Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 68/2005/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG NHẬN TUYẾN PHỐ VĂN MINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
- Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
- Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông công chính và Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội tại Tờ trình số 347/TTr-LN ngày 28 tháng 4 năm 2005 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công nhận Tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 95/2002/QĐ-UB ngày 20/6/2002 ban hành “Quy chế tạm thời về tuyến phố văn minh thương mại - Đảm bảo trật tự hè phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện, Phường, Thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hoàng Ân

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG NHẬN TUYẾN PHỐ VĂN MINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 68/2005/QĐ-UB ngày 13 tháng 5 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân Thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Bản Quy định này xác định các tiêu chí của tuyến phố văn minh đô thị và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nguyên tắc xác định Tuyến phố văn minh đô thị

Việc xác định tuyến phố văn minh đô thị phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

1. Chỉ được coi là “Tuyến phố văn minh đô thị” sau khi đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố ra quyết định công nhận;

2. Một tuyến phố chỉ được xét công nhận là “Tuyến phố văn minh đô thị” khi thoả mãn các tiêu chí quy định tại Chương II bản Quy định này;

3. Việc xem xét, đánh giá các tiêu chí công nhận “Tuyến phố văn minh đô thị” đối với mỗi tuyến phố do Hội đồng quận, huyện xét duyệt trình UBND Thành phố công nhận;

4. Các “Tuyến phố văn minh đô thị” không còn đáp ứng được các tiêu chí công nhận trong bản Quy định này có thể bị Uỷ ban nhân dân Thành phố ra quyết định tước danh hiệu. Việc xét công nhận lại chỉ được thực hiện sau 03 năm kể từ ngày bị tước danh hiệu.

Điều 3. Tiêu chí công nhận "Tuyến phố văn minh đô thị"

Việc xem xét, công nhận “Tuyến phố văn minh đô thị” được thực hiện trên cơ sở đánh giá 02 tiêu chí sau:

1. Tiêu chí về hạ tầng giao thông đô thị;

2. Tiêu chí về hoạt động kinh doanh của các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp có cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở nằm trên tuyến phố.

Chương II

TIÊU CHÍ CÔNG NHẬN TUYẾN PHỐ VĂN MINH ĐÔ THỊ

Mục 1. TIÊU CHÍ VỀ HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Điều 4. Hạ tầng kỹ thuật

Hạ tầng kỹ thuật của các tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:

1. Mặt đường êm thuận, không gồ ghề, chắp vá và không có bục, bệ, cầu dẫn;

2. Mặt hè được lát gạch bằng phẳng;

3. Được tổ chức giao thông hợp lý, có đủ hệ thống báo hiệu đường bộ;

4. Hệ thống thoát nước bảo đảm tiêu, thoát nước tốt.

Điều 5. Vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng

Môi trường của các tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:

1. Mặt đường, mặt hè luôn sạch sẽ; không có nước đọng, rác, phế thải trên mặt đường, mặt hè; Việc thu gom rác thải được tổ chức hợp lý, cố định về địa điểm và thời gian;

2. Cây xanh trên vỉa hè được chăm sóc, cắt tỉa cành định kỳ; không có cành, lá cản trở tầm nhìn hoặc hoạt động giao thông thông suốt; Cây trồng mới phải phù hợp về độ cao, giống và loại của cây xanh hiện có trên tuyến phố;

3. Hệ thống chiếu sáng công cộng phải bảo đảm độ chiếu sáng đô thị cấp (A) - với độ sáng từ 1 - 1,8 CAD/m2;

4. Các công trình ngầm, nổi như hệ thống thông tin, điện lực và chiếu sáng phải được xây dựng, lắp đặt đúng quy hoạch, đúng quy định; Khi lắp đặt mới phải được ngầm hoá dưới vỉa hè, lòng đường.

Điều 6. Trật tự đô thị

Trật tự đô thị của các tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:

1. Các điểm trông giữ xe đạp, xe máy phục vụ tuyến phố Văn minh đô thị phải được bố trí trên những tuyến phố ngang, phố nhánh hoặc tuyến phố đó đối với những tuyến phố dài, hè có mặt cắt rộng trên 05 mét được Sở Giao thông công chính cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè, đường phố trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân quận, huyện.

2. Không có cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp kinh doanh, mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; bày, treo hàng hoá bên ngoài cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở gây chiếm dụng không gian hè phố;

3. Không có người lang thang, đánh giầy, xin ăn hoặc người bán hàng rong đeo bám khách để nài mua, ép giá;

4. Việc sử dụng vỉa hè, lòng đường cho việc cưới, việc tang phải được Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn cấp phép sử dụng và không quá 48 giờ;

5. Phải có phương án chống trộm cắp và cướp giật trên tuyến phố đó.

Điều 7. Mỹ quan đô thị

Mỹ quan đô thị của các tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:

1. Các cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở, nhà ở và công trình khác ở mặt phố phải bảo đảm khang trang, sạch đẹp và được sửa chữa, cải tạo, duy tu, bảo dưỡng định kỳ;

2. Mái che trên vỉa hè phải được thiết kế, lắp đặt thống nhất quy định chung trên toàn tuyến phố về hình thức, màu sắc, kích thước bảo đảm mỹ quan đô thị;

3. Cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt biển quảng cáo, biển chỉ dẫn trên vỉa hè, phải có văn bản thoả thuận với Sở Giao thông công chính và được Sở Văn hoá thông tin cấp phép;

4. Không có hiện tượng chăn, dắt, thả súc vật tự do trên vỉa hè, lòng đường;

5. Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước và của Thành phố như treo cờ Tổ quốc, khẩu hiệu trong ngày lễ, ngày tết, các sự kiện chính trị, xã hội; tham gia hưởng ứng các cuộc vận động xã hội, từ thiện.

Mục 2. TIÊU CHÍ VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI

Điều 8. Điều kiện kinh doanh thương mại

Việc kinh doanh thương mại của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp trên tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:

1. Có đăng ký kinh doanh; kinh doanh đúng nội dung đăng ký; Không kinh doanh ngành nghề, mặt hàng Nhà nước cấm kinh doanh; không kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng chưa được phép lưu thông;

2. Có chứng chỉ hoặc đảm bảo các điều kiện được quy định trong suốt quá trình kinh doanh đối với những ngành nghề, mặt hàng kinh doanh có điều kiện;

3. Chỉ kinh doanh hàng hoá có nhãn mác theo quy định của pháp luật và phải niêm yết giá, bán theo giá đã niêm yết;

4. Thực hiện đúng việc đăng ký, công bố chất lượng hoặc bảo hành theo quy định của pháp luật đối với những hàng hoá thuộc diện phải đăng ký chất lượng, công bố chất lượng hoặc bảo hành;

5. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành đối với hàng hoá là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ và đối với vật liệu dùng để bao gói;

6. Bố trí, sắp xếp hàng hoá hợp lý, trật tự, ngăn nắp; Cửa hàng thường xuyên được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ.

Điều 9. Các điều kiện khác

Ngoài các quy định tại Điều 8 bản Quy định này, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp có trụ sở nằm trên tuyến phố được xét công nhận là Tuyến phố văn minh thương mại phải bảo đảm các tiêu chí sau trong hoạt động kinh doanh thương mại:

1. Thực hiện các quy định về phòng, chống cháy, nổ theo hướng dẫn của Công an Thành phố; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở;

2. Có sổ sách, hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước; chấp hành nghiêm chỉnh Luật Thuế, Pháp lệnh phí và lệ phí;

3. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ theo quy định của Sở Y tế Hà Nội cho đội ngũ nhân viên bán hàng và phục vụ tại các cửa hàng, cửa hiệu thực phẩm; có các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại hàng hoá là thực phẩm tươi sống và đối với loại hình dịch vụ ăn uống;

4. Có đội ngũ nhân viên bán hàng và phục vụ với trang phục lịch sự; thái độ phục vụ chu đáo, nhiệt tình và trung thực đối với khách hàng;

5. Bảo đảm trật tự yên tĩnh chung; Không bán hàng quá giờ quy định của Thành phố.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT DUYỆT CÔNG NHẬN

Điều 10. Hồ sơ đề nghị xét công nhận Tuyến phố văn minh đô thị

1. Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn nơi đề nghị xét công nhận Tuyến phố văn minh đô thị lập hồ sơ đề nghị xét công nhận, gửi Uỷ ban nhân dân quận, huyện. Việc lập hồ sơ đề nghị xét công nhận được lập định kỳ vào tháng 10 hàng năm.

2. Hồ sơ đề nghị xét công nhận Tuyến phố văn minh đô thị gồm các giấy tờ sau:

a) Tờ trình đề nghị xét công nhận Tuyến phố văn minh đô thị trong đó nêu rõ tuyến phố đề nghị công nhận và đánh giá chủ quan của Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn về các tiêu chí quy định tại Chương II bản quy định này đối với tuyến phố đó;

b) Danh sách các cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở nằm trên tuyến phố đó để làm căn cứ đánh giá tiêu chí về hoạt động kinh doanh thương mại và trật tự đô thị;

c) Các điểm bố trí trông giữ phương tiện giao thông cho tuyến phố đó.

Điều 11. Trình tự xét công nhận Tuyến phố văn minh đô thị

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét công nhận Tuyến phố văn minh đô thị, Uỷ ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thành lập Hội đồng xét đề nghị công nhận các tuyến phố Văn minh đô thị.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Thành phần của Hội đồng gồm: 01 Phó chủ tịch quận, huyện làm chủ tịch; Trưởng phòng giao thông đô thị làm Phó chủ tịch và sự tham gia của đại diện thường trực HĐND quận (hoặc lãnh đạo Ban Kinh tế - xã hội HĐND quận), đại diện các Sở (Giao thông công chính, Thương mại, Văn hoá thông tin và Công an Thành phố); đối với các tuyến phố nằm trên địa bàn 2 quận, huyện thì do Uỷ ban nhân dân liên quận, huyện cùng phối hợp chủ trì.

2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày được thành lập, Hội đồng có trách nhiệm lập danh sách các tuyến phố được đề nghị xét công nhận.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thành lập, Hội đồng có trách nhiệm xem xét, đánh giá và tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân quận, huyện có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố ra quyết định công nhận Tuyến phố văn minh đô thị. Trường hợp có tuyến phố không đáp ứng được tiêu chí đã nêu thì Hội đồng có trách nhiệm tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân quận, huyện có ý kiến trả lời Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn bằng văn bản.

4. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến tham mưu của Hội đồng, Uỷ ban nhân dân quận, huyện có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố ra quyết định công nhận Tuyến phố văn minh đô thị.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của các Sở, ngành có liên quan

1. Sở Giao thông công chính:

a) Là cơ quan thường trực phối hợp với các Sở, Ban, Ngành Thành phố, Uỷ ban nhân dân quận, huyện triển khai Quyết định này;

b) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân quận, huyện, phường, thị trấn sở tại kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời các vi phạm;

c) Nâng cấp hạ tầng đô thị các tuyến phố được xem xét chuyển thành Tuyến phố văn minh đô thị;

d) Thường xuyên kiểm tra duy tu bảo dưỡng hạ tầng các Tuyến phố văn minh đô thị.

e) Phối hợp với các quận, huyện, Sở, ngành kiểm tra và xét đề nghị công nhận các Tuyến phố văn minh đô thị.

2. Công an Thành phố:

Chỉ đạo lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác trong ngành phối hợp với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định.

3. Sở Văn hoá thông tin:

Phối hợp với Sở Giao thông công chính Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, thị trấn thực hiện Quy định này; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định này trên các phương tiện thông tin tuyên truyền.

4. Sở Thương mại:

Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện , phường, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn thực hiện việc kinh doanh, buôn bán và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Giao thông công chính, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện xây dựng kế hoạch sửa chữa nâng cấp hệ thống đường, hè và hệ thống thoát nước của Tuyến phố văn minh đô thị.

6. Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông công chính xây dựng kế hoạch tài chính, bố trí kinh phí duy trì, nâng cấp các Tuyến phố văn minh đô thị

Điều 13. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các quận, huyện

1. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng và quản lý trật tự đô thị các Tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quận.

2. Chủ động phối hợp với các Sở, Ngành đề xuất các Tuyến phố văn minh đô thị mới; Đề xuất với các sở ngành về các nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với từng tuyến phố.

3. Chỉ đạo các Phòng, Ban thuộc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền và tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và theo pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn và tổ chức thực hiện bản quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện tuyến phố Văn minh đô thị.

3. Phản ánh kiến nghị và đề xuất với Uỷ ban nhân dân quận, huyện và các ngành những vấn đề có liên quan đến tuyến phố Văn minh đô thị.

4. Tổ chức kiểm tra xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về quản lý tuyến phố Văn minh đô thị trên địa bàn phường, thị trấn.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, chưa phù hợp thì Sở Giao thông công chính, Sở Thương mại tổng hợp, thống nhất đề xuất ý kiến báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết.