Hệ thống pháp luật

UỶ BAN QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TUÝ, MẠI DÂM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/QĐ-UBQG61

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TUÝ, MẠI DÂM SỐ 01/QĐ-UBQG61 NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TUÝ, MẠI DÂM

CHỦ TỊCH UỶ BAN QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TUÝ, MẠI DÂM

Căn cứ Quyết định số 61/2000/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm chịu trách nhiệm hướng dẫn liên ngành thực hiện Quy chế này.

Điều 4. Các thành viên Uỷ ban Quốc gia, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TUÝ, MẠI DÂM
(Ban hành kèm theo Quyết đinh số 01/QĐ-UBQG61 ngày 10 tháng 10 năm 2000 của Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm (gọi tắt là Uỷ ban Quốc gia) là tổ chức liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo phối hợp công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Uỷ ban Quốc gia, thành viên của Uỷ ban Quốc gia thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật về phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Điều 2. Uỷ ban Quốc gia có Ban Thường trực và các cơ quan giúp việc sau:

1. Ban Thường trực của Uỷ ban Quốc gia gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia.

2. Cơ quan giúp việc của Uỷ ban Quốc gia gồm:

a) Bộ phận tổng hợp trực thuộc Văn phòng Chính phủ giúp Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia tổng hợp các hoạt động chung của Uỷ ban Quốc gia.

b) Văn phòng Thường trực phòng, chống ma tuý trực thuộc Bộ Công an, giúp Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn ma tuý.

c) Văn phòng Thường trực phòng, chống AIDS trực thuộc Bộ Y tế, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về lĩnh vực phòng, chống AIDS.

d) Cục phòng chống tệ nạn xã hội trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm nhiệm vụ Văn phòng Thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Điều 3. Uỷ ban Quốc gia hoạt động và làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Các thành viên Uỷ ban Quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Quốc gia đối với lĩnh vực công tác được Uỷ ban Quốc gia phân công.

Điều 4. Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy chế hoạt động cụ thể, phù hợp với Quy chế này.

Chương 2

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG

Điều 5.

1. Uỷ ban Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 2 của Quyết định số 61/2000/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2000.

2. Uỷ ban Quốc gia thảo luận tập thể và quyết định theo đa số những vấn đề sau:

a) Chương trình công tác hàng năm của Uỷ ban Quốc gia.

b) Phương hướng, nhiệm vụ chiến lược phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

c) Chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch tổng thể dài hạn, hàng năm về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

d) Dự kiến cân đối nguồn lực theo mục tiêu và nhiệm vụ chung, thống nhất cơ chế điều hành tài chính cho công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

đ) Phối hợp lồng ghép hoạt động của các chương trình quốc gia hoặc chương trình, kế hoạch phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã được phê duyệt. Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch theo những mục tiêu và nhiệm vụ chung, kiểm tra, giám sát tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

e) Những công việc có tính chất liên ngành hoặc vượt quá thẩm quyền của một Bộ, ngành, địa phương.

g) Các báo cáo chuyên đề, tổng hợp của Uỷ ban Quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

h) Các chương trình hợp tác quốc tế có tính chất liên ngành của Uỷ ban quốc gia.

3. Đối với một số vấn đề Uỷ ban Quốc gia cần giải quyết gấp, nhưng không có điều kiện tổ chức họp Uỷ ban Quốc gia thì theo chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban, các Phó Chủ tịch phụ trách từng lĩnh vực, lấy ý kiến các thành viên Uỷ ban liên quan, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Uỷ ban Quốc gia tại phiên họp gần nhất.

Điều 6. Ban Thường trực có nhiệm vụ:

1. Thống nhất việc xây dựng chương trình, kế hoạch, đảm bảo lồng ghép các hoạt động phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm từ Trung ương đến địa phương và giữa các Bộ, ngành.

2. Thống nhất việc xây dựng kế hoạch và cân đối nguồn lực, cơ chế tài chính, việc phân bổ kinh phí giữa các lĩnh vực phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý và phòng, chống tệ nạn mại dâm để trình Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7. Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia có những nhiệm vụ sau đây:

1. Thông qua các đề án trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Thông qua chương trình, kế hoạch của Uỷ ban Quốc gia để triển khai thực hiện những chủ trương, giải pháp phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trên phạm vi cả nước.

3. Chỉ đạo, phối hợp hoạt động, lồng ghép các chương trình quốc gia hoặc chương trình, kế hoạch phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý mại dâm thực hiện theo nhiệm vụ, mục tiêu chung đã được Chính phủ quyết định.

4. Chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Uỷ ban; quyết định hoặc giải quyết các vấn đề quan trọng có tính chất liên ngành đã được các Bộ, ngành, đoàn thể phối hợp xử lý, nhưng còn ý kiến khác nhau.

5. Giải quyết những vấn đề do Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các đoàn thể chính trị đề nghị vượt quá thẩm quyền giải quyết của Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phụ trách các lĩnh vực phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm hoặc các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương.

6. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Uỷ ban Quốc gia.

Điều 8.

1. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phụ trách lĩnh vực có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm theo lĩnh vực đã được phân công; phối hợp với các thành viên Uỷ ban Quốc gia, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch dài hạn và hàng năm về lĩnh vực được phân công, sau khi đã được Uỷ ban Quốc gia hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua.

b) Trực tiếp điều hành cơ quan thường trực giúp việc, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo trong từng lĩnh vực được phân công và các vấn đề liên quan do từng ngành chịu trách nhiệm.

2. Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia là đại diện Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Phối hợp với các thành viên của Uỷ ban Quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng chương trình, kế hoạch liên ngành để thống nhất nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện việc tuyên truyền vận động phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở, ở cộng đồng dân cư.

b) Phối hợp hoạt động giữa các ngành, giữa các chương trình kinh tế - xã hội với các phong trào, các cuộc vận động do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động.

c) Xây dựng các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp về vận động phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phụ trách.

Điều 9. Các thành viên Uỷ ban Quốc gia có nhiệm vụ sau:

1. Chủ trì xây dựng kế hoạch và phối hợp với các thành viên của Uỷ ban và các cơ quan, tổ chức khác triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã được phân công.

2. Theo dõi, thực hiện công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; báo cáo định kỳ và đột xuất cho Ban Thường trực và cơ quan giúp việc từng lĩnh vực.

3. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong những hoạt động có liên quan theo các yêu cầu và mục tiêu chung.

Điều 10.

1. Bộ phận tổng hợp thuộc Văn phòng Chính phủ giúp Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia:

a) Tổng hợp chương trình, kế hoạch và các đề xuất về chủ trương, biện pháp chung trong công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý mại dâm, trình Uỷ ban Quốc gia giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b) Xây dựng báo cáo tổng hợp chung về kết quả thực hiện, hiệu quả sử dụng kinh phí trình Uỷ ban Quốc gia để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

c) Theo dõi, tổng hợp kiến nghị của các cơ quan quản lý chương trình trong việc dự kiến phân bổ kinh phí cho các Bộ, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ được phân công.

d) Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch chung của các lĩnh vực.

2. Văn phòng Thường trực các lĩnh vực giúp Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm của lĩnh vực được phân công và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đó.

b) Tổ chức và mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực được phân công.

c) Tổ chức thực hiện và điều hoà phối hợp hoạt động của lĩnh vực được phân công giữa các Bộ, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

d) Cùng các cơ quan có liên quan tổ chức lồng ghép việc tuyên truyền, vận động về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

đ) Phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ theo từng lĩnh vực

e) Triển khai các công việc do Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực phân công; sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác đã triển khai.

Điều 11

1. Các Bộ, ngành, đoàn thể phải gắn việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm được Uỷ ban Quốc gia phân công với nhiệm vụ thường xuyên của Bộ, ngành, đoàn thể mình và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

2. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong quá trình lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách về phòng, chống AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm.

3. Uỷ ban Quốc gia xem xét, tổng hợp dự toán kinh phí của các chương trình theo mục tiêu chung để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Bộ Tài chính căn cứ vào kế hoạch được duyệt, cấp phát và quản lý kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

Điều 12. Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý mại dâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tổ chức và chỉ đạo thống nhất công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trên địa bàn tỉnh, thành phố.

2. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí theo đúng nhiệm vụ được giao.

3. Báo cáo chuyên đề theo từng lĩnh vực hoặc báo cáo tổng hợp định kỳ, đột xuất cho Uỷ ban Quốc gia tình hình và đánh giá kết quả triển khai công tác phòng, chống AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm tại địa phương.

Chương 3

CÁC PHIÊN HỌP UỶ BAN VÀ CÔNG TÁC THÔNG TIN, BÁO CÁO

Điều 13. Các phiên họp của Uỷ ban được thực hiện như sau:

1. Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia triệu tập phiên họp thường kỳ của Uỷ ban Quốc gia và của Ban Thường trực. Uỷ ban Quốc gia họp một năm 2 lần vào tháng sáu và tháng 12, Ban Thường trực họp một năm 4 lần vào tháng cuối quý

2. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban triệu tập phiên họp bất thường

3. Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc họp của Uỷ ban Quốc gia và Ban Thường trực.

Các thành viên Uỷ ban chuẩn bị đề án báo cáo chuyên đề từng lĩnh vực, báo cáo tổng hợp chung theo yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban.

4. Các thành viên Uỷ ban phải tham dự đầy đủ các phiên họp của Uỷ ban. Thành viên Uỷ ban vì lý do vắng mặt có thể Uỷ quyền cấp Phó đối với các cơ quan là Phó Chủ tịch Uỷ ban, cấp Vụ hoặc tương đương đối với thành viên khác của Uỷ ban, nhưng phải được Chủ tịch Uỷ ban đồng ý, và phải chịu trách nhiệm về ý kiến của người do mình uỷ nhiệm.

5. Các phiên họp Uỷ ban Quốc gia, Thường trực Uỷ ban phải được ghi biên bản đầy đủ. Tùy theo từng nội dung phiên họp, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phụ trách các lĩnh vực hoặc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là thành viên Uỷ ban Quốc gia có văn bản thông báo cho các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện; Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phụ trách lĩnh vực có thể Uỷ quyền cho Thứ trưởng thành viên Uỷ ban Quốc gia ký văn bản thông báo cho các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là thành viên Uỷ ban Quốc gia có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những nội dung đã được nêu trong thông báo (hoặc biên bản) để báo cáo Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia.

Điều 14.

1. Các thành viên của Uỷ ban Quốc gia, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ:

a) Gửi Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia các báo cáo định kỳ (6 tháng, năm), báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp, đột xuất về phòng, chống AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm.

b) Gửi Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phụ trách từng lĩnh vực các báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, năm), báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp, báo cáo đột xuất về từng lĩnh vực phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

2. Căn cứ vào báo cáo của các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo từng lĩnh vực để Uỷ ban Quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Văn phòng Chính phủ chuẩn bị báo cáo tổng hợp để Uỷ ban trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ.

3. Các cơ quan giúp việc Uỷ ban Quốc gia và các cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố tăng cường công tác thông tin, đảm bảo thông tin chính xác, quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan và báo cáo đúng hệ thống tổ chức trong hoạt động của Uỷ ban Quốc gia.

Điều 15. Thẩm quyền sử dụng con dấu được quy định như sau:

1. Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia sử dụng con dấu của Chính phủ.

2. Các Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia là Bộ trưởng các Bộ: Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng con dấu của Bộ do mình quản lý; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia là đại diện Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sử dụng con dấu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Các Văn phòng Thường trực các lĩnh vực của Uỷ ban Quốc gia sử dụng con dấu riêng theo quy định hiện hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 01/QĐ-UBQG61 về quy chế hoạt động của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm do Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm ban hành

  • Số hiệu: 01/QĐ-UBQG61
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/10/2000
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/10/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản