Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2020/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 3 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG NHẬN TUYẾN PHỐ VĂN MINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xem xét và công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 333/TTr-SXD ngày 13 tháng 02 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 4 năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Giao thông Vận tải; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Phan Ngọc Thọ

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG NHẬN TUYẾN PHỐ VĂN MINH ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định về các tiêu chí, nguyên tắc đánh giá, chấm điểm và thẩm quyền công nhận tuyến phố văn minh đô thị tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đánh giá, chấm điểm và công nhận tuyến phố văn minh đô thị.

Chương II

QUY ĐỊNH CÁC TIÊU CHÍ, NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ

Điều 3. Quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá

1. Tiêu chí kiến trúc cảnh quan, gồm: Công trình, vỉa hè, cây xanh (theo mục I Phụ lục 1 đính kèm).

2. Tiêu chí trật tự đô thị và an toàn giao thông, gồm: Quảng cáo, biển hiệu; bán hàng; chỗ đỗ xe (theo mục II Phụ lục 1 đính kèm).

3. Tiêu chí hạ tầng đô thị gồm: Vỉa hè, lòng đường; hệ thống cấp điện, thông tin, liên lạc; hệ thống cấp nước sạch và hệ thống thoát nước (theo mục III Phụ lục 1 đính kèm).

4. Tiêu chí vệ sinh môi trường gồm: tham chiếu kết quả đánh giá theo bộ tiêu chí “Xanh - Sạch - Sáng” cấp phường, xã trên địa bàn tỉnh (theo mục IV Phụ lục 1 đính kèm).

5. Tiêu chí khuyến khích gồm: Thiết kế đô thị và ngầm hóa hạ tầng (theo mục V Phụ lục 1 đính kèm).

Điều 4. Nguyên tắc đánh giá

1. Nguyên tắc đánh giá: thông qua đoàn kiểm tra, bằng cách tính điểm; tuyến phố được công nhận văn minh đô thị khi đạt từ 75 điểm trở lên và tổng số điểm của từng tiêu chí phải đạt tối thiểu là 50% so với điểm tối đa quy định của từng tiêu chí tương ứng (riêng đối với tiêu chí khuyến khích thì không tính điểm đạt tối thiểu).

2. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: đại diện Ủy ban Nhân dân cấp huyện, các phòng ban chuyên môn cấp huyện; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã; đại diện Ủy ban nhân dân phường, thị trấn cùng đại diện tổ dân phố; đại diện: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị (Trường hợp tuyến phố thuộc Khu đô thị mới An Vân Dương), Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (Trường hợp tuyến phố thuộc Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh).

3. Việc đánh giá tuyến phố văn minh đô thị trên cơ sở hồ sơ đề nghị của Ủy ban Nhân dân phường, thị trấn.

Điều 5. Hướng dẫn chấm điểm

Việc chấm điểm cho các tiêu chí được thực hiện cụ thể tại Phụ lục 2 kèm theo Quy định này.

Điều 6. Thẩm quyền, hình thức, thời hạn công nhận

1. Thẩm quyền: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện tổ chức thẩm định và quyết định công nhận, công nhận lại tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quản lý.

2. Hình thức công nhận: Quyết định.

3. Thời hạn công nhận:

a) Công nhận lần đầu: 02 năm, kể từ ngày ký Quyết định công nhận.

b) Công nhận lại: Sau 02 năm, kể từ ngày Quyết định công nhận lần trước. Việc công nhận lại do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, rà soát báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận lại.

4. Trường hợp các tuyến phố đã được công nhận nhưng vi phạm, không đảm bảo các tiêu chí nêu trên thì đề nghị UBND cấp huyện, địa phương tiếp tục hoàn chỉnh những nội dung còn tồn tại, hạn chế và thông báo kết quả đánh giá đến đơn vị đề nghị công nhận tuyến phố văn minh đô thị được biết, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi danh hiệu tuyến phố văn minh đô thị.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện

1. Sở Xây dựng:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai thực hiện Quy định này.

b) Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh các tuyến phố văn minh đô thị đã được công nhận và công nhận lại.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương hướng dẫn thực hiện việc đánh giá các tiêu chí về môi trường “Xanh - Sạch - Sáng” đối với cấp phường, xã để làm cơ sở xếp loại đánh giá việc thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” và xét chọn các tuyến phố văn minh đô thị.

b) Phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong việc xét chọn các tuyến phố văn minh đô thị.

3. Sở Văn hóa và Thể thao:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện hướng dẫn thực hiện công tác xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Thực hiện nghiêm công tác quản lý gắn với thanh tra, kiểm tra dịch vụ quảng cáo tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong việc xét chọn các tuyến phố văn minh đô thị.

4. Sở Giao thông vận tải:

a) Phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện công tác quản lý hạ tầng giao thông và công tác quản lý, kiểm tra chất lượng hạ tầng giao thông tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban Nhân dân cấp huyện trong việc xét chọn các tuyến phố văn minh đô thị.

5. Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tổ chức tuyên truyền kết quả thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh trên các kênh thông tin của tỉnh; kịp thời phản ánh, đưa tin các tổ chức, cá nhân có đóng góp tốt, điển hình trong xây dựng tuyến phố văn minh đô thị.

6. Ủy ban Nhân dân thành phố, thị xã và các huyện:

a) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyến phố văn minh giai đoạn 05 năm và hàng năm cho các đô thị trên địa bàn quản lý; đồng thời, tổ chức hướng dẫn, thẩm định, công nhận và công nhận lại tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn;

b) Chịu trách nhiệm tổ chức và duy trì việc thực hiện các tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị trên các tuyến phố đã được công nhận;

c) Thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm về quản lý tuyến phố văn minh đô thị theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý trật tự đô thị, quản lý xây dựng và đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch đề ra; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn;

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh đô thị;

đ) Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân phường/thị trấn, xã rà soát, đánh giá lại các tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị đã được công nhận theo quy định để xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận lại;

e) Định kỳ hàng năm (trước ngày 01/12) báo cáo các tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn đã được công nhận gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

7. Ủy ban Nhân dân phường/thị trấn, xã:

a) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại Điều 3 Quy định này để được công nhận tuyến phố văn minh đô thị;

b) Tổ chức rà soát, lập hồ sơ đề nghị xét công nhận tuyến phố văn minh đô thị gửi Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;

c) Tổ chức kiểm tra xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về quản lý tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quản lý;

d) Kiến nghị, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố, thị xã và các huyện những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn; định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về tình hình triển khai thực hiện các tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn;

đ) Đối với các tuyến phố văn minh đô thị đã được công nhận sau 02 năm: Tổ chức rà soát, đánh giá lại các tiêu chí theo quy định, trình Ủy ban Nhân dân thành phố, thị xã và các huyện xem xét công nhận lại.

8. Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân thành phố, thị xã và các huyện hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra việc triển khai thực hiện tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh.

Điều 8. Kinh phí thực hiện

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và các huyện, Ủy ban Nhân dân phường, thị trấn được giao nhiệm vụ chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí thực hiện trong phạm vi dự toán chi ngân sách được giao hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện, đánh giá và công nhận tuyến phố văn minh đô thị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng bằng văn bản để tổng hợp trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

PHỤ LỤC 1

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ CÁC TIÊU CHÍ TUYẾN PHỐ VĂN MINH ĐÔ THỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

STT

Nội dung yêu cầu

Điểm tối đa

Điểm đạt được

Ghi chú

I

Tiêu chí về kiến trúc cảnh quan

30

 

 

1

Về công trình (nhà ở và công trình khác)

20

 

 

1.1

Có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc hoặc có quy hoạch chi tiết trên toàn tuyến.

 

5

 

1.2

Không có trường hợp xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa không phép hoặc trái phép.

 

5

 

1.3

Trụ sở cơ quan, nhà ở và công trình khác ở mặt tiền đường đảm bảo sạch sẽ, mỹ quan đô thị. Không bám rêu mốc, phơi phóng quần áo hoặc đặt để đồ dùng sinh hoạt nhếch nhác ra mặt tiền công trình.

 

5

 

1.4

Các công trình di tích lịch sử, văn hóa, công viên, nghĩa trang (nếu có) có đơn vị quản lý, chăm sóc thường xuyên định kỳ.

 

5

 

1.5

Không đạt tiêu chí trên.

 

0

 

2

Về vỉa hè - Lòng đường

5

 

 

2.1

Có vạch kẻ phân biệt lối đi bộ và các khu chức năng trên lòng đường và vỉa hè như bãi đỗ xe khu vực buôn bán (nếu có).

 

3

 

2.2

Không để vật liệu xây dựng, chậu cây cảnh, vật kiến trúc lấn chiếm vỉa hè.

 

2

Trừ trường hợp được thực hiện theo thiết kế đô thị khác hoặc cơ quan thẩm quyền cho phép.

2.3

Không đạt tiêu chí trên.

 

0

 

3

Về cây xanh, thảm cỏ, tiểu hoa viên

5

 

 

3.1

Cây xanh đường phố được trồng đúng chủng loại (không thuộc danh mục cây xanh cấm trồng theo quy định tại Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 22/02/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc điều chỉnh danh mục cây xanh kèm theo Quyết định số 06/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế)

 

2,5

 

3.2

Có đơn vị quản lý, chăm sóc, chặt tỉa.

 

2,5

 

3.3

Không đạt tiêu chí trên

 

0

 

II

Tiêu chí trật tự đô thị và an toàn giao thông

25

 

 

1

Về bảng quảng cáo, biển hiệu

5

 

 

1.1

Không có các bảng quảng cáo, biển hiệu trái phép và gây cản trở giao thông.

 

2,5

 

1.2

Không có trường hợp treo, dán quảng cáo trên tường nhà, cây xanh, trụ điện và công trình khác trái phép, sai quy định.

 

2,5

 

1.3

Không đạt tiêu chí trên.

 

0

 

2

Về sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán

5

 

 

2.1

Không chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán và không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông.

 

2,5

Trừ trường hợp được tổ chức thành các tuyến phố đi bộ, tuyến phố thương mại, ẩm thực, chợ đêm,..

2.2

Trường hợp tuyến phố đô thị có kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, phải được Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã và các huyện thống nhất và xác định bằng vạch kẻ.

 

2,5

 

2.3

Không đạt tiêu chí trên.

 

0

 

3

Về chợ tạm

5

 

 

3.1

Không có chợ tạm.

 

5

Trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép

3.2

Không đạt tiêu chí trên.

 

0

 

4

Các phương tiện giao thông phải được đậu, đỗ theo quy định bằng vạch kẻ, bảng cấm theo quy định.

2,5

 

 

4.1

Đảm bảo yêu cầu

 

2,5

 

4.2

Không đảm bảo yêu cầu

 

0

 

5

Lắp đặt biển báo giao thông đầy đủ, đảm bảo theo quy định

 

2,5

 

5.1

Đảm bảo yêu cầu

2,5

 

 

5.2

Không đảm bảo yêu cầu

 

0

 

6

Không có trường hợp chăn, thả súc vật trên đường phố.

 

5

 

III

Tiêu chí về hạ tầng đô thị

20

 

 

1

Về vỉa hè - Lòng đường:

10

 

 

1.1

Vỉa hè có bố trí cây xanh, được lát bằng vật liệu cứng (bê tông, bê tông nhựa gạch lát, đá), trong tình trạng sử dụng tốt, đảm bảo an toàn (bằng phẳng, không bong tróc, ổ gà).

 

2,5

 

1.2

Mặt đường trong tình trạng sử dụng tốt, không lồi lõm, ổ gà.

 

2,5

 

1.3

Có lối lên xuống cho người khuyết tật theo đúng quy chuẩn trên suốt tuyến đường.

 

2,5

 

1.4

Bố trí lối lên xuống vỉa hè thống nhất. Không có trường hợp tự ý phá hủy hoặc xây đắp thêm gờ lên xuống.

 

2,5

 

1.5

Không đạt tiêu chí trên.

 

0

 

2

Hệ thống cấp điện, thông tin, liên lạc

5

 

 

2.1

Các loại dây đi nổi của hệ thống cấp điện, thông tin, liên lạc phải được bó, treo gọn gàng.

 

1,5

 

2.2

Dây băng qua đường phải được bố trí, sắp xếp thống nhất trên toàn tuyến. Trong đó, khoảng cách từ cáp viễn thông tới mặt đường không được nhỏ hơn 5m, khoảng cách từ dây điện tới mặt đường không nhỏ hơn 6m.

 

1,5

 

2.3

Trụ điện phải được bố trí đúng tiêu chuẩn, không cản trở luồng xe, lối đi bộ, ảnh hưởng tầm nhìn.

 

2

 

2.4

Không đạt tiêu chí trên.

 

0

 

3

Về hệ thống cấp nước sạch

2

 

 

3.1

Có hệ thống cấp nước sạch hoạt động tốt, không hư hỏng, rò rỉ dọc theo tuyến đường.

 

2

 

3.2

Không đạt tiêu chí trên

 

0

 

4

Về hệ thống thoát nước

3

 

 

4.1

Hệ thống thoát nước hoạt động tốt, các nắp cống, cửa thu nước mặt phải làm bằng vật liệu an toàn cho cư dân và các phương tiện lưu thông trên đường.

 

3

 

4.2

Không đạt tiêu chí trên

 

0

 

IV

Tiêu chí vệ sinh môi trường

15

 

Tham chiếu kết quả đánh giá theo bộ tiêu chí “Xanh-Sạch-Sáng” cấp phường, cấp xã, trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh.

1

Tuyến phố thuộc phường/thị trấn, xã được đánh giá thực hiện “tốt” phong trào Ngày chủ nhật xanh.

 

15

 

2

Tuyến phố thuộc phường/thị trấn, xã được đánh giá thực hiện “khá” phong trào Ngày chủ nhật xanh.

 

10

 

3

Tuyến phố thuộc phường/thị trấn, xã được đánh giá thực hiện “trung bình” phong trào Ngày chủ nhật xanh.

 

5

 

4

Không đạt tiêu chí trên

 

0

 

V

Tiêu chí khuyến khích

10

 

 

1

Tuyến phố có thiết kế đô thị được phê duyệt.

 

4

 

2

Hệ thống cấp điện đi ngầm.

 

2

 

3

Hệ thống thông tin, liên lạc đi ngầm.

 

2

 

4

Tuyến phố có 100% hộ dân treo cờ vào các dịp lễ, tết; có kế hoạch tổ chức định kỳ về ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên tuyến phố,…

 

2

 

5

Không đạt tiêu chí trên.

 

0

 

 

PHỤ LỤC 2

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐIỂM CÁC TIÊU CHÍ TUYẾN PHỐ VĂN MINH ĐÔ THỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2020 /QĐ-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

1. Bước 1: Thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế, ghi nhận hiện trạng các tiêu chí tuyến phố trước khi đề nghị công nhận tuyến phố văn minh đô thị.

2. Bước 2: Xác định điểm số của từng tiêu chí và tổng số điểm đạt được của tuyến phố.

3. Bước 3: Tổng hợp điểm số của từng thành viên tham gia để xác định điểm số bình quân đạt được.

a) Trường hợp đạt điểm bình quân từ 75 điểm trở lên và tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% so với điểm tối đa quy định (Riêng đối với tiêu chí khuyến khích thì không tính điểm đạt tối thiểu) thì cơ quan có thẩm quyền công nhận;

b) Trường hợp đạt điểm bình quân dưới 75 điểm hoặc có bất kỳ một tiêu chí nào đạt tổng số điểm nhỏ hơn 50% so với điểm tối đa quy định (Riêng đối với tiêu chí khuyến khích thì không tính điểm đạt tối thiểu) thì đề nghị địa phương tiếp tục hoàn chỉnh những nội dung còn hạn chế và thông báo kết quả đánh giá đến đơn vị đề nghị công nhận tuyến phố văn minh đô thị được biết.