Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2013

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC Y TẾ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch quy định đánh giá công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định đánh giá công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: hoạt động y tế trường học; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; kinh phí và hệ thống tổ chức thực hiện công tác y tế trường học.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: nhà trẻ, nhóm trẻ, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo, trường mầm non (sau đây gọi chung là nhà trường) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mục đích đánh giá

1. Làm căn cứ cho các cơ quan quản lý giáo dục, y tế và nhà trường đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động y tế trong nhà trường để xây dựng kế hoạch chỉ đạo và triển khai hằng năm.

2. Bảo đảm sự thống nhất, từng bước chuẩn hóa các hoạt động về y tế trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ em trong nhà trường.

Điều 3. Nguyên tắc đánh giá

Việc đánh giá công tác y tế trường học phải căn cứ Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường Mầm non; Thông tư số 21/2012/TT-BGDĐT ngày 15/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập; Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ngày 17/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non; Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 01/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học; Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; Thông tư số 46/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các quy định tại Thông tư này.

Chương II

HOẠT ĐỘNG Y TẾ TRƯỜNG HỌC

Điều 4. Quản lý, chăm sóc sức khỏe

1. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho trẻ em ít nhất mỗi năm hai lần vào đầu mỗi học kỳ. Có sổ khám bệnh, hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe trẻ em liên tục cho cả cấp học. Đánh giá sự phát triển về thể chất của trẻ em theo quy định hiện hành. Thông báo định kỳ và khi cần thiết về tình hình sức khoẻ của trẻ em cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em.

2. Đo chiều cao, cân nặng, ghi biểu đồ tăng trưởng, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng một lần, trẻ em trên 24 tháng tuổi mỗi quý một lần. Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em theo dõi việc tiêm chủng, uống vắc - xin phòng bệnh.

3. Thực hiện sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo quy định hiện hành. Phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương trong việc chăm sóc, điều trị đối với các trẻ em mắc bệnh và chuyển đến cơ sở y tế trong những trường hợp cần thiết.

4. Tham gia, hướng dẫn giáo dục vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cho trẻ em; phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật học giáo dục hòa nhập theo Chương trình can thiệp sớm; xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho từng nhóm trẻ.

Điều 5. Truyền thông giáo dục sức khoẻ cho trẻ em

1. Xây dựng nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho trẻ em, người chăm sóc trẻ em và cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh, các bệnh thường gặp ở trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích; an toàn thực phẩm và các hành vi có hại cho sức khỏe.

2. Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho trẻ em trong các hoạt động ngoài giờ học chính khóa. Có tổ chức các hoạt động hưởng ứng các tháng hành động do ngành giáo dục, ngành y tế và các ban ngành địa phương phát động.

3. Tổ chức truyền thông giáo dục về cách chăm sóc, nuôi, dạy trẻ em cho người chăm sóc nuôi dạy trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em. Có bảng tin đăng tải các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho cha mẹ trẻ em.

Điều 6. Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

1. Có kế hoạch chủ động triển khai thực hiện các quy định về vệ sinh phòng, chống bệnh truyền nhiễm và phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.

2. Giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm, thông tin, báo cáo kịp thời khi có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm xảy ra trong nhà trường với các cấp có thẩm quyền theo quy định.

3. Phối hợp với các cơ sở y tế và các đơn vị có liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời theo quy định.

Điều 7. Bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích

1. Thực hiện quy định về xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trong nhà trường.

2. Không có trẻ em bị thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong nhà trường.

3. Báo cáo tình hình tai nạn thương tích của trẻ em theo quy định.

Điều 8. Bảo đảm an toàn thực phẩm, dinh dưỡng

1. Có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho trẻ em.

2. Bếp ăn tập thể trong nhà trường phải được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

3. Nhân viên phục vụ trong bếp ăn tập thể, nhà ăn được được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; được khám sức khỏe định kỳ, theo dõi người lành mang trùng và được trang bị bảo hộ lao động làm việc theo quy định.

4. Hàng hóa, thực phẩm được sử dụng phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, lưu mẫu theo quy định. Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong nhà trường.

Chương III

CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Điều 9. Vệ sinh môi trường học tập

1. Nhà trường được xây dựng xa những nơi phát sinh ra khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn. Xa các bến xe, bến tàu, kho xăng dầu, bãi rác, chợ, các trục đường giao thông lớn, chân đồi núi, ven sông, suối, ghềnh hiểm trở có nguy cơ sụt, lở.

2. Bảo đảm có sân chơi và cây xanh. Có các dụng cụ thu gom và xử lý rác theo quy định. Có thùng rác hoặc nơi chứa rác tập trung được che chắn. Mỗi phòng học, phòng làm việc phải được làm vệ sinh trước giờ học và có sọt chứa rác.

3. Hệ thống cống, rãnh để dẫn thoát nước mưa, nước thải bảo đảm kín không rò rỉ, ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.

4. Bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nước uống và nước sinh hoạt cho trẻ em, giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong nhà trường.

5. Giáo viên, cán bộ, công nhân viên, cha mẹ học sinh không hút thuốc lá, thuốc lào trong khuôn viên nhà trường.

Điều 10. Phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo

1. Bảo đảm an toàn với từng độ tuổi; có lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố và hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Bảo đảm các điều kiện cho trẻ em khuyết tật sử dụng.

2. Bảo đảm thông gió tự nhiên, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Phòng học có hệ thống thông gió nhân tạo (quạt trần, quạt thông gió) treo cao trên mức nguồn sáng.

3. Được chiếu sáng tự nhiên đầy đủ, bảo đảm độ chiếu sáng đồng đều không dưới 100 lux. Riêng phòng học có trẻ em khiếm thị, độ chiếu sáng không dưới 300 lux.

4. Phòng học phải bảo đảm yên tĩnh. Tiếng ồn trong phòng học không được quá 50 đêxiben (dB).

Điều 11. Bàn, ghế, thiết bị phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em

1. Bàn, ghế phải đủ rộng, chắc chắn, các góc cạnh bàn, ghế phải tròn, nhẵn bảo đảm an toàn. Kích thước của bàn và ghế (chiều cao, bề rộng, chiều sâu) bảo đảm theo quy định hiện hành.

2. Bàn, ghế, thiết bị phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em phải được làm bằng vật liệu không gây độc hại và được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Điều 12. Nhà bếp

1. Bảo đảm về thiết kế, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

2. Tất cả các dụng cụ chế biến, sử dụng, bảo quản, chứa đựng thức ăn phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Điều 13. Nhà, phòng vệ sinh

1. Bảo đảm diện tích theo quy định, bố trí chỗ đi tiểu và bệ xí cho trẻ em trai riêng, trẻ em gái riêng theo quy định.

2. Bảo đảm vệ sinh theo quy định. Có khu vực rửa tay với xà phòng.

Điều 14. Phòng y tế

1. Bảo đảm diện tích từ 12m2 trở lên.

2. Có bảng theo dõi tiêm chủng, uống vắc xin và khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em; phác đồ sơ cứu, cấp cứu một số bệnh và tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em; tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho trẻ em.

3. Được bố trí ở vị trí thuận lợi cho công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu và vận chuyển trẻ em mắc bệnh lên tuyến trên.

4. Bảo đảm vệ sinh khu vực xung quanh phòng y tế và trong phòng y tế. Có hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo quy định.

Điều 15. Trang thiết bị và thuốc

1. Có tủ thuốc được trang bị các loại thuốc thiết yếu; có sổ quản lý, kiểm tra và đối chiếu xuất, nhập thuốc theo quy định.

2. Có các trang thiết bị chuyên môn thiết yếu phục vụ sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em; có ít nhất 01 giường khám bệnh và lưu trẻ em mắc bệnh để theo dõi.

3. Có bàn, ghế, tủ, thiết bị làm việc thông thường khác.

Chương IV

KINH PHÍ VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC Y TẾ

Điều 16. Nguồn kinh phí

1. Bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hằng năm của các cơ sở giáo dục theo phân cấp ngân sách hiện hành.

2. Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và từ nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).

3. Nguồn kinh phí bảo đảm chi cho các hoạt động chuyên môn, truyền thông giáo dục chăm sóc sức khỏe trẻ em, mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động y tế trường học và các khoản chi khác liên quan theo quy định hiện hành.

4. Có sổ theo dõi, báo cáo thu chi, sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng mục đích theo quy định hiện hành.

Điều 17. Nhà trường

1. Thành lập Ban sức khỏe do đại diện Lãnh đạo nhà trường làm Trưởng ban, phó ban là đại diện lãnh đạo ngành y tế địa phương, thường trực là cán bộ y tế trường học, các thành viên khác là đại diện của: giáo viên, cán bộ cấp dưỡng, Ban đại diện cha mẹ học sinh.

2. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác y tế trường học. Xây dựng các quy định về công tác y tế trường học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và của địa phương.

3. Xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức thực hiện, đánh giá, xếp loại công tác y tế cho từng năm học.

4. Báo cáo tình hình thực hiện công tác y tế trường học cho đơn vị quản lý cấp trên vào cuối năm học hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 18. Nhân viên làm công tác y tế

1. Nhân viên làm công tác y tế trường học có trình độ từ trung cấp y trở lên thuộc biên chế chính thức của nhà trường.

2. Tham mưu với Hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch công tác y tế trường học cho từng năm học và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch.

3. Được tham gia các hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn do ngành y tế, giáo dục và các ban ngành, cơ quan khác tổ chức hằng năm.

4. Được hưởng chế độ, chính sách, phụ cấp ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương V

TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ

Điều 19. Thời gian đánh giá

1. Thời gian đánh giá từ tháng 3 đến hết tháng 5 hằng năm.

2. Các cấp quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ sở y tế và các đơn vị liên quan tại địa phương thành lập các đoàn liên ngành đánh giá công tác y tế đối với các nhà trường trên địa bàn phụ trách mỗi năm một lần.

Điều 20. Đánh giá, xếp loại

1. Chấm điểm cho từng nội dung đánh giá công tác y tế trường học dựa trên Phụ lục Bảng kiểm đánh giá công tác y tế trường học ban hành kèm theo Thông tư này. Sau đó tính tổng điểm quy ra phần trăm (%) và xếp thành 4 loại, cụ thể:

a) Loại tốt: đạt từ 90% tổng số điểm trở lên;

b) Loại khá: đạt từ 80% đến dưới 90% tổng số điểm;

c) Loại đạt: đạt từ 60% đến dưới 80% tổng số điểm;

d) Loại không đạt: đạt dưới 60% tổng số điểm.

2. Hạ một bậc xếp loại đối với các nhà trường không có phòng y tế hoặc cán bộ chuyên trách làm công tác y tế trường học.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường

1. Chủ động tham mưu, đề xuất các nội dung công tác y tế trường học đối với các cấp có thẩm quyền.

2. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài nhà trường tổ chức tự đánh giá công tác y tế trong từng năm học và đưa kết quả vào báo cáo tổng kết năm học.

3. Bố trí, tạo điều kiện để các đoàn cấp trên đánh giá công tác y tế trường học tại nhà trường được thuận lợi.

Điều 22. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tại địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá xếp loại công tác y tế đối với các nhà trường trên địa bàn phụ trách.

2. Chủ động tham mưu, đề xuất các nội dung liên quan đến công tác y tế trường học đối với các cấp có thẩm quyền.

3. Tổng hợp và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Công tác học sinh, sinh viên) và Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) vào cuối mỗi năm học.

Điều 23. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế

1. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị trang thiết bị, máy móc, dụng cụ đánh giá và tổ chức đánh giá xếp loại công tác y tế đối với các nhà trường trên địa bàn.

2. Chủ động tham mưu, đề xuất các nội dung liên quan đến công tác y tế trường học đối với các cấp có thẩm quyền.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 8 năm 2013.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Công tác học sinh, sinh viên) và Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để liên Bộ xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội và các UB của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ YT;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các sở GD&ĐT, sở Y tế;
- Công báo;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ YT;
- Lưu: VT, PC, CTHSSV (BGDĐT), VT, PC, YTDP (BYT).

 

PHỤ LỤC

BẢNG ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC Y TẾ TRƯỜNG HỌC NĂM HỌC ….
(Kèm theo Thông tư liên tịch số 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế)

Đơn vị đánh giá, xếp loại
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BẢNG ĐÁNH GIÁ

CÔNG TÁC Y TẾ TRƯỜNG HỌC NĂM HỌC ….

Tên trường: ……………………………… Phường/xã: …………………....….....

Quận/huyện: ………………………………Tỉnh/thành phố …………........……..

Địa chỉ: …………………………………….......…………………………..……..

Tổng số trẻ em: ……………………nam:……………….nữ:….…....……………

Tổng số lớp học: ……………Tổng số giáo viên, cán bộ nhân viên: ………….…

TT

Nội dung kiểm tra, đánh giá

Điểm chuẩn

Điểm chấm

 

I. Quản lý, chăm sóc sức khỏe

1

Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho trẻ em ít nhất mỗi năm hai lần vào đầu mỗi học kỳ.

3

 

2

Đo chiều cao, cân nặng, ghi và theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng một lần và trẻ em trên 24 tháng tuổi mỗi quý một lần.

1

 

3

Hồ sơ khám sức khỏe trẻ em định kỳ được quản lý một cách khoa học và thuận tiện, dễ dàng khi cần sử dụng.

1

 

4

- Thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu tai nạn thương tích cho học sinh trong nhà trường.

- Theo dõi, quản lý tình trạng sức khỏe, những trường hợp chuyển tuyến. Cập nhật thông tin đầy đủ kịp thời.

1


1

 

5

- Thông báo kịp thời tình hình sức khỏe của trẻ em sau khi khám sức khỏe định kỳ cho cha mẹ trẻ em hoặc người giám hộ của trẻ em.

- Phối hợp với cha mẹ trẻ em hoặc người giám hộ của trẻ em về và việc quản lý tiêm chủng, uống vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em.

- Có kế hoạch, văn bản phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương trong việc chăm sóc, điều trị và tiêm chủng, uống vắc-xin cho trẻ em.

1


1


1

 

6

- Có kế hoạch và thực hiện hướng dẫn giáo dục vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cho trẻ em.

- Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật học giáo dục hòa nhập theo Chương trình can thiệp sớm (nếu không có trẻ em khuyết tật, đạt điểm tối đa);

- Xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho từng nhóm trẻ.

1


1



1

 

 

II. Truyền thông giáo dục sức khoẻ

7

Xây dựng nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho trẻ em về:

- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh.

- Các bệnh thường gặp ở trẻ mầm non; phòng, chống tai nạn thương tích; an toàn thực phẩm và hành vi có hại cho sức khỏe.

 

1

1

 

8

- Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho trẻ em trong các hoạt động ngoài giờ học chính khóa.

- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng các tháng hành động do ngành giáo dục, ngành y tế và các ban ngành địa phương phát động.


1


1

 

9

- Tổ chức truyền thông giáo dục về cách chăm sóc, nuôi, dạy trẻ em cho người chăm sóc nuôi dạy trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em.

- Có bảng tin đăng tải các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe cho cha mẹ trẻ em.

1



1

 

 

III. Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

10

Có kế hoạch chủ động triển khai thực hiện các quy định về vệ sinh phòng, chống bệnh truyền nhiễm và phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.

2

 

11

Có các văn bản hướng dẫn và thực hiện việc giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm, thông tin, báo cáo kịp thời khi có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm xảy ra trong nhà trường với các cấp có thẩm quyền theo quy định.

1

 

12

Có kế hoạch, phương án và thực hiện phối hợp với các cơ sở y tế và các đơn vị có liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời theo quy định.

1

 

 

IV. Đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích

13

Có văn bản chỉ đạo thực hiện quy định về xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trong nhà trường.

1

 

14

Có kế hoạch và thực hiện kiểm tra an toàn phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường.

2

 

15

Không có trẻ em bị thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong nhà trường.

1

 

16

Có sổ theo dõi và báo cáo tình hình tai nạn thương tích của trẻ em theo quy định.

1

 

 

V. Đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng

17

Có kế hoạch và phương án bảo đảm an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho trẻ em.

1

 

18

Cán bộ y tế tham gia xây dựng khẩu phần ăn cho trẻ em và kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở an uống của nhà trường.

2

 

19

Bếp ăn tập thể trong nhà trường phải được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

2

 

20

- Nhân viên phục vụ trong bếp ăn tập thể, nhà ăn được được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

- Được khám sức khỏe định kỳ, theo dõi người lành mang trùng và được trang bị bảo hộ lao động làm việc theo quy định.

1


1

 

21

- Hàng hóa, thực phẩm được sử dụng phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, lưu mẫu theo quy định.

- Không có vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong nhà trường.

2


1

 

 

VI. Vệ sinh môi trường học tập

22

Nhà trường được xây dựng xa những nơi phát sinh ra khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn. Xa các bến xe, bến tàu, kho xăng dầu, bãi rác, chợ, các trục đường giao thông lớn, chân đồi núi, ven sông, suối, ghềnh hiểm trở có nguy cơ sụt, lở.

1

 

23

Bảo đảm có sân chơi và cây xanh theo quy định.

Có các dụng cụ thu gom và xử lý rác theo quy định. Có thùng rác hoặc nơi chứa rác tập trung được che chắn. Mỗi phòng học, phòng làm việc phải được làm vệ sinh trước giờ học và có sọt chứa rác.

3

 

24

Hệ thống cống, rãnh để dẫn thoát nước mưa, nước thải bảo đảm kín không rò rỉ, ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.

1

 

25

Sân trường, sân chơi và cầu thang lên xuống của trẻ em không có nguy cơ mất an toàn gây phát sinh tai nạn thương tích.

2

 

26

Bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nước uống và nước sinh hoạt cho trẻ em, giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong nhà trường.

1

 

27

Giáo viên, cán bộ, công nhân viên, cha mẹ học sinh không hút thuốc lá, thuốc lào trong khuôn viên nhà trường.

1

 

 

VII. Phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo

28

Bảo đảm an toàn với từng độ tuổi; có lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố và hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Bảo đảm các điều kiện cho trẻ em khuyết tật sử dụng.

1

 

29

Bảo đảm thông gió tự nhiên, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Phòng học có hệ thống thông gió nhân tạo (quạt trần, quạt thông gió …). Nồng độ CO2 trong lớp học không vượt quá 0,1%.

1

 

30

Được chiếu sáng tự nhiên đầy đủ, bảo đảm độ chiếu sáng đồng đều theo quy định. Hệ thống chiếu sáng nhân tạo đảm bảo hỗ trợ đủ cho những ngày trời tối và được mắc dưới quạt

1

 

31

Phòng học đảm bảo yên tĩnh. Tiếng ồn phòng học không được quá 50 đêxiben (dB)

1

 

32

Các hệ thống điện, ổ cắm điện phải đảm bảo an toàn và được mắc trên tầm với của trẻ em.

1

 

 

VIII. Bàn, ghế, thiết bị phục vụ chăm sóc, nuôi, dạy trẻ em

33

Bàn, ghế phải đủ rộng, chắc chắn, các góc cạnh bàn, ghế phải tròn, nhẵn bảo đảm an toàn. Kích thước của bàn và ghế (chiều cao, bề rộng, chiều sâu) bảo đảm theo quy định hiện hành.

1

 

34

Bàn, ghế, thiết bị phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em được sơn bằng sơn không gây độc hại cho trẻ em.

1

 

35

Thiết bị chăm sóc, nuôi, dạy trẻ em đảm bảo an toàn và được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

3

 

 

IX. Nhà bếp

36

Bảo đảm về thiết kế, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

2

 

37

Tất cả các dụng cụ chế biến, sử dụng, bảo quản, chứa đựng phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

1

 

 

X. Nhà, phòng vệ sinh

38

Bảo đảm đủ số lượng theo quy định, bố trí chỗ đi tiểu và bệ xí cho trẻ em trai riêng, trẻ em gái riêng theo quy định.

2

 

39

Bảo đảm vệ sinh theo quy định. Có khu vực rửa tay với xà phòng. Nền nhà vệ sinh và lối đi lại an toàn, không trơn trượt.

2

 

 

XI. Phòng y tế

40

Được bố trí ở vị trí thuận lợi cho công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu và vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

1

 

41

Bảo đảm diện tích từ 12m2 trở lên.

1

 

42

- Có bảng theo dõi tiêm chủng, uống vắc xin và khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em.

- Phác đồ sơ cứu, cấp cứu một số bệnh và tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em.

- Tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho trẻ em.

1


1


1

 

43

Có đủ hóa chất, dụng cụ, trang thiết bị bảo hộ phòng chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm qua máu và dịch tiết.

2

 

44

- Bảo đảm vệ sinh khu vực xung quanh phòng y tế và trong phòng y tế.

- Có hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo quy định.

1

1

 

 

XII. Trang thiết bị và thuốc

45

- Có tủ thuốc được trang bị các loại thuốc thiết yếu, sắp xếp theo quy định

- Có sổ quản lý, kiểm tra và đối chiếu xuất, nhập thuốc theo quy định.

- Có sổ khám sức khỏe định kỳ, sổ khám sức khỏe hằng ngày, sổ theo dõi tình trạng dịch bệnh.

1


1

1

 

46

- Có các trang thiết bị chuyên môn thiết yếu phục vụ sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em.

- Có ít nhất 01 giường khám bệnh và lưu trẻ em mắc bệnh để theo dõi.

1


1

 

47

Có bàn, ghế, tủ, thiết bị làm việc thông thường khác.

1

 

 

XIII. Nguồn kinh phí

48

Bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hằng năm của các cơ sở giáo dục theo phân cấp ngân sách hiện hành.

2

 

49

Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và từ nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).

1

 

50

- Nguồn kinh phí bảo đảm chi cho các hoạt động chuyên môn, truyền thông giáo dục chăm sóc sức khỏe trẻ em.

- Mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động y tế trường học và các khoản chi khác liên quan theo quy định hiện hành.

1


1

 

51

Có sổ theo dõi, báo cáo thu chi, sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng mục đích theo quy định hiện hành.

1

 

 

XIV. Nhà trường

52

Thành lập Ban sức khỏe do đại diện Lãnh đạo nhà trường làm Trưởng ban, phó ban là đại diện lãnh đạo ngành y tế địa phương, thường trực là cán bộ y tế trường học, các thành viên khác là đại diện của: giáo viên, cán bộ cấp dưỡng, Ban đại diện cha mẹ học sinh.

2

 

53

- Triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác y tế trường học.

- Xây dựng các quy định về công tác y tế trường học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và của địa phương.

1


1

 

54

Xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức thực hiện, đánh giá, xếp loại công tác y tế cho từng năm học.

2

 

55

Có báo cáo tình hình thực hiện công tác y tế trường học cho đơn vị quản lý cấp trên vào cuối năm học hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

1

 

 

XV. Nhân viên làm công tác y tế

56

- Nhân viên làm công tác y tế trường học có trình độ từ trung cấp y trở lên thuộc biên chế chính thức của nhà trường.

- Có trách nhiệm tham mưu với Hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch công tác y tế trường học cho từng năm học và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch.

2


1

 

57

- Cán bộ y tế đã được tập huấn sơ cấp cứu ban đầu

- Cán bộ y tế đã được tập huấn về y tế trường học

- Cán bộ y tế đã được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm

1

1

1

 

58

Được tham gia các hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn do ngành y tế, giáo dục và các ban ngành, cơ quan khác tổ chức hằng năm.

1

 

59

Được hưởng chế độ, chính sách, phụ cấp ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước.

1

 

Tổng số điểm:      …../100 điểm = ……%

Xếp loại:

□ Loại tốt (từ 90% trở lên)

□ Loại khá (từ 80% đến dưới 90%)

□ Loại đạt (từ 60% đến dưới 80%)

□ Loại không đạt (dưới 60%)

 

Đại diện nhà trường

(Ký tên và đóng dấu)

…..…….., ngày……tháng…...năm…..

Đơn vị đánh giá, xếp loại

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT quy định đánh giá công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 18/06/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thanh Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 437 đến số 438
  • Ngày hiệu lực: 02/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản