01 lần, thời gian gia hạn tối đa không quá 30 ngày.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc cấp giấy phép cho chủ hàng.

4. Đối với các loại hàng hóa, vật dụng khác (bao gồm cả hàng hóa, vật dụng mua bằng sổ định mức mua hàng miễn thuế hoặc thuộc diện quản lý theo tiêu chuẩn định lượng) chủ hàng làm thủ tục trực tiếp tại cửa khẩu theo đúng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu và chính sách thuế hiện hành. Đối với hàng hoá, vật dụng này của các đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao và đối tượng được ưu đãi về thuế thì khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định, chủ hàng nộp hoặc xuất trình Hải quan cửa khẩu các chứng từ sau:

- Công hàm hoặc văn bản đề nghị của chủ hàng có xác nhận của cơ quan quản lý. Nội dung công hàm hoặc văn bản cần ghi rõ tên hàng, số lượng.

- Chứng minh thư ngoại giao hoặc hộ chiếu (nếu là cá nhân): 01 bản photocopy có đóng dấu xác nhận của cơ quan quản lý và xuất trình bản chính để đối chiếu.

Đối với mặt hàng thuộc diện quản lý theo tiêu chuẩn định lượng thì xuất trình Sổ định mức mua hàng miễn thuế hoặc văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận mặt hàng, số lượng được nhập khẩu miễn thuế. Sau khi làm xong thủ tục nhập khẩu, Lãnh đạo Hải quan cửa khẩu xác nhận đã nhập (theo tờ khai số...... ngày...... tháng...... năm......) trên ô phiếu mặt hàng tương ứng đó của Sổ định mức mua hàng miễn thuế hoặc trên văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và ký tên, đóng dấu.

II. THỦ TỤC CỤ THỂ:

1. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu và thủ tục nhập khẩu:

a. Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu:

Khi đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xe ôtô, xe gắn máy, chủ hàng phải nộp Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố bộ hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị nhập khẩu xe. Văn bản phải có xác nhận của cơ quan quản lý hoặc nếu chủ hàng là đối tượng 1.3, phần I Thông tư này thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Văn bản cần ghi rõ các chi tiết về chiếc xe xin nhập khẩu.

- Chứng minh thư ngoại giao hoặc hộ chiếu: 01 bản photocopy có đóng dấu xác nhận của cơ quan quản lý và xuất trình bản chính để đối chiếu.

- Vận tải đơn: 03 bản copy (hoặc 01 bản copy, 02 bản sao).

- Giấy tờ khác liên quan đến xe nhập khẩu (như giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe ở nước ngoài ...).

- Văn bản xác nhận hoặc Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các đối tượng 1.2, 1.3, 1.4, phần I Thông tư này (như văn bản xác nhận là đối tượng chuyên gia ODA, Quyết định cho phép định cư tại Việt Nam...): 01 bản sao (có xuất trình bản chính để đối chiếu).

- Ngoài hồ sơ phải nộp nêu trên, nếu chủ hàng là đối tượng thuộc Nghị định số 73/CP ngày 30/07/1994 của Chính phủ thì phải xuất trình Sổ định mức mua hàng miễn thuế để Hải quan xác nhận đã cấp giấy phép nhập khẩu xe.

b. Thủ tục cấp, quản lý giấy phép nhập khẩu:

- Mỗi xe được cấp 01 bộ giấy phép gồm 03 bản (theo mẫu HQ-102 do Tổng cục Hải quan phát hành). Giấy phép phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, thân phận người nhập xe, nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe (xe mới / đã qua sử dụng).

- Sau khi cấp giấy phép, Hải quan nơi cấp giấy phép phải ghi là đã cấp giấy phép nhập khẩu xe vào Sổ định mức mua hàng miễn thuế (ô dành cho xe nhập khẩu) hoặc văn bản xác nhận hoặc Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Giao cho chủ hàng 02 bản (kèm 02 vận tải đơn có đóng dấu treo của Cục Hải quan cấp giấy phép) để nộp cho Hải quan cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu.

- Lưu 01 bản cùng hồ sơ xin cấp giấy phép tại Hải quan nơi cấp giấy phép.

c. Thủ tục nhập khẩu:

- Chủ hàng: Khai hải quan bằng tờ khai hải quan HQ 2-96.

+ Chủ hàng là đối tượng 1.1, 1.2, phần I Thông tư này khai 03 tờ.

+ Chủ hàng là đối tượng 1.3, phần I Thông tư này khai 02 tờ.

+ Chủ hàng là đối tượng 1.4, phần I Thông tư này: nếu được tạm nhập miễn thuế thì khai 03 tờ khai, nếu được nhập khẩu, nộp thuế thì khai 02 tờ khai.

- Hải quan cửa khẩu:

+ Căn cứ vào giấy phép và tờ khai hải quan để làm thủ tục nhập theo quy định.

+ Sau khi làm xong thủ tục, ghi kết quả làm thủ tục nhập khẩu vào tờ khai và giấy phép. Nội dung ghi bao gồm: nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe.

- Kết thúc thủ tục:

+ Trả cho chủ hàng 01 giấy phép và 01 tờ khai có đóng dấu "Bản chủ hàng" để đăng ký lưu hành xe. Chủ hàng là đối tượng 1.1, 1.2 và 1.4 (nếu là đối tượng được tạm nhập miễn thuế) phần I Thông tư này được trả thêm 01 tờ khai có đóng dấu "Dùng cho tái xuất" để nộp cho Hải quan cửa khẩu khi tái xuất xe.

+ Lưu tại Hải quan cửa khẩu 01 giấy phép, 01 tờ khai có đóng dấu "Bản lưu", 01 vận tải đơn.

2. Quy định thủ tục cấp giấy phép chuyển nhượng và thủ tục chuyển nhượng:

a. Quy định thủ tục cấp giấy phép chuyển nhượng:

- Chỉ xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng 1.1, 1.2, 1.4 (nếu là đối tượng được tạm nhập miễn thuế) phần I Thông tư này (dưới đây gọi chung là đối tượng được ưu đãi) khi bán mới phải làm thủ tục hải quan để chuyển nhượng. Xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng 1.3, 1.4 (nếu là đối tượng được nhập khẩu) phần I Thông tư này khi bán không phải làm thủ tục hải quan để chuyển nhượng.

- Xe ôtô, xe gắn máy của đối tượng được ưu đãi chỉ được chuyển nhượng khi đã đáp ứng điều kiện được chuyển nhượng theo quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến từng đối tượng.

- Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố nào cấp giấy phép nhập xe thì Cục Hải quan đó làm thủ tục chuyển nhượng xe và thanh khoản hồ sơ.

- Yêu cầu đối với đối tượng chuyển nhượng (dưới đây gọi là người bán):

+ Có văn bản nêu rõ lý do xin chuyển nhượng gửi Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố nơi đã cấp giấy phép nhập khẩu.

+ Chỉ được chuyển nhượng sau khi đã được cấp giấy phép. Hải quan không cấp giấy phép theo văn bản đề nghị của người mua, trừ trường hợp người mua cũng là đối tượng được ưu đãi thì người mua phải có văn bản đề nghị.

- Hồ sơ nộp cho Hải quan gồm:

+ Văn bản xin chuyển nhượng (nếu người mua là đối tượng được ưu đãi thì phải kèm văn bản đề nghị của người mua).

+ Tờ khai nhập khẩu có đóng dấu " Dùng cho tái xuất": 01 bản chính.

+ Giấy xoá sổ đăng ký lưu hành xe ôtô, xe gắn máy do cơ quan Công an cấp: 01 bản chính.

- Nếu người mua là đối tượng thuộc NĐ 73/CP ngày 30/07/1994 của Chính phủ thì phải:

+ Nộp chứng minh thư ngoại giao: 01 bản photocopy có đóng dấu xác nhận của cơ quan quản lý và xuất trình bản chính để đối chiếu.

+ Xuất trình Sổ định mức mua hàng miễn thuế để Hải quan xác nhận đã cấp giấy phép nhập xe (thủ tục như cấp giấy phép đối với xe nhập khẩu từ nước ngoài).

- Thủ tục cấp, quản lý giấy phép:

+ Mỗi xe được cấp 01 bộ giấy phép gồm 02 bản; 01 bản giao cho người bán; 01 bản lưu cùng tờ khai nhập khẩu có dấu "Dùng cho tái xuất" tại Hải quan nơi cấp giấy phép.

+ Giấy phép phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, thân phận của cả người bán và người mua.

b. Thủ tục chuyển nhượng:

- Người bán xuất trình giấy phép chuyển nhượng, khai và nộp 02 tờ khai hải quan HQ 2-96 cho Hải quan.

- Hải quan căn cứ vào giấy phép và hồ sơ để làm thủ tục theo quy định.Trường hợp Hải quan không đủ điều kiện để xác định được các chi tiết và chất lượng xe thì yêu cầu người bán trưng cầu giám định. Việc chọn tổ chức giám định phải được sự thống nhất của Hải quan.

- Nếu người mua không phải là đối tượng được ưu đãi thì người bán phải nộp đủ các loại thuế theo luật định.

- Sau khi hoàn thành thủ tục, Hải quan trả cho người bán 01 tờ khai hải quan HQ 2-96, biên lai thu thuế.

- Thanh khoản hồ sơ theo quy định.

3. Hồ sơ và thủ tục tái xuất:

- Các đối tượng 1.1, 1.2, 1.4 (nếu là đối tượng được tạm nhập miễn thuế) phần I Thông tư này khi tái xuất xe, chủ hàng làm thủ tục trực tiếp tại cửa khẩu xuất, không phải xin giấy phép Hải quan và không phải làm tờ khai xuất.

- Hồ sơ nộp Hải quan cửa khẩu xuất gồm:

+ Tờ khai nhập khẩu có đóng dấu "Dùng cho tái xuất": 01 bản chính.

+ Giấy xoá sổ đăng ký lưu hành xe ôtô, xe gắn máy do cơ quan Công an cấp: 01 bản chính.

- Căn cứ vào các chứng từ trên, Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tái xuất xe theo quy định hiện hành. Xác nhận vào tờ khai các chi tiết về xe như quy định trên.

- Kết thúc thủ tục tái xuất, trong 03 ngày làm việc Hải quan cửa khẩu có trách nhiệm thông báo cho Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu xe để thanh khoản giấy phép theo quy định.

III. XỬ LÝ VI PHẠM:

Mọi hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ Thông tư số 190/TCHQ-GSQL ngày 07/10/1994, Quyết định số 20/TCHQ-GSQL ngày 20/03/1996, việc cấp giấy phép quy định tại Công văn số 2191/TCHQ-GSQL ngày 14/09/1995 của Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn liên quan khác của Tổng cục Hải quan về vấn đề này.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đối tượng liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Thông tư này.

Đặng Văn Tạo

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2001/TT-TCHQ quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo chế độ phi mậu dịch do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 02/2001/TT-TCHQ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/05/2001
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đặng Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/06/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản