Hệ thống pháp luật

Chương 1 Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Luật sư do Văn phòng Quốc hội ban hành

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, quản lý luật sư và hành nghề luật sư[2], hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Luật sư

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng).

Điều 3. Chức năng xã hội của luật sư[3]

Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Điều 4. Dịch vụ pháp lý của luật sư

Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.

Điều 5. Nguyên tắc hành nghề luật sư

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam[4].

3. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

4. Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Điều 6. Nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư[5]

1. Quản lý luật sư và hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.

2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quản lý luật sư và hành nghề luật sư của tổ chức mình theo quy định của Luật này, Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Nhà nước thống nhất quản lý về luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật này.

Điều 7. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư được thành lập để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư, giám sát việc tuân theo pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam[6], thực hiện quản lý hành nghề luật sư theo quy định của Luật này.

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư là Đoàn luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Liên đoàn luật sư Việt Nam[7].

Điều 8.[8] (được bãi bỏ)

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm[9]

1. Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc);

b) Cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật;

c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

d) Sách nhiễu, lừa dối khách hàng;

đ) Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

e) Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc;

g) Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

h) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật;

i) Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng;

k) Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.

2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Luật sư do Văn phòng Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 12/VBHN-VPQH
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 12/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hạnh Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 781 đến số 782
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH