Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8640/KH-UBND

m Đồng, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng bảo đảm phù hợp với kế hoạch, chương trình liên quan (kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển hợp tác xã, chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững,...), góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản và nhu cầu tiêu dùng của dân cư;

- Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định, hướng tới phục vụ văn minh, hiện đại; tôn trọng, duy trì và phát huy các yếu tố truyền thống, đặc trưng của địa phương. Tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động;

- Thực hiện xã hội hóa đầu tư và quản lý chợ, phát triển hệ thống chợ gắn với chuyển đổi mô hình quản lý có hiệu quả, Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng chợ nông thôn, ưu tiên chợ vùng sâu, vùng xa.

2. Yêu cầu

- Phát triển hệ thống chợ bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng quy định về tiêu chuẩn, yêu cầu;

- Phát triển siêu thị, trung tâm thương mại, xem xét yếu tố về năng lực quản lý của nhà đầu tư, bảo đảm được tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý và kinh doanh;

- Tại đô thị tập trung phát triển siêu thị, trung tâm thương mại.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

- Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đồng bộ, hài hòa, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa và đời sống nhân dân;

- Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong đầu tư và quản lý chợ, tập trung thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý hoặc tổ quản lý sang loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý. Đơn vị quản lý chợ tự chủ đối với hoạt động của chợ theo hướng chợ nuôi chợ.

- Từng bước thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và an toàn thực phẩm.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020: Trên địa bàn tỉnh có 94 chợ, 86 (chiếm 58,5%) xã, phường, thị trấn có chợ; 15 trung tâm thương mại và 06 siêu thị (không bao gồm siêu thị nằm trong hệ thống trung tâm thương mại). Trong đó, giai đoạn 2019-2020 đầu tư mới 17 chợ, 04 siêu thị và 11 trung tâm thương mại.

b) Đến năm 2025: Trên địa bàn tỉnh có 109 chợ, 99 (chiếm 67,35%) xã, phường, thị trấn có chợ; chuyển đổi quản lý 100% các chợ thuộc đối tượng chuyển đổi trên địa bàn tỉnh; có 20 trung tâm thương mại và 12 siêu thị. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đầu tư mới 15 chợ, 05 trung tâm thương mại và 06 siêu thị.

III. Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại

1. Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống chợ

a) Kế hoạch đầu tư, nâng cấp

Tổng vốn đầu tư phát triển chợ giai đoạn 2019 - 2025: 1.410,62 tỷ đồng, đầu tư 63 chợ. Trong đó: vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp: 1.391,12 tỷ đồng, vốn của tiểu thương: 5,5 tỷ đồng, vốn từ ngân sách tỉnh và vốn có nguồn gốc từ ngân sách: 7 tỷ đồng, vốn từ ngân sách cấp huyện: 7 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

- Năm 2019: đầu tư 10 chợ (đầu tư mới: 05 chợ, nâng cấp: 04 chợ, đầu tư mới chuyển tiếp: 01 chợ), tổng vốn 96,8 tỷ đồng. Trong đó: vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp 89,8 tỷ đồng, vốn của tiểu thương 5 tỷ đồng, vốn từ ngân sách huyện 2 tỷ đồng.

- Năm 2020: đầu tư 28 chợ (đầu tư mới: 11 chợ, nâng cấp: 17 chợ), tổng vốn 1208,32 tỷ đồng. Trong đó: vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp 1214,32 tỷ đồng, vốn của tiểu thương 0,5 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh và vốn có nguồn gốc từ ngân sách 3,5 tỷ đồng, vốn từ ngân sách huyện 2 tỷ đồng.

- Năm 2021: đầu tư 06 chợ (đầu tư mới: 03 chợ, nâng cấp: 03 chợ), tổng vốn 20,5 tỷ đồng. Trong đó: vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp 20 tỷ đồng, vốn ngân vốn ngân sách huyện 0,5 tỷ đồng.

- Năm 2022: đầu tư 06 chợ (đầu tư mới: 04 chợ, nâng cấp: 02 chợ), tổng vốn 26,5 tỷ đồng. Trong đó: vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp 24 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh và vốn có nguồn gốc ngân sách tỉnh 1 tỷ đồng, vốn từ ngân sách huyện 1,5 tỷ đồng.

- Năm 2023: đầu tư 04 chợ (đầu tư mới: 02 chợ, nâng cấp: 02 chợ), tổng vốn 11 tỷ đồng, kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp.

- Năm 2024: đầu tư 05 chợ (đầu tư mới: 04 chợ, nâng cấp: 01 chợ), tổng vốn 28,5 tỷ đồng. Trong đó: vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp 27 tỷ đồng, vốn từ ngân sách tỉnh 01 tỷ đồng, vốn từ ngân sách huyện 0,5 tỷ đồng.

- Năm 2025: đầu tư 04 chợ (đầu tư mới: 02 chợ, nâng cấp: 02 chợ), tổng vốn 13 tỷ đồng. Trong đó: vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp 11 tỷ đồng, vốn từ ngân sách tỉnh và vốn có nguồn gốc từ ngân sách 1,5 tỷ đồng, vốn từ ngân sách huyện 0,5 tỷ đồng.

Chi tiết biểu 03.

b) Kế hoạch chuyển đổi quản lý các chợ thuộc đối tượng chuyển đổi

- Chuyển đổi quản lý chợ gắn với phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên hình thành hợp tác xã quản lý chợ, trong đó xã viên là tiểu thương kinh doanh tại chợ.

- Đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi quản lý đối với 26 chợ thuộc đối tượng chuyển đổi quản lý ngoài danh sách các chợ chuyển đổi giai đoạn 2016 - 2020 quy định tại Quyết định số 723/QĐ-UBND ngày 04/4/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể như sau:

- Năm 2019: Chuyển đổi quản lý 05 chợ, trong đó: 02 chợ - hình thức hợp tác xã và 03 chợ - hình thức doanh nghiệp.

- Năm 2020: Chuyển đổi quản lý 03 chợ, trong đó: 01 chợ - hình thức hợp tác xã và 02 chợ - hình thức doanh nghiệp.

- Năm 2021: Chuyển đổi quản lý 03 chợ theo hình thức doanh nghiệp.

- Năm 2022: Chuyển đổi quản lý 02 chợ theo hình thức hợp tác xã.

- Năm 2023: Chuyển đổi quản lý 02 chợ theo hình thức hợp tác xã.

- Năm 2024: Chuyển đổi quản lý 01 chợ theo hình thức hợp tác xã.

- Năm 2025: Chuyển đổi quản lý 10 chợ theo hình thức hợp tác xã.

Chi tiết biểu 04.

c) Kế hoạch chuyển đổi và hoàn thiện đối với các chợ không bảo đảm điều kiện

- Năm 2019, chuyển đổi tên gọi 05 chợ tại thành phố Đà Lạt không bảo đảm điều kiện về diện tích và các yêu cầu cơ bản theo tiêu chuẩn TCVN 9211:2012 về chợ tiêu chuẩn thiết kế thành khu kinh doanh tổng hợp, do Ủy ban nhân dân phường quản lý. Chi tiết biu 05.

- Hoàn thiện các chợ chưa bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn quy định: yêu cầu về điểm kinh doanh theo quy định tại khoản 1 điều 3 Quyết định số 43/2013/QĐ-UBND ngày 12/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng; tiêu chuẩn cơ bản về hạ tầng theo Quyết định số 3621/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn TCVN 9211:2012 về chợ - tiêu chuẩn thiết kế.

- Giai đoạn 2019 - 2025, hoàn thiện 14 chợ về hạ tầng như hệ thống cấp, thoát nước, nhà vệ sinh, sân chợ, giao thông xung quanh, nhà lồng; thu hút tiểu thương bảo đảm theo quy định.

Chi tiết biểu 06.

2. Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống siêu thị

Kêu gọi và ưu tiên nhà đầu tư kinh doanh siêu thị chuyên nghiệp đầu tư và quản lý siêu thị.

- Giai đoạn 2019 - 2020: Xây dựng 4 siêu thị tổng hợp tại các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và Cát Tiên; đã có quỹ đất. Tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng 6 siêu thị tại các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Tẻh. Khuyến khích nhà đầu tư tìm quỹ đất. Tổng vốn đầu tư 28 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Chi tiết biểu 07.

3. Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại

a) Tập trung xây dựng đảm bảo tiến độ đầu tư Trung tâm thương mại đã có chủ trương đầu tư, phát triển trung tâm thương mại bảo đảm đúng tiêu chuẩn theo quy định.

- Giai đoạn 2019 - 2020: Xây dựng 11 trung tâm thương mại tại thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Đức Trọng và huyện Di Linh. Trong đó: 07 TTTM đã có chủ trương, kêu gọi đầu tư 04 TTTM (TTTM B’lao Xanh, TTTM - chợ cũ Bảo Lộc, TTTM - TDP 4 TT Liên Nghĩa, TTTM - chợ cũ Di Linh) đã có quỹ đất. Tổng vốn đầu tư 2.660 tỷ đồng, nguồn vốn từ doanh nghiệp.

b) Tạm ngưng thu hút đầu tư Trung tâm thương mại Liên Khương - Đức Trọng do ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng 05 trung tâm thương mại tại thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Đức Trọng và huyện Đạ Huoai. Trong đó: 01 TTTM có chủ trương, kêu gọi 04 TTTM (TTTM Hòa Bình, TTTM đường tránh phía Nam - Bảo Lộc, TTTM khu hành chính mới - Đức Trọng, TTTM Đạ Huoai) đã có quy hoạch chi tiết và quỹ đất. Tổng vốn đầu tư 930 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Chi tiết biểu 07.

4. Danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư đến năm 2025

Giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng mới 37 dự án chợ, 10 dự án siêu thị và 09 dự án trung tâm thương mại.

Chi tiết biểu 08.

IV. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về vốn

- Ngân sách tỉnh ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ ở vùng sâu, vùng xa. Ngân sách cấp huyện hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với các chợ nông thôn trên địa bàn.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng mới, nâng cấp hệ thống chợ chủ yếu thu hút từ doanh nghiệp, tiểu thương. Trong giai đoạn 2019-2025, nguồn vốn từ doanh nghiệp chiếm 99%; nguồn vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ chiếm 0,5% cho 06 chợ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc tại xã Ka Đơn, xã Pro' - huyện Đơn Dương, xã Nam Ninh, xã Tiên Hoàng, xã Phước Cát 2 và xã Đồng Nai Thượng - huyện Cát Tiên. Ngân sách cấp huyện hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ cho 11 chợ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn, chiếm 0,5%.

- Các chợ được đầu tư từ nguồn vốn dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap), khi thực hiện chuyển đổi quản lý, tiến hành thu hồi vốn vào ngân sách nhà nước theo quy định.

- Kêu gọi 100% nguồn vốn của nhà đầu tư đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

2. Giải pháp về đất đai

- Ưu tiên bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại. Khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm quỹ đất đầu tư, xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

- Chuyển đổi quản lý chợ, thực hiện giao, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Đối với các chợ mang tính truyền thống, lịch sử, biểu tượng của địa phương, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và của tiểu thương đóng góp xây dựng chợ thực hiện chuyển đổi quản lý theo hình thức hợp tác xã quản lý trong đó xã viên là tiểu thương thực hiện ưu tiên giao hoặc cho thuê đất trả tiền hàng năm.

3. Giải pháp cụ thể theo từng loại hình

a) Đối với hệ thống chợ

- Giải pháp đối với các chợ có điều kiện khó khăn:

+ Nhà nước hỗ trợ, huy động các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách ưu tiên đầu tư hạ tầng chợ tại địa bàn có điều kiện khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Ngân sách địa phương quan tâm bố trí đầu tư các hạng mục đồng bộ để chợ hoạt động hiệu quả.

+ Đối với 14 chợ trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn chợ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, xúc tiến đầu tư, nâng cấp các hạng mục còn thiếu và vận động các hộ kinh doanh trong khu vực, kinh doanh không đúng quy định vào chợ.

+ Chính quyền địa phương vận động thương nhân kinh doanh tham gia đầu tư xây dựng quầy sạp và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh đáp ứng yêu cầu.

- Giải pháp về chuyển đổi mô hình quản lý chợ

+ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi quản lý chợ trên địa bàn, đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi quản lý toàn bộ các chợ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và vận động tiểu thương tham gia công tác quản lý, hình thành hợp tác xã quản lý chợ.

+ Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong giai đoạn đầu tiếp quản chợ như về hồ sơ thành lập hợp tác xã, nghiệp vụ quản lý chợ, các quy định về quản lý liên quan đến chợ như an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại, truy xuất nguồn gốc thực phẩm,...

+ Hàng năm đánh giá tình hình và kết quả quản lý đối với các chợ đã thực hiện chuyển đổi để chỉ đạo và điều chỉnh kịp thời.

+ Đối với 05 chợ chuyển đổi tên gọi tại thành phố Đà Lạt, thực hiện tuyên truyền, phổ biến tới tiểu thương biết, trước khi đổi tên gọi. Sau khi chuyển sang khu kinh doanh tổng hợp có quy chế quản lý nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh thương mại đúng quy định, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm.

- Các giải pháp khác

+ Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khai thác quản lý chợ đối với chợ đầu tư mới. Khi đầu tư xây dựng chợ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp và nhà đầu tư khảo sát, đánh giá nhu cầu kinh doanh tại chợ của người dân, tiểu thương trên địa bàn để xác định sự cần thiết đầu tư, hình thành chợ vào thời điểm phù hợp, đáp ứng yêu cầu về số điểm kinh doanh theo quy định (chợ thành thị tối thiểu 50 điểm kinh doanh, chợ nông thôn tối thiểu 30 điểm kinh doanh).

+ Việc đầu tư xây dựng chợ phải bảo đảm được đầu tư đồng bộ về hạ tầng chợ như hệ thống cấp, thoát nước trong toàn chợ và đến vị trí từng hộ kinh doanh thực phẩm, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước thải, nhà vệ sinh, đường giao thông trong chợ,... đáp ứng tiêu chuẩn chợ.

+ Việc xác định vị trí đầu tư xây dựng chợ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải xem xét đánh giá vị trí, bảo đảm thuận tiện giao thông, gần với khu dân cư thu hút người dân đến mua bán.

+ Đối với các chợ có trong kế hoạch nhưng chưa có quỹ đất, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo xác định quỹ đất đưa vào kỳ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương để kêu gọi đầu tư.

b) Đối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại

- Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực về tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp trong lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại và năng lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư và khai thác kinh doanh hiệu quả.

- Những dự án trung tâm thương mại đã có chủ trương đầu tư, chậm tiến độ. Sở Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành liên quan kiểm tra, đánh giá, xem xét, đề xuất để các dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

- Khi xem xét, đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trung tâm thương mại, siêu thị chú ý đến các tiêu chuẩn theo quy định.

- Bảo đảm quỹ đất đối với trung tâm thương mại và siêu thị đã được quy hoạch. Không thực hiện việc chuyển đổi công năng của các dự án này nhằm phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại trong tương lai.

- Khuyến khích doanh nghiệp tìm quỹ đất, đầu tư xây dựng, khai thác quản lý hệ thống siêu thị nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng hiện đại, thông minh.

V. Phân công thực hiện

1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Theo dõi tình hình và kết quả công tác đầu tư, phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức kiểm tra hoạt động quản lý chợ, công tác an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn công trình, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đo lường, quy định giá dịch vụ cho thuê diện tích kinh doanh, quy định về hạch toán trong quản lý kinh doanh tại chợ trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn thương nhân kinh doanh và đơn vị quản lý chợ thực hiện đúng quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn kiến thức về quản lý chợ, nghiệp vụ quản lý về an toàn thực phẩm cho đơn vị quản lý chợ. Bảo đảm các chợ trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

- Thực hiện công tác chuyển đổi quản lý chợ của tỉnh có kết quả, định hướng các địa phương ưu tiên hình thành hợp tác xã quản lý chợ.

- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi tiếp nhận quản lý chợ thực hiện tốt công tác quản lý chợ. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho đơn vị quản lý chợ.

- Tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại theo quy định của pháp luật.

- Vận động nhà đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý về trung tâm thương mại, siêu thị tham gia đầu tư khai thác kinh doanh đối với dự án trung tâm thương mại, siêu thị.

- Hàng năm tổng hợp tình hình và kết quả công tác phát triển, đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh định kỳ 6 tháng, hàng năm. Vào năm 2022 tổ chức sơ kết và năm 2025 tổ chức tổng kết nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch.

- Tổng hợp những vấn đề nảy sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Ưu tiên nguồn vốn bố trí hàng năm đầu tư hạ tầng chợ từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng hạ tầng chợ đồng bộ bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn chợ.

- Đối với các dự án trung tâm thương mại chậm tiến độ, hàng năm đánh giá tiến độ đầu tư để đôn đốc nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ đầu tư và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời.

- Các dự án đề nghị xem xét chấp thuận đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, có sự tham gia góp ý, thẩm định của Sở Công thương bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định, trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư.

- Khi xem xét năng lực nhà đầu tư quan tâm đến năng lực kinh doanh có tính chuyên nghiệp đối với dự án siêu thị, trung tâm thương mại và năng lực tài chính khả thi thực hiện dự án.

3. Sở Tài chính.

- Hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ thực hiện việc xây dựng phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ tổ chức các dịch vụ có thu nhằm bảo đảm tính chủ động cho tổ chức, cá nhân và phù hợp với quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn các địa phương trong việc định giá tài sản chợ và giá trị tài sản chợ còn lại phải nộp ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện chuyển đổi quản lý.

- Phân bổ kinh phí kịp thời từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình chợ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức quản lý, sử dụng đất chợ theo quy định.

- Kiểm tra việc cập nhật quỹ đất xây dựng chợ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm cơ sở để đưa vào Kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thu hút đầu tư.

- Hướng dẫn và tham mưu trong việc giao đất, cho thuê đất đối với các chủ đầu tư sử dụng đất chợ và các chợ thực hiện mô hình chuyển đổi quản lý.

- Thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

5. Sở Xây dựng.

- Xem xét sự phù hợp của quy hoạch tổng thể mặt bằng, giải pháp thiết kế công trình so với TCVN về chợ - tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn về siêu thị, trung tâm thương mại trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành xây dựng.

- Thực hiện quản lý chất lượng công trình bảo đảm an toàn đối với dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

6. Sở Khoa học và Công nghệ.

Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đầu tư trang thiết bị về đo lường; triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

7. Công an tỉnh.

- Hướng dẫn đơn vị quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện đúng quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

- Tổ chức kiểm tra, phối hợp kiểm tra về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ bảo đảm an toàn cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ trong hoạt động chợ, siêu thị và trung tâm thương mại.

8. Sở Y tế.

- Thường xuyên lấy mẫu, đánh giá về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đối với nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực ngành y tế; phối hợp Sở Công thương kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy định.

- Tổ chức công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu độc, khử trùng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thường xuyên lấy mẫu, đánh giá về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đối với nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp; phối hợp Sở Công thương kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy định.

10. Cục Quản lý Thị trường

- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường trong hoạt động kinh doanh tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh cho tiểu thương kinh doanh tại chợ.

- Trinh sát nắm bắt tình hình thị trường hàng hóa tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, tham mưu kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý đối với các hàng hóa thiết yếu trên thị trường nhất là trong dịp lễ, tết cổ truyền.

11. Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch.

Tổ chức xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư tìm hiểu, đầu tư dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh theo kế hoạch này. Hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; thông tin đầy đủ về dự án bằng nhiều hình thức.

12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc.

- Xác định rõ vị trí đất, bảo đảm đủ diện tích đất theo tiêu chuẩn, phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình nông thôn mới, quy hoạch chi tiết kinh tế xã hội địa phương; phù hợp với tập quán, nhu cầu buôn bán của dân cư; thuận lợi trong thông thương.

- Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách huyện hỗ trợ đầu tư hạ tầng chợ nông thôn trên địa bàn.

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi quản lý chợ trên địa bàn có kết quả, gắn với phát triển kinh tế hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên hình thành hợp tác xã trong đó xã viên là tiểu thương.

- Tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm tại chợ; tổ chức rà soát, chỉ đạo và thể hiện phê duyệt nội quy và phương án bố trí ngành hàng kinh doanh tại chợ đối với chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn.

- Đối với 14 chợ đã hình thành ở địa phương chưa đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn chợ, chỉ đạo đầu tư, vận động tiểu thương đưa chợ vào hoạt động theo quy định trong giai đoạn 2020 - 2025.

- Khuyến khích doanh nghiệp ở địa phương tự tìm quỹ đất, đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác kinh doanh đối với siêu thị chuyên doanh, tổng hợp quy mô hạng 2, hạng 3. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp về hồ sơ pháp lý và thủ tục đầu tư.

- Tăng cường quản lý, chấn chỉnh các điểm buôn bán không đúng quy định, lấn chiếm lòng lề đường, mất an toàn giao thông, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tạo điều kiện, hỗ trợ, vận động thương nhân vào chợ kinh doanh.

13. Các sở, ngành, đơn vị liên quan: Căn cứ chức năng quản lý nhà nước của ngành, đơn vị mình chủ động, phối hợp triển khai quy hoạch./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu: VT, KT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 8640/KH-UBND năm 2018 về đầu tư phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2025

  • Số hiệu: 8640/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản