Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 1970

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CUỘC VẬN ĐỘNG SINH ĐẺ CÓ KẾ HOẠCH

Từ khi hòa bình được lập lại năm 1954, đời sống của nhân dân ta ngày càng được nâng cao, mạng lưới bảo vệ sức khỏe lại được tổ chức rộng khắp và hoạt động có kết quả, nên tỷ lệ phát triển dân số ở miền Bắc nước ta tăng lên nhanh chóng.

Tình hình đó nói lên tính chất ưu việt của chế độ ta. Nhưng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc phát triển dân số phải cân đối với việc phát triển kinh tế. Mặt khác, Nhà nước ta còn phải tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, công tác tốt và nuôi dạy con cái tốt.

Vì vậy, ngày 13-10-1963, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 99-TTg phát động cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch. Cuộc vận động tiến hành tương đối tốt, và được nhân dân, nhất là phụ nữ hưởng ứng tích cực, nên đến năm 1967 đã hạ được tỷ lệ phát triển dân số từ 3,4% xuống còn 2,5%.

Song mấy năm gần đây, cuộc vận động này không được duy trì thường xuyên nên mức sinh đẻ lại tăng lên nhanh chóng. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan có trách nhiệm đã buông lỏng lãnh đạo cuộc vận động này và các ngành, các cấp, nhất là các cơ sở chưa làm tốt việc giáo dục quần chúng ý thức về sinh đẻ có kế hoạch và chưa hướng dẫn cũng như chưa tạo điều kiện cần thiết cho nhân dân thực hiện được kế hoạch sinh đẻ của mình.

Thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 24-4-1970 quyết định:

1. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch trong tất cả các tỉnh, thành, chú trọng các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quãng Ninh, Nam Định, các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các tỉnh đồng bằng đông dân.

Đối tượng vận động là những cặp vợ chồng đã có hai con trở lên. Chú trọng vận động những người đẻ quá dày, sức khỏe kém, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Tích cực phấn đấu để có thể trong vòng vài năm tới, tỷ lệ phát triển dân số ở miền Bắc nước ta xuống còn từ 2,2% đến 2,4% trong đó:

Các thành phố còn từ 1,8% đến 2%

Các tỉnh đồng bằng còn từ 2,3% đến 2,5%.

Các cơ quan xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, số người đẻ trong một năm còn từ 10 đến 12% tổng số nữ công nhân, viên chức.

Đối với các dân tộc thiểu số ở vùng núi rẻo cao, cần khuyến khích phát triển dân số.

2. Kế hoạch Nhà nước cần có chỉ tiêu hướng dẫn về phát triển dân số. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần phối hợp với Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em đề ra chỉ tiêu phát triển dân số hàng năm để các đoàn thể và các ngành có liên quan căn cứ vào đó vận động sinh đẻ có kế hoạch.

3. Các Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể phụ nữ, công đoàn, thanh niên có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục mục đích ý nghĩa của sinh đẻ có kế hoạch trong cán bộ, công nhân, nhân viên, hội viên và đoàn viên của mình và gương mẫu thực hiện.

4. Bộ Y tế có nhiệm vụ sản xuất và nhập thêm các loại thuốc, và vòng tránh thai, tổ chức thêm các cơ sở hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch, đặt vòng, nạo thai, v.v…

Các bộ, Ủy ban và cơ quan ngang Bộ, Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện quyết định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 94-CP năm 1970 về cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 94-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/05/1970
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản