Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1034/ĐĐBĐ-CNTĐ | Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2007 |
- Căn cứ Quyết định số 12/2004/QĐ-BTNMT ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đo đạc và Bản đồ;
- Căn cứ quy định tại tiết a điểm 5.1 khoản 3 Mục I và tiết c điểm 3.2 khoản 3 Mục II của Thông tư số 02/2007/TT-BTNMT ngày 12 tháng 02 năm 2007 về Hướng dẫn kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (trong văn bản này gọi tắt là Thông tư 02);
Cục Đo đạc và Bản đồ hướng dẫn chi tiết thêm một số quy định có liên quan đến việc kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu công trình, sản phẩm đo đạc bản đồ của cấp chủ đầu tư như sau:
I. GIẢI THÍCH MỘT SỐ TỪ NGỮ TRONG THÔNG TƯ 02
1. Cơ quan kiểm tra chất lượng: Là tổ chức được cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ có nội dung kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc bản đồ, được chủ đầu tư giao nhiệm vụ hoặc thuê kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu chất lượng, khối lượng, tiến độ thi công, sản phẩm đo đạc và bản đồ.
2. Giám sát chất lượng, khối lượng, tiến độ: Là thực hiện việc theo dõi thường xuyên trong quá trình thi công sản phẩm về công nghệ, lực lượng kỹ thuật thi công, thời gian, địa bàn và khối lượng thực hiện từng hạng mục công trình.
Công tác giám sát nhằm mục đích đảm bảo các hạng mục công trình được thực hiện đúng quy trình, quy phạm; đúng thiết kế kỹ thuật; đúng tiến độ; đảm bảo chất lượng và mục tiêu của sản phẩm; giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc trong quá trình thi công.
3. Kiểm tra: Là sử dụng lực lượng chuyên môn, kỹ thuật để kiểm tra từng bước công việc trong quá trình thi công theo đúng quy trình, quy phạm, thiết kế kỹ thuật và theo quy định tại Thông tư 02.
4. Thẩm định: Là việc Cơ quan kiểm tra chất lượng của chủ đầu tư hoặc do chủ đầu tư thuê, sử dụng một trong các phương pháp quy định tại điểm 3.2 Mục II của Thông tư 02 để đánh giá chất lượng sản phẩm cuối cùng (đã hoàn thành) từ đó có kết luận về chất lượng của toàn bộ công trình sản phẩm đo đạc bản đồ.
5. Nghiệm thu: Là việc Chủ đầu tư, trên cơ sở xem xét các tài liệu có liên quan: hồ sơ nghiệm thu của đơn vị thi công, các văn bản đánh giá của Cơ quan kiểm tra chất lượng, của Hội đồng tư vấn (nếu có), của chuyên gia (nếu có) và quá trình quản lý của mình thực hiện đánh giá công nhận khối lượng, chất lượng và mức khó khăn của các hạng mục sản phẩm đo đạc bản đồ, làm cơ sở xác định giá trị thanh quyết toán cho đơn vị thi công.
6. Khối lượng phát sinh: Là chênh lệch khối lượng giữa khối lượng thực tế thi công so với khối lượng đã được phê duyệt cho hạng mục sản phẩm liên quan trong Thiết kế.
7. Đạt chất lượng kỹ thuật (quy định tại tiết a điểm 4.1 khoản 4 Mục II của Thông tư 02): Là kết luận được ghi trong Biên bản kiểm tra chất lượng, khối lượng đã hoàn thành hoặc trong Biên bản của Hội đồng tư vấn (nếu có) và phải đạt yêu cầu đối với tất cả các hạng mục của sản phẩm theo Phụ lục số 1 của Thông tư 02.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ ĐẦU TƯ:
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc bản đồ do mình làm chủ đầu tư trên cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình, quy phạm, kỹ thuật thi công công trình. Các nhiệm vụ của chủ đầu tư đã được quy định điểm 6.2 khoản 6 Mục I của Thông tư 02. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:
1. Chủ đầu tư có thể sử dụng các cơ quan chuyên môn hoặc thuê tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động đo đạc bản đồ có khả năng chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và giám sát chất lượng công trình, sản phẩm theo yêu cầu kỹ thuật đã được phê duyệt.
2. Cơ quan quyết định đầu tư (hoặc cơ quan chủ đầu tư) giải quyết phát sinh về khối lượng khi khối lượng phát sinh của một hoặc nhiều hạng mục thi công lớn hơn (hoặc nhỏ hơn) 5% so với khối lượng thiết kế của từng hạng mục đã được phê duyệt.
3. Lập các văn bản và hồ sơ theo quy định tại mục IV của hướng dẫn này.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG:
Cơ quan kiểm tra chất lượng có trách nhiệm lập và trình chủ đầu tư kế hoạch kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng công trình sản phẩm đo đạc bản đồ.
Kế hoạch kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc bản đồ được lập trên cơ sở:
- Kế hoạch nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng đã được ký kết với đơn vị thi công;
- Tiến độ và kế hoạch thực hiện công trình của đơn vị thi công;
- Yêu cầu kỹ thuật của Thiết kế;
- Định mức kiểm tra chất lượng đối với từng hạng mục công việc theo quy định của Thông tư 02 (chủ yếu theo phụ lục 1) và kinh phí thực hiện đã được phê duyệt trong Thiết kế.
Kế hoạch kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu công trình sản phẩm đo đạc bản đồ bao gồm các nội dung chính theo mẫu sau:
1. Kế hoạch kiểm tra:
a) Tên công trình:
b) Kế hoạch kiểm tra:
TT | Hạng mục | Đơn vị tính | Khối lượng thiết kế | Khối lượng kiểm tra | Khu vực kiểm tra | Thời gian kiểm tra (từ ngày đến ngày) | Ghi chú |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
c) Thông báo về nhân lực, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra.
d) Những yêu cầu đối với đơn vị thi công: tài liệu, thiết bị, nhân lực, phối hợp…
2. Kế hoạch thẩm định và kế hoạch nghiệm thu:
Kế hoạch thẩm định và kế hoạch nghiệm thu đối với công trình, sản phẩm đã hoàn thành lập tương tự như kế hoạch kiểm tra nhưng ở mức độ tổng hợp hơn cho từng hạng mục công trình, trong một giai đoạn ba (03) tháng hoặc sáu (06) tháng.
3. Thẩm định chất lượng sử dụng phương pháp tổng hợp:
Trong trường hợp công trình, sản phẩm có thể thực hiện bằng phương pháp thẩm định chất lượng sản phẩm cuối cùng bằng phương pháp tổng hợp thì Cơ quan kiểm tra chất lượng phải lập phương án kỹ thuật trình chủ đầu tư phê duyệt. Phương án thẩm định tổng hợp chỉ áp dụng cho dạng sản phẩm cuối cùng, có thể được áp dụng cho một số dạng sản phẩm sau:
- Đo ngắm lưới trắc địa (khống chế mặt bằng, khống chế độ cao…);
- Thành lập bản đồ địa hình gốc, bản đồ địa chính cơ sở, bản đồ địa hình đáy biển.
Nội dung của Phương án thẩm định tổng hợp được lập dựa trên cơ sở Thiết kế kỹ thuật dự toán, tình hình công nghệ áp dụng, đề xuất giải pháp kỹ thuật công nghệ áp dụng cho phương án thẩm định tổng hợp, lựa chọn khu vực thực hiện sao cho đảm bảo việc đánh giá chất lượng công trình được tổng quát đảm bảo chất lượng cho sản phẩm và phù hợp với các quy định trong quy phạm, quy định kỹ thuật hiện hành.
Kinh phí cho việc thẩm định tổng hợp phải được lập dựa trên các định mức kinh tế kỹ thuật hoặc bộ đơn giá áp dụng trong đo đạc bản đồ hiện hành nhưng không được vượt quá so với phương pháp thẩm định thông thường.
Phương án thẩm định tổng hợp phải được chủ đầu tư phê duyệt mới được thực hiện.
IV. LẬP HỒ SƠ NGHIỆM THU VÀ HỒ SƠ QUYẾT TOÁN
Sau khi kết thúc công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm lập các văn bản theo các mẫu đã quy định cụ thể trong Thông tư 02.
Tùy thuộc vào tình hình phân cấp quản lý thực tế của mình, chủ đầu tư có thể trực tiếp lập các văn bản hoặc ủy quyền cho các đơn vị cấp dưới lập các văn bản nói trên trên nguyên tắc cá nhân, cơ quan lập và ký văn bản nào phải chịu trách nhiệm pháp lý về văn bản đó.
Trong trường hợp Chủ đầu tư ký hợp đồng kiểm tra, thẩm định chất lượng công trình sản phẩm đo đạc bản đồ với một tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động đo đạc bản đồ có khả năng chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định thì đơn vị kiểm tra, thẩm định có trách nhiệm lập Phiếu ghi ý kiến kiểm tra và Biên bản kiểm tra chất lượng, trên cơ sở đó chủ đầu tư sẽ lập Báo cáo thẩm định chất lượng công trình, sản phẩm. Trong trường hợp này cần nêu rõ trong báo cáo giám sát thi công và bổ sung các hợp đồng kinh tế, bàn giao sản phẩm và thanh lý hợp đồng vào trong hồ sơ quyết toán công trình sản phẩm.
V. KIỂM TRA, THẨM ĐỊNH VÀ NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH, SẢN PHẨM ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH
Trong khi chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn kiểm tra và nghiệm thu công trình, sản phẩm đối với hồ sơ địa chính, mức kiểm tra các hạng mục công trình, sản phẩm đối với đo đạc, bản đồ địa chính tạm thời vẫn tuân thủ theo “Hướng dẫn kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu công trình - sản phẩm đo đạc - bản đồ” ban hành theo quyết định số 658/QĐ-ĐC ngày 04 tháng 11 năm 1997 của Tổng cục Địa chính. Việc lập các Hồ sơ nghiệm thu và Hồ sơ quyết toán phải tuân thủ theo Thông tư số 02/2007/TT-BTNMT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tuân thủ theo hướng dẫn này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần kịp thời phản ánh về Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |
- 1Thông tư 02/2007/TT-BTNMT hướng dẫn kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2Quyết định 12/2004/QĐ-BTNMT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đo đạc và Bản đồ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành
Hướng dẫn 1034/ĐĐBD-CNTĐ thực hiện Thông tư 02/2007/TT-BTNMT về kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ do Cục Đo đạc và Bản đồ ban hành
- Số hiệu: 1034/ĐĐBD-CNTĐ
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 04/10/2007
- Nơi ban hành: Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước
- Người ký: Trần Bạch Giang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra