Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 21 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN BẢO HIỂM XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội và Quyết định số 294/QĐ-LĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt kế hoạch tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH) đến năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch tuyên truyền BHXH trên địa bàn thành phố đến năm 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thông qua đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền thúc đẩy quá trình thực thi, đưa chính sách, pháp luật BHXH đi vào cuộc sống, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, giúp người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa, sự cần thiết của chính sách BHXH, mở rộng độ bao phủ, phát triển đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân.

b) Nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp trong việc tổ chức, thực hiện tuyên truyền chính sách BHXH.

2. Yêu cầu

a) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHXH phải được tiến hành thường xuyên, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hoạt động truyền thông trực tiếp tới người dân về các lợi ích khi tham gia BHXH để người dân biết, tích cực tham gia nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, bền vững.

b) Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phải có sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các ngành, các cấp, phải xác định công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng để phát triển đối tượng tham gia BHXH.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức từ đó tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chính sách BHXH hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về nhân lực

- Năm 2022:

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác tuyên truyền tại BHXH thành phố, BHXH các quận, huyện, đội ngũ giảng viên nguồn tiếp tục được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức BHXH và nghiệp vụ thông tin, truyền thông.

Có tối thiểu 70% cộng tác viên tuyên truyền, nhân viên tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền thu BHXH, bảo hiểm y tế được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về BHXH và nghiệp vụ thông tin, truyền thông.

- Từ năm 2023 đến năm 2025:

Duy trì tập huấn, bồi dưỡng kiến thức BHXH và nghiệp vụ thông tin, truyền thông cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, giảng viên nguồn về BHXH.

Có 100% cộng tác viên tuyên truyền, nhân viên tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền thu BHXH, bảo hiểm y tế được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về BHXH và nghiệp vụ thông tin, truyền thông.

b) Về đối tượng được tuyên truyền

- Nhóm đối tượng là cán bộ, đảng viên:

100% cán bộ, đảng viên được tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của 11 nội dung cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các Luật, Nghị quyết mới của Quốc hội cụ thể hóa nội dung cải cách BHXH.

- Nhóm đối tượng là lực lượng lao động trong độ tuổi:

Năm 2022 có 50% lực lượng lao động trong độ tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm 5% và đến năm 2025 đạt 65% lực lượng lao động trong độ tuổi được tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH; hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của 11 nội dung cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các quy định mới của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa nội dung cải cách.

Năm 2022 có 20% lực lượng lao động trong độ tuổi, sau đó mỗi năm tăng thêm 5% và đến năm 2025 đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi được tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện.

c) Về nội dung tuyên truyền

Phấn đấu 100% nội dung tuyên truyền phù hợp với định hướng cải cách chính sách BHXH theo từng năm, chú trọng nội dung về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc tham gia BHXH, tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH. Nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, dễ hiểu phù hợp với đặc thù đối tượng được tuyên truyền.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đổi mới nội dung tuyên truyền

Thực hiện đa dạng hóa nội dung tuyên truyền, từ việc tuyên truyền nội dung chính sách, ý nghĩa vai trò, lợi ích, giá trị nhân văn, tính ưu việt của chính sách BHXH đến tuyên truyền về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, cụ thể:

a) Tuyên truyền ý nghĩa, vai trò, lợi ích, giá trị nhân văn, tính ưu việt của các chế độ BHXH đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ổn định đời sống, đảm bảo an sinh cho người lao động và nhân dân.

b) Tuyên truyền 11 nội dung cải cách chính sách BHXH được Ban chấp hành Trung ương đề ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó chú trọng tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của từng nội dung cải cách đối với đời sống người lao động và nhân dân, nhất là nội dung về BHXH đa tầng với việc xây dựng tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hướng tới mục tiêu mọi người dân khi hết tuổi lao động đều có cơ hội hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí xã hội.

c) Tuyên truyền quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH. Tuyên truyền ý nghĩa sâu sắc, kết quả thiết thực khi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn; truyền thông lan tỏa kết quả, sự thành công trong việc đưa chỉ tiêu phát triển BHXH vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

d) Tuyên truyền, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về an sinh xã hội và BHXH.

đ) Tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình sửa đổi Luật BHXH (tuyên truyền trước, trong và sau khi sửa Luật); cập nhật, tuyên truyền kịp thời đến người lao động và nhân dân những nội dung, quy định mới về chính sách BHXH. Tuyên truyền về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019.

e) Tuyên truyền, giới thiệu những thành tựu, kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH; tuyên truyền các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong thực hiện chính sách BHXH; những sáng kiến, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, các dịch vụ chăm sóc khách hàng tiện ích hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH.

g) Tuyên truyền vận động, thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH để tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định... để ngày càng có nhiều người dân được đảm bảo an sinh xã hội.

h) Tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn, giá trị thiết thực, lợi ích vượt trội khi tham gia BHXH, những rủi ro khi không tham gia. Qua đó giúp người dân hiểu sâu sắc hơn nữa chính sách BHXH là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, được Nhà nước đảm bảo thực hiện.

i) Tuyên truyền giá trị vật chất, tinh thần của việc hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động, qua đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực cũng như việc tự đảm bảo an sinh cho bản thân của mỗi người dân, từ đó giúp người dân hình thành thói quen chủ động tham gia BHXH như một nhu cầu thiết yếu để chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình, không lựa chọn hưởng BHXH một lần; vận động, khích lệ những người đang hưởng các chế độ BHXH, người đang hưởng lương hưu hằng tháng tuyên truyền về lợi ích thiết thực của các chế độ BHXH.

k) Tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Đổi mới phương pháp tuyên truyền

a) Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền BHXH; đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền chính sách BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHXH.

b) Kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền thường xuyên và tuyên truyền theo chiến dịch. Hằng năm tổ chức tuyên truyền theo chiến dịch:

Tuyên truyền vào dịp tháng 5 là “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân”; Tuyên truyền nhân các ngày lễ lớn, theo chủ đề, chủ điểm (thực hiện theo chủ đề được lựa chọn phù hợp với từng thời điểm của Trung ương);

c) Xác định tuyên truyền BHXH là một loại dịch vụ, từng bước thay đổi phương thức tuyên truyền theo cơ chế cung cấp dịch vụ thay vì hoạt động mang tính hành chính nhà nước.

d) Tăng cường phương pháp tuyên truyền đa chiều thay vì một chiều, đơn lẻ. Phát huy vai trò tuyên truyền của chính người tham gia BHXH chia sẻ về giá trị, lợi ích của chính sách BHXH; phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH. Đồng thời, giúp người dân nhận biết các thông tin xấu, tin sai sự thật về BHXH, chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH.

đ) Đổi mới cách thức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách BHXH theo hướng thiết thực, không phô trương, hình thức.

e) Tiến hành công tác tuyên truyền thông qua mạng internet một cách trực diện, liên tục, xây dựng những kênh thông tin trên môi trường mạng để thực hành công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH một cách nhanh nhạy, hiệu quả.

3. Theo dõi, kiểm soát thông tin về BHXH

Chủ động tổng hợp, kiểm soát thông tin, dư luận xã hội về chính sách BHXH; kịp thời xử lý các thông tin sai lệch về BHXH; xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện cho người lao động, người sử dụng lao động, nông dân,... trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức như: thực hiện các hình thức tuyên truyền truyền thống (in ấn sách, sổ tay, tờ rơi, tờ gấp,...); tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, khẩu hiệu),...

b) Đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự đồng thuận thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện.

c) Tổ chức tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn thành phố.

đ) Phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố, các đơn vị liên quan xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH để đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm.

2. Bảo hiểm xã hội thành phố

a) Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương để thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật BHXH phù hợp tới từng nhóm chủ thể, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ưu tiên các hình thức truyền thông phù hợp, quan tâm đến những chủ thể tiềm năng nhằm phát triển người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Vận động, khích lệ những người đang hưởng các chế độ BHXH, người đang hưởng lương hưu hàng tháng tại địa phương tham gia tuyên truyền, chia sẻ về lợi ích thiết thực của chế độ BHXH.

b) Chủ động cung cấp thông tin, số liệu và các nội dung cần thông tin, truyền thông cho các cơ quan báo chí để tổ chức truyền thông. Tăng cường truyền thông qua các phương tiện truyền thông của đơn vị (Cổng thông tin điện tử, Fanpage và Trang Zalo), qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trên môi trường Internet, mạng xã hội. Tiếp nhận, biên tập, sản xuất, phát hành các ấn phẩm, tài liệu truyền thông, đảm bảo các đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia, người tiềm năng chưa tham gia BHXH được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật BHXH. Tạo đường dẫn liên kết giữa Cổng thông tin điện tử BHXH thành phố với Cổng thông tin điện tử của các đơn vị liên quan như: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Thành đoàn,...để tạo hiệu ứng lan tỏa các thông điệp truyền thông.

c) Chủ động kiểm soát thông tin về tình hình triển khai thực hiện BHXH tại địa phương; kịp thời phát hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin trong truyền thông về BHXH.

d) Hằng năm xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho viên chức làm công tác truyền thông tại BHXH thành phố, BHXH quận, huyện và nhân viên Đại lý thu, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đáp ứng tình hình thực tế.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH; đổi mới nội dung phương pháp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHXH, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp tới người dân về các lợi ích khi tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, để người dân biết, tích cực tham gia nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, bền vững.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng và dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chính sách BHXH.

c) Chủ động tổng hợp, kiểm soát thông tin, dư luận xã hội về chính sách BHXH; kịp thời xử lý các thông tin sai lệch về BHXH; xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.

4. Sở Tư pháp

Phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT, BHTN bằng nhiều hình thức cho các đối tượng trên địa bàn thành phố tạo sự đồng thuận thống nhất trong việc thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT, BHTN.

5. Sở Tài chính

Hằng năm, tại thời điểm xây dựng dự toán, trên cơ sở dự toán đề nghị của các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch, Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tổng hợp kinh phí thực hiện kế hoạch vào dự toán chi ngân sách thành phố, báo cáo UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền phổ biến chính sách về BHXH bằng nhiều hình thức; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH tạo sự đồng thuận thống nhất trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH.

7. Đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố

a) Chủ trì thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH.

b) Nâng cao năng lực của tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trong công tác tuyên truyền pháp luật BHXH.

8. Đề nghị Chi nhánh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH cho người sử dụng lao động, trong đó chú trọng tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật BHXH, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động

9. Đề nghị Liên minh Hợp tác xã thành phố

Chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, khuyến khích các đơn vị thuộc mình quản lý thực hiện tốt chính sách đối với người lao động.

10. Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng

Tăng cường công tác tuyên truyền về BHXH; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết vai trò, lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHXH tạo sự đồng thuận thống nhất trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH.

11. Đại học Đà Nẵng và các cơ sở giáo dục đào tạo khác

Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc phổ biến, tuyên truyền về BHXH cho học sinh, sinh viên, trong đó chú trọng tuyên truyền vai trò, lợi ích, quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHXH đến nhóm học sinh, sinh viên cuối

12. UBND các quận huyện

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH bắt buộc bằng nhiều hình thức; đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên, người lao động, người sử dụng lao động, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết vai trò, lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHXH tạo sự đồng thuận thống nhất trong tổ chức thực hiện.

b) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp đến người dân về các lợi ích khi tham gia BHXH để người dân biết, tích cực tham gia nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, bền vững.

13. Các sở ban, ngành, đơn vị có liên quan

Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch này; thực hiện nghiêm túc chính sách BHXH theo quy định pháp luật.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Nông dân thành phố, các hội, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức tuyên truyền cho người dân và hội viên chính sách BHXH.

b) Tham gia giám sát, phản biện chính sách và nghiên cứu, đề xuất, tham gia ý kiến trong hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH và tuân thủ các quy định của pháp luật về BHXH.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Định kỳ trước ngày 15 tháng 11 hằng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công nhiệm vụ tại Kế hoạch này có trách nhiệm báo cáo kết quả về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện và các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo Chủ tịch UBND thành phố (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xử lý.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (b/c);
- CT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể;
- UBND quận, huyện;
- Lưu: VT, SLĐTBXH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Kỳ Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2022 về tuyên truyền bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025

  • Số hiệu: 116/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/06/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Hồ Kỳ Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản