Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 61-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN KINH TẾ, TỔNG CÔNG TY, NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC VỚI CẤP ỦY ĐỊA PHƯƠNG

- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII;

- Căn cứ Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước;

- Căn cứ Luật Doanh nghiệp;

- Xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan có liên quan,

BAN BÍ THƯ QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước với cấp ủy địa phương.

Điều 2. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện quy chế phối hợp công tác, có kế hoạch triển khai phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương và doanh nghiệp.

Điều 3. Giao Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương theo dõi việc thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu cần bổ sung, sửa đổi thì Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 197-QĐ/TW, ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư khóa X.

 


Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Võ Văn Thưởng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN KINH TẾ, TỔNG CÔNG TY, NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC VỚI CẤP ỦY ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 61-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư)

I- QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này áp dụng cho đảng ủy toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước, đảng ủy công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (gọi chung là đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty); cấp ủy đảng doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (gọi chung là cấp ủy đơn vị thành viên) và các cấp ủy địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) nơi có các đơn vị trực thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đóng trên địa bàn.

Điều 2. Đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty và cấp ủy địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; phối hợp trong lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác cán bộ, một số nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng tổ chức chính trị - xã hội ở doanh nghiệp và địa phương.

Điều 3. Việc phối hợp công tác phải bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy tập đoàn, tổng công ty, gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương.

II- NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

Điều 4. Đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ trì, phối hợp khi có tổ chức đảng các đơn vị thành viên đóng trên địa bàn địa phương nhưng không trực thuộc cấp ủy địa phương

1. Trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh: Khi cấp ủy địa phương có yêu cầu thì đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty có trách nhiệm thông báo với cấp ủy địa phương (nơi có các đơn vị thành viên đóng trên địa bàn) về kế hoạch, sản xuất, kinh doanh của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; chỉ đạo cấp ủy đơn vị thành viên báo cáo với cấp ủy địa phương nơi đơn vị đóng trên địa bàn về kế hoạch, sản xuất, kinh doanh hàng năm của đơn vị có liên quan đến địa phương để phối hợp thực hiện.

2. Trong công tác cán bộ: Khi quyết định điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ lãnh đạo, quản lý (chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc) của đơn vị thành viên đóng trên địa bàn thì đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty kịp thời thông báo với cấp ủy địa phương nơi đơn vị thành viên đóng trên địa bàn biết để phối hợp công tác.

3. Trong công tác xây dựng Đảng: Khi cần thiết thì đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty thông báo với cấp ủy địa phương về tình hình công tác xây dựng Đảng của đảng bộ. Định kỳ mỗi năm một lần, cấp ủy đơn vị thành viên báo cáo với cấp ủy cấp huyện nơi đơn vị đóng trên địa bàn về tình hình công tác xây dựng Đảng ở đơn vị mình để cấp ủy địa phương phối hợp chỉ đạo những vấn đề có liên quan.

Khi có nhu cầu thì cấp ủy đơn vị thành viên chủ động đề nghị với cấp ủy địa phương về việc cử cấp ủy viên, đảng viên, đối tượng đảng tham dự các đợt học tập triển khai nghị quyết, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng, lý luận chính trị, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới... do cấp ủy địa phương tổ chức trên địa bàn.

Đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ động phối hợp với cấp ủy đơn vị thành viên thực hiện tốt việc giới thiệu đảng viên đang công tác ở các đơn vị thành viên thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú theo quy định.

4. Trong công tác xây dựng tổ chức chính trị - xã hội: Các tổ chức chính trị - xã hội trong đơn vị thành viên không sinh hoạt ở địa phương thì đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các phong trào của địa phương nơi đơn vị đóng trên địa bàn theo đề nghị của cấp ủy địa phương, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp.

Điều 5. Đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ trì, phối hợp khi có tổ chức đảng các đơn vị thành viên đóng trên địa bàn địa phương, trực thuộc cấp ủy địa phương

1. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh: Đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty chỉ đạo đơn vị thành viên đóng trên địa bàn định kỳ báo cáo với cấp ủy địa phương về kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của tập đoàn kinh tế, tổng công ty liên quan đến địa phương, đến nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị thành viên trực thuộc cấp ủy địa phương.

Cấp ủy đơn vị thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc cấp ủy địa phương báo cáo với cấp ủy cấp trên trực tiếp (quận ủy, thị ủy, huyện ủy, đảng ủy khối hoặc tỉnh ủy, thành ủy) về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị để cấp ủy cấp trên chỉ đạo thực hiện; đồng thời có trách nhiệm lãnh đạo triển khai thực hiện nghị quyết của đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty về nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh có liên quan đến đơn vị.

2. Trong công tác cán bộ: Đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ động thông báo với cấp ủy địa phương về yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý của doanh nghiệp; chủ động trao đổi bằng văn bản với cấp ủy địa phương về nhận xét, đánh giá, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chính sách hưu trí đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý (chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc) của doanh nghiệp; lấy ý kiến nơi cư trú theo quy định. Cấp ủy địa phương có trách nhiệm đánh giá, nhận xét bằng văn bản, chậm nhất trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị; trường hợp đặc biệt do có vấn đề cần xem xét thì không quá 30 ngày làm việc. Khi có ý kiến khác nhau thì đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty cùng cấp ủy địa phương thảo luận để thống nhất ý kiến, nếu không thống nhất thì đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định đó; đồng thời, đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty, cấp ủy địa phương cùng báo cáo lên cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Khi có quyết định điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ lãnh đạo, quản lý (chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc) của đơn vị thành viên đóng trên địa bàn thì cấp ủy đơn vị thành viên báo cáo với cấp ủy cấp trên trực tiếp (huyện ủy, quận ủy, thị ủy, đảng ủy khối hoặc tỉnh ủy, thành ủy) nơi đơn vị đóng trên địa bàn biết để phối hợp chỉ đạo về công tác đảng.

Trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, xem xét kỷ luật thành viên cấp ủy của đơn vị thành viên thì cấp ủy địa phương thông báo với cấp ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty biết để phối hợp bố trí, sắp xếp cán bộ.

3. Trong công tác xây dựng Đảng: Đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ động trao đổi với cấp ủy địa phương là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đơn vị thành viên về bộ máy tổ chức, về nhân sự cấp ủy trước khi đại hội, về khen thưởng, kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng các đơn vị thành viên phù hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất và đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Trong công tác xây dựng tổ chức chính trị - xã hội: Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có các tổ chức chính trị - xã hội sinh hoạt ở địa phương thì chủ động phối hợp với cấp ủy địa phương:

a) Hỗ trợ tổ chức các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, công tác xã hội, môi trường, chấp hành nghĩa vụ công dân...

b) Tham gia ý kiến về xây dựng tổ chức, về bố trí nhân sự chủ chốt các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị thành viên.

c) Khi có sự việc đột xuất (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, đình công, lãn công...) xảy ra ở đơn vị thành viên thì đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ động phối hợp với cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời.

d) Xem xét, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của các tổ chức chính trị - xã hội, những vấn đề liên quan đến đơn vị thành viên đóng trên địa bàn theo đề nghị của các tổ chức chính trị - xã hội và cấp ủy địa phương.

đ) Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ của từng tổ chức theo chỉ đạo của cấp ủy địa phương và tổ chức chính trị - xã hội cấp trên.

Điều 6. Cấp ủy địa phương chủ trì, phối hợp với đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty

1. Trong lãnh đạo thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền địa phương:

a) Cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động thông báo với cấp ủy đơn vị thành viên dự hội nghị triển khai các nghị quyết, quyết định liên quan đến doanh nghiệp đóng trên địa bàn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và các vấn đề cần thiết khác.

b) Khi có tình hình khẩn cấp và yêu cầu đột xuất, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... cấp ủy địa phương yêu cầu tập đoàn kinh tế, tổng công ty, đơn vị thành viên triển khai việc điều động cán bộ, người lao động, phương tiện của đơn vị thành viên để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

c) Cấp ủy, chính quyền địa phương mời đại diện cấp ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc đại diện cấp ủy đơn vị thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty đóng trên địa bàn dự các hội nghị tổng kết, sơ kết, hội nghị chuyên đề có liên quan đến đơn vị thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

d) Khi cần thì cấp ủy địa phương chủ động trao đổi, đề xuất với đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty về những nội dung trong các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của cấp ủy địa phương để triển khai thuận lợi trong các đơn vị thành viên.

đ) Tổ chức đảng các đơn vị thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty có trách nhiệm chấp hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền địa phương có liên quan đến đơn vị đóng trên địa bàn.

2. Trong lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng:

a) Đối với đảng ủy toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty có tổ chức đảng các đơn vị thành viên đóng trên địa bàn địa phương: Cấp ủy huyện, quận thông báo bằng hình thức thích hợp về kế hoạch, nội dung, thời gian mở các lớp học tập nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của cấp ủy địa phương có liên quan; các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng cấp ủy viên... do cấp ủy địa phương tổ chức để các tổ chức đơn vị thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty đóng trên địa bàn biết, cử người tham dự nếu có nhu cầu.

b) Đối với đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty có tổ chức đảng các đơn vị thành viên đóng trên địa bàn địa phương, trực thuộc cấp ủy địa phương: Cấp ủy địa phương chủ động trao đổi ý kiến với đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty trước khi xây dựng quy hoạch cấp ủy, chuẩn bị nhân sự cấp ủy cho đại hội Đảng; xét khen thưởng, kỷ luật và đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm đối với các đơn vị thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty đóng trên địa bàn; phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện theo đúng quy định.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty và tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy đơn vị thành viên và huyện ủy, thị ủy, quận ủy, thành ủy (thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) nơi có đơn vị thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty đóng trên địa bàn chủ động trao đổi bằng hình thức phù hợp những vấn đề liên quan đến tình hình hoạt động và kế hoạch công tác của mỗi bên để phối hợp lãnh đạo các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện.

Khi cần thiết, đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty, cấp ủy đơn vị thành viên đóng trên địa bàn hoặc cấp ủy địa phương tổ chức rút kinh nghiệm việc phối hợp công tác.

Điều 8. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và cấp ủy đơn vị thành viên có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Quy chế.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung thì các cấp ủy, tổ chức đảng báo cáo về Ban Tổ chức Trung ương để nghiên cứu, trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 61-QĐ/TW năm 2022 về Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước với cấp ủy địa phương do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 61-QĐ/TW
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/03/2022
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Võ Văn Thưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản