Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 6 Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Luật sư do Văn phòng Quốc hội ban hành

Mục 3. THỦ TỤC CẤP PHÉP ĐỐI VỚI CHI NHÁNH, CÔNG TY LUẬT NƯỚC NGOÀI, LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 78. Cấp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài

1. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài phải có hồ sơ thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và lệ phí, Bộ Tư pháp xem xét cấp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.

Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Hồ sơ thành lập chi nhánh gồm có:

a) Đơn đề nghị thành lập chi nhánh;

b) Bản sao giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

c) Bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;

d) Danh sách luật sư nước ngoài dự kiến làm việc tại chi nhánh;

đ) Quyết định cử luật sư làm Trưởng chi nhánh.

3. Hồ sơ thành lập công ty luật nước ngoài gồm có:

a) Đơn đề nghị thành lập công ty luật nước ngoài;

b) Bản sao giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp; bản sao Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh;

c) Bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đối với hình thức liên doanh;

d) Danh sách luật sư nước ngoài dự kiến làm việc tại công ty; danh sách luật sư Việt Nam dự kiến làm việc tại công ty kèm theo[60] bản sao Thẻ luật sư;

đ) Dự thảo Điều lệ công ty luật nước ngoài; hợp đồng liên doanh đối với hình thức liên doanh.

4. Điều lệ công ty luật nước ngoài gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở, chi nhánh; tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài;

b) Lĩnh vực hành nghề của công ty luật nước ngoài;

c) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và quan hệ của luật sư thành viên công ty luật nước ngoài;

d) Cơ cấu tổ chức, quản lý của công ty luật nước ngoài;

đ) Người đại diện theo pháp luật của công ty luật nước ngoài;

e) Thời hạn hoạt động, điều kiện chấm dứt hoạt động của công ty luật nước ngoài;

g) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty luật nước ngoài.

Điều 79. Đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài

1. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở.

2. Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm có:

a) Bản sao Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài;

b) Giấy tờ chứng minh về trụ sở.

3. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài.

Chi nhánh, công ty luật nước ngoài được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Điều 80. Thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, công ty luật nước ngoài

1. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài có dự định thay đổi một trong các nội dung sau đây của Giấy phép thành lập thì phải làm đơn gửi Bộ Tư pháp và chỉ được thay đổi khi có sự chấp thuận của Bộ Tư pháp:

a) Tên chi nhánh, công ty luật nước ngoài;

b) Chuyển trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác;

c) Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài;

d) Lĩnh vực hành nghề.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị thay đổi, Bộ Tư pháp xem xét và ra văn bản chấp thuận; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.

2. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận thay đổi nội dung Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài thì chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải đăng ký việc thay đổi tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở; trường hợp thay đổi trụ sở quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì còn phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở cũ.

3. Trường hợp thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động, chi nhánh, công ty luật nước ngoài được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

4. Trường hợp thay đổi trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi.

Điều 81. Chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam

1. Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được thành lập chi nhánh ở trong và ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hoạt động.

2. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

Chi nhánh được thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

3. Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh.

4. Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có hồ sơ thành lập chi nhánh gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và lệ phí, Bộ Tư pháp xem xét cấp Giấy phép thành lập chi nhánh; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản.

5. Hồ sơ thành lập chi nhánh gồm có:

a) Đơn đề nghị thành lập chi nhánh;

b) Bản sao Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài;

c) Giấy ủy quyền cho luật sư làm Trưởng chi nhánh;

d) Bản sao Giấy phép hành nghề của luật sư được ủy quyền làm Trưởng chi nhánh;

đ) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của chi nhánh.

6. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài phải đăng ký hoạt động của chi nhánh tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở của chi nhánh.

Điều 82. Cấp, gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài[61]

1. Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam phải có hồ sơ cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam gửi Bộ Tư pháp. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Bộ Tư pháp cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài có thời hạn năm năm và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá năm năm.

3. Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài thay thế Giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam về cấp Giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

4. Hồ sơ cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;

b) Giấy tờ xác nhận là luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận về việc tuyển dụng của chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, nơi luật sư nước ngoài dự kiến làm việc;

c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư; bản tóm tắt lý lịch nghề nghiệp; phiếu lý lịch tư pháp hoặc giấy tờ khác thay thế.

5. Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam phải được gửi đến Bộ Tư pháp chậm nhất ba mươi ngày trước khi hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép. Hồ sơ gồm có:

a) Giấy đề nghị gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có xác nhận của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hoặc tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam về việc tuyển dụng luật sư đó;

b) Bản chính Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;

c) Ý kiến của Sở Tư pháp về quá trình hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp quyết định việc gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài; trường hợp từ chối gia hạn phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Luật sư do Văn phòng Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 12/VBHN-VPQH
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 12/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hạnh Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 781 đến số 782
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH