Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 17 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH ĐỒNG THÁP (PAPI) NĂM 2019

Theo Báo cáo PAPI 2018 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam công bố ngày 02 tháng 4 năm 2018 tại Hà Nội, tỉnh Đồng Tháp không xếp hạng trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về các nội dung thành phần: Tỉnh đạt mức cao nhất ở các nội dung: Thủ tục hành chính công: 7,55 điểm (Quảng Ninh có điểm cao nhất: 7,95 điểm), Cung ứng dịch vụ công: 7,36 điểm (Đà Nẵng và Ninh Thuận có điểm cao nhất: Đồng 7,68 điểm), Quản trị môi trường: 6,74 điểm (Đồng Tháp đạt điểm cao nhất); đạt mức trung bình cao ở nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở: 5,43 điểm (Thái Bình có điểm cao nhất: 6,16 điểm); đạt mức trung bình thấp ở các nội dung: Trách nhiệm giải trình với người dân: 4,99 điểm (Thái Nguyên có điểm cao nhất 5,6 điểm), Quản trị điện tử: 2,79 điểm (Đà Nẵng có điểm cao nhất 4,24 điểm). Còn hai nội dung: Công khai minh bạch và Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công không được xếp hạng vì không có dữ liệu.

Để phát huy các kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, tiếp tục duy trì và cải thiện Chỉ số PAPI năm 2019, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

- Cải thiện hiệu quả phục vụ Nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của người dân.

- Phát huy những nội dung thành phần của Chỉ số PAPI đã đạt điểm số cao, đồng thời cải thiện điểm số đối với các nội dung thành phần đạt điểm số thấp năm 2018. Phấn đấu để Chỉ số PAPI của Đồng Tháp năm 2019 nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm số cao của cả nước.

- Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu để Chỉ số PAPI của Đồng Tháp năm 2019 đạt điểm số từ 50,37 điểm trở lên.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

(Kèm theo phụ lục)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương để thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung thành phần của Chỉ số PAPI theo nhiệm vụ được phân công tại Mục II, cuối năm 2019, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Sở Nội vụ) để tổng hợp.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nội dung của Chỉ số PAPI thuộc thẩm quyền cấp xã, đảm bảo thực chất, hiệu quả.

3. Sở Nội vụ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) để được giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- TT TU; TT HĐND Tỉnh;
- Các PCT.UBND Tỉnh;
- Ban Dân vận TU;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thành phố, thị xã;
- Lưu: VT, NC/NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dương

 

PHỤ LỤC

 

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẢI THIỆN CHỈ SỐ PAPI TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2019

(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Nội dung

Nhiệm vụ, giải pháp

quan chủ trì

quan phối hợp

1. Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở: Đạt điểm số từ 6,16 điểm trở lên (tăng 0,73 điểm trở lên so với năm 2018)

a) Tri thức công dân về bầu cử

- Tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đầy đủ các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

- Thời hạn nhiệm kỳ của trưởng ấp/khóm là 5 năm.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp, Sở Nội vụ

b) Cơ hội tham gia bầu cử

Thông tin để cử tri nắm được các quy định về:

- Quyền cử tri được đi bầu để chọn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh;

- Tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức bầu cử, đảm bảo thực hiện nguyên tắc “mỗi người một lá phiếu” giảm thiểu tình trạng bầu hộ, bầu thay.

- Kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân gần nhất vào năm 2016;

- Nhiệm kỳ của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân là 5 năm;

- Chức danh Chủ tịch UBND cấp xã do HĐND cấp xã bầu.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp, Sở Nội vụ

c) Chất lượng bầu cử Trưởng ấp, Trưởng khóm

Thông tin, tuyên truyền để cử tri nắm được các quy định về:

- Phải có từ hai ứng cử viên trở lên để bầu trưởng ấp/khóm;

- Cử tri đại diện hộ gia đình trong ấp/khóm đều được mời đi bầu cử;

- Việc bầu cử được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín;

- Danh sách người trúng cử trưởng ấp/khóm được niêm yết công khai.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp, Sở Nội vụ

d) Tham đóng góp tự nguyện cho các công trình công cộng

- Thực hiện đúng các quy định về huy động sự đóng góp tự nguyện.

- Thông tin để người dân biết khi tham gia đóng góp tự nguyện công trình công cộng ở xã, phường, thị trấn nơi sinh sống thì có quyền tham gia ý kiến trong quá trình thiết kế, tham gia vào việc quyết định và tham gia giám sát xây mới, tu sửa công trình công cộng ở xã, phường, thị trấn do mình đóng góp.

- Đóng góp của dân được ghi chép vào sổ sách của xã, phường, thị trấn.

- Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc xây mới, tu sửa công trình.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp, Sở Tài chính

2. Công khai, minh bạch: Cố gắng đạt 5,80 điểm

a) Tiếp cận thông tin

Thực hiện tốt các nội dung công khai và các hình thức công khai theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

 

b) Công khai danh sách hộ nghèo

- Thực hiện đúng các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, quy trình để chọn hộ nghèo.

- Thông tin cho người dân biết về chuẩn nghèo ở đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh; công khai danh sách hộ nghèo 12 tháng qua và các chế độ, chính sách của hộ nghèo được hưởng bằng nhiều hình thức để người dân biết (qua đài, trạm truyền thanh, niêm yết danh sách tại trụ sở UBND cấp xã, tại ấp/khóm,...).

- Rà soát bổ sung những hộ thực tế rất nghèo nhưng chưa đưa vào danh sách hộ nghèo và đưa ra khỏi danh sách những hộ thực tế không nghèo hoặc đã thoát nghèo; đồng thời, thông tin kịp thời cho người dân biết.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp

c) Công khai thu chi ngân sách

- Thực hiện đúng các quy định về thu, chi ngân sách cấp xã.

- Công bố công khai thu chi ngân sách cấp bằng nhiều hình thức (đài, trạm truyền thanh, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, tại ấp/khóm,...); bảo đảm tính chính xác của thông tin về thu chi ngân sách đã công bố.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Sở Tài chính

d) Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường, thu hồi đất

- Thực hiện đúng các quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp của người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính quyền địa phương tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân.

- Thông tin cho người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh bằng nhiều hình thức (đài, trạm truyền thanh, công khai tại trụ sở UBND cấp xã, tại ấp/khóm,...).

- Công tác thu hồi, đền bù đảm bảo đúng quy định: Khi bị thu hồi đất, gia đình được thông báo cụ thể về mục đích sử dụng đất; Đất bị thu hồi hiện đang được sử dụng đúng với mục đích quy hoạch ban đầu.

- Công khai Bảng giá đất hàng năm sau khi được UBND Tỉnh ban hành tại trụ sở UBND cấp xã, Cổng thông tin điện tử của Tỉnh và trang thông tin điện tử của ngành và các hình thức thích hợp khác.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Sở Tài chính

Sở Tài nguyên và Môi trường

3. Trách nhiệm giải trình với người dân: Đạt điểm số từ 5,60 điểm trở lên (tăng 0,61 điểm trở lên so với năm 2018)

a) Hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền

- Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân đối với các vấn đề dân sinh, các khúc mắc trong đời sống hàng ngày.

- Tăng cường tiếp xúc, trao đổi, giải trình khi người dân có yêu cầu cần gặp cán bộ, công chức cấp xã, ấp/khóm.

- Khuyến khích người dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền. Lắng nghe, tiếp thu các đóng góp, phản ánh của người dân.

- Thực hiện tốt mô hình cán bộ, công chức cấp xã tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, mô hình xuống dân nghe góp ý.

UBND cấp xã và UBND cấp huyện

Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp

b) Giải quyết khiếu nại, tố giác của người dân

Chính quyền địa phương tích cực, chủ động:

- Thực hiện tốt Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân.

- Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết tốt những khúc mắc của dân.

- Gặp gỡ, tiếp xúc với người dân thông qua các cuộc họp dân thường xuyên hoặc bất thường.

- Tiếp thu và phúc đáp đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của Nhân dân.

UBND cấp xã và UBND cấp huyện

Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp

c) Tiếp cận dịch vụ tư pháp

- Tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã hoạt động hiệu quả, đi vào thực chất, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ được giao như: Giám sát việc thực hiện chính sách; đảm bảo các khiếu nại, tố cáo được giải quyết và giám sát việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Thông tin, tuyên truyền để người dân biết về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân được Nhân dân bầu.

UBND cấp xã và UBND cấp huyện

Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp

4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: Đạt điểm số từ 6,77 điểm trở lên

a) Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, người thực thi công vụ có các hành vi như:

- Dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng;

- Nhận các khoản tiền ngoài quy định trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Nhận các khoản tiền ngoài quy định trong cấp giấy phép xây dựng.

UBND cấp xã và UBND cấp huyện

Thanh tra Tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng

b) Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng như:

- Người dân phải chi thêm tiền để được quan tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh;

- Phụ huynh học sinh phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn.

Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo

UBND cấp xã và UBND cấp huyện, Thanh tra Tỉnh

c) Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công

- Thực hiện việc tuyển dụng công chức phải bảo đảm nguyên tắc: cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khắc phục tình trạng như: Phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước; Phải có mối quan hệ cá nhân thân quen với người có chức quyền mới xin được vào làm trong cơ quan nhà nước.

UBND cấp xã và UBND cấp huyện

Sở Nội vụ, Thanh tra Tỉnh

d) Quyết tâm chống tham nhũng

- Tuyên truyền để người dân biết về Luật Phòng chống tham nhũng để mạnh dạn tố cáo hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ.

- Chính quyền quyết tâm phòng, chống tham nhũng và xử lý nghiêm túc vụ việc tham nhũng ở địa phương

UBND cấp xã và UBND cấp huyện

Thanh tra Tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể các cấp

5. Thủ tục hành chính công: Đạt điểm số từ 7,66 điểm trở lên (tăng 0,11 điểm trở lên so với năm 2018)

Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương; Dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Dịch vụ hành chính ở cấp xã

- Tăng cường giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính.

- Khắc phục hiện tượng người dân phải nhờ môi giới (“cò”) mới giải quyết được công việc; phát hiện và xử lý nghiêm công chức tiếp tay cho các đối tượng môi giới này.

- Tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

- Triển khai thực hiện tốt việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phấn đấu thực hiện tốt 9 tiêu chí gồm:

+ Người dân được hướng dẫn cụ thể về thủ tục cần làm.

+ Các mức phí, lệ phí phải nộp được niêm yết công khai.

+ Đội ngũ công chức thạo việc.

+ Đội ngũ công chức có thái độ lịch sự.

+ Thủ tục, giấy tờ, hồ sơ đơn giản.

+ Không phải trả phí ngoài quy định “lót tay” mới được việc.

+ Được hẹn cụ thể ngày nhận kết quả.

+ Được nhận kết quả đúng như lịch hẹn.

+ Hài lòng với dịch vụ nhận được.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Các Sở: Tư Pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn phòng UBND Tỉnh

6. Cung ứng dịch vụ công: Cố gắng giữ nguyên điểm số từ 7,36 điểm bằng với năm 2018

a) Y tế công lập

- Thông tin, tuyên truyền về quy định trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí khám chữa bệnh, người nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tác dụng của thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.

- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.

- Thực hiện các giải pháp khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong ngành.

- Cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất cơ bản phục vụ người khám, chữa bệnh; thực hiện tốt 11 tiêu chí gồm:

+ Người bệnh không phải nằm chung giường;

+ Phòng bệnh có quạt máy;

+ Nhà vệ sinh sạch sẽ;

+ Bố trí cán bộ y tế trực thường xuyên;

+ Thái độ phục vụ bệnh nhân của y, bác sĩ tốt;

+ Chi phí khám chữa bệnh hợp lý;

+ Không phải chi thêm tiền để được điều trị tốt hơn;

+ Không phải chờ đợi quá lâu mới được khám bệnh;

+ Khỏi hẳn bệnh khi xuất viện;

+ Bác sĩ không chỉ định người nhà bệnh nhân đi mua thuốc tại một nhà thuốc tư nhân;

+ Người dân hài lòng với dịch vụ y tế ở bệnh viện.

Sở Y tế, UBND cấp huyện

Bảo hiểm xã hội tỉnh

b) Giáo dục tiểu học công lập

- Tuyên truyền về quy định miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập tại địa phương (không kể những khoản đóng góp xây dựng trường và các khoản đóng góp khác).

- Nâng cao chất lượng dạy và học giáo dục tiểu học công lập.

- Khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong ngành.

- Tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh.

- Cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất cơ bản phục vụ dạy và học trong nhà trường, thực hiện tốt 10 tiêu chí gồm:

+ Các lớp học được kiên cố;

+ Nhà vệ sinh sạch sẽ;

+ Học sinh có nước sạch để uống tại trường.

+ Lớp học có dưới 36 học sinh;

+ Không có lớp nào phải học ca ba;

+ Giáo viên có trình độ sư phạm tốt;

+ Giáo viên không ưu ái những học sinh tham gia lớp học thêm ngoài giờ của mình;

+ Phụ huynh không phải trả tiền ngoài quy định “bồi dưỡng” giáo viên hay ban giám hiệu nhà trường;

+ Phụ huynh được nhận phản hồi thường xuyên của giáo viên về tình hình học tập của con em;

+ Phụ huynh nhận được thông tin đầy đủ về tình hình thu chi của nhà trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp xã, UBND cấp huyện

 

c) Hạ tầng căn bản

Đảm bảo cung cấp đầy đủ các điều kiện cơ bản cho người dân như: Điện, đường giao thông nông thôn được trải nhựa; dịch vụ thu gom rác thải thường xuyên (hàng ngày), nước sạch cho sinh hoạt tới tận nhà.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

 

d) An ninh, trật tự

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm: Trộm cắp xe, móc túi, cướp giật tài sản, trộm đột nhập vào nhà, hành hung.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Công an Tỉnh

7. Quản trị môi trường: Cố gắng giữ điểm số 6,78 như năm 2018

a) Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 06/3/2017 của UBND Tỉnh thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn cho các cán bộ phụ trách các cấp và chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản về bảo vệ môi trường hiệu quả ở địa phương.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Sở Tài nguyên và Môi trường

b) Chất lượng không khí và chất lượng nước

- Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 07/6/2017 của UBND Tỉnh về lộ trình xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thành xây dựng và vận hành thử nghiệm Hệ thống tiếp nhận, tích hợp và công bố dữ liệu quan trắc môi trường tỉnh Đồng Tháp (giám sát chất lượng nước thải tự động đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên).

- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải trong nông nghiệp, nông thôn phát sinh.

- Vận hành hoạt động các khu xử lý rác tập trung đã đầu tư theo quy hoạch; đồng thời, tiến hành các thủ tục đóng cửa các bãi rác tạm, nằm ngoài quy hoạch.

- Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Sở Tài nguyên và Môi trường

8. Quản trị điện tử: Đạt điểm số từ 4,24 trở lên

a) Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân biết cách sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Sở Thông tin và truyền thông

b) Tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho người dân biết sử dụng Internet.

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

Sở Thông tin và truyền thông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 148/KH-UBND về cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Đồng Tháp (PAPI) năm 2019

  • Số hiệu: 148/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/06/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Nguyễn Văn Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản