- 1Quyết định 218/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 189/2003/QĐ-BTC về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1417/QĐ-TCT | Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1149/QĐ-TCT NGÀY 28/10/2005 VỀ VIỆC SẮP XẾP LẠI CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC PHÒNG THUỘC CỤC THUẾ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ TỰ KÊ KHAI, TỰ NỘP THUẾ
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Quyết định số 218/2003/QĐ-TTg ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 189/2003/QĐ-BTC ngày 14/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;
Căn cứ Quyết định số 3483/QĐ-BTC ngày 07/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc mở rộng thí điểm cơ chế tự kê khai tự nộp thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh;
Căn cứ Quyết định số 3484/QĐ-BTC ngày 07/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của 05 Cục thuế tỉnh để mở rộng áp dụng thí điểm cơ chế tự khai, tự nộp thuế;
Căn cứ ý kiến đề nghị của các Cục Thuế tại Hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm cơ chế tự khai - tự nộp trên phạm vi Cục thuế tổ chức tại Khánh Hoà;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức cán bộ-Tổng cục Thuế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1149/QĐ-TCT ngày 28/10/2005 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Cục thuế Quảng Ninh, Cục thuế Thừa Thiên Huế, Cục thuế Khánh Hoà, Cục thuế Bình Thuận, Cục thuế An Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1149/QĐ-TCT ngày 28/10/2005. Cục trưởng Cục thuế các tỉnh nêu tại Điều 1; Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Trưởng Ban triển khai thực hiện kế hoạch cải cách, hiện đại hoá hệ thống Thuế, Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế và các ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục thuế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC PHÒNG THUỘC CỤC THUẾ THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN CƠ CHẾ TỰ KÊ KHAI, TỰ NỘP THUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1417 /QĐ-TCT ngày 07/7/2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)
Phần I
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC THUẾ
Tổ chức bộ máy của Cục thuế tỉnh Quảng Ninh, Cục thuế tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục thuế tỉnh Khánh Hoà, Cục thuế tỉnh Bình Thuận, Cục thuế tỉnh An Giang được sắp xếp lại gồm các phòng sau đây:
1) Phòng Tuyên truyền và hỗ trợ tổ chức, cá nhân nộp thuế;
2) Phòng Quản lý kê khai và Kế toán thuế;
3) Phòng Quản lý thu nợ thuế;
4) Phòng Thanh tra 1;
5) Phòng Thanh tra 2;
6) Phòng Tổng hợp và Dự toán;
7) Phòng Tổ chức cán bộ;
8) Phòng Hành chính- Quản trị - Tài vụ;
9) Phòng Tin học;
10) Phòng Quản lý ấn chỉ.
Phần II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC PHÒNG THUỘC CỤC THUẾ
1. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tuyên truyền và hỗ trợ tổ chức và cá nhân nộp thuế.
Giúp Cục trưởng Cục thuế thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế; hướng dẫn, hỗ trợ về chính sách, pháp luật thuế cho các tổ chức và cá nhân nộp thuế; theo dõi và giám sát kết quả thực hiện cải cách hành chính thuế của Cục thuế.
Nhiệm vụ cụ thể:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thuế cho các tổ chức, cá nhân nộp thuế, người dân và các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn tỉnh, thành phố;
- Nghiên cứu các hình thức và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế cho các tổ chức và cá nhân nộp thuế, người dân và các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn tỉnh, thành phố và trong cộng đồng xã hội;
- Tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, tuyên dương và tôn vinh các tổ chức và cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế;
- Phối hợp với các tổ chức khác trên địa bàn tỉnh, thành phố trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về thuế đối với các tổ chức và cá nhân nộp thuế.
- Điều tra, yêu cầu và tiếp nhận các yêu cầu cần hỗ trợ về thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế; trả lời, giải thích, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân nộp thuế các vướng mắc về thuế theo qui định, (bao gồm cả hướng dẫn, trả lời các vướng mắc về áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các cam kết quốc tế khác của Việt Nam có liên quan đến thuế);
- Nghiên cứu các hình thức và nội dung tổ chức có hiệu quả công tác hỗ trợ về thuế cho các tổ chức và cá nhân nộp thuế;
- Cung cấp các thông tin cảnh báo và các thông tin hỗ trợ khác trên cơ sở hệ thống thông tin do ngành thuế quản lý nhằm trợ giúp đối tượng nộp thuế hạn chế rủi ro, thiệt hại trong sản xuất kinh doanh;
- Tổng hợp các vướng mắc của các tổ chức và cá nhân nộp thuế về chính sách thuế và các thủ tục về thuế, đề xuất, báo cáo Tổng cục thuế sửa đổi, bổ sung chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế;
- Quản lý, biên tập nội dung trang thông tin điện tử nội bộ ngành thuế tại Cục thuế; phối hợp với Tổng cục thuế trong việc xây dựng nội dung trang Web trên Internet của ngành thuế;
- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai công tác tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức và cá nhân nộp thuế và công tác cải cách hành chính thuế tại các Chi cục thuế
- Tổng hợp, báo cáo, đánh giá chất lượng công tác tuyên truyền, hỗ trợ về thuế và công tác cải cách hành chính thuế của Cục Thuế theo qui định.
- Biên soạn hoặc tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức và cá nhân nộp thuế theo chỉ đạo của Tổng cục thuế, Cục Thuế;
- Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Quản lý kê khai và kế toán thuế
Giúp Cục trưởng Cục thuế thực hiện công tác quản lý kê khai và kế toán thuế, gồm: đăng ký và cấp mã số thuế; giám sát kê khai và xử lý chứng từ nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế theo kê khai; thực hiện công tác kế toán theo dõi thu nộp tiền thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế; kế toán các tài khoản tạm thu, tạm giữ và tài khoản hoàn thuế của cơ quan thuế tại Kho bạc Nhà nước. Cung cấp thông tin về thuế theo quy định cho các phòng chức năng, chi cục và báo cáo các thông tin về Tổng cục.
Nhiệm vụ cụ thể:
- Thực hiện công tác đăng ký thuế và cấp mã số thuế cho các tổ chức và cá nhân nộp thuế (trừ hộ cá thể SXKD, nhà đất, nông nghiệp…). Quản lý thay đổi tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các thủ tục chuyển đổi và đóng mã số thuế đối với các tổ chức và cá nhân nộp thuế thuộc Cục thuế quản lý;
- Tiếp nhận[1] và thực hiện nhập dữ liệu tờ khai thuế, tờ khai quyết toán thuế, chứng từ nộp thuế, hạch toán ghi chép toàn bộ các thông tin trên tờ khai, chứng từ nộp thuế vào kho dữ liệu kê khai trong mạng máy tính và sổ thuế của cơ quan thuế; hạch toán các tài liệu, chứng từ khác có liên quan đến nghĩa vụ thuế của các tổ chức và cá nhân nộp thuế theo qui định và thực hiện việc điều chỉnh các số liệu về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế tại sổ thuế của cơ quan thuế;
- Theo dõi tình hình kê khai và thực hiện đôn đốc kê khai thuế đối với các tổ chức và cá nhân nộp thuế;
- Thực hiện xử phạt đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm các qui định về đăng ký thuế, nộp tờ khai thuế, báo cáo quyết toán thuế;
- Tính tiền thuế và thông báo số thuế phải nộp đối với các trường hợp cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế.
- Đối chiếu, xác nhận số thuế thực nộp NSNN của các tổ chức, cá nhân nộp thuế;
- Lập sổ thuế và tổ chức quản lý sổ thuế tại cơ quan thuế;
- Thực hiện công tác kế toán thuế của Đối tượng nộp thuế thuộc Cục thuế quản lý bao gồm: kế toán thuế Đối tượng nộp thuế, kế toán tài khoản tạm thu, kế toán tài khoản tạm giữ, kế toán tài khoản chi hoàn thuế GTGT, kế toán tài khoản thu hồi hoàn thuế GTGT, thoái trả tiền thuế cho các tổ chức và cá nhân nộp thuế theo qui định.
- Kiểm tra, phân loại các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của tổ chức, cá nhân nộp thuế để xác định trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra sau hoặc thanh tra, kiểm tra trước khi hoàn thuế;
- Thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục xem xét giải quyết miễn, giảm thuế đối với các trường hợp đặc biệt[2] không kê khai trong tờ khai thuế hoặc một số đề nghị khác về thuế của tổ chức, cá nhân nộp thuế[3].
- Thẩm định hồ sơ hoàn thuế và thực hiện các thủ tục hoàn thuế của các tổ chức và cá nhân nộp thuế do Chi cục Thuế đề nghị Cục Thuế giải quyết; kiểm tra và xác nhận số thuế đã kê khai, đã nộp, nộp thừa hoặc còn nợ thuế theo đề nghị khác về thuế của tổ chức, cá nhân nộp thuế.
- Thực hiện các thủ tục hoàn thuế đối với các hồ sơ được hoàn thuế trước kiểm tra sau của các tổ chức, cá nhân nộp thuế thuộc Chi cục và Cục thuế quản lý, trình Lãnh đạo Cục phê duyệt và thực hiện các thủ tục chi hoàn thuế theo quyết định hoàn thuế của Cục Thuế;
- Chuyển các hồ sơ đề nghị hoàn thuế trong trường hợp phải thanh tra, kiểm tra trước khi hoàn thuế cho phòng Thanh tra.
- Lập danh mục, cập nhật, lưu trữ, quản lý các hồ sơ thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế thuộc phạm vi cơ quan Cục thuế quản lý; cung cấp thông tin về các tổ chức và cá nhân nộp thuế và các tài liệu khác có liên quan cho các đơn vị trong và ngoài ngành thuế theo qui định của Nhà nước và qui chế của ngành.
- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý kê khai thuế và kế toán thuế tại các Chi cục thuế;
- Tổng hợp, đánh giá toàn bộ công tác liên quan đến quản lý kê khai thuế và kế toán thuế đối với các đối tượng nộp thuế được phân công quản lý.
- Biên soạn và tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ làm công tác đăng ký thuế, xử lý tờ khai thuế, kế toán thuế ĐTNT, kế toán các tài khoản hoàn thuế và, tạm thu, tạm giữ của cơ quan thuế tại kho bạc nhà nước theo chỉ đạo của Tổng cục thuế, Cục Thuế;
- Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
3. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Quản lý thu nợ thuế:
Giúp Cục trưởng Cục thuế thực hiện quản lý và đôn đốc thu nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế đảm bảo thu đủ và thu kịp thời tiền thuế vào Ngân sách nhà nước và thực hiện giải quyết các thủ tục về xử lý khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ theo qui định
Nhiệm vụ cụ thể:
- Khai thác thông tin về tình trạng nợ, thu nộp thuế, tình hình sản xuất kinh doanh của ĐTNT do Phòng Quản lý kê khai và Kế toán thuế cập nhật trên hệ thống máy tính; theo dõi quá trình xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra bao gồm số thuế truy thu và phạt và các kết quả xử lý hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo do phòng Thanh tra chuyển sang để lập hồ sơ theo dõi nợ thuế, phân tích tình trạng nợ của ĐTNT và có biện pháp đôn đốc thu nợ kịp thời.
- Lập chương trình, kế hoạch thu nợ và cưỡng chế thu nợ thuế;
- Phân loại nợ; đề xuất các biện pháp xử lý nợ và tổ chức thu hồi các khoản tiền thuế còn nợ của các tổ chức, cá nhân vào ngân sách nhà nước (bao gồm cả phạt nộp chậm tiền thuế) theo qui định;
- Thu thập thông tin về tổ chức và cá nhân nộp thuế còn nợ tiền thuế; cung cấp thông tin về tình hình nợ thuế theo yêu cầu của các cơ quan pháp luật và theo chỉ đạo của lãnh đạo Cục thuế. Cung cấp danh sách các tổ chức và cá nhân chây ỳ nợ thuế để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Phối hợp với Phòng quản lý kê khai và Kế toán thuế xác nhận tình trạng nợ ngân sách nhà nước (NSNN) đối với các trường hợp có hồ sơ đề nghị hoàn thuế để thực hiện Lệnh thu NSNN đối với các trường hợp nợ thuế cùng với chứng từ chi hoàn thuế.
- Căn cứ danh sách các đơn vị nợ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do cơ quan Hải quan cung cấp, đối chiếu, xác định các trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng còn nợ thuế xuất, nhập khẩu để thông báo cho cơ quan Hải quan lập lệnh thu nợ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của quy chế phối hợp.
- Lập hồ sơ đề nghị cưỡng chế tiền thuế nợ và đề xuất biện pháp thực hiện cưỡng chế thu nợ thuế trình Lãnh đạo Cục thuế ra quyết định và thực hiện cưỡng chế thuế theo thẩm quyền hoặc tham mưu, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế thuế theo qui định;
- Chuẩn bị các hồ sơ về nợ thuế chuyển cơ quan cấp trên và các cơ quan có liên quan để phối hợp thực hiện các biện pháp thu hồi nợ và xử lý nợ thuế đối với các trường hợp không thuộc thẩm quyền của Cục thuế.
- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả và thực hiện thủ tục chuyển các khoản tiền thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước;
- Thực hiện xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi theo qui định; hướng dẫn các tổ chức và cá nhân nộp thuế lập hồ sơ xử lý nợ, giải quyết các thủ tục xoá nợ theo thẩm quyền.
- Thẩm định các hồ sơ, chuyển hồ sơ lên cơ quan cấp trên hoặc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khoanh nợ, xoá nợ của các ĐTNT không thuộc thẩm quyền của cục Thuế;
- Theo dõi kết quả xử lý nợ của các cơ quan thuế cấp trên và thực hiện các quyết định xử lý nợ đối với các tổ chức và cá nhân nộp thuế.
- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế thu nợ đối với các Chi cục thuế;
- Tổng hợp, báo cáo, đánh giá chất lượng công tác quản lý thu nợ thuế trong phạm vi Cục thuế;
- Biên soạn và tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý thu nợ thuế theo chỉ đạo của Tổng cục thuế, Cục Thuế;
- Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
4. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Thanh tra:
Giúp Cục trưởng Cục thuế thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức và cá nhân nộp thuế trong việc chấp hành Pháp luật thuế; giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thuế của các tổ chức và cá nhân nộp thuế; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành.
Nhiệm vụ cụ thể:
- Căn cứ vào hệ thống các thông tin: kinh tế, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, số liệu thống kê kinh tế, báo chí … và cơ sở dữ liệu trên hệ thống máy tính ngành thuế để đánh giá, phân tích rủi ro; căn cứ chỉ đạo về việc lập kế hoạch, chương trình thanh tra kiểm tra hàng năm của Tổng cục Thuế, phòng Thanh tra tiến hành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra ĐTNT của Cục thuế và chỉ đạo các Chi cục Thuế trực thuộc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra đúng trọng tâm, trọng điểm.
- Phân tích tình hình kê khai thuế để phát hiện các ĐTNT có nghi vấn kê khai sai, kê khai thấp so với thực tế sản xuất kinh doanh (trừ các tờ khai lỗi số học do Phòng Quản lý kê khai và KTT thực hiện kiểm tra trên hệ thống máy tính).... Từ đó yêu cầu ĐTNT giải trình, điều chỉnh kê khai hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra tại cơ sở kinh doanh.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế thuộc quyền quản lý của Cục Thuế theo chương trình kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Cục thuế và thực hiện theo phương pháp, qui trình thanh tra, kiểm tra Tổng cục ban hành.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Cục Trưởng Cục Thuế; Xử lý vi phạm hành chính theo qui định của pháp luật; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc huỷ bỏ những qui định trái với văn bản qui phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra.
- Thanh tra kiểm tra các ĐTNT sáp nhập, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu hoặc tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp... Thanh tra kiểm tra trước và sau hoàn thuế GTGT.
- Thực hiện công tác kiểm tra, đối chiếu xác minh hoá đơn và trả lời kết quả xác minh hoá đơn theo qui định; Xử phạt vi phạm về quản lý và sử dụng hoá đơn thuế, sai phạm về thuế theo kết quả xác minh hoá đơn thuế. - Xử lý theo qui định đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế phát hiện được thông qua thanh tra kiểm tra;
- Thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế cấp trên và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Giúp Cục trưởng Cục Thuế thực hiện các quyền tố tụng theo qui định đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thuế và các qui định khác của pháp luật.
- Tiến hành phúc tra theo qui định đối với các tổ chức và cá nhân nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế mà Chi cục trưởng Chi cục Thuế đã có quyết định giải quyết, xử lý và trả lời nay còn khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật;
- Chuyển các hồ sơ khiếu nại về thuế không thuộc thẩm quyền của Cục thuế cho các cơ quan cấp trên và các cơ quan khác có liên quan giải quyết. Theo dõi kết quả và thực hiện quyết định xử lý đối với ĐTNT;
- Thực hiện giám định về thuế theo trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong việc thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế.
- Phối hợp với phòng Tổ chức cán bộ thực hiện các thủ tục giải quyết tố cáo đối với cán bộ công chức thuế có liên quan đến khiếu nại về thuế và xử lý cán bộ vi phạm theo qui định.
- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác lập kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các Chi cục thuế;
- Tổng hợp, báo cáo, đánh giá chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi toàn Cục thuế;
- Biên soạn và tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ làm công tác thanh tra thuế theo chỉ đạo của Tổng cục thuế;
- Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
Căn cứ thực tế nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng thanh tra cho phù hợp bảo đảm chuyên môn hoá công tác thanh tra theo chức năng thanh tra (Thanh tra đối tượng nộp thuế, thanh tra nội bộ, xử lý khiếu nại tố cáo) theo đối tượng thanh tra (qui mô đối tượng nộp thuế, ngành kinh tế) và có đầu mối chủ trì tổng hợp chung công tác thanh tra, kiểm tra.
5. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tổng hợp và Dự toán
Giúp Cục trưởng Cục Thuế trong việc triển khai các văn bản pháp luật thuế trong nội bộ ngành; xây dựng các biện pháp quản lý và hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra kết quả triển khai công tác quản lý thuế tại các Chi cục thuế; tổng hợp và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng và thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố;
Nhiệm vụ cụ thể:
- Xây dựng và giao dự toán thu NSNN; Tổ chức thực hiện dự toán trên địa bàn tỉnh, thành phố
- Xây dựng tiêu thức phân cấp quản lý đối với tổ chức, cá nhân nộp thuế tại địa phương.
- Hướng dẫn các bộ phận trong cơ quan thuế thực thi các văn bản pháp luật về thuế và giải quyết các vấn đề về thuế đảm bảo đúng qui định của pháp luật, của ngành;
- Tham gia ý kiến hoặc thẩm định các văn bản trả lời, hướng dẫn về thuế do các phòng chức năng của Cục Thuế, Chi cục Thuế soạn thảo; đề xuất biện pháp và trình Lãnh đạo Cục Thuế xử lý đối với các trường hợp phát hiện văn bản sai so với qui định;
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai công tác quản lý thu thuế trên địa bàn; phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan triển khai các biện pháp quản lý thu thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố; xây dựng và thực hiện chỉ đạo, đề ra các giải pháp, biện pháp quản lý thuế, phí, lệ phí... phù hợp với từng địa bàn và ngành nghề kinh doanh đối với khu vực ngoài quốc doanh.
- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các Chi cục Thuế triển khai các qui định của ngành, các biện pháp chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế trong công tác quản lý thuế; triển khai công tác uỷ nhiệm thu các khoản thu về đất đai, phí, lệ phí và thuế đối với khu vực hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn;
- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị thuộc Cục Thuế, các Chi cục Thuế thực hiện chế độ báo cáo kế toán- thống kê thuế và các chế độ thông tin báo cáo khác theo quy định của ngành;
- Cung cấp thông tin số liệu tổng hợp về kết quả thu thuế cho các cơ quan, ban ngành liên quan và UBND tỉnh (thành phố); tham gia với các ngành, các cấp về chủ trương biện pháp khuyến khích phát triển kinh tế địa phương, chống buôn lậu, chống kinh doanh trái phép...
- Thu thập thông tin, phân tích tình hình và khả năng thu NSNN của cấp Cục, cấp Chi cục, dự báo kết quả thu NSNN theo định kỳ của địa phương;
- Theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của Cục Thuế theo định kỳ, đột xuất, báo cáo tổng hợp các chuyên đề (Thông qua xử lý tờ khai, thu nợ, thanh tra, kiểm tra) theo qui định.
- Tổ chức công tác sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý thu thuế và thu khác của Cục Thuế;
- Biên soạn và tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ thuế về các nghiệp vụ quản lý thu thuế tại các chi cục thuế theo chỉ đạo của Tổng cục thuế;
- Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
7. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tổ chức cán bộ
Giúp Cục trưởng Cục thuế về công tác tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, biên chế, tiền lương, đào tạo cán bộ và thực hiện công tác thi đua khen thưởng của Cục thuế.
Nhiệm vụ cụ thể:
- Tham mưu cho Cục trưởng Cục thuế sắp xếp tổ chức bộ máy Cục thuế và Chi cục thuế theo đúng chiến lược cải cách hệ thống thuế; tinh giảm tổ chức bộ máy gọn nhẹ, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tăng cường uỷ nhiệm thu một số khoản thu về thuế, phí cho UBND xã, phường;
- Triển khai thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra các Chi cục thuế thực hiện các văn bản, chế độ, quy trình về công tác tổ chức cán bộ theo đúng quy định của Nhà nước và của ngành, thực hiện các mặt công tác cán bộ (tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, sắp xếp, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, nâng lương, nâng ngạch, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật, hưu trí, thôi việc... theo quy định của nhà nước và phân cấp quản lý;
- Thực hiện quản lý, cập nhật, bảo quản, lưu trữ hồ sơ lý lịch cán bộ của các đơn vị trong toàn Cục thuế theo quy định của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan;
- Chủ trì và phối hợp với các phòng liên quan kiểm tra, xác minh, trả lời các đơn thư khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ, công chức; Đề xuất việc xử lý cán bộ vi phạm theo phân cấp và thẩm quyền quản lý cán bộ;
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ, công chức thuộc Cục Thuế theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế; xây dựng đội ngũ giảng viên theo từng nội dung đào tạo.
- Phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị ngoài ngành thuế xây dựng tài liệu đào tạo và tổ chức các khoá bồi dưỡng theo qui định của Tổng cục và theo chương trình của Cục Thuế;
- Thực hiện và hướng dẫn Chi cục Thuế thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong ngành thuế theo qui định;
- Tổng hợp, báo cáo và đánh giá kết quả công tác tổ chức cán bộ và thi đua khen thưởng trong phạm vi Cục Thuế theo qui định.
- Thực hiện các công tác khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
8. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ
Giúp Cục trưởng Cục thuế thực hiện các công tác hành chính văn phòng, quản trị, tài vụ của ngành thuế.
Nhiệm vụ cụ thể:
- Tổ chức thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, tiếp nhận, phát hành kịp thời, đầy đủ, chính xác công văn của Cục Thuế, phân loại, chuyển cho các phòng chức năng xử lý;
- Tiếp nhận các hồ sơ đề nghị giải quyết các thủ tục hành chính thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gửi đến cơ quan thuế; kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của các hồ sơ; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng qui định; phân loại và chuyển các hồ sơ cho các phòng chức năng thực hiện giải quyết;
- Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết công văn của các phòng chức năng đảm bảo đúng thời hạn qui định;
- Quản lý việc sử dụng con dấu, khắc dấu theo quy định của Nhà nước;
- In ấn tài liệu phục vụ công tác của cơ quan;
- Thực hiện công tác bảo quản, lưu trữ đúng qui định, đảm bảo an toàn tài liệu, an toàn, khoa học, thuận tiện trong việc khai thác tài liệu
- Lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ bản, trang thiết bị, các phương tiện làm việc, trang phục thuế của Cục Thuế, bảo đảm quản lý và sử dụng có hiệu quả
- Tổ chức thực hiện các công tác quản trị, phục vụ nội bộ Cục Thuế (hội họp, tập huấn, tổ chức các lớp bồi dưỡng, xe cộ, phương tiện làm việc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy...)
- Thực hiện việc cấp phát, quản lý kinh phí, chi tiêu hành chính theo đúng nguyên tắc, chế độ quy định của nhà nước của ngành;
- Hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra các Chi cục Thuế trong việc thực hiện các công tác hành chính văn phòng, quản trị, quản lý tài chính theo qui định.
- Biên soạn và tham gia biên soạn tài liệu tập huấn cho cán bộ về công tác Hành chính- Văn phòng, Quản trị, Tài vụ theo chỉ đạo của Tổng cục thuế và theo kế hoạch của Cục Thuế;
- Tổ chức công tác bảo quản và lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
9. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tin học
Giúp Cục trưởng Cục thuế quản lý và vận hành hệ thống trang thiết bị tin học ngành thuế; triển khai các phần mềm ứng dụng tin học phục vụ công tác quản lý thuế và hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo cán bộ thuế trong việc sử dụng ứng dụng tin học trong công tác quản lý; có trách nhiệm kết nối toàn bộ thông tin về quản lý thuế cho các phòng và Chi cục để các phòng, Chi cục khai thác phục vụ cho việc quản lý theo chức năng.
Nhiệm vụ cụ thể:
- Xác định nhu cầu, phân bổ, lắp đặt, quản lý, triển khai, vận hành, bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống tin học và các thiết bị kỹ thuật khác tại Cục thuế, Chi cục Thuế
- Phối hợp với phòng Hành chính- Quản trị- Tài vụ tiếp nhận, mua sắm, sửa chữa các thiết bị tin học tại cơ quan Cục thuế;
- Tiếp nhận các chương trình ứng dụng và tổ chức cài đặt, triển khai tập huấn và hỗ trợ các cán bộ thuế vận hành sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý của ngành thuế tại cơ quan thuế Cục và tại các Chi cục thuế;
- Quản trị ứng dụng, quản lý người sử dụng và vận hành hoạt động của ứng dụng trên hệ thống máy chủ tại cơ quan thuế Cục;
- Quản lý dữ liệu, thông tin lưu trữ trên hệ thống máy tính thuộc phạm vi Cục thuế: sao lưu dữ liệu, kiểm tra độ an toàn của dữ liệu, bảo mật dữ liệu và phòng chống sự xâm nhập từ bên ngoài và Virus máy tính;
- Xử lý các sự cố liên quan đến hệ thống máy tính, mạng, phần mềm hệ thống và ứng dụng, cơ sở dữ liệu và báo cáo kịp thời với Tổng cục thuế.
- Hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ các Chi cục thuế trong việc quản lý, vận hành, triển khai, bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống tin học và các phần mềm ứng dụng ngành thuế;
- Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Cục thuế thực hiện công tác an toàn bảo mật thông tin trên hệ thống máy tính; xử lý các sự cố liên quan đến hệ thống máy tính, mạng, phần mềm hệ thống và ứng dụng, cơ sở dữ liệu và báo cáo kịp thời với Tổng cục thuế.
- Báo cáo kết quả công tác tin học theo qui định
- Biên soạn và tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ làm công tác tin học và cán bộ thuế vận hành, sử dụng hệ thống tin học theo chỉ đạo của Tổng cục thuế, kế hoạch của Cục Thuế;
- Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ hồ sơ mạng và kỹ thuật, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
10. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Quản lý ấn chỉ
Giúp Cục trưởng Cục Thuế thực hiện các công tác in ấn chỉ thuế theo phạm vi được phân cấp; thực hiện cấp phát, bán hoá đơn ấn chỉ thuế cho các đơn vị trong và ngoài ngành thuế và các tổ chức và cá nhân nộp thuế; quản lý sử dụng hoá đơn ấn chỉ thuế và quản lý hoá đơn tự in của các tổ chức và cá nhân nộp thuế.
Nhiệm vụ cụ thể:
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc in, cấp bán, quản lý sử dụng, quyết toán hoá đơn, ấn chỉ thuế theo qui định;
- Cấp phát, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các loại hoá đơn, ấn chỉ thuế cho Chi cục Thuế và các đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ thu thuế;
- Thực hiện theo dõi giám sát việc in, cấp bán, quản lý, sử dụng, kế toán, thanh toán, kiểm kê, thanh huỷ, xử lý tổn thất các loại ấn chỉ thuế theo quy định;
- Kiểm tra, xác minh địa điểm kinh doanh của các ĐTNT khi làm thủ tục đăng ký mua hoá đơn lần đầu theo quy định.
- Thực hiện việc thẩm định các hồ sơ, giải quyết kịp thời các thủ tục theo hồ sơ đề nghị tự in hoá đơn của các tổ chức và cá nhân nộp thuế theo qui định; Hướng dẫn, kiểm tra theo dõi tình hình phát hành, sử dụng hoá đơn tự in của các tổ chức và cá nhân nộp thuế.
- Tổng hợp báo cáo, tình hình quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế của Cục Thuế;
- Biên soạn và tham gia biên soạn tài liệu, tập huấn cho cán bộ của các Chi cục thuế về công tác quản lý hoá đơn ấn chỉ thuế theo chỉ đạo của Tổng cục thuế;
- Thực hiện việc bảo quản và lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, tài liệu và các văn bản pháp quy của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Phòng theo quy định;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Thuế giao.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục trưởng Cục thuế các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Bình Thuận, An Giang có trách nhiệm:
- Triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Cục Thuế được quy định tại Quyết định này. Nếu Cục thuế giải thể Phòng Quản lý ấn chỉ thì sắp xếp chức năng bán ấn chỉ về Phòng Hành chính - Tài vụ - Quản trị, còn chức năng thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, xác minh hoá đơn chuyển về Phòng Thanh tra.
- Tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức trong đơn vị để điều động, bố trí, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo các phòng theo cơ cấu tổ chức mới đảm bảo phù hợp với trình độ, năng lực, khả năng sở trường của từng cán bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Phân công trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp giữa các phòng thuộc Cục thuế trong công tác quản lý thuế như sau:
2.1. Nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý thuế của các chức năng và điều phối mối quan hệ công tác giữa các chức năng quản lý thuế:
- Phòng Tổng hợp và Dự toán thực hiện theo dõi, tổng hợp, đánh giá chung kết quả thực hiện công tác quản lý thuế theo từng chức năng của các phòng thuộc cơ quan Cục Thuế và các Chi cục Thuế, kịp thời phát hiện các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến hiệu quả quản lý thuế của các bộ phận chức năng có liên quan đến nhiệm vụ quản lý thuế của ngành. Tham mưu, đề xuất với Cục trưởng Cục thuế các biện pháp nâng cao chất lượng quản lý thuế và góp phần tăng thu cho NSNN đối với mỗi chức năng quản lý thuế.
- Các phòng thuộc Cục Thuế có trách nhiệm lập và gửi các báo cáo theo quy định phải đồng thời gửi cho phòng Tổng hợp và Dự toán để theo dõi, tổng hợp, đánh giá chung đối với công tác quản lý thuế. Phòng Tổng hợp và Dự toán được quyền đề xuất với Cục trưởng Cục thuế các yêu cầu về chế độ thông tin báo cáo trong phạm vi cơ quan Cục Thuế, Chi cục Thuế để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và thực hiện các yêu cầu về theo dõi, tổng hợp các thông tin, báo cáo đó theo yêu cầu của Cục trưởng Cục Thuế.
2.1. Công tác luân chuyển hồ sơ của ĐTNT và trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý thuế giữa cá phòng thuộc cơ quan Cục Thuế.
Trong điều kiện hiện nay, các hồ sơ liên quan đến ĐTNT chưa được xử lý và khai thác một cách đầy đủ, kịp thời trên phần mềm hệ thống máy tính của cơ quan thuế thì việc luân chuyển hồ sơ và trao đổi thông tin về ĐTNT được quy định như sau:
- Phòng Hành chính - Quản trị - Tài vụ có trách nhiệm nhận, phân loại và chuyển ngay các tờ khai thuế, hồ sơ thuế và các báo cáo thuế cho các phòng có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của các phòng đã quy định tại Quyết định này. Trường hợp Cục thuế thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính thuế theo quy chế “một cửa” tại phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ các tổ chức và cá nhân nộp thuế thì phòng này thực hiện trách nhiệm nêu trên.
- Phòng Quản lý kê khai và Kế toán thuế (phòng QLKK&KTT)có trách nhiệm nhập đầy đủ, chính xác, kịp thời các tờ khai thuế, chứng từ nộp thuế, báo cáo quyết toán thuế, báo cáo quyết toán tài chính doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký thuế và các hồ sơ, báo cáo khác có liên quan đến đối tượng nộp thuế trên hệ thống phần mềm ứng dụng quản lý thuế trên mạng máy tính ngành thuế. Trường hợp các chức năng của phần mềm ứng dụng chưa khai thác đầy đủ các hồ sơ và thông tin trên của ĐTNT, phòng QLKK và KTT phải chuyển hồ sơ (bản fotocopy hoặc danh sách thông tin) cho các phòng có liên quan để thực hiện theo chức năng nhiệm vụ đã được phân công.
- Các phòng: Tuyên truyền và Hỗ trợ các tổ chức và cá nhân nộp thuế, Quản lý thu nợ thuế, Thanh tra và các phòng khác có liên quan có trách nhiệm sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý thuế trên máy tính để khai thác thông tin sử dụng theo chức năng nhiệm vụ được phân công. Cụ thể:
+ Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ các tổ chức và cá nhân nộp thuế khai thác danh sách các ĐTNT có tờ khai không hợp lệ, tờ khai có lỗi số học, thường xuyên nộp chậm tờ khai, báo cáo quyết toán thuế và các hồ sơ, báo cáo khác về thuế, thường xuyên nộp chậm tiền thuế... để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục kịp thời. Đồng thời, xác định danh sách các ĐTNT mới thành lập, phân loại ĐTNT theo ngành nghề kinh doanh, quy mô kinh doanh, địa bàn kinh doanh... để có hình thức tổ chức tuyên truyền hỗ trợ theo nhóm một cách phù hợp và hiệu quả.
+ Phòng Quản lý thu nợ thuế khai thác thông tin về số thuế còn nợ, số thuế nộp thừa, tình trạng đăng ký thuế, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các thông tin về tình hình tài chính doanh nghiệp, tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của ĐTNT để xác định chính xác, kịp thời đối tượng nợ thuế và số tiền thuế nợ, phân tích và áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ và xử lý nợ thuế theo quy định.
+ Phòng Thanh tra khai thác các thông tin về tờ khai thuế, báo cáo quyết toán thuế, báo cáo tài chính doanh nghiệp và các hồ sơ thuế khác để thực hiện phân tích tờ khai thuế, hồ sơ thuế, tình trạng thuế. . . nhằm xác định đối tượng nộp thuế kê khai chưa đầy đủ, chưa chính xác theo thực tế để tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời, đúng đối tượng.
3. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo các Chi cục Thuế trên địa bàn theo từng chức năng quản lý thuế.
- Các phòng thuộc Cục thuế: ngoài nhiệm vụ quản lý thuế theo từng chức năng được phân công đối với các doanh nghiệp thuộc cơ quan Cục thuế quản lý đều phải chịu trách nhiệm tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Chi cục Thuế thực hiện các chức năng tương ứng.
- Tại các Chi cục Thuế: phân công từng bộ phận (tổ, đội) chủ trì thực hiện theo các chức năng tương ứng và chịu trách nhiệm thực hiện triển khai các yêu cầu, chỉ đạo của các phòng chức năng thuộc Cục thuế. Cụ thể:
+ Tổ Nghiệp vụ- Tuyên truyền và hỗ trợ các tổ chức và cá nhân nộp thuế chủ trì công tác tuyên truyền - hỗ trợ tại Chi cục Thuế;
+ Tổ Xử lý dữ liệu chủ trì công tác quản lý kê khai và kế toán thuế tại Chi cục Thuế đối với các Chi cục lớn và vừa; đối với các Chi cục nhỏ, Tổ Nghiệp vụ - tổng hợp đảm nhiệm công tác này;
+ Đội Quản lý doanh nghiệp chủ trì công tác quản lý thu nợ thuế tại Chi cục Thuế ;
+ Tổ Thanh tra, kiểm tra chủ trì công tác thanh tra, kiểm tra tại Chi cục Thuế.
Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm cơ chế tự khai, tự nộp thuế có trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các nội dung trên, và chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc tổ chức quản lý thu thuế trên địa bàn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Cục thuế tổng hợp, báo cáo về Tổng cục thuế để chỉ đạo giải quyết./.
[1] Tiếp nhận tờ khai từ phòng hành chính chuyển đến hoặc trực tiếp từ tổ chức và cá nhân nộp thuế nộp trực tiếp
[2] Miễn giảm do bị thiên tai, địch họa, các trường hợp được miễn giảm do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các cam kết quốc tế khác của Việt Nam
[3] Đề nghị xác nhận số thuế đã nộp của các tổ chức, cá nhân nộp thuế là người nước ngoài,
- 1Quyết định 728/QĐ-TCT năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Cục Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 2Quyết định 502/QĐ-TCT năm 2010 quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Cục Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 3Quyết định 110/QĐ-TCT năm 2011 quy định nhiệm vụ của Phòng/bộ phận thuộc Thanh tra Tổng cục Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 4Quyết định 111/QĐ-TCT năm 2011 quy định chức năng, nhiệm vụ và biên chế của phòng/bộ phận quản lý khoản thu từ đất thuộc Cục thuế tỉnh, thành phố do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 5Quyết định 1579/QĐ-TCT quy định nhiệm vụ của các Phòng thuộc Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế
- 1Quyết định 218/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 189/2003/QĐ-BTC về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 502/QĐ-TCT năm 2010 quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Cục Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 4Quyết định 110/QĐ-TCT năm 2011 quy định nhiệm vụ của Phòng/bộ phận thuộc Thanh tra Tổng cục Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 5Quyết định 111/QĐ-TCT năm 2011 quy định chức năng, nhiệm vụ và biên chế của phòng/bộ phận quản lý khoản thu từ đất thuộc Cục thuế tỉnh, thành phố do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 6Quyết định 1579/QĐ-TCT quy định nhiệm vụ của các Phòng thuộc Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế
Quyết định 1417/QĐ-TCT năm 2006 sửa đổi Quyết định 1149/QĐ-TCT về sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và quy định chức năng, nhiệm vụ của phòng thuộc Cục thuế thực hiện thí điểm cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 1417/QĐ-TCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/07/2006
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Nguyễn Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/07/2006
- Ngày hết hiệu lực: 01/07/2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực