Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
BỘ TƯ PHÁP - BỘ NỘI VỤ
******

Số: 05-BNV-TANDTC-VKSNDTC-BTP/TTLT

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1986 

 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

VỀ GIẢM THỜI HẠN HOẶC MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT VÀ CHẤM DỨT THỜI HẠN CHẤP HÀNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP

Để khuyến khích những người bị kết án cải tạo tốt, Bộ luật Hình sự đã quy định việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt chính và một số hình phạt bổ sung, chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên và miễn chấp hành hình phạt.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành những quy định đó như sau:

I. ĐIỀU KIỆN VÀ MỨC GIẢM

A. GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT CHÍNH (ĐIỀU 49 BỘ LUẬT HÌNH SỰ)

1. Điều kiện để được xét giảm

Người đang chấp hành hình phạt chính nếu có đủ 2 điều kiện sau đây thì được xét giảm:

a) Đã chấp hành được 1/3 thời hạn hình phạt. Nếu bị phạt tù chung thân thì đã chấp hành hình phạt được 10 năm.

b) “Đã chứng tỏ quyết tâm cải tạo” thể hiện ở các mặt sau đây:

- Thành thật hối lỗi;

- Tích cực lao động, học tập;

- Nghiêm chỉnh chấp hành chế độ, nội quy của trại cải tạo hoặc chế độ cải tạo không giam giữ.

2. Mức giảm

Tinh thần chung là: đối với những người phạm tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia, những phần tử tái phạm nguy hiểm, những tên lưu manh, côn đồ và những kẻ buôn lậu lớn chuyên nghiệp thì việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt phải rất chặt chẽ. Đối với những người lao động bị kết án đã cải tạo tốt thì được xét giảm rộng rãi hơn.

Mức giảm là:

a) Đối với hình phạt tù giam. (Theo Thông tư số 04-89/TTLN ngày 15-8-1989 về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù).

b) Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ và cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thì mức phạt tối đa là 2 năm cho nên nói chung chỉ cần xét giảm một lần, với mức giảm là từ 1/3 đến 1/2 hình phạt đã tuyên. Trong trường hợp người bị kết án đã chấp hành được 1/2 thời hạn hình phạt hoặc đã lập công, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì có thể miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Người được hưởng án treo nếu đã chấp hành được 1/2 thời hạn thử thách mà có nhiều tiến bộ thì có thể giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian thử thách. Nếu chưa chấp hành được 1/2 thời hạn thử thách, nhưng đã lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì được xét ngay và có thể được miễn chấp hành phần thời gian thử thách còn lại.

B. GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT BỔ SUNG (ĐIỀU 50)

Người đang chấp hành hình phạt cấm cư trú hoặc quản chế nếu có đủ 2 Điều kiện sau đây thì được xét miễn chấp hành phần hình phạt còn lại:

a) Đã chấp hành được 1/2 thời hạn hình phạt. Thời hạn chấp hành hình phạt quản chế tính từ ngày người bị kết án trình diện với chính quyền cơ sở là đã chấp hành xong hình phạt tù. Thời hạn chấp hành hình phạt cấm cư trú tính từ ngày người bị kết án chấp hành xong hình phạt tù.

b) Đã có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc tích cực lao động, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành các chính sách và pháp luật, các quy định về cấm cư trú hoặc quản chế.

C. GIẢM HOẶC MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT (ĐIỀU 51)

1. Theo khoản 1 Điều 51, đối với người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm thì có thể được xét giảm sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định ở Điều 49 và Điều 50 (đã nói ở mục A và B trên đây). Lý do đáng được khoan hồng thêm là:

- Người bị kết án đã lập công như: tố cáo, giúp trại cải tạo hoặc cơ quan điều tra phát hiện tội phạm; có sáng kiến hoặc cải tiến kỹ thuật có giá trị trong sản xuất; cứu được tính mạng của người khác trong tình thế hiểm nghèo; cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của công dân khi có bão lụt, hỏa hoạn v.v…

- Người bị kết án đã quá già yếu hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo. Người quá già yếu là người đã 70 tuổi trở lên hoặc trên 60 tuổi mà thường xuyên ốm yếu. Mắc bệnh hiểm nghèo là mắc một trong những bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng như: lao nặng, ung thư, bại liệt v.v…

Bộ luật Hình sự không quy định thời hạn sớm hơn và mức cao hơn so với thời hạn và mức quy định ở các điều 49 và 50 là bao nhiêu. Tuy nhiên, ít nhất thì người bị kết án cũng phải đã chấp hành được 1/4 thời hạn của hình phạt; nếu bị phạt tù chung thân thì ít nhất cũng phải đã ở tù được 8 năm mới được xét giảm lân đầu. Mức giảm mỗi lần có thể đến 4 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt ít nhất là 2/5 thời hạn hình phạt đã tuyên; nếu bị phạt tù chung thân thì thời gian thực sự phải ở tù ít nhất là 10 năm.

Trong trường hợp người bị kết án lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm ngay và cũng có thể được miễn chấp hành hình phạt còn lại.

2. Theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, người bị kết án chưa chấp hành hình phạt có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt nếu có đủ 2 điều kiện sau đây:

a) Đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo;

b) Không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Các hình phạt được miễn chấp hành bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, cần phân biệt là người lập công lớn, thì có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt; người mắc bệnh hiểm nghèo chỉ được miễn chấp hành hình phạt: tù giam, cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, quản chế, cấm cư trú.

Miễn chấp hành hình phạt chỉ áp dụng đối với những hình phạt chưa được thi hành. Do đó, đối với những hình phạt đã được thi hành rồi (như: đã nộp tiền phạt) thì không được xét miện hình phạt đó nữa.

Đối với hình phạt tiền nếu người bị kết án đã được tạm hoãn nhiều lần và sau 10 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật mà họ vẫn không có khả năng nộp phạt thì cũng có thể xét cho miễn chấp hành.

3. Đối với những người đựơc giảm một phần thời hạn chấp hành hình phạt mà lại phạm tội mới nghiêm trọng thì Tòa án chỉ xét giảm lần sau khi người đó đã chấp hành được 2/3 thời hạn hình phạt tổng hợp đã tuyên, hoặc 15 năm nếu hình phạt tổng hợp là tù chung thân.

D. GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT VÀ CHẤM DỨT THỜI HẠN THỬ THÁCH HOẶC THỜI HẠN Ở TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN.

1. Giảm thời hạn chấp hành hình phát chính (Điều 66)

Người chưa thành niên bị kết án mà cải tạo tốt thì được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt và thời gian sớm hơn hoặc mức cao hơn so với thời gian và mức quy định ở Điều 49. Do đó, nếu họ đã chấp hành được 1/4 thời hạn hình phạt và cải tạo tốt thì được xét giảm. Mỗi lần có thể giảm đến 4 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt ít nhất là 2/5 của thời hạn hình phạt đã tuyên. Nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành hình phạt còn lại.

Người chưa thành niên bị thử thách án treo nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì được miễn chấp hành phần thời gian thử thách còn lại. Trường hợp chưa chấp hành được 1/2 thời hạn thử thách, nhưng đã lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì cũng được miễn chấp hành phần thời gian thử thách còn lại.

Người chưa thành niên bị kết án chưa chấp hành hình phạt, nếu lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội thì được xét miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo khoản 2 Điều 51.

2. Chấm dứt thời hạn thử thách hoặc thời hạn ở trường giáo dưỡng (Điều 61 và Điều 62).

Người chưa thành niên đang chịu thử thách hoặc đang ở trường giáo dưỡng mà có đủ 2 điều kiện sau đây thì được chấm dứt thời hạn thử thách hoặc thời hạn ở trường giáo dưỡng:

a) Đã chấp hành được 1 nửa thời hạn thử thách hoặc thời hạn ở trường giáo dưỡng. Thời hạn thử thách tính từ ngày quyết định buộc phải chịu thử thách có hiệu lực thi hành, thời hạn ở trường giáo dưỡng tính từ ngày người chưa thành niên được đưa vào trường.

b) Đã có nhiều tiến bộ thể hiện ở các mặt:

- Ăn năn hối lỗi, thấy rõ việc làm sai trái của bản thân;

- Tích cực học tập, lao động và tu dưỡng;

- Chấp hành đúng nội quy của trường học hoặc trường giáo dưỡng.

Đ. GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN.

1. Quân nhân bị kết án cũng được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung theo các điều 49, 50 và 51 của Bộ luật Hình sự như đối với dân thường bị kết án đã hướng dẫn ở các mục A, B, C trên đây.

2. Theo Điều 69 Bộ luật Hình sự thì trong trường hợp quân nhân phạm tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu của chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu mà được người chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên đề nghị cho ở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ thì Tòa án có thể cho tạm hoãn chấp hành hình phạt từ 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian đó, nếu người bị kết án đã lập công chuộc tội hoặc có thái độ sửa chữa tốt thì tuỳ theo công trạng hoặc mức độ tiến bộ của họ mà quyết định miễn hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Người được tạm hoãn nói ở điều này là người mà sự tham gia của họ vào chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu là cần thiết, chưa có người thay thế, hoặc nếu thay thế ngay thì ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

II. VỀ THỦ TỤC

A- THỦ TỤC XÉT GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ GIAM

B. THỦ TỤC XÉT GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ, CẢI TẠO Ở ĐƠN VỊ KỶ LUẬT CỦA QUÂN ĐỘI, HÌNH PHẠT BỔ SUNG VÀ CHẤM DỨT BIỆN PHÁP TƯ PHÁP.

1. Khi người bị kết án có đủ điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt thì cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục người đó, tổ chức cho họ kiểm điểm trước đơn vị sản xuất, công tác, học tập rồi lập hồ sơ và làm văn bản đề nghị.

2. Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, thử thách án treo, quản chế, cấm cư trú, chấm dứt thời gian người chưa thành niên phải chịu thử thách được chuyển cho cơ quan Công an cấp huyện. Trưởng công an cấp huyện phát biểu ý kiến của mình rồi chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp. Viện kiểm sát xem xét nêu rõ quan điểm của mình rồi chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân cùng cấp quyết định.

3. Hồ sơ đề nghị chấm dứt thời hạn ở trường giáo dưỡng được chuyển thẳng cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát xem xét, nêu rõ quan điểm của mình rồi chuyển hồ sơ cho Tòa án cùng cấp quyết định.

4. Hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách án treo cho quân nhân được chuyển cho Viện kiểm sát quân sự khu vực. Đối với người đang cải tạo ở đơn vị kỷ luật quân đội thì hồ sơ chuyển cho Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu. Các Viện kiểm sát quân sự xem xét nêu rõ quan điểm của mình rồi cuyển hồ sơ cho Tòa án quân sự cùng cấp quyết định.

C. THỦ TỤC MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT.

Người chưa chấp hành hình phạt, nếu có đủ điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt thì phải làm đơn gửi Viện kiểm sát cấp tỉnh có kèm theo giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân, cơ quan Nhà nước, đơn vị quân đội, hoặc tổ chức xã hội về việc đã lập công lớn; nếu mắc bệnh hiểm nghèo thì phải có giấy xác nhận của Hội đồng giám định y khoa. Nếu là quân nhân bị kết án thì gửi đơn cho Viện kiểm sát quân sự quân khu. Các Viện kiểm sát lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp quyết định.

D. TRƯỚC KHI RA QUYẾT ĐỊNH, NẾU CHÁNH ÁN KHÔNG NHẤT TRÍ VỚI ĐỀ NGHỊ CỦA CƠ QUAN CÔNG AN VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN VỀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIẢM VÀ MỨC GIẢM THÌ TRAO ĐỔI VỚI CÁC CƠ QUAN ĐÓ ĐỂ THỐNG NHẤT CHỦ TRƯƠNG. NẾU VẪN KHÔNG NHẤT TRÍ THÌ TÒA ÁN QUYẾT ĐỊNH THEO CHỨC NĂNG CỦA MÌNH. VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÓ QUYỀN KHÁNG NGHỊ.

E. NÓI CHUNG, MỖI NGƯỜI MỖI NĂM CHỈ ĐƯỢC XÉT GIẢM MỘT LẦN. TUY NHIÊN, NẾU SAU KHI ĐƯỢC GIẢM MÀ CÓ LÝ DO ĐẶC BIỆT ĐÁNG KHOAN HỒNG THÊM NHƯ LẬP CÔNG LỚN, MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO, THÌ CÓ THỂ ĐƯỢC XÉT GIẢM LẦN THỨ 2.

Bản sao quyết định của Tòa án về giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt hoặc chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp được gửi cho Tòa án cấp trên, Viện kiểm sát cùng cấp, trại quản lý và cải tạo phạm nhân (hoặc chính quyền cơ sở, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội được giao giám sát, giáo dục người bị kết án hoặc người bị áp dụng biện pháp tư pháp), cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra trong quân đội quản lý trại đó, và người được giảm hoặc miễn.

Thông tư này thay thế Thông tư liên ngành số 73/TTLB ngày 11-8-1959 về tha tù trước thời hạn và điểm C trong Thông tư liên ngành số 68-LB/TATC ngày 1-12-1979 về thi hành nghiêm chỉnh án phạt giam.

Các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an địa phương và các Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự cần tổ chức nghiên cứu quán triệt và nghiêm chỉnh thi hành Thông tư này và niêm yết Thông tư này tại trụ sở.


*Điểm này đã được thay thế bằng mục II của Thông tư liên ngành số 04-89/TTLN ngày 15-8-1989 về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 05-BNV-TANDTC-VKSNDTC-BTP/TTLT năm 1986 về giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt và chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp do Bộ Nội vụ - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp cùng ban hành

  • Số hiệu: 05-BNV-TANDTC-VKSNDTC-BTP/TTLT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 26/12/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản