Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 19 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ LOGISTICS TỈNH HẬU GIANG 5 NĂM 2021 - 2025 TRONG NĂM 2021

Căn cứ Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Chương trình số 03/CTr-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 trong năm 2021, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 để thực hiện trong năm 2021.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 trong năm 2021 phải được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ và có hiệu quả, làm nền tảng triển khai cho các năm tiếp theo đảm bảo tiến tới đạt các mục tiêu đề ra.

b) Phát huy tối đa tiềm năng và nguồn lực sẵn có của tỉnh để phát
triển công nghiệp và các dịch vụ logistics; gắn phát triển thương mại với phát triển các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành chế biến nông, thủy sản.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Về phát triển công nghiệp

Tập trung chỉ đạo xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường kêu gọi thu hút các dự án đầu tư liên quan đến lĩnh vực xử lý môi trường, các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, công nghiệp chế biến (rau quả, thủy sản,..), chế tạo và năng lượng (điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện,...); tiếp tục thực hiện các Chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, trên cơ sở đầu tư, hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công hỗ trợ phát triển các ngành nghề mới, các sản phẩm mũi nhọn phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh... Trong đó quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Phấn đấu thành lập mới 01 khu công nghiệp; lập 02 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp để làm cơ sở lập các thủ tục thành lập các khu công nghiệp; triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng theo đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt.

b) Hoàn chỉnh quy hoạch và thành lập mới 02 cụm công nghiệp, mở rộng 01 cụm công nghiệp.

c) Khởi công đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, các dự án trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có chủ trương đầu tư.

d) Triển khai thực hiện Đề án khuyến công, Đề án xúc tiến thương mại Quốc gia, địa phương một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.

đ) Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh năm 2010 đạt được chỉ tiêu kế hoạch trên giao, bằng 107,82% so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp (Giá thực tế) đạt được chỉ tiêu kế hoạch trên giao, bằng 107,10% so với năm 2020.

2. Về phát triển Logistics

Tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư hoàn thiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ trên địa bàn tỉnh có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ vận chuyển hàng hóa, đi lại, mở rộng và nâng công suất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa; tập trung chỉ đạo xây dựng đồng bộ hệ thống logistics để góp phần phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

a) Phấn đấu năm 2021 đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 01 trung tâm logistics trên địa bàn Tỉnh.

b) Thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch vốn được phân bổ trong năm 2021 cho các dự án tuyến đường giao thông thủy, bộ như: đường nối thị trấn Ngã Sáu đến đường Nam Sông Hậu; đường tỉnh 931 (đoạn từ xã Vĩnh Viễn đến đường Vị Thanh - Cần Thơ); đường tỉnh 931 (đoạn từ xã Vĩnh Viễn đến cầu Xẻo Vẹt); đường tỉnh 926B kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

a) Lĩnh vực công nghiệp

- Phát triển công nghiệp theo hướng ổn định và bền vững. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp với các mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng mới, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động các dự án năng lượng, đồng thời tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án phát triển năng lượng tái tạo theo định hướng của Tỉnh.

- Rà soát, đánh giá và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh về phát triển công nghiệp.

b) Lĩnh vực Logistics

- Phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics đang trong giai đoạn đầu tư; đồng thời, tiếp tục mời gọi đầu tư trung tâm dịch vụ logistics tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh, hướng đến hình thành một hệ thống dịch vụ logistics liên thông, kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước.

- Tập trung đầu tư hệ thống giao thông thủy, bộ quan trọng có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, liên kết nội bộ Tỉnh và vùng góp phần phát triển dịch vụ logistics.

2. Các giải pháp

a) Giải pháp về phát triển công nghiệp

- Tăng cường công tác kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm để phủ kín diện tích đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trong Tỉnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản có lợi thế cạnh tranh và phát triển một số hàng tiêu dùng có khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời và điện gió,..

- Tăng cường khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất đối với chính sách khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tìm kiếm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh mới. Áp dụng các cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm của ngành nông nghiệp; các chính sách để phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 07/07/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được niêm yết, công bố và kịp thời hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; rà soát bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, không phù hợp theo quy định của pháp luật, đồng thời hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

- Tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu của các nhà máy sản xuất và cơ sở chế biến đảm bảo cơ bản việc cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến tạo ra giá trị gia tăng; gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia trong chuỗi liên kết.

- Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng và thành lập mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp.

b) Giải pháp về phát triển Logistics

- Tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, các trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại và phát triển hệ thống logistics phục vụ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo ra các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế, nâng cao tính hiệu quả, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Có chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin; ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, quan tâm công tác xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, duy trì mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng; xem xét giải quyết ưu đãi đầu tư theo quy định cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh logistics.

- Thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp,..Thực hiện các chính sách khuyến khích, mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng, nhằm góp phần quảng bá, tìm kiếm đối tác, tạo đầu ra sản phẩm cho doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác đầu tư, xây dựng các dự án tuyến đường giao thông thủy, bộ như: đường nối thị trấn Ngã Sáu đến đường Nam Sông Hậu; đường tỉnh 931 (đoạn từ xã Vĩnh Viễn đến đường Vị Thanh - Cần Thơ); đường tỉnh 931 (đoạn từ xã Vĩnh Viễn đến cầu Xẻo Vẹt); đường tỉnh 926B kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng.

- Tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư hoàn thiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ trên địa bàn tỉnh có tính kết nối cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ vận chuyển hàng hóa, đi lại, mở rộng và nâng công suất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới.

- Hoạch định và thực thi chính sách phát triển logistics một cách đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến khích, mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa ổn định theo hướng bền vững.

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện: Trong năm 2021.

2. Chế độ báo cáo:

a) Giám đốc sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị mình và phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra đôn đốc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch trong năm 2021 gửi về Sở Công Thương trước ngày 15 tháng 11 năm 2021 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

b) Sở Công Thương chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án của các đơn vị đã được phân công và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai trong năm, gửi trước ngày 15 tháng 12 năm 2021.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện năm 2021 là 2.291,09 tỷ đồng (hai nghìn hai trăm chín mươi mốt tỷ không trăm chín mươi triệu đồng). Trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 353,10 tỷ đồng.

- Ngân sách địa phương: 58,40 tỷ đồng.

- Vốn tư nhân (doanh nghiệp): 1.879,59 tỷ đồng.

(Đính kèm Phụ lục nhiệm vụ và dự trù kinh phí)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

a) Chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 trong năm 2021.

b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách và mục tiêu phát triển công nghiệp và logistics của Tỉnh, bảo đảm phát triển công nghiệp và logistics là một trong những nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức và quyết tâm hành động trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển công nghiệp và logistics.

c) Phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ,... ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh.

d) Thường xuyên đôn đốc các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các công việc được giao theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng; báo cáo kết quả thực hiện gửi UBND tỉnh trước ngày 15/12/2021.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, cập nhật, đề xuất các chính sách mới về phát triển công nghiệp và logistics trên địa bàn Tỉnh theo quy định.

b) Chủ trì cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, hoạt động logistics lớn nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế. Tập trung hỗ trợ có trọng tâm các doanh nghiệp có tiềm năng xây dựng và phát triển thương hiệu của Tỉnh; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, khai thác tiềm năng lợi thế, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh.

3. Sở Tài chính

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường công tác phối hợp với các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong phát triển công nghiệp, nhất là hạ tầng kết nối số đảm bảo an toàn, đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

b) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy hiệu quả
Cổng thông tin điện tử của tỉnh; tuyên truyền các chính sách của Chính phủ, các
Bộ ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển công nghiệp và logistics.

c) Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát tham gia cung ứng
dịch vụ logistics trên địa bàn Tỉnh.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành khoa học và công nghệ năm 2021. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập; trên cơ sở đặt hàng của các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần trong việc thực hiện đạt mục tiêu Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến đến các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh; phối hợp với các cơ quan có liên quan lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đúng quy định.

8. Sở Xây dựng

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động xây dựng đối với các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện theo chức năng nhiệm vụ và phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra trật tự xây dựng; chất lượng công trình xây dựng và an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động tại các dự án trên địa bàn Tỉnh.

b) Chủ trì thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

9. Sở Giao thông vận tải

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông hỗ trợ quá trình vận chuyển hàng hóa, dịch vụ. Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển công nghiệp và logistics của Tỉnh.

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Nghiên cứu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hợp tác sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với nhu cầu phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến.

b) Khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi máy móc, thiết bị tiên tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của Tỉnh.

11. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

a) Tham mưu UBND tỉnh lập 02 đồ án quy hoạch phân khu công nghiệp để làm cơ sở lập các thủ tục thành lập các khu công nghiệp; phối hợp với với các đơn vị liên quan và chủ đầu tư dự án lập quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án theo đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt.

b) Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, đặc biệt quan tâm mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và logistics; các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, có tính chủ đạo để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, các dự án công nghệ cao, ít ảnh hưởng môi trường.

c) Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp để kêu gọi thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung, đặc biệt là thực hiện tốt Quyết định số 42/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước trong Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp đầu tư.

12. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vay vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo Kế hoạch này và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hỉnh tỉnh, Báo Hậu Giang thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, chính sách ưu đãi trong vay vốn đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

13. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

a) Căn cứ vào Chương trình số 03/CTr-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 để làm cơ sở triển khai thực hiện theo đúng nội dung Kế hoạch, Chương trình đã đề ra trong năm 2021 và trong thời gian tới.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập cụm công nghiệp trên địa bàn mình quản lý theo quy định pháp luật.

Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao cụ thể hóa các nội dung để triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị tổng hợp gửi Sở Công Thương báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:

- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Sở: CT, NN&PTNT, XD, KH&ĐT, GTVT, TC, KH&CN, TN&MT, TT&TT, LĐ - TB&XH;
- Ban Quản lý các KCN tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước VN - chi nhánh tỉnh HG;
- Báo Hậu Giang;
- Đài PTTH Hậu Giang;
- UBND huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, NCTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hòa

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 35/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025 trong năm 2021

  • Số hiệu: 35/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 19/02/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản