Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2617/BTC-QLCS
V/v Thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Để phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được tôn trọng và bảo vệ, thực hiện quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; trong đó, quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính; trong đó có Nghị định số 63/2019/NĐ-CP. Tại các Nghị định này đã quy định cụ thể về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở, Chánh thanh tra Bộ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm thi hành của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng của nhà nước, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, để phòng, chống, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 quy định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tại Nghị định này quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc theo yêu cầu quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính (Điều 6); Một số các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như: không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật (Điều 22). Đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các Điều 24, 25, 26, 27, 28 và 29 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP (khoản 1 Điều 23).

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung:

1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 và Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ).

2. Đôn đốc, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý tăng cường việc thực hiện Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ, bảo đảm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Chỉ đạo thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

Mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của Quý cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ; (để b/c)
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ; (để b/c)
- Bộ trưởng Bộ Tài chính; (để b/c)
- Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế;
- Thanh tra Bộ;
- Lưu: VT, QLCS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2617/BTC-QLCS năm 2022 thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 2617/BTC-QLCS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/03/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản