Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU VÀ SỬ DỤNG PHÍ DỰ THI, DỰ TUYỂN (LỆ PHÍ TUYỂN SINH) ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Căn cứ Luật Giáo dục, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Pháp lệnh Phí và Lệ phí, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19/3/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học và trung cấp chuyên nghiệp như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học và trung cấp chuyên nghiệp; gồm: đối tượng thu phí, mức thu phí và phân phối, quản lý, sử dụng tiền thu phí.

2. Đối tượng áp dụng: Thí sinh thực tế đăng ký dự thi tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học ở các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải tổ chức thi tuyển, xét tuyển theo quy định.

II. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học và trung cấp chuyên nghiệp là khoản tiền đóng góp của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học ở các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định phải tổ chức thi tuyển, xét tuyển để đảm bảo cho các hoạt động liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh.

2. Các ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục - đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân không được tự quy định và thu phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp trái với quy định tại Thông tư này.

3. Phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp thu theo mức thu quy định, sử dụng đúng mục đích và quản lý chi tiêu tiết kiệm theo chế độ tài chính hiện hành.

4. Phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp bao gồm: Các khoản thu cho việc đăng ký dự thi, dự thi, sơ tuyển, xét tuyển, thi tuyển sinh.

III. ĐỐI TƯỢNG THU PHÍ VÀ MỨC THU PHÍ

1. Đối tượng phải nộp phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học và trung cấp chuyên nghiệp theo quy định tại khoản 2, Mục III Thông tư này, bao gồm:

a) Thí sinh đăng ký dự thi và dự thi vào các cơ sở giáo dục - đào tạo bậc đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

b) Thí sinh đăng ký dự thi và dự thi tuyển sinh đào tạo sau đại học.

c) Thí sinh đăng ký xét tuyển đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

2. Mức thu phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được quy định như sau:

a) Thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp:

a.1) Thí sinh thuộc diện xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng: 15.000 (mười lăm nghìn) đồng/hồ sơ. Riêng thí sinh thuộc diện tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp và xét tuyển vào các ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp không tổ chức thi: 30.000 (ba mươi nghìn) đồng/hồ sơ (không áp dụng đối với các ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp tổ chức thi tuyển).

a.2) Thí sinh đăng ký dự thi, sơ tuyển và dự thi vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (đối với trường có tổ chức thi):

- Đăng ký dự thi: 50.000 (năm mươi nghìn) đồng/hồ sơ.

- Sơ tuyển (đối với trường có tổ chức sơ tuyển trước khi thi chính thức):

+ Sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu: 100.000 (một trăm nghìn) đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).

+ Sơ tuyển đối với các ngành khác: 40.000 (bốn mươi nghìn) đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).

- Dự thi:

+ Dự thi văn hoá: 30.000 (ba mươi nghìn) đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).

+ Dự thi năng khiếu: 200.000 (hai trăm nghìn) đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).

b) Thi tuyển sinh đào tạo sau đại học:

- Đăng ký dự thi: 50.000 (năm mươi nghìn) đồng/thí sinh/hồ sơ.

- Dự thi cao học: 100.000 (một trăm nghìn) đồng/thí sinh/môn dự thi.

- Dự tuyển nghiên cứu sinh: 200.000 (hai trăm nghìn) đồng/thí sinh.

c) Tuyển sinh đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước:

- Đăng ký xét tuyển: 200.000 (hai trăm nghìn) đồng/thí sinh/hồ sơ.

3. Phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học và trung cấp chuyên nghiệp thu bằng Đồng Việt Nam. Phí dự thi nộp cùng với Phí đăng ký dự thi để chuyển cho cơ sở giáo dục - đào tạo nơi thí sinh đăng ký dự thi; phí xét tuyển nộp cùng với hồ sơ đăng ký xét tuyển để chuyển cho cơ sở giáo dục - đào tạo nơi thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với những cơ sở giáo dục - đào tạo có tổ chức sơ tuyển trước khi thi chính thức thì thí sinh chỉ phải nộp phí dự thi sau khi trúng vòng sơ tuyển.

IV. PHÂN PHỐI, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU PHÍ

1. Phân phối tiền thu phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp:

a) Toàn bộ số tiền phí đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, phí xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường trung cấp chuyên nghiệp do các Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp thu được phân phối như sau:

- Trích nộp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để bổ sung kinh phí cho việc triển khai công tác tuyển sinh và công tác khác liên quan đến công tác tuyển sinh của Bộ như sau:

+ 6.000 (sáu nghìn) đồng/hồ sơ đối với hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (với những ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp có tổ chức thi để tuyển sinh).

+ 4.000 (bốn nghìn) đồng/hồ sơ đối với hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp (với những ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp không tổ chức thi để tuyển sinh).

- Trích để lại cho Sở Giáo dục và Đào tạo để bổ sung kinh phí cho việc triển khai công tác tuyển sinh ở địa phương như sau:

+ 7.000 (bảy nghìn) đồng/hồ sơ đối với hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (với những ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp có tổ chức thi để tuyển sinh).

+ 6.500 (sáu nghìn năm trăm) đồng/hồ sơ đối với hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp (với những ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp không tổ chức thi để tuyển sinh).

- Số tiền phí đăng ký dự thi thu được còn lại chuyển cho cơ sở giáo dục - đào tạo nơi thí sinh đăng ký dự thi.

- Sau khi chi cho các công tác tuyển sinh tại cơ sở giáo dục – đào tạo, nếu số tiền thu được từ phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) chưa hết thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

b) Toàn bộ số tiền phí đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do các cơ sở giáo dục - đào tạo trực tiếp thu được phân phối như sau:

- Trích nộp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để bổ sung kinh phí cho việc triển khai công tác tuyển sinh và công tác khác liên quan đến công tác tuyển sinh của Bộ như sau:

+ 6.000 (sáu nghìn) đồng/hồ sơ đối với hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (với những ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp có tổ chức thi để tuyển sinh).

+ 4.000 (bốn nghìn) đồng/hồ sơ đối với hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trung cấp chuyên nghiệp (với những ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp không tổ chức thi để tuyển sinh).

- Số tiền còn lại để chi cho các công tác tuyển sinh tại cơ sở giáo dục - đào tạo.

- Sau khi chi cho các công tác tuyển sinh tại cơ sở giáo dục – đào tạo, nếu số tiền thu được từ phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) chưa hết thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

c) Toàn bộ số tiền phí thi tuyển sinh đào tạo sau đại học và đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước do cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục - đào tạo tổ chức thi tuyển trực tiếp thu và chi theo quy định của pháp luật.

2. Sử dụng tiền thu phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp:

Các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh được sử dụng số tiền lệ phí tuyển sinh được trích theo quy định tại khoản 1 Mục IV Thông tư này để chi phí cho công tác tuyển sinh theo các nội dung cụ thể sau đây:

a) Tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi và phục vụ công tác chuẩn bị kỳ thi, gồm:

- Chi phí phục vụ công tác triển khai tuyển sinh từ Bộ đến Sở và các cơ sở giáo dục - đào tạo;

- Chi hội nghị, tập huấn cán bộ, kiểm tra, thanh tra;

- Chi giao nhận, xử lý hồ sơ đăng ký dự thi;

- Chi nhập và xử lý số liệu trên máy tính;

- Chi làm đề thi, in sao đề thi, bảo vệ an toàn cho đề thi;

- Chi thuê phòng thi, thuê phương tiện vận chuyển, đảm bảo y tế, nước uống, an ninh trật tự và văn phòng phẩm;

- Chi in giấy báo dự thi, danh sách phòng thi;

- Chi công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm cả mạng Internet);

- Chi in, mua giấy nháp, giấy thi, biên lai thu lệ phí;

- Chi khác liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức tuyển sinh.

b) Phục vụ công tác thi tuyển, gồm:

- Chi tổ chức trông thi;

- Chi chấm thi, chấm kiểm tra và chấm thẩm định;

- Chi công tác sơ tuyển, xét tuyển, triệu tập trúng tuyển;

- Chi in số điểm, giấy chứng nhận kết quả thi;

- Chi kiểm tra kết quả thi của thí sinh trúng tuyển;

- Chi duyệt đề cương của nghiên cứu sinh, thực tập sinh;

- Chi công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm cả mạng Internet);

- Chi in, mua biên lai thu phí và chi phí văn phòng phẩm;

- Chi khác liên quan trực tiếp đến công tác thi tuyển.

Định mức chi đối với nội dung chi tại khoản 2 Mục IV Thông tư này do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

3. Quản lý tiền thu phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp:

Cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh có trách nhiệm:

a) Niêm yết công khai mức thu phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp tại nơi thu phí và thực hiện thu phí theo đúng mức thu quy định tại khoản 2 Mục III Thông tư này. Khi thu tiền phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp phải cấp cho người nộp tiền biên lai thu phí theo quy định của Bộ Tài chính. Biên lai nhận tại cơ quan Thuế địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở (hoặc biên lai tự in sau khi đã thống nhất với Cục Thuế tỉnh, thành phố) và được quản lý, sử dụng theo chế độ quản lý biên lai thu phí, lệ phí của Bộ Tài chính quy định.

b) Định kỳ 10 (mười) ngày một lần cơ quan, đơn vị, thu phải gửi toàn bộ tiền phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp thu được vào tài khoản tạm giữ "tiền phí, lệ phí" của cơ quan, đơn vị tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

c) Thực hiện chế độ sổ, chứng từ kế toán theo dõi việc thu và quản lý sử dụng tiền phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp theo Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập) và Thông tư số 140/2007/TT-BTC ngày 30/11/2007 của Bộ Tài chính (đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo ngoài công lập). Việc ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp của cơ sở giáo dục - đào tạo công lập thực hiện khi đơn vị được giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm về số thu, chi phí dự thi, dự tuyển.

d) Hàng năm phải lập dự toán thu - chi phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp đồng thời với dự toán tài chính. Việc lập và chấp hành dự toán, quản lý thu - chi tiền phí thu được phải thực hiện theo đúng chế độ tài chính hiện hành và tổng hợp vào báo cáo tài chính định kỳ của cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách, đảm bảo nguyên tắc tài chính công khai, dân chủ.

đ) Tự cân đối nguồn thu để chi phí cho công tác tổ chức tuyển sinh đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Trường hợp thu không đủ chi thì các cơ sở giáo dục - đào tạo được sử dụng từ nguồn kinh phí hiện có của đơn vị để chi phí cho công tác tuyển sinh; đối với các cơ sở được giao nhiệm vụ tuyển sinh đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước thì được ngân sách cấp bù.

Phần chênh lệch thừa phí dự thi, dự tuyển đại học và trung cấp chuyên nghiệp (nếu có) được bổ sung nguồn kinh phí hoạt động của đơn vị.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 28/2003/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 04/4/2003 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) vào các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Thông tư liên tịch số 71/2004/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 14/7/2004 và Thông tư liên tịch số 69/2005/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 29/8/2005 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 28/2003/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 04/4/2003 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) vào các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị và cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở Tài chính, Sở GD&ĐT, Kho bạc NN và các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư Pháp);
- Công báo; VP ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng;
- Website của Chính phủ;
- Website của Bộ TC;
- Website của Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT Bộ TC; VT Bộ GD&ĐT.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 11/02/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Vũ Luận, Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 107 đến số 108
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 11/05/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản