Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 18 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Ngày 19 tháng 7 năm 2021, thành phố Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn, có thể khẳng định công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở thành phố Cần Thơ đã có được những kết quả bước đầu quan trọng. Dự báo trong thời gian tới, nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì số ca mắc COVID-19 sẽ có chiều hướng gia tăng và sẽ còn diễn biến phức tạp hơn.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền thời gian qua, nhằm giúp người dân có nhận thức sâu sắc hơn nữa về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch do Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo áp dụng trong những ngày còn lại của đợt giãn cách, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, tạo vùng xanh trên toàn thành phố và duy trì lâu dài, bền vững vùng xanh, sống chung an toàn với dịch bệnh, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền và hiệu quả việc định hướng thông tin, không để xảy ra những hiểu lầm, gây tư tưởng hoang mang trong xã hội, ổn định vững chắc “trận địa” tư tưởng trong phòng, chống dịch, để bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa bảo đảm đời sống người dân thông qua các chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ,...;

b) Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức đúng về tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh gây ra; khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, lực lượng tuyến đầu và Nhân dân của thành phố trong công tác phòng, chống dịch; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người để chủ động, tích cực phòng, chống và kiểm soát dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng;

c) Thông qua tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; quyết tâm đẩy lùi, tiến tới kiểm soát dịch, không để lây lan, bảo đảm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.

2. Yêu cầu

a) Trong quá trình tuyên truyền cần lưu ý không gây hoang mang, lo lắng trong Nhân dân. Duy trì trạng thái tâm lý bình thường mới để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, vừa phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả. Tiếp tục khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, tạo sự đồng thuận, đoàn kết của mọi người, mọi thành phần trong công tác phòng, chống dịch;

b) Công tác tuyên truyền cần bảo đảm tính kịp thời, chính xác, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể; bám sát diễn biến tình hình dịch và sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp;

c) Xác định công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do dịch bệnh gây ra;

d) Kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình dịch bệnh để gây hoang mang dư luận xã hội, đầu cơ, trục lợi, gây khó khăn, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền về phòng, chống dịch

a) Tuyên truyền, làm rõ tình hình, tính chất nguy hiểm, nguy cơ và tác hại của dịch bệnh COVID-19; tập trung tuyên truyền chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cấp có thẩm quyền, của địa phương, đơn vị mình. Đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và thông điệp “5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”, không chủ quan, lơ là, không di chuyển đến những địa phương đang có dịch. Chủ động phối hợp với ngành Y tế và các lực lượng chức năng địa phương trong việc tham gia giám sát, phát hiện và thông báo kịp thời cho ngành Y tế địa phương người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật. Hãy tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ”, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn; kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm;

b) Thông tin sâu rộng đến các cấp, các ngành về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ ngành Trung ương, của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: về hạn chế tập trung đông người; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành tại cơ quan, đơn vị, trong học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh. Hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; vận động Nhân dân tham gia tích cực các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực;

Thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và mỗi cá nhân không lơ là, chủ quan, không hoang mang, lo lắng; không giấu bệnh; không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là, tập trung tuyên truyền các biện pháp thực hiện cao điểm phòng, chng dịch bệnh COVID-19 do Tổ tư vấn của Bộ Y tế đề xuất và đã được Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể hóa và chỉ đạo. Qua đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về thực hiện các quy định của pháp luật, hướng dẫn của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh để triệt để khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị, dập dịch thành công.

c) Tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; các văn bản quy phạm pháp luật về cấm nhập khẩu, tiêu thụ động vật hoang dã; xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, để giúp nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các biện pháp của các ngành chức năng nhàm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19:

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính, hình sự đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung, COVID-19 nói riêng như: Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh COVID-19; hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; hành vi không tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh COVID-19, cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh COVID-19... được quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

d) Tuyên truyền rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như:

- Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị;

- Công tác chuẩn bị trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho người dân;

- Công tác bảo đảm kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống tại chỗ;

- Công tác xây dựng các phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ lây lan cho đến công tác thông tin tuyên truyền đến từng người dân;

- Công tác kiểm soát, quản lý, xử lý vi phạm về đầu cơ, tăng giá thuốc và các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch;

- Công tác quản lý lái xe vận tải phục vụ vận chuyển, cung ứng hàng hóa, phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh...; Shipper ...;

- Công tác khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng ngừa dịch; về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các quy định tuân thủ trong quá trình tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh COVID- 19;

- Công tác hướng dẫn, thực hiện việc hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Quyết định này quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục, biu mẫu để người lao động và người sử dụng lao động thực hiện nhận hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP);

- Công tác cải cách hành chính, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố hoặc qua dịch vụ bưu chính để người dân biết và sử dụng nhằm hạn chế giao dịch trực tiếp;

- Về đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ tiếp xúc, hỗ trợ, phục vụ người dân; phải hết sức tránh quan liêu, “xa dân”, thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ triển khai các giải pháp mới quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn để dập dịch.

đ) Tuyên truyền về việc biểu dương tinh thần, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, khu vực, ấp; công tác phát hiện, thông báo, tố giác kịp thời với những biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với sức khỏe, tính mạng của người dân; những hành vi lợi dụng dịch để trục lợi cá nhân; những hành vi che giấu thông tin hoặc tung tin không chính xác gây tâm Iý hoang mang trong cộng đồng, làm mất ổn định xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị và của thành phố;

e) Tuyên truyền, giáo dục người dân chủ động, tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng, với phương châm tự phòng là chính”. Tuyên truyền, vận động mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, không tụ tập đông người; thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế; nhất là yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng khai báo y tế điện tử (Vietnam Health Declaration, Ncovi, Bluezone) khi ra ngoài:

Tuyên truyền, thông tin về đường dây nóng nhằm tiếp nhận, xử lý và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Sở Y tế, Bệnh viện và Trung tâm y tế quận, huyện. Tuyên truyền về việc theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến dịch của cả nước, của thành phố và các thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch từ các kênh chính thống, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ, Báo Cần Thơ; Website chính thống của các Bộ ngành chức năng có liên quan ở Trung ương; Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các cơ quan báo chí chính thống, các cổng thông tin điện tử của các cơ quan chức năng của thành phố.

g) Tuyên tuyền, vận động những người ở vùng dịch, đã đi qua vùng dịch, người có nguy cơ lây nhiễm cao yên tâm, tin tưởng và tự giác khai báo y tế, đến các cơ sở y tế khám, điều trị khi có các triệu chứng của bệnh; thực hiện các biện pháp cách ly khoa học, tránh biểu hiện kỳ thị, xa lánh. Tuyên truyền, thông tin chính xác, đầy đủ diễn biến tình hình dịch để người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và biện pháp phòng ngừa dịch, không lơ là, chủ quan nhưng không được gây hoang mang, lo lắng làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; phổ biến các khuyến cáo, khuyến nghị của Bộ Y tế, của các cấp chính quyền thành phố nhằm phòng ngừa, hạn chế dịch lây lan. Thông tin đậm nét về thực hiện nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; phương châm 4 tại chỗ: “Dự phòng, cách ly, điều trị tại ch; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.

h) Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gia đình tổ chức đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, các lnghi tôn giáo..., ma chay, cúng 49 ngày, 100 ngày, đám giỗ tại địa phương trong thời điểm hiện nay phải thực hiện nghiêm và đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; vận động các gia đình tổ chức trong phạm vi gia đình phù hợp nghi lễ truyền thống, hạn chế đông người. Đối với đám tang, thực hiện theo quy định về nếp sống văn minh, không để dài ngày. Đặc biệt chú ý công tác tuyên truyền cho việc tổ chức tang lễ đối với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 tử vong phải được người dân hiểu, gia đình có người tử vong hiểu để thực hiện nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 2232/QĐ-BCĐQG ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại lễ tang; Quyết định số 2233/QĐ-BCĐQG ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hướng dẫn xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 tại cộng đồng; văn bản của Ban Chỉ đạo thành phố phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về việc áp dụng biện pháp xử lý tử thi phù hợp tình huống và nguyên nhân tử vong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

i) Tuyên truyền, vận động người dân không xem, không nghe theo sự xúi dục, kích động và tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch liên quan công tác chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các ngành, các cấp, các địa phương và của lực lượng tuyến đầu; cũng như tự chữa bệnh trên các mạng xã hội. Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, biểu dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật để phòng, chống dịch COVID-19, đấu tranh phê phán đối với tổ chức, cá nhân có hành vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh.

Tuyên truyền, cổ vũ sự nỗ lực, vào cuộc của các lực lượng, các cấp, các ngành, sự đồng lòng của người dân trong phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt là sự cống hiến hết mình của các y, bác sỹ, cơ sở y tế, các đơn vị quân đội, công an, các lực lượng “4 tại chỗ” trên tuyến đầu chống dịch và về sự chung tay đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

2) Tuyên truyền về chính sách hỗ trợ

Về nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, thực hiện 12 chính sách sau:

a) Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống đại dịch COVID-19.

b) Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4 năm 2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghi không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tống thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

c) Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động:

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.

d) Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương:

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

đ) Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc:

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

e) Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động:

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

g) Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em:

- Người lao động tại điểm 4, 5, 6 Mục II đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha;

- Trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định tại điểm 8 Mục II Nghị quyết này; được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

h) Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0):

- Từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày;

- Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

i) Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV:

- Trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

- Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

k) Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh:

Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.

l) Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất:

- Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

- Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

m) Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác:

- Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương (nội dung này thành phố đã và đang chỉ đạo cơ quan chức năng của thành phố tham mưu triển khai thực hiện);

- Về hồ sơ, trình tự, thủ tục, biểu mẫu để người lao động và người sử dụng lao động thực hiện nhận hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP;

- Thực hiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các văn bản của các cơ quan có liên quan (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngành Thuế, Điện, Nước...).

III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: trên báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình; đặc biệt chú trọng hệ thống loa truyền thanh cơ sở; thường xuyên cập nhập tình hình dịch bệnh COVID-19 phát sóng vào các khung giờ vàng, ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền phòng, chống dịch. Mở các chuyên trang, chuyên mục để thực hiện các chuyên đề, giao lưu trực tuyến, đối thoại, hỏi - đáp trực tuyến... nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến người dân.

2. Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của các ngành, các trang thông tin điện tử của địa phương, cơ quan, đơn vị.

3. Tuyên truyền cổ động trực quan bằng băng rôn, panô, khẩu hiệu, tờ rơi, sổ tay, đến tận địa bàn dân cư, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, vùng có đạo. Đặc biệt là tập trung tuyên truyền tại các chợ truyền thống (nếu cấp thẩm quyền cho hoạt động trở lại), các trung tâm thương mại, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các điểm bán chợ “không” đồng, chợ “ra phố”, các cửa hàng buôn bán thuốc, các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, để mọi người thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tuân thủ nguyên tắc cách ly trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là phải đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

4. Xây dựng, đăng tải các video, clip, banner ảnh, biểu ngữ cổ động, để tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, báo điện tử, trang thông tin điện tử của địa phương, cơ quan, đơn vị, để cho người dân biết các dấu hiệu khi bị nhiễm bệnh và chủ động đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có triệu chứng nhiễm bệnh.

5. Tuyên truyền trên mạng xã hội: Các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân tích cực đăng tải các tin, bài viết, thông tin chính thống về nguyên nhân, tác hại, cách phòng, chống dịch COVID-19 trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube...), Tổ chức nhắn tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 đến các thuê bao điện thoại di động về các khuyến cáo, khuyến nghị của ngành y tế.

6. Tuyên truyền bằng xe lưu động, thành lập đội hình tuyên truyền bằng ô tô lưu động và loa tuyên truyền lưu động. Tổ chức các đội loa cầm tay, loa kéo di động kết hợp đo thân nhiệt, khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone tại các điểm tập trung đông người như siêu thị, các chốt kiểm soát dịch, các khu dân cư, chung cư...

7. Các hình thức khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và điều kiện thực tế tại địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Cục thuế, Bảo hiểm xã hội, Ngân hành chính sách xã hội và sở, ban ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi quản lý của đơn vị mình chủ động rà soát bổ sung, xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến để đạt mục đích, yêu cầu và nội dung của Kế hoạch này. Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội; Công an nhân dân tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp tổ chức giao ban hoặc thông tin báo chí khi có vấn đề phát sinh, để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và định hướng tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

b) Phối hợp Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh quận, huyện tăng cường thời lượng tuyên truyền về diễn biến, tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19; các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động phòng, chống dịch hiệu quả;

c) Chỉ đạo hệ thống bưu điện, các nhà mạng viễn thông tăng cường đảm bảo thông tin, liên lạc an toàn, thông suốt phục vụ công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích để giải quyết thủ tục hành chính. Chỉ đạo các nhà mạng viễn thông tăng cường tin nhắn tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến các thuê bao điện thoại di động về các khuyến cáo, khuyến nghị của ngành y tế;

d) Theo dõi, quản lý, kiểm tra chặt chẽ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đăng tải, chia sẻ, bình luận không chính xác về tình hình dịch bệnh COVID-19;

đ) Phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong thành phố tăng cường sử dụng sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hóa.

3. Sở Y tế

a) Chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về diễn biến của dịch bệnh COVID-19; kế hoạch, biện pháp ứng phó và kiểm soát tình hình dịch;

b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bộ phận chức năng của Ban Tuyên giáo Thành ủy trong chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhằm ổn định trật tự, an toàn xã hội trong trường hợp dịch bùng phát mạnh;

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp kịp thời tình hình dịch bệnh COVID-19 trong ngày để cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời, chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí về tình hình dịch bệnh COVID-19 của thành phố theo quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;

d) Chỉ đạo cơ sở y tế, đặc biệt là các nhân viên y tế nêu cao vai trò, trách nhiệm để vừa làm tốt vai trò người thầy thuốc, vừa là tuyên truyền viên, hướng dẫn người bệnh và gia đình người bệnh chủ động phòng ngừa, giữ gìn, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; Báo Cần Thơ

a) Tăng cường thời lượng thông tin, tuyên truyền sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và khuyến cáo, khuyến nghị của ngành chức năng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

b) Phối hợp chặt chẽ với bộ phận chức năng của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị, địa phương có liên quan nắm tình hình và phản ánh khách quan, trung thực về tình hình dịch bệnh COVID-19; thực hiện tuyên truyền theo đúng định hướng, kịp thời, chính xác, phù hợp; tránh đưa thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền các khuyến cáo, khuyến nghị của của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm ngăn ngừa, hạn chế dịch lây lan; động viên cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch;

c) Kịp thời phản ảnh những tổ chức, cá nhân có những cách làm tích cực, hiệu quả; đồng thời phê bình những tổ chức, cá nhân còn lơ là, thiếu quyết tâm và trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

5. Đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tổ chức phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động, thơ, nhạc, sân khấu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

6. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy

a) Phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành chức năng thành phố chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền kịp thời trên báo chí, cổng thông tin điện tử và mạng xã hội về diễn biến tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Tuyên giáo quận, huyện và đảng ủy trực thuộc theo dõi, nắm chắc diễn biến dịch bệnh COVID-19, tình hình tư tưởng và tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; qua đó hỗ trợ các đơn vị có liên quan của thành phố làm tốt công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội để cán bộ, đảng viên và nhân dân không hoang mang, lo lắng, yên tâm công tác, lao động và tham gia phòng, chống, dập dịch;

c) Chỉ đạo các lực lượng tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và tổ chức chính trị - xã hội thành phố

a) Chủ động phối hợp với ngành y tế và các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến từng địa bàn, khu dân cư để nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại gia đình, nơi công cộng;

b) Bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng của nhân dân; qua đó, phát hiện và tham mưu kịp thời cho cấp ủy các biện pháp ổn định tình hình tư tưởng trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 bùng phát cao;

c) Vận động nhân dân, các vị chức sắc tôn giáo, đoàn viên, hội viên trong hệ thống Mặt trận đăng tải, chỉ chia sẻ thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh COVID-19; các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, các khuyến cáo, khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan chức năng trên mạng xã hội;

d) Phát động phong trào: “Toàn thnhân dân chung tay cùng các cấp chính quyền của thành phố Cần Thơ trong công tác phòng, chống, dập dịch bệnh COVID-19, góp phần tiến tới kiểm soát dịch bên trên địa bàn, ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân thành phố”

Trên đây là Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố; đề nghị sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, các cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung Kế hoạch này nghiêm túc, chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện; các đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kịp thời phản ảnh, báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, số điện thoại: 02923.811.041) để tổng hợp nghiên cứu tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục định hướng, chỉ đạo cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Vụ PBGDPL - Bộ Tư pháp;
- TT. TU, TT. HĐND;
- CT, PCT UBND TP;
- Ban Tuyên giáo TU;
- UB MTTQVN TP và các đoàn thể;
- BCĐ TP COVID-19;
- Sở, ban, ngành TP;
- Thành viên HĐPHPBGDPL TP;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND TP(2A,3EC);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, LhT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hè

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2021 về tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 174/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/08/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản