Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 06-KL/TW

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2016

 

KẾT LUẬN

CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 50-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ KHOÁ IX VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương trình Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04-3-2005 của Ban Bí thư khoá IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (sau đây gọi là Chỉ thị 50) và ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư kết luận:

1- Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 50 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển công nghệ sinh học từng bước được hoàn thiện. Cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực về công nghệ sinh học được quan tâm đầu tư. Đã chọn tạo được nhiều giống cây năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh, chống chịu với các điều kiện sinh thái bất lợi. Việc chẩn đoán và theo dõi các bệnh không truyền nhiễm bằng công nghệ gen đã có những bước tiến nhảy vọt. Đã nghiên cứu và sản xuất thành công 11/12 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các sản phẩm công nghệ sinh học cũng đã giúp các cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 50 còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đạt mục tiêu Chỉ thị đã đề ra. Trình độ công nghệ sinh học nước ta vẫn chưa đạt mức tiên tiến trong khu vực. Công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghiệp cao, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực và chưa có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Các phòng thí nghiệm công nghiệp sinh học được đầu tư với kinh phí lớn, nhưng hiệu quả thấp, chưa gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhân lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, quản lý và sản xuất kinh doanh công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập, còn ít các nhà doanh nghiệp, khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. Thiếu sự liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp và thị trường. Nhiều mô hình ứng dụng mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chậm nhân ra diện rộng trong sản xuất và đời sống.

Những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do: Cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của các cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học công lập còn chậm đổi mới, nhiều bất cập, hạn chế; nguồn đầu tư chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở quy mô công nghiệp và thương mại hoá các sản phẩm công nghệ sinh học. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghệ sinh học và xây dựng nền công nghiệp sinh học. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền chưa được tiến hành sâu rộng và thường xuyên. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp sinh học chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

2- Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 50, cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

2.1- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Người đứng đầu các cấp, các ngành có liên quan trực tiếp tăng cường chỉ đạo công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi theo cơ chế thị trường để khuyến khích phát triển công nghệ, công nghiệp sinh học, hỗ trợ hiệu quả vận hành thị trường công nghệ sinh học, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò chủ lực của doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mở về công nghệ sinh học. Xây dựng mạng lưới quản lý và kiểm định an toàn sinh học trong cả nước. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học có thương hiệu Việt Nam. Có chính sách hỗ trợ đối với các dự án nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm về công nghệ sinh học.

2.2- Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học phải theo cơ chế thị trường. Đầu tư phát triển công nghiệp sinh học là một nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, là giải pháp quan trọng để phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, chủ động được phần lớn các loại giống phục vụ sản xuất nông nghiệp và tự chủ hầu hết các loại vắc-xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong khai thác, chế biến, nuôi trồng thuỷ, hải sản, phát huy tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam. Ưu tiên chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Khuyến khích phát triển thị trường sản phẩm công nghệ sinh học.

2.3- Chú trọng đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học theo cơ chế thị trường. Hiện đại hoá và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với hệ thống các phòng thí nghiệm, các trung tâm kiểm định tại các vùng, miền nhằm đưa nhanh, có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Tập trung đầu tư phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2.4- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí của công nghệ sinh học đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

2.5- Ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; xây dựng các chương trình phát triển nông nghiệp hiệu quả dựa vào công nghệ sinh học để thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng bảo tồn các nguồn gen quý; tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu. Sớm đưa các quy trình công nghệ tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi, quản lý rừng, khai thác và nuôi trồng, bảo quản và chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Tập trung xây dựng một số sản phẩm có thương hiệu quốc tế.

Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác an toàn thực phẩm bảo đảm sức khoẻ và đời sống của nhân dân. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào gốc trong chẩn đoán, giám định và điều trị các loại bệnh hiểm nghèo và trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm; công nghệ ADN trong các hoạt động nhân đạo, dân sinh. Bảo tồn và phát triển các vùng dược liệu.

Tăng cường ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học nhằm góp phần tạo ra một nền sản xuất xanh, sạch; xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; khuyến khích sản xuất năng lượng mới, năng lượng sạch, có khả năng tái tạo từ phế liệu, phế thải, thực vật và thân thiện với môi trường để thay thế một phần các nhiên liệu hoá thạch đang dần cạn kiệt.

Đẩy mạnh nghiên cứu để làm chủ, đưa vào ứng dụng rộng rãi các sản phẩm, quy trình công nghệ để phát hiện nhanh, chính xác và đối phó có hiệu quả với tấn công sinh học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2.6- Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, cá nhân nhằm tiếp cận và chuyển giao công nghệ. Chủ động xây dựng các chương trình, đề tài, dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước có nền công nghệ sinh học tiên tiến để trao đổi thông tin dữ liệu, tranh thủ những kinh nghiệm, tiếp nhận tài trợ và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ sinh học Việt Nam.

3- Tổ chức thực hiện

- Các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị 50 và Kết luận này.

- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc rà soát để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho việc phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học và bảo đảm an toàn sinh học.

- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo phát triển công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao; xác định các tiêu chí, lộ trình phát triển ngành Công nghiệp sinh học đến năm 2030. Quy hoạch và xây dựng các trung tâm kiểm định an toàn sinh học tại các vùng, miền.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ban Bí thư hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo tình hình thực hiện Kết luận này.

Kết luận này được phổ biến đến chi bộ.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương,
- Các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng,

T/M BAN BÍ THƯ




Đinh Thế Huynh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 06-KL/TW năm 2016 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 06-KL/TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/09/2016
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Đinh Thế Huynh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản