Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1796/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ XỬ LÝ THÔNG TIN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ GIAO DỊCH ĐÁNG NGỜ TẠI CƠ QUAN THUẾ CÁC CẤP

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế xử lý thông tin tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ tại Cơ quan thuế các cấp theo Quyết định số 568/QĐ-BTC ngày 26/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

1. Bổ sung thêm khoản 5 vào Điều 4 của Quy chế như sau:

"5. Nguyên tắc xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ của các tổ chức

- Tại Tổng cục Thuế:

Bộ phận xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ thực hiện rà soát các thông tin giao dịch đáng ngờ của các tổ chức, trên cơ sở đó báo cáo Tổng cục Thuế để chủ trì, phân công thực hiện và tổng hợp kết quả giải quyết.

- Tại các Cục Thuế:

Bộ phận xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ thực hiện rà soát các thông tin giao dịch đáng ngờ của các tổ chức và thực hiện xử lý theo trình tự như sau:

+ Thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thu thập đầy đủ hồ sơ tài liệu, thực hiện kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế đối với các thông tin giao dịch đáng ngờ của các tổ chức theo các bước tại Điều 60 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

+ Qua kiểm tra hồ sơ của các tổ chức tại trụ sở Cơ quan thuế, phát hiện phải chuyển qua kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế thì thực hiện theo các bước tại Điều 62 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

+ Qua kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, phát hiện phải chuyển qua thanh tra tại trụ sở người nộp thuế thì thực hiện theo các bước tại Điều 66 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

+ Trong quá trình kiểm tra, thanh tra cần phối hợp chặt chẽ đối với các Cơ quan chức năng để xác định rõ hành vi vi phạm của các tổ chức, đồng thời qua kiểm tra, thanh tra xét thấy cần phải chuyển các thông tin của các tổ chức cho các Cơ quan chức năng để thực hiện giải quyết, xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền thì thực hiện theo đúng quy định."

2. Bổ sung vào khoản 1, Điều 5 của Quy chế như sau:

"Thông tin về giao dịch đáng ngờ được Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng chuyển trực tiếp cho các Cục Thuế và các Chi cục Thuế trực thuộc "

3. Sửa đổi, bổ sung vào điểm b, khoản 2, Điều 5 của Quy chế như sau:

"b) Đối với thông tin tổ chức có giao dịch đáng ngờ:

Đối với thông tin giao dịch đáng ngờ tiếp nhận lần đầu có liên quan đến nhiều địa phương, có phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm mới, có tính chất vi phạm nghiêm trọng và có giá trị giao dịch bằng hoặc lớn hơn 500 tỷ, Cục Thuế thực hiện rà soát, thu thập hồ sơ tài liệu và báo cáo Tổng cục Thuế để quyết định việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; Đối với thông tin giao dịch đáng ngờ tiếp nhận lần đầu có giá trị giao dịch nhỏ hơn 500 tỷ đồng thuộc trách nhiệm Cục Thuế xử lý giải quyết; Đối với thông tin giao dịch đáng ngờ tiếp nhận lần đầu có giá trị giao dịch nhỏ hơn 50 tỷ đồng thuộc trách nhiệm Chi cục Thuế xử lý giải quyết.

Đối với thông tin giao dịch đáng ngờ tiếp nhận lần hai của cùng một đối tượng thì thực hiện:

- Qua kết quả rà soát, kiểm tra đối với thông tin giao dịch đáng ngờ đã tiếp nhận lần đầu mà không phát hiện dấu hiệu rủi ro về thuế thì thực hiện bổ sung vào nội dung kiểm tra, thanh tra trong kỳ kiểm tra, thanh tra gần nhất.

- Qua kết quả rà soát, kiểm tra đối với thông tin giao dịch đáng ngờ đã tiếp nhận lần đầu mà phát hiện dấu hiệu rủi ro về thuế thì thực hiện rà soát, xử lý tương tự như đối với tiếp nhận thông tin giao dịch đáng ngờ tiếp nhận lần đầu."

4. Sửa đổi, bổ sung vào khoản 2, Điều 6 của Quy chế như sau:

"2. Tại Cục Thuế

Ngay sau khi nhận được thông tin và hồ sơ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ (bao gồm cả thông tin Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng chuyển trực tiếp cho Cục Thuế). Bộ phận tiếp nhận, xử lý thông tin thuộc Cục Thuế thực hiện rà soát, thu thập thông tin để xử lý theo nội dung sau..."

5. Sửa đổi, bổ sung vào khoản 3, Điều 6 của Quy chế như sau:

"3. Tại Chi cục Thuế

Ngay sau khi nhận được thông tin và hồ sơ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ (bao gồm cả thông tin giao dịch đáng ngờ được Cục Thuế giao nhiệm vụ xử lý và thông tin Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng chuyển trực tiếp cho Chi cục Thuế) phải thực hiện..."

6. Sửa đổi Điều 8 của Quy chế như sau:

"Điều 8. Kỳ báo cáo

1. Định kỳ hàng quý, năm cơ quan Thuế các cấp phải tổng hợp, lập báo cáo công tác xử lý thông tin các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ định kỳ gửi cơ quan cấp trên trực tiếp. Báo cáo quý là kết quả của cả quý có lũy kế từ đầu năm, báo cáo năm là kết quả của cả năm.

2. Đối với những thông tin đột xuất thì sau 40 ngày kể từ ngày nhận được thông tin phải thực hiện ngay việc báo cáo kết quả xử lý về cơ quan cấp trên trực tiếp, đồng thời tổng hợp vào báo cáo định kỳ."

7. Sửa đổi Điều 8 của Quy chế như sau:

"Điều 9. Thời hạn gửi báo cáo

Cơ quan Thuế các cấp phải hoàn thành và gửi báo cáo công tác xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ cho cơ quan cấp trên trực tiếp, thời hạn quy định sau:

- Đối với báo cáo quý Chi cục Thuế tổng hợp, lập và gửi báo cáo về Cục Thuế trước ngày 10 của tháng sau quý báo cáo;

- Đối với báo cáo quý Cục Thuế tổng hợp, lập và gửi báo cáo về Tổng cục Thuế trước ngày 20 của tháng sau quý báo cáo;

- Đối với báo cáo quý IV và báo cáo năm Chi cục Thuế tổng hợp, lập và gửi báo cáo về Cục Thuế trước ngày 10 của tháng đầu năm sau;

- Đối với báo cáo quý IV và báo cáo năm Cục Thuế tổng hợp, lập và gửi báo cáo về Tổng cục Thuế trước ngày 20 của tháng đầu năm sau."

8. Bổ sung vào khoản 2, Điều 10 của Quy chế như sau:

"2. Nội dung báo cáo bao gồm các nội dung: Công văn nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ, đề xuất các giải pháp để việc xử lý thông tin giao dịch đáng ngờ có hiệu quả và các giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; số tổ chức, cá nhân trên địa bàn thông tin giao dịch đáng ngờ; số tổ chức đã thanh tra, kiểm tra, xác minh; kết quả thanh tra, kiểm tra, xác minh; kết quả xử lý qua thanh tra, kiểm tra, xác minh; và chi tiết theo tên, mã số thuế, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân (theo Phụ lục kèm theo)."

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể ngày ký. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Các Vụ/đơn vị: CST, PC, Thanh tra BTC, TCNH;
- Vụ PC - Tổng cục Thuế.
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Lưu: VT, TCT ((VT, TTr (3b)).

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1796/QĐ-BTC năm 2017 sửa đổi Quy chế xử lý thông tin tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ tại Cơ quan thuế các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1796/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản