Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 971/TCHQ-GSQL
V/v chấn chỉnh nghiệp vụ liên quan đến hàng gia công, hàng NSXXK, hàng hóa của DNCX

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2012

 

Kính gửi:

- Cục Hải quan TP Hà Nội;
- Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa.

 

Ngày 3/11/2011, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 2396/QĐ-TCHQ thành lập Đoàn kiểm tra nghiệp vụ giám sát quản lý về hải quan đối với loại hình gia công, nhập sản xuất xuất khẩu, hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất (DNCX), việc thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ để kiểm tra việc chấp hành quy trình nghiệp vụ hải quan đối với các loại hình trên tại Cục Hải quan TP. Hà Nội và Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra của Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Những việc đã làm được; Nhìn chung các đơn vị đã thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý, theo dõi hàng gia công, hàng nhập sản xuất xuất khẩu, hàng hóa của các DNCX, về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ.

Kịp thời triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nghiệp vụ mới. Công tác theo dõi, đôn đốc thanh khoản đã được quan tâm, chỉ đạo sát sao nên số lượng tồn đọng cũ đã giảm, số lượng tồn đọng mới không phát sinh.

Tại Cục Hải quan TP. Hà Nội, thủ tục hải quan điện tử đã đạt trên 95% lượng tờ khai đăng ký mới tính từ thời điểm 1/12/2011.

Tại Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa: Chi cục Hải quan Nam Định và Chi cục Hải quan Hà Nam cũng đã tích cực áp dụng thủ tục hải quan điện tử (từ 7/11/2011) đến nay đã triển khai tại 05 doanh nghiệp lớn (03 doanh nghiệp tại Nam Định và 02 doanh nghiệp tại Hà Nam).

2. Bên cạnh những việc đã làm được còn có một số tồn tại cần khắc phục như sau:

2.1. Về việc thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu.

- Một số tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra thực tế hàng hoá nhưng tại ô 22 (tờ khai xuất khẩu), ô 31 (tờ khai nhập khẩu) không có chữ ký của đại diện doanh nghiệp (Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long, Chi cục Hải quan Nam Định và Chi cục Hải quan Hà Nam).

- Khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp chế xuất có tờ khai chưa có định mức sao đính kèm; trong hồ sơ chỉ có định mức 01 mã hàng, trong khi xuất khẩu 03 mà hàng (Chi cục Hải quan Hà Nam).

2.2. Về thủ tục thông báo mã nguyên phụ liệu

Doanh nghiệp nhập khẩu nhiều loại vải có khổ vải và mức giá khác nhau nhưng khi thông báo mã nguyên phụ liệu thì chỉ có 01 mã là vải chính, chưa đúng quy định tại Thông tư 116/2008/TT-BTC74/2010/TT-BTC (Chi cục Hải quan Hà Nam).

2.3. Về thủ tục tiếp nhận thông báo định mức:

Tại Thông tư số 116/2008/TT-BTC , Thông tư số 74/2010/TT-BTC , Thông tư số 117/2011/TT-BTC hướng dẫn: khi doanh nghiệp thông báo định mức phải kèm theo việc giới thiệu các thông số kỹ thuật của sản phẩm liên quan đến xác định định mức; đối với mã hàng có nhiều size nêu thông báo theo định mức bình quân thì kèm theo bảng thông báo định mức bình quân có việc giải trình cách tính, các thông số để tính định mức bình quân.

Tuy vậy, tại các Chi cục Hải quan đã được Đoàn của Tổng cục Hải quan kiểm tra (Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long, Chi cục Hải quan Phú Thọ, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc thuộc Cục Hải quan Hà Nội; Chi cục Hải quan Nam Định Chi cục Hải quan Hà Nam thuộc Cục Hải quan Thanh Hóa), các bảng thông báo định mức doanh nghiệp đã thông báo đang lưu tại Chi cục đều có thiếu sót:

- Chưa có thông số kỹ thuật của sản phẩm liên quan đến xác định định mức sử dụng nguyên liệu;

- Doanh nghiệp thông báo định mức bình quân nhưng không kèm theo giải trình việc tính định mức bình quân.

2.4. Về việc điều chỉnh định mức:

Tại Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long, một số hồ sơ thanh khoản của loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu (SXXK) của doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp chế xuất thực hiện tại thời điểm Thông tư số 79/2009/TT-BTC , Thông tư số 194/2010/TT-BTC có hiệu lực; hồ sơ thanh khoản của loại hình gia công thực hiện tại thời điểm Thông tư số 116/2008/TT-BTC có hiệu lực việc điều chỉnh định mức vẫn được chấp nhận khi nộp hồ sơ thanh khoản (trái với quy định tại các Thông tư trên).

2.5. Việc kiểm tra định mức: Trong số các Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan Thanh Hóa đã được hoàn của Tổng cục Hải quan kiểm tra, chưa có Chi cục nào thực hiện kiểm tra định mức.

2.6. Về việc chuyển nguyên phụ liệu từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác:

Sử dụng mẫu tờ khai đã hết hạn sử dụng (mẫu năm 2004 theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC); một số tờ khai chuyển nguyên phụ liệu: người giao, người nhận chưa ký tên đóng dấu vào ô quy định trên tờ khai hàng gia công chuyển tiếp nhưng vẫn được đăng ký tờ khai, ký xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan (Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long);

Một số tờ khai chuyển nguyên phụ liệu, doanh nghiệp không ghi ngày, tháng, năm ký xác nhận việc khai hải quan nhưng vẫn được đăng ký, ký xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan (Chi cục Hải quan Nam Định, Chi cục Hải quan Hà Nam).

2.7. Về thủ tục thanh khoản:

- Một số hồ sơ thanh khoản doanh nghiệp đưa định mức vào thanh khoản chưa đúng với định mức đã thông báo với cơ quan hải quan tại mẫu 03/TBĐM-GC (định mức đưa vào thanh khoản cao hơn định mức đã thông báo) nhưng vẫn xác nhận thanh khoản (Chi cục Hải quan Hà Nam).

- Hiện tượng âm nguyên phụ liệu vẫn còn phổ biến tại bảng thanh khoản hợp đồng gia công nhưng vẫn chưa xác định nguyên nhân dẫn đến kết quả âm nguyên liệu chi cục Hải quan Bắc Thăng Long, Hải quan Nam Định, Hải quan Hà Nam).

- Thời gian từ khi tiếp nhận hồ sơ thanh khoản đến khi xác nhận đối chiếu thanh khoản của công chức hải quan vượt quá thời gian quy định tại Thông tư 116/2008/TT-BTC và Thông tư số 74/2010/TT-BTC (Chi cục Hải quan Nam Định, Hải quan Hà Nam).

2.8. Thủ tục XNK tại chỗ:

Có tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ tại phần kê khai tính thuế của người nhập khẩu không khai tỷ giá, không tính thuế; người giao, người nhận không ghi ngày tháng năm giao nhận phần hải quan làm thủ tục nhập khẩu: Lệnh hình thức phân luồng vàng nhưng trên tờ khai không thể hiện việc kiểm tra tính thuế (Chi cục Hải quan Hà Nam).

2.9. Về thủ tục xử lý phế liệu của doanh nghiệp chế xuất

Về việc xử lý phế liệu của doanh nghiệp chế xuất, tại văn bản đề nghị của doanh nghiệp không nêu cụ thể phương thức xử lý (tái xuất, bán vào nội địa hay tiêu hủy) nhưng Hải quan vẫn chấp nhận (Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long).

2.10. Đối với thủ tục hải quan điện tử

- Tại các đơn vị một số tờ khai phải kiểm hoá, khi tiến hành ghi nhận kết quả kiểm tra hàng hóa (trong trường hợp hàng hoá phải kiểm tra thực tế) trên hệ thống, công chức không ghi nhận về địa điểm kiểm tra hàng hóa theo quy định tại điểm 7 công văn số 16529/BTC- TCHQ ngày 03/12/2010 (Chi cục Hải quan Phú Thọ, Bắc Thăng Long, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam);

- Trên một số tờ khai, công chức không ghi nhận ngày tháng năm thực hiện việc xác nhận thông quan và xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát tại tờ khai hải quan điện tử in theo quy định tại điểm 8 công văn số 16529/BTC-TCHQ ngày 03/12/2010 (Chi cục Hải quan Phú Thọ, Bắc Thăng Long, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam).

3. Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Chi cục nêu trên chấn chỉnh ngay các khâu: tiếp nhận tờ khai và đăng ký tờ khai, kiểm tra thực tế hàng hoá, tiếp nhận thông báo định mức, điều chỉnh định mức, thanh khoản hợp đồng gia công, thanh khoản hàng SXXK của doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp chế xuất để khắc phục ngay các sai sót nêu trên; trong đó:

3.1. Khi tiếp nhận hồ sơ hải quan làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, gia công chuyển tiếp, chuyển nguyên phụ liệu từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác, tại các ô 28, ô 29 của tờ khai hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu tại chỗ, tại các ô 21, ô 22 của tờ khai hàng gia công chuyển tiếp phải có đây đủ chữ ký, dấu, ghi ngày, tháng, năm của người khai hải quan theo đúng quy định; không sử dụng mẫu tờ khai hải quan đã hết hiệu lực.

Đối với những Chi cục Hải quan đang làm thủ tục hải quan theo phương pháp truyền thống, khi đăng ký tờ khai xuất khẩu đối với hàng gia công, hàng SXXK cần kiểm tra việc thông báo định mức cua doanh nghiệp, nếu mã hàng nào có trên tờ khai xuất khẩu nhưng doanh nghiệp chưa thông báo định mức thì hướng dẫn doanh nghiệp thông báo định mức đúng quy định.

Cục Hải quan Thanh Hóa chỉ đạo Chi cục Hải quan Hà Nam kiểm tra lại hồ sơ của lô hàng nhập khẩu tại chỗ thuộc diện có thuế nhập khẩu nhưng chưa khai thuế, kiểm tra tính thuế.

3.2. Đối với những lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa khi kiểm tra phải có sự chứng kiến của đại diện chủ hàng (trừ trường hợp được kiểm tra vắng mặt chủ hàng theo quy định pháp luật), phải có chữ ký xác nhận kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của đại diện doanh nghiệp (đại diện chủ hàng) tại ô quy định trên tờ khai hải quan.

3.3. Về việc thông báo mã nguyên liệu, vật tư đối với hàng gia công, hàng SXXK phải thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010, Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính, mục 2 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 2344/QĐ-TCHQ ngày 25/10/2011 của Tổng cục Hải quan; không gộp chung nguyên liệu chính vào ruột mã.

3.4. Về thủ tục tiếp nhận thông báo định mức:

Để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra định mức, nhất là việc kiểm tra định mức thực hiện khi kiểm tra sau thông quan, khi tiếp nhận thông báo định mức của doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp phải kèm theo giải trình các thông số kỹ thuật của sản phẩm (hoặc bản vẽ giới thiệu các thông số kỹ thuật của sản phẩm) liên quan đến việc xác định định mức; đối với mã hàng có nhiều size, doanh nghiệp thông báo theo định mức bình quân thì phải kèm theo phần giải trình cách tính định mức bình quân theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 117/2011/TT- BTC ngày 15 /8/2011.

3.5. Việc điều chỉnh định mức đối với hàng gia công, hàng SXXK phải theo đúng quy định tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 (đối với hàng SXXK), Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 (đối với hàng gia công); trường hợp nào có vướng mắc thì phải báo cáo Tổng cục Hải quan để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến xử lý.

3.6. Về việc kiểm tra định mức:

Cục Hải quan TP Hà Nội, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các đơn vị liên quan cần chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra định mức đối với hàng gia công, hàng SXXK để chống thất thu thuế qua việc gian lận định mức; tuy nhiên, không được kiểm tra định mức một cách tràn lan, khi kiểm tra phải có căn cứ nghi vấn việc gian lận định mức.

3.7. Về thủ tục thanh khoản:

Yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chi cục Hải quan Hà Nam kiểm tra lại các hồ sơ thanh khoản có định mức nguyên vật liệu trong hồ sơ thanh khoản không phù hợp với định mức doanh nghiệp đã thông báo và xử lý theo đúng quy định pháp luật, nếu phát hiện gian lận, trốn thuế; chỉ đạo các Chi cục thực hiện thanh khoản đúng thời hạn quy định, không kéo dài thời gian đối chiếu thanh khoản làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cục Hải quan TP Hà Nội Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Chi cục kiểm tra lại các hồ sơ thanh khoản có nguyên vật liệu âm, tìm nguyên nhân âm; nếu âm do khai sai định mức hay do xuất thiếu, xuất khống sản phẩm thì xử lý theo đúng quy định pháp luật.

3.8. Về việc xử lý phế liệu của doanh nghiệp chế xuất:

Yêu cầu doanh nghiệp, khi nộp hồ sơ thanh khoản phải có biện pháp cụ thể về việc xử lý phế liệu; nếu xử lý bằng biện pháp tiêu hủy thì khi tiêu hủy phải có sự giám sát của cơ quan hải quan.

3.9. Về thủ tục hải quan điện tử

Cục Hải quan TP Hà Nội, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Chi cục Hải quan khắc phục ngay các sai sót nêu tại điểm 2.10 trên đây.

3.10. Một số các tồn tại, sai sót khác Đoàn kiểm tra nghiệp vụ đã nêu tại Biên bản làm việc trực tiếp đối với từng đơn vị, Tổng cục Hải quan không nêu tại văn bản này, đề nghị các Cục Hải quan chỉ đạo các Chi cục nghiên cứu khắc phục.

Yêu cầu Cục Hải quan TP. Hà Nội, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Chi cục triển khai khắc ngay các sai sót nêu trên, phổ biến rút kinh nghiệm cho các Chi cục Hải quan khác đang làm thủ tục hải quan đối với các loại hình nêu trên; báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý) trước ngày 31/3/2012./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 971/TCHQ-GSQL chấn chỉnh nghiệp vụ liên quan đến hàng gia công, hàng nhập sản xuất xuất khẩu, hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 971/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/03/2012
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản