Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHẦN MỀM VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 6 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

Công nghiệp phần mềm là ngành kinh tế tri thức, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, tạo ra giá trị xuất khẩu cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhà nước đặc biệt khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp này trở thành một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân.

Phát triển nguồn nhân lực về cả số lượng và chất lượng là điều kiện then chốt cho sự thành công của công nghiệp phần mềm. Nhà nước tăng cường đầu tư và khuyến khích xã hội hoá công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghiệp phần mềm, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất.

Cần chú trọng dịch vụ công nghệ thông tin, trước mắt là gia công phần mềm và dịch vụ cho nước ngoài, song song với việc tăng cường mở rộng thị trường trong nước, tập trung phát triển một số phần mềm trọng điểm, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thay thế các sản phẩm phần mềm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam.

2. Mục tiêu

Đến năm 2010, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đạt được các mục tiêu cơ bản sau:

- Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 35 - 40%/năm. Tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt trên 800 triệu USD/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 40%;

- Tổng số nhân lực phát triển phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt khoảng 55.000 đến 60.000 người, với giá trị sản phẩm trung bình đạt 15.000 USD/người/năm;

- Xây dựng được trên 10 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 1.000 người và 200 doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực trên 100 người;

- Thuộc nhóm các nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm và lọt vào danh sách 15 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất trên thế giới;

- Giảm tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực.

II. CÁC CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

1. Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm

- Xây dựng, ban hành các quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư cho phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin;

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế quản lý đầu tư, định mức cho các dự án công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án phần mềm;

- Xây dựng và ban hành các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ phần mềm phù hợp với lộ trình và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam;

- Củng cố và tăng cường năng lực hoạt động và lực lượng cho cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp phần mềm;

- Thành lập Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung thông tin số Việt Nam - tổ chức sự nghiệp công lập, trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông, có chức năng nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, các giải pháp, biện pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển;

- Tập trung hoàn thiện các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm, bao gồm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, quy định hành vi vi phạm, hình thức và chế tài xử phạt;

- Nâng cao hiệu lực thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm cho đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ tư vấn pháp lý, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Xử lý nghiêm các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm theo quy định của pháp luật;

- Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê về công nghiệp phần mềm theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân.

2. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm

a) Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đến năm 2010 được ban hành theo Quyết định số 331/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ;

- Mở rộng quy mô đào tạo và tăng nhanh chỉ tiêu tuyển sinh khối các ngành công nghệ thông tin cho các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin, tăng cường các môn học về phân tích, thiết kế, kiến trúc hệ thống, phát triển ứng dụng, kỹ năng quản lý trong các khoa công nghệ thông tin của các trường đại học, cao đẳng. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sản xuất công nghiệp. Cải tiến, cập nhật, hiện đại hoá chương trình đào tạo công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế; tăng cường chuyển giao các chương trình đào tạo công nghệ thông tin từ các nước tiên tiến; nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên; đầu tư các trang thiết bị, hệ thống mạng lưới để đảm bảo các điều kiện thực hành cho sinh viên;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin; đẩy mạnh việc thành lập các trường đại học công nghệ thông tin tư thục chất lượng cao; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học quốc tế mở cơ sở đào tạo công nghệ thông tin tại Việt Nam;

- Triển khai chương trình đào tạo kỹ sư/cử nhân công nghệ thông tin bằng tiếng nước ngoài theo mô hình 1+4 (một năm đào tạo ngoại ngữ và 4 năm đào tạo chuyên môn bằng ngoại ngữ đó);

- Tăng cường các khoá đào tạo văn bằng thứ 2 về công nghệ thông tin cho sinh viên, cán bộ tốt nghiệp các ngành khác;

- Tăng chỉ tiêu học viên công nghệ thông tin được tham dự chương trình đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Đề án 322 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Đẩy mạnh các chương trình đào tạo phi chính quy và ngắn hạn về công nghệ thông tin

- Khuyến khích mở rộng quy mô và tăng cường chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin ngoài công lập. Xây dựng và chuẩn hoá các chương trình, giáo trình, văn bằng, chứng chỉ đào tạo công nghệ thông tin phi chính quy; tổ chức thẩm định, đánh giá, công nhận tương đương các chứng chỉ, văn bằng do các tổ chức đào tạo công nghệ thông tin quốc tế cấp;

- Xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức các khoá đào tạo ngắn hạn nâng cao, chuyên sâu về các kỹ năng, công nghệ cho đội ngũ nhân lực phần mềm;

- Triển khai chương trình 4+1, trong đó các sinh viên tốt nghiệp các ngành ngoại ngữ, khoa học, kỹ thuật, kinh tế được đào tạo thêm 1 năm về công nghệ thông tin để trở thành chuyên gia công nghệ thông tin;

- Tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai các chương trình, dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực phần mềm định hướng thị trường trọng điểm;

- Ưu tiên, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực phần mềm; khuyến khích triển khai mô hình đào tạo, nghiên cứu gắn kết với sản xuất trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin;

- Đẩy mạnh các chương trình xuất khẩu lao động công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ, triển khai các chương trình đào tạo gắn với công việc với các đối tác nước ngoài.

3. Tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp phần mềm

- Huy động tối đa các nguồn lực trong nước, bao gồm các nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội và từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm;

- Khuyến khích các địa phương, đặc biệt là các thành phố, nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin, tăng cường đầu tư ngân sách cho phát triển công nghiệp phần mềm; tạo mọi điều kiện ưu đãi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi để thu hút đầu tư vào công nghiệp phần mềm và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin;

- Đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài và của người Việt Nam ở nước ngoài vào xây dựng các trung tâm phát triển sản phẩm và dịch vụ phần mềm ở Việt Nam;

- Chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu công nghiệp phần mềm tập trung, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng về công nghệ thông tin;

- Nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển công nghiệp phần mềm từ các nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp phần mềm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;

- Khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ thông tin; xây dựng các cơ chế bảo hiểm rủi ro cho đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm.

4. Phát triển thị trường công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng giải pháp phần mềm vào các quy trình tác nghiệp, dây chuyền sản xuất của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp;

- Tiến hành điều tra, khảo sát thu thập thông tin về thị trường ứng dụng công nghệ thông tin trong nước và công bố lên cổng thông tin công nghiệp phần mềm. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có dự án công nghệ thông tin dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước phải công khai các thông tin về dự án trên cổng thông tin công nghiệp phần mềm;

- Tập trung đầu tư, nghiên cứu phát triển một số sản phẩm, dịch vụ phần mềm trọng điểm của Việt Nam và hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm trọng điểm này;

- Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá, xây dựng và cập nhật thường xuyên danh mục các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin được sản xuất trong nước để khuyến cáo mua sắm, sử dụng trong các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước;

- Xây dựng cổng thông tin công nghiệp phần mềm với nhiều thứ tiếng để cung cấp thông tin về các doanh nghiệp phần mềm, sản phẩm phần mềm Việt Nam cho khách hàng, các đối tác trong và ngoài nước, đồng thời cung cấp các thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp phần mềm;

- Nghiên cứu, xây dựng phương án kiểm định, đánh giá chất lượng phần mềm nhằm hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đánh giá, lựa chọn sản phẩm;

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nước ngoài cho công nghiệp phần mềm; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tiếp thị và quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ gia công phần mềm ra nước ngoài; xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam nói chung, công nghiệp phần mềm nói riêng.

5. Hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp phần mềm

- Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết các doanh nghiệp phần mềm vừa và nhỏ, hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp phần mềm lớn để xây dựng các thương hiệu uy tín, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế;

- Thiết lập và hỗ trợ phát triển các mối liên kết giữa các doanh nghiệp phần mềm với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về công nghệ thông tin; giữa các doanh nghiệp phần mềm với các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm nhằm tạo nên sự hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực, tăng nguồn vốn đầu tư và bảo hiểm rủi ro cho các doanh nghiệp phần mềm;

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phần mềm đầu tư áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo các chuẩn quốc tế (như CMM, CMMI, ISO). Ưu tiên các doanh nghiệp có chứng chỉ về quy trình đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế khi tham gia đấu thầu các dự án công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp phần mềm có dự án xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế CMM, CMMI hoặc tương đương. Nghiên cứu, phát triển các chuẩn, các quy trình công nghiệp phần mềm Việt Nam theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu triển khai áp dụng;

- Ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm phần mềm của các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp theo tiêu chí tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp phần mềm trong việc nhận chuyển giao công nghệ;

- Cho phép các doanh nghiệp Việt Nam có dự án đầu tư nghiên cứu phát triển phần mềm nguồn mở, phần mềm ứng dụng phục vụ cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng gia công phần mềm và dịch vụ phần mềm cho nước ngoài được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

- Xây dựng và đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp phần mềm tại các địa phương có đủ điều kiện về nhân lực và hạ tầng, đặc biệt là các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Tận dụng các nguồn vốn tài trợ, nhất là nguồn vốn ODA, để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp phần mềm vừa và nhỏ;

- Tăng tỷ lệ nhân lực nước ngoài trong các doanh nghiệp phần mềm 100% vốn nước ngoài.

6. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án tổng thể về ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ;

- Ưu tiên sử dụng các phần mềm mã nguồn mở trong các dự án công nghệ thông tin dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Xây dựng danh mục và cơ sở dữ liệu về các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở để khuyến cáo các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mua sắm và sử dụng;

- Tổ chức các hội thảo, các khoá đào tạo, soạn thảo và phát hành các tài liệu nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích và hướng dẫn sử dụng phần mềm mã nguồn mở cho cán bộ, công chức và người dân;

- Đầu tư nghiên cứu, phát triển và khuyến khích sử dụng một số sản phẩm phần mềm mã nguồn mở trọng điểm có khả năng thay thế phần mềm thương mại và các ứng dụng, tiện ích trên nền phần mềm mã nguồn mở;

- Hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp kinh doanh phần mềm mã nguồn mở và các dịch vụ liên quan. Ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sử dụng phần mềm mã nguồn mở;

- Hỗ trợ, thúc đẩy đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm phần mềm mã nguồn mở và các cộng đồng phần mềm nguồn mở của Việt Nam. Tổ chức chương trình đào tạo ứng dụng phần mềm nguồn mở cho cán bộ, công chức và cho những người sử dụng công nghệ thông tin tại các trung tâm đào tạo và bồi dưỡng công nghệ thông tin trên cả nước.

7. Tăng cường hạ tầng viễn thông - Internet cho công nghiệp phần mềm

- Tập trung đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, phát triển hạ tầng viễn thông, Internet băng rộng đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghiệp phần mềm về chất lượng đường truyền và giá cước;

- Ưu đãi về đường truyền Internet cho các khu công nghiệp phần mềm tập trung, các doanh nghiệp có doanh số gia công phần mềm và dịch vụ cho nước ngoài lớn. Nghiên cứu cho phép một số khu công nghiệp phần mềm trọng điểm được thiết lập cổng kết nối trực tiếp với hệ thống Internet quốc tế.

III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH NHÁNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

1. Các chương trình nhánh

- Chương trình hỗ trợ, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp phần mềm tại các địa phương có đủ điều kiện về nhân lực và hạ tầng, đặc biệt là tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng và chỉ đạo Sở Bưu chính, Viễn thông triển khai thực hiện;

- Chương trình xây dựng và đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp phần mềm tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân các thành phố trên xây dựng và chỉ đạo Sở Bưu chính, Viễn thông triển khai thực hiện.

2. Các đề án, dự án trọng điểm

- Dự án đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông triển khai thực hiện;

- Dự án xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho công nghiệp phần mềm Việt Nam, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường gia công, xuất khẩu phần mềm do Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Bộ Thương mại và Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VINASA triển khai thực hiện;

- Dự án phát triển một số sản phẩm và dịch vụ phần mềm trọng điểm của Việt Nam do Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VINASA triển khai thực hiện;

- Đề án thành lập Quỹ phát triển công nghiệp phần mềm do Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VINASA xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Dự án nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp phần mềm, hỗ trợ áp dụng các quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế do Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện;

- Dự án đầu tư xây dựng Viện Công nghiệp phần mềm do Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì;

- Dự án xây dựng và vận hành cổng thông tin công nghiệp phần mềm do Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VINASA triển khai thực hiện.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư triển khai thực hiện Chương trình. Tổng kinh phí để thực hiện Chương trình khoảng 70 triệu USD, trong đó 30% kinh phí từ ngân sách trung ương, 30% từ ngân sách các địa phương và 40% huy động từ các doanh nghiệp, các hiệp hội, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Chương trình này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngoài việc tổ chức triển khai các chương trình nhánh, dự án trọng điểm ghi trong phần III Điều 1 cần căn cứ các nội dung của Chương trình, đặc biệt là các chính sách và giải pháp ghi trong phần II Điều 1 để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án phù hợp. Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án phải đảm bảo sự phối hợp, lồng ghép có hiệu quả với các chương trình, dự án, đề án khác về công nghệ thông tin.

3. Trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương

a) Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho công nghiệp phần mềm, mở rộng thị trường công nghệ thông tin trong nước; xây dựng cổng thông tin công nghiệp phần mềm; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; tăng cường hạ tầng viễn thông, Internet; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về các kỹ năng và công nghệ phần mềm; chuẩn hoá hệ thống chương trình, văn bằng, chứng chỉ đào tạo công nghệ thông tin phi chính quy; xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm;

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin; tăng cường sử dụng phần mềm nguồn mở trong hoạt động dạy và học ở tất các các ngành học, cấp học;

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan huy động các nguồn vốn để đảm bảo kinh phí thực hiện chương trình, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và vốn vay ODA; cân đối, tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch Nhà nước hàng năm cho các dự án, chương trình và kế hoạch phát triển công nghiệp phần mềm của các Bộ, ngành và địa phương; tổ chức triển khai các biện pháp nhằm tập trung các nguồn lực, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư, phát triển công nghiệp phần mềm;

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Bưu chính, Viễn thông xây dựng, ban hành các quy định ưu đãi về thuế, tín dụng, vay vốn, thuê đất, cơ sở hạ tầng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động công nghiệp phần mềm; xây dựng và ban hành quy định về thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm phần mềm và dịch vụ của nước ngoài; ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện chương trình, đặc biệt là kinh phí từ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và vốn vay ODA để thực hiện các chương trình, dự án phát triển công nghiệp phần mềm của các Bộ, ngành và các địa phương;

đ) Bộ Thương mại hỗ trợ, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm; xây dựng thương hiệu cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh phần mềm ở Việt Nam, cũng như hợp tác và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước trong việc xúc tiến thị trường, chuyển giao tri thức, công nghệ về phần mềm;

e) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông và các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm; ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ về phần mềm; đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở; đầu tư nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm phần mềm nguồn mở có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam;

g) Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chi tiết của Luật Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nói riêng; tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam; tăng cường khả năng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm; hướng dẫn, cải tiến thủ tục để việc xuất bản, xuất, nhập khẩu phần mềm được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi;

h) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông và các Bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường xuất khẩu lao động phần mềm;

i) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phần mềm được vay vốn tín chấp để đầu tư cho các hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh;

k) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, căn cứ vào các nội dung của Chương trình để xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình nhánh, các dự án về phát triển công nghiệp phần mềm; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp phần mềm; hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm; xây dựng và tăng cường đầu tư phát triển các khu công nghiệp phần mềm tập trung;

l) Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VINASA phối hợp với Bộ Bưu chính, Viễn thông, các Bộ, ngành và các địa phương liên quan xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm và thị trường, huy động đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để phát triển công nghiệp phần mềm.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao; 
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN .

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 51/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 51/2007/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/04/2007
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 03/05/2007
  • Số công báo: Từ số 290 đến số 291
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản