Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 36-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN ĐỐI NGOẠI TRUNG ƯƠNG

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII;

- Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,

BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Chức năng

Ban Đối ngoại Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Nghiên cứu, tham mưu

- Nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, tình hình các chính đảng và phong trào nhân dân trên thế giới; tham mưu chủ trương, chính sách, đối sách của Đảng ta.

- Chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các văn kiện đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực đối ngoại. Chủ trì, phối hợp hoặc tham gia nghiên cứu cụ thể hoá đường lối đối ngoại của Đảng.

- Là một đầu mối hoặc phối hợp cùng các cơ quan thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá dự báo về lĩnh vực đối ngoại trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

2. Thẩm định

Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đối ngoại.

3. Tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng

- Tổ chức các hoạt động đối ngoại của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trên danh nghĩa là hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng.

- Tổ chức triển khai các mối quan hệ của Đảng ta với các chính đảng, tổ chức trên thế giới và hoạt động của Đảng ta tại các diễn đàn đa phương chính đảng.

4. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định về công tác đối ngoại của Đảng đối với các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

- Chủ trì việc chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động đối ngoại nhân dân; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân quan trọng.

- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các thoả thuận của Đảng ta với các đảng, tổ chức trên thế giới.

5. Quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân

- Xây dựng hoặc tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại hằng năm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

- Tổng hợp, trình duyệt hoặc phê duyệt (khi được ủy quyền) và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại hằng năm của các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ở Trung ương; tổng hợp báo cáo công tác đối ngoại hằng năm của các cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

- Phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng xây dựng và quản lý ngân sách hoạt động đối ngoại của Đảng.

6. Tham gia xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ

- Tham gia công tác xây dựng Đảng theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Phối hợp, tham gia ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan về công tác tổ chức, cán bộ của các cơ quan, tổ chức về đối ngoại, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định.

7. Thực hiện một số nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.

- Phối hợp với các ban đảng, bộ, ngành, các đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo các công tác khác có liên quan trực tiếp đến đối ngoại.

- Giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo dõi việc đi nước ngoài của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý công tác trong các cơ quan đảng, đoàn thể (cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu) theo quy định.

- Thực hiện những công việc khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

8. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Ban Đối ngoại Trung ương được quyền:

- Nhận hoặc yêu cầu cung cấp báo cáo, thông tin về đối ngoại từ các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, địa phương.

- Tham gia một số cơ chế liên ngành, các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác của các cơ quan làm về đối ngoại và các hoạt động đối ngoại lớn theo phân công của cấp trên hoặc theo đề nghị của các cơ quan chủ trì.

- Trao đổi, phối hợp với các cơ quan để xử lý hoặc tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước theo đúng thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ.

- Cử cán bộ làm công tác đối ngoại đảng ở một số địa bàn do Ban Bí thư quy định.

Điều 3. Tổ chức bộ máy

1. Lãnh đạo Ban

Ban Đối ngoại Trung ương có Trưởng ban và các Phó Trưởng ban.

2. Cơ cấu tổ chức của Ban Đối ngoại Trung ương gồm:

1) Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á

2) Vụ Lào - Cam-pu-chia

3) Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương

4) Vụ Châu Âu

5) Vụ Châu Mỹ

6) Vụ Trung Đông - Châu Phi

7) Vụ Nghiên cứu tổng hợp

8) Vụ Đối ngoại nhân dân

9) Vụ Thông tin, tư liệu

10) Vụ Lễ tân

11) Vụ Tổ chức - Cán bộ

12) Văn phòng

3. Về biên chế

Biên chế của Ban Đối ngoại Trung ương được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và đề án vị trí việc làm của Ban Đối ngoại Trung ương; thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Ngoài số biên chế theo quy định, Ban Đối ngoại Trung ương được thực hiện chế độ chuyên gia, cán bộ biệt phái, cộng tác viên phục vụ cho công tác của Ban.

Điều 4. Chế độ làm việc, mối quan hệ công tác

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, Ban Đối ngoại Trung ương xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Ban; quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của các đơn vị trực thuộc Ban.

2. Quan hệ công tác giữa Ban Đối ngoại Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Ban và các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này thay thế Quyết định số 112-QĐ/TW, ngày 04/7/2012 của Bộ Chính trị khoá XI về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Đối ngoại Trung ương và có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Ban Đối ngoại Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung, Ban Đối ngoại Trung ương phối hợp Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

 


Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Võ Văn Thưởng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36-QĐ/TW năm 2021 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Đối ngoại Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 36-QĐ/TW
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/10/2021
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Võ Văn Thưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản