Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NỘI THƯƠNG -NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 93-TT/LB

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 1970

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ THU TÀI CHÍNH VÀ CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG VÀ QUYẾT ĐỊNH VỀ KHOẢN THU CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VỀ GIAO NỘP NÔNG SẢN, THỰC PHẨM

 

Ngày 04-12-1969, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 235-CP ban hành điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương, và quyết định số 258-CP ngày 24-12-1969 về khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản thực phẩm, cho thi hành kể từ ngày 01-01-1970. Căn cứ vào những quy định trong các văn kiện trên của Hội đồng Chính phủ, Liên bộ Tài chính - Nội thương – Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể việc thi hành như sau:

Phần 1:

CHẾ ĐỘ THU TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP QUỐC DOANH

1. Từ trước đến nay, ngân sách Nhà nước huy động số thu nhập thuần túy xã hội tạo ra ở các xí nghiệp sản xuất công nghiệp, ở cả hai khâu: sản xuất và lưu thông. Từ nay, để tập trung thu ngay ở khâu sản xuất phần lớn số thu nhập thuần túy xã hội nói trên, Nhà nước bố trí lại hệ thống giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn thương nghiệp. Việc bố trí lại hệ thống giá nhằm dồn vào giá bán buôn công nghiệp số thu về thuế doanh nghiệp và phần lớn số lợi nhuận thương nghiệp trước đây thu ở các xí nghiệp thương nghiệp cấp I và cấp II (bán buôn, bán lẻ); vì vậy, xí nghiệp thương nghiệp lưu thông thuần tuý không phải nộp thuế doanh nghiệp nữa, đồng thời xí nghiệp này, khi kinh doanh hàng của xí nghiệp sản xuất công nghiệp (trung ương hoặc địa phương), chỉ được Nhà nước dành cho một khoản chiết khấu thương nghiệp định mức đủ bảo đảm trang trải phí lưu thông (định mức), lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp (định mức) và hoa hồng trả cho hợp tác xã mua bán xã (định mức).

Căn cứ điều 4 của điều lệ tạm thời thì “xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp mua hàng của xí nghiệp công nghiệp trung ương hoặc địa phương theo giá bán buôn công nghiệp. Giá bán buôn công nghiệp là giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp”.

a) Giá bán lẻ là giá bán cho người tiêu dùng, do Nhà nước (hoặc cơ quan do Nhà nước ủy quyền) quy định: đối với hàng của xí nghiệp công nghiệp (hoặc gia công) trung ương, thì lấy giá bán lẻ hệ thống I trung ương; đối với hàng của xí nghiệp công nghiệp (hoặc gia công) địa phương, thì lấy giá bán lẻ hệ thống I địa phương sản xuất (thị trường chính của tỉnh, thành phố).

b) Chiết khấu thương nghiệp được định mức chung cho toàn ngành thương nghiệp, phân bố cho ngành hàng và nhóm hàng. Chiết khấu thương nghiệp toàn ngành gồm: chiết khấu thương nghiệp cấp I, chiết khấu thương nghiệp cấp II (bán buôn, bán lẻ). Chiết khấu thương nghiệp của mỗi cấp gồm: phí lưu thông thương nghiệp định mức, lợi nhuận định mức của xí nghiệp thương nghiệp, và hoa hồng dành cho hợp tác xã mua bán xã đại lý bán hàng công nghiệp.

- Đối với hàng của xí nghiệp công nghiệp (hoặc gia công) trung ương, thì lấy chiết khấu thương nghiệp toàn ngành.

- Đối với hàng của xí nghiệp công nghiệp (hoặc gia công) địa phương, nếu tiêu thụ ngay tại địa phương sản xuất thì lấy chiết khấu thương nghiệp cấp II địa phương, nếu bán cho xí nghiệp thương nghiệp cấp I hoặc cho địa phương khác mà là loại hàng do trung ương thống nhất phân phối và thống nhất quản lý giá thì lấy chiết khấu thương nghiệp toàn ngành (trong trường hợp này nếu phát sinh lỗ ở khâu sản xuất thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có nhiệm vụ báo cáo để Bộ Tài chính xét, giải quyết); nếu là loại hàng không do trung ương thống nhất phân phối và thống nhất quản lý giá thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố sản xuất quy định giá bán buôn công nghiệp và hai bên (bên mua và bên bán) giao dịch với nhau giá cả thoả thuận.  

2. Đối với xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp nhập khẩu thì thi hành như thông tư số 70-TC/NT ngày 23-3-1970 của Bộ Tài chính.

3. Đối với vật tư kỹ thuật, tư liệu sản xuất, xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh được mua theo giá bán buôn vật tư trừ (-) chiết khấu thương nghiệp, và bán theo giá thống nhất của Nhà nước (giá bán buôn vật tư), theo quyết định số 60-TTg ngày 28-6-1969 của Thủ tướng Chính phủ.

Một số vật tư kỹ thuật, tư liệu sản xuất vừa bán theo giá cung cấp cho xí nghiệp, công trường, cơ quan, bệnh viện, trường học… vừa bán theo giá bán lẻ cho người tiêu dùng (vật liệu kiến thiết, dụng cụ đồ nghề, đồ điện … theo danh mục đính kèm thông tư này), xí nghiệp thương nghiệp lấy giá cung cấp làm cơ sở để tính giá mua, giá bán và trị giá hàng tồn kho, và khi bán theo giá bán lẻ thì phải nộp vào ngân sách khoản chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá bán cung cấp (xí nghiệp thương nghiệp cấp I nộp vào ngân sách trung ương, xí nghiệp thương nghiệp cấp II nộp vào ngân sách  địa phương).

4. Nói chung đối với những hàng công nghiệp tiêu dùng bán theo giá bán lẻ, xí nghiệp thương nghiệp lấy giá bản lẻ làm cơ sở tính giá mua, giá bán và trị giá hàng tồn kho; trường hợp một số cá biệt mặt hàng được bán theo giá cung cấp như muối, dầu hỏa, sử dụng cho các nhu cầu do Nhà nước quy định thì xí nghiệp thương nghiệp được ngân sách cấp bù khoản chệnh lệch giữa giá bán lẻ và giá bán cung cấp (ngân sách trung ương  cấp bù cho xí nghiệp thương nghiệp cấp I; ngân sách địa phương cấp bù cho xí nghiệp thương nghiệp cấp II).

5. Riêng đối với một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng khác như xe đạp, phụ tùng xe đạp, mì chính nhập khẩu,… mà Nhà nước có chủ trương bán hai giá: giá bán cung cấp và giá bán lẻ tự do, thì xí nghiệp thương nghiệp lấy giá bán cung cấp làm cơ sở để tính giá mua, giá bán và trị giá hàng tồn kho, và:

a) Xí nghiệp thương nghiệp cấp I thanh toán với xí nghiệp công nghiệp (hay xí nghiệp ngoại thương) theo giá cung cấp trừ (-) chiết khấu thương nghiệp toàn ngành; xí nghiệp thương nghiệp cấp II thanh toán với xí nghiệp thương nghiệp cấp I theo giá cung cấp trừ (-) chiết khấu thương nghiệp cấp II (bán buôn và bán lẻ).

b) Đối với xe đạp bán theo giá bán lẻ tự do thì khoản chênh lệch giữa giá cung cấp và giá bán lẻ tự do phải nộp vào ngân sách lúc bán hàng ra.

Hàng năm, sau khi Nhà nước duyệt chỉ tiêu bán tổng số xe đạp và phụ tùng, trong đó có chỉ tiêu bán theo giá cung cấp (chỉ tiêu kế hoạch năm, chia theo quý). Bộ Nội thương thông báo cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố và về sau mỗi khi có sự thay đổi chỉ tiêu bán cũng kịp thời thông báo cho các cơ quan nói trên.

Kể từ 01-01-1970 hàng tháng xí nghiệp thương nghiệp cấp I gửi cho Cục thu quốc doanh thuộc Bộ Tài chính bản kê số xe đạp và phụ tùng xe đạp bán cho cấp II (phân tích riêng số lượng bán theo giá cung cấp và bán theo giá bán lẻ tự do).

Các xí nghiệp thương nghiệp phụ trách bán lẻ xe đạp và phụ tùng phải tổ chức chu đáo việc ghi chép sổ sách, chứng từ; lập bảng kê số tiền chênh lệch về bán hai giá và nộp cho ngân sách trung ương 50% (riêng thành phố Hà Nội và Hải Phòng 75%), ngân sách địa phương 50% (riêng thành phố Hà Nội, Hải Phòng 25%). Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quy định cụ thể lịch nộp ngân sách thích hợp.

Đối với các mặt hàng khác mà Nhà nước có chủ trương bán hai giá như xe đạp và phụ tùng xe đạp, cũng thực hiện những quy định trên đây.

6. Hàng công nghiệp thuộc loại hàng tiêu dùng, nếu xí nghiệp thương nghiệp bán ra cho xí nghiệp khác mua về làm nguyên liệu sản xuất (mua đường về sản xuất bánh kẹo), thì vận dụng như điều 7, chương II của điều lệ tạm thời để mà ấn định giá cả mua, bán.

Các xí nghiệp ăn uống, sửa chữa, phục vụ, (hạch toán kinh tế độc lập) mua hàng thực phẩm (bia chai, nước chanh, rượu, thịt,…) để chế biến và để bán cho khách hàng, mua phụ tùng đồng hồ, bút máy, xe đạp,... để dùng vào việc sửa chữa, thay thế cho khách hàng đều theo giá bán lẻ tại địa phương trừ (-) chiết khấu thương nghiệp bán lẻ.

7. Xí nghiệp thương nghiệp thu mua hàng công nghiệp do các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp sản xuất khi nhập hàng vào kho, cũng áp dụng cách tính giá mua như đối với hàng công nghiệp mua của các xí nghiệp sản xuất. Số tiền chênh lệch giữa giá thanh toán với hợp tác xã và giá nhập kho của xí nghiệp, nếu có chênh lệch thừa thì xí nghiệp nộp vào ngân sách; nếu có chênh lệch thiếu thì xí nghiệp được ngân sách cấp bù. Xí nghiệp thương nghiệp thuộc cấp nào thì ngân sách cấp đó giải quyết.

8. Xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp lấy từ kho dự trữ vật tư Nhà nước ra, phải thanh toán với cơ quan dự trữ vật tư Nhà nước theo giá bán buôn công nghiệp.

9. Giá bán buôn trong hệ thống thương nghiệp:

- Giá bán buôn thương nghiệp cấp I là giá bán lẻ ở thị trường chính của tỉnh, thành phố mua hàng trừ (-) chiết khấu thương nghiệp cấp II (bán buôn và bán lẻ);

- Giá bán buôn thương nghiệp cấp II là giá bán lẻ ở nơi xí nghiệp bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp của xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ.

Khoản chênh lệch giá khu vực phát sinh do áp dụng hệ thống giá bán buôn thương nghiệp trên đây: xí nghiệp thương nghiệp cấp I nộp vào ngân sách trung ương số chênh lệch giá khu vực giữa giá hệ thống I của trung ương với giá hệ thống I của các địa phương; xí nghiệp thương nghiệp cấp II nộp vào ngân sách địa phương số chênh lệch giá khu vực trong phạm vi này phải hạch toán riêng và nộp đầy đủ vào ngân sách, không gộp chung với lợi nhuận của xí nghiệp; trường hợp trong phạm vi một tỉnh có chênh lệch thiếu (-), giá khu vực thấp hơn giá thị trường địa phương, được ngân sách cấp bù.

10. Trong khi Nhà nước chưa cải tiến chế độ thu tài chính đối với các xí nghiệp gia công sản xuất, các xí nghiệp này:

- Nếu là xí nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, thì vẫn nộp thuế và nộp lợi nhuận như đã quy định trong thông tư liên bộ Tài chính - Nội thương – Ngân hàng Nhà nước số 27-LB ngày 10-12-1964;

- Nếu là cơ sở phụ thuộc chưa hạch toán kinh tế độc lập thì hạch toán riêng phần sản xuất gia công, và vẫn áp dụng chế độ nộp “khoản chênh lệch gia công” và lãi gia công như quy định trong thông tư liên bộ Tài chính - Nội thương – Ngân hàng Nhà nước số 27-LB ngày 10-12-1964. Cụ thể là:

a) Chênh lệch gia công là khoản chênh lệch giữa giá thành kế hoạch (hay giá thành theo công thức), và giá chỉ đạo nhập kho. Đối với những mặt hàng chịu thuế hàng hóa thì trong số chênh lệch gia công có bao gồm cả thuế hàng hóa. Khi nhập hàng hóa vào kho lưu thông, xí nghiệp thương nghiệp phải làm bảng kê hàng nhập kho và ngân hàng cho vay theo giá nhập kho (trừ khoản đã cho vay về nguyên liệu tính theo giá vốn). Số tiền còn lại, xí nghiệp ghi vào tài khoản tiền gửi thanh toán rồi trích nộp ngay cho ngân sách khoản chênh lệch gia công.

Giá chỉ đạo nhập kho hàng hóa:

- Của xí nghiệp thương nghiệp cấp I là giá bán lẻ hệ thống I trung ương trừ (-) chiết khấu thương nghiệp toàn ngành;

- Của xí nghiệp thương nghiệp cấp II bán buôn là giá bán lẻ thị trường chính của địa phương sản xuất trừ (-) chiết khấu thương nghiệp cấp II (bán buôn và bán lẻ); nếu là xí nghiệp bán lẻ thì trừ (-) chiết khấu thương nghiệp bán lẻ.

- Của xí nghiệp thương nghiệp cấp II nhận gia công cho cấp I là giá bán lẻ thị trường chính của địa phương sản xuất trừ (-) chiết khấu thương nghiệp toàn ngành.

b) Lãi gia công là khoản chênh lệch giữa giá thành kế hoạch (hay giá thành theo công thức) và giá thành thực tế. Nếu xí nghiệp không tính toán được giá thành thực tế ngay, thì để bảo đảm nộp kịp thời lãi gia công vào ngân sách.

- Ba cơ quan tài chính, nội thương, ngân hàng Nhà nước, căn cứ vào tỷ lệ lãi gia công thực tế theo quyết toán của kỳ trước mà định tỷ lệ lãi kế hoạch trên giá thành kế hoạch để làm cơ sở tính nộp lãi đinh kỳ (hàng tháng); sau khi có quyết toán, phải điều chỉnh theo thực tế.

11. Các xí nghiệp chăn nuôi, phục vụ, sửa chữa, ăn uống, vận tải… vẫn áp dụng chế độ thu thuế và thu lợi nhuận hiện hành.

12. Các xí nghiệp thương nghiệp phải nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước các khoản phải nộp về chênh lệch giá (các điều 3,4,5,7, 9 và 10) cũng như các khoản thuế (điều 11) theo lịch nộp do Bộ Tài chính (đối với xí nghiệp thương nghiệp cấp I), hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với xí nghiệp thương nghiệp cấp II) ấn định (mỗi tháng nộp một, hai lần), đồng thời phải được ngân sách Nhà nước cấp phát kịp thời, bù những khoản lỗ phát sinh do chính sách giá cả.

Trong thời gian 5 ngày đầu mỗi tháng, xí nghiệp thương nghiệp phải lập xong báo cáo chính thức kê khai toàn bộ số phải nộp và số đã nộp vào ngân sách Nhà nước - hoặc số được ngân sách cấp bù, và số đã được cấp bù của tháng trước; trên cơ sở đó xí nghiệp lên cân đối, nộp hết số phải nộp vào ngân sách Nhà nước cũng như được ngân sách cấp bù đủ số được bù.

13. Về khoản thu do ngân sách trung ương chuyển cho ngân sách của địa phương kinh doanh hàng công nghiệp của trung ương.

Bộ Tài chính trích từ ngân sách trung ương chuyển cho ngân sách địa phương một khoản tiền bằng bốn phần trăm (4%) doanh số bán hàng công nghiệp của các xí nghiệp nội thương cấp I cho các xí nghiệp nội thương địa phương.

a) Ngay từ đầu năm, Bộ Nội thương gửi cho Bộ Tài chính (các sở, ty thương nghiệp gửi cho sở, ty tài chính) kế hoạch lưu chuyển hàng hóa của ngành nội thương (kế hoạch năm chia theo quý), trong đó ghi rõ doanh số hàng công nghiệp do trung ương điều về cho từng địa phương (loại trừ doanh số về vật tư kỹ thuật và tư liệu sản xuất); về sau, mỗi khi kế hoạch nói trên có sự thay đổi, phải thông báo kịp thời cho tài chính.

b) Bộ Tài chính căn cứ vào kế hoạch lưu chuyển hàng nói trên, lập kế hoạch chuyển cho ngân sách địa phương số thu mà địa phương được hưởng; và hàng tháng, căn cứ báo cáo tình hình mua hàng và thanh toán tiền hàng của từng tỉnh, thành phố đối với thương nghiệp cấp I, Bộ Tài chính trích từ ngân sách trung ương chuyển cho ngân sách địa phương số thu mà địa phương được hưởng.

c) Các sở, ty tài chính cũng căn cứ vào kế hoạch lưu chuyển hàng hóa nói trên, lập kế hoạch thu của ngân sách địa phương, và quyết toán số thu của ngân sách địa phương, cuối mỗi quý, căn cứ báo cáo chính thức của các sở, ty thương nghiệp về doanh số hàng công nghiệp đã mua và đã thanh toán tiền hàng với các xí nghiệp thương nghiệp cấp I.

14. Khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm (quyết định số 258-CP, điều 1,4 và 5).

1. Khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm tính bằng một tỷ lệ phần trăm (%) trên giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước (hoặc của cơ quan được Nhà nước ủy quyền chỉ đạo giá thu mua). Khoản thu này phải nộp cho ngân sách của địa phương nơi sản xuất, giao nộp.

2. Các tổ chức kinh tế quốc doanh: công ty thu mua của ngành nội thương, ngoại thương, y tế (dược liệu); xí nghiệp công nghiệp…, thuộc các ngành trung ương quản lý, thu mua các nông sản, thực phẩm ghi ở điều 1 quyết định số 258-CP đều phải chịu khoản thu này.

Các tổ chức nói trên, thuộc các địa phương quản lý, nếu đi mua nông sản, thực phẩm ghi ở điều 1 quyết định số 258-CP, ở các địa phương khác, cũng phải chịu khoản thu này.

Biện pháp thu quy định như sau:

a) Tất cả các tổ chức ở trung ương hay địa phương nói trên, nếu trực tiếp thu mua của hợp tác xã nông nghiệp, của nhân dân, của nông trường quốc doanh địa phương… không qua các tổ chức thương nghiệp thu mua như nói ở điểm b dưới đây, thì phải nộp khoản thu nói trên, ngay khi thanh toán tiền mua hàng.

b) Các xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II, các công ty (ở địa phương) kinh doanh hàng xuất khẩu,… thu mua nông sản thực phẩm, rồi giao cho các đơn vị, các ngành trung ương hay cho các địa phương khác, đều phải nộp khoản thu nói trên, sau khi bán hàng và thu được tiền về;

3. Áp dụng chế độ thu về nộp nông sản, thực phẩm ngành nội thương có sự thay đổi về giá giao dịch; cách tính các giá giao dịch mới như sau:

a) Căn cứ vào giá vốn của đơn vị thu mua để định lại giá giao (giá bán) mới của đơn vị thu mua, khi đơn vị này bán ra:

- Giá vốn (định mức) của đơn vị thu mua là giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước cộng ( ) phí thu mua (định mức) cộng ( ) lợi nhuận (định mức). Đối với các xí nghiệp thuộc ngành nội thương, phí thu mua định mức cộng ( ) lợi nhuận định mức là thặng số thu mua phân bố từ định mức chung toàn ngành 9,5% mà Nhà nước đã ấn định.

- Giá giao (giá bán) mới của đơn vị thu mua là giá vốn định mức (nói trên đây) cộng ( ) khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm.

b) Các xí nghiệp nội thương giao dịch với nhau cũng theo giá mua mới và giá bán mới:

Xí nghiệp thương nghiệp cấp I kinh doanh nông sản, thực phẩm qua xí nghiệp thương nghiệp:

- Thu mua cấp II, theo giá giao, như quy định ở điểm a trên đây;

- Bán ra theo giá bán buôn thương nghiệp cấp I, tức là giá bán lẻ trừ (-) chiết khấu thương nghiệp của cấp II địa phương mua hàng. Khoản chênh lệch (tăng hoặc giảm) phát sinh giữa giá bán buôn thương nghiệp cấp I với giá vốn (giá mua mới cộng ( ) chiết khấu thương nghiệp cấp I), thuộc ngân sách trung ương giải quyết: xí nghiệp thương nghiệp cấp I nộp ngân sách trung ương hoặc được ngân sách trung ương cấp bù.

Xí nghiệp thương nghiệp cấp II kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm qua xí nghiệp thương nghiệp thu mua cấp II tỉnh khác theo giá giao quy định ở điểm a trên đây. Khi bán ra, khoản chênh lệch (tăng hoặc giảm) giữa giá bán lẻ tại địa phương và giá vốn được ngân sách địa phương tiêu thụ giải quyết.

4. Đối với những mặt hàng nông sản, thực phẩm không có trong danh mục ghi ở điều 1 quyết định số 258-CP, nếu thương nghiệp cấp II thu mua giao cho các tổ chức kinh tế quốc doanh trung ương hay cho các địa phương khác, thì giữ nguyên giá giao hiện hành; còn:

- Giá vốn định mức thì tính như quy định ở điểm 3 trên đây.

- Và khoản chênh lệch (tăng hoặc giảm) giữa giá giao và giá vốn (thương nghiệp cấp II) thì do ngân sách địa phương giải quyết.

5. Những quy định trên đây đều không áp dụng đối với những nông sản, thực phẩm của các tổ chức kinh tế quốc doanh trung ương đóng tại địa phương (nông trường quốc doanh trung ương, lâm nghiệp trung ương, đoàn tầu đánh cá trung ương,…).

6. Về thủ tục thu nộp:

a) Các đơn vị nộp khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm phải chủ động làm tờ khai (mẫu đính kèm) có ghi đầy đủ:

Số lượng nông sản, thực phẩm, theo từng mặt hàng ghi trong danh mục điều 1 quyết định số 258-CP;

Giá giao hàng, nếu là tổ chức thu mua ở địa phương bán hàng; hoặc giá mua cộng ( ) khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm, nếu là tổ chức kinh tế quốc doanh đi mua trực tiếp nông sản, thực phẩm, không qua các tổ chức thương nghiệp thu mua địa phương;

Số phải nộp vào ngân sách Nhà nước;

Tờ khai kiêm giấy ủy nhiệm chỉ nộp ngân sách phải làm thành 6 liên (1 cơ quan thu địa phương, 4 gửi Ngân hàng Nhà nước địa phương và 1 lưu tại đơn vị).

Các tổ chức thu mua địa phương, khi bán hàng, phải làm tờ khai về số nông sản, thực phẩm bán ra, có ghi từng hóa đơn bán hàng và phải nộp tờ khai đó ngay trong ngày giao hàng, nếu thanh toán tiền hàng theo phương pháp “nhờ thu”; nếu thanh toán tiền hàng bằng séc (định mức hoặc bảo chi) hay bằng tiền mặt, thì phải nộp tờ khai, chậm nhất là trong ngày giao hàng.

Nếu việc thanh toán tiền hàng được tiến hành theo phương pháp “nhờ thu” thì ngày phải nộp khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm là ngày mà theo quy định của ngân hàng Nhà nước, tiền bán hàng phải vào tài khoản của xí nghiệp bán ở Ngân hàng. Nếu thanh toán tiền hàng bằng séc (định mức hay bảo chi hay bằng tiền mặt, thì phải nộp khoản thu này, chậm nhất là trong ngày kể tiếp ngày nhận được séc hay tiền mặt).

Các tổ chức kinh tế quốc doanh khác, mua trực tiếp nông sản, thực phẩm, không qua các tổ chức thu mua ở địa phương nói trên, phải làm tờ khai theo tưng chuyến hàng mua, nộp tờ khai và nộp khoản thu về giao nộp nông sản; thực phẩm, chậm nhất là trong ngày kế tiếp ngày thanh toán tiền mua hàng.

b) Ngân hàng Nhà nước, khi nhận được tờ khai nói trên, phải theo dõi, đôn đốc việc thanh toán tiền hàng, trong thời hạn ngân hàng Nhà nước đã quy định và giúp các xí nghiệp nộp đầy đủ, đúng hạn khoản phải nộp và phải:

- Trích tài khoản của các tổ chức thu mua, chuyển nộp số phải nộp vào ngân sách địa phương ngay sau khi nhận được tiền bán hàng vào tài khoản của xí nghiệp.

- Trích tài khoản của các tổ chức kinh tế quốc doanh khác (như quy định trong điểm a, trên đây) chuyển nộp số phải nộp vào ngân sách địa phương sau khi các tổ chức này thanh toán tiền mua hàng. Khi các tổ chức này trích tài khoản tiền gửi để thanh toán với người bán, ngân hàng phải đôn đốc việc trích nộp cho ngân sách địa phương khoản thu về nông sản, thực phẩm.

c) Cơ quan thu địa phương phải kiểm tra tờ khai và đôn đốc việc thu nộp vào ngân sách khoản thu về giao nộp nông sản, thực phẩm.

7. Việc thu nộp của xí nghiệp và việc cấp bù của ngân sách Nhà nước (trong trường hợp phát sinh lỗ do chính sách giá cả, như thịt lợn, rau…) tiến hành như quy định ở điều 12 trên đây.

8. Kỷ luật thu nộp khoản thu về nông sản, thực phẩm, theo như quy định ở điều 6 của quyết định số 258-CP.

9. Các quy định trong thông tư số 18-TC/TQD ngày 14-1-1970 của Bộ Tài chính, trái với những điều quy định ở điểm 14 của thông tư liên bộ này, đều bãi bỏ.

15. Việc trích nộp lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp vào ngân sách Nhà nước tiến hành như sau:

1. Tất cả các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh hạch toán kinh tế độc lập đều có nhiệm vụ trích nộp lợi nhuận vào ngân sách (xí nghiệp cấp I nộp vào ngân sách trung ương; xí nghiệp cấp II nộp vào ngân sách địa phương), theo kế hoạch, và thanh toán theo thực tế, căn cứ vào bảng quyết toán hoặc bảng cân đối tài khoản của xí nghiệp.

Số lợi nhuận xí nghiệp trích nộp ngân sách nói ở đây là lợi nhuận nói ở điều 14 của bản điều lệ tạm thời; ngoài ra, xí nghiệp còn phải nộp tất cả các khoản lãi về các nghiệp vụ phụ thuộc như gia công, sản xuất… của xí nghiệp.

2. Kế hoạch trích nộp lợi nhuận cho ngân sách (kế hoạch năm chia quý, tháng) là chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước giao cho xí nghiệp, xí nghiệp phải bảo đảm nộp đầy đủ và đúng hạn.

Bộ Nội thương và các sở, ty thương nghiệp phải thông báo kế hoạch trích nộp lợi nhuận vào ngân sách cho từng xí nghiệp sau khi kế hoạch thu chi tài chính được duyệt chính thức; đồng thời sao gửi cho các cơ quan tài chính và ngân hàng đồng cấp để các cơ quan này giao kế hoạch thu cho các cơ quan thu và ngân hàng địa phương, bảo đảm việc thu nộp.

Khi kế hoạch thu chi tài chính của xí nghiệp được duyệt chính thức, xí nghiệp sao gửi cho cơ quan thu và ngân hàng địa phương kế hoạch trích nộp lợi nhuận cả năm (chia quý) của xí nghiệp. Căn cứ kế hoạch này cơ quan thu địa phương đôn đốc, kiểm tra việc thu nộp cho ngân sách; nếu kế hoạch đó thấp hơn kế hoạch mà cơ quan thu được cấp trên của mình đã thông báo (như nói trên đây) thì vẫn thu theo sổ  kế hoạch đã được cấp trên thông báo, đồng thời báo cáo lên cơ quan cấp trên xin giải quyết.

Căn cứ vào kế hoạch trích nộp lợi nhuận cả năm và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong mỗi quý, xí nghiệp làm kế hoạch trích nộp lợi nhuận quý (chia tháng) gửi cơ quan thu và ngân hàng địa phương vào những ngày cuối của tháng cuối quý, để làm căn cứ thu nộp lợi nhuận cho quý sau.

Trong thời gian kế hoạch thu chi tài chính chưa được chính thức duyệt, Bộ Nội thương và Bộ Tài chính cũng như các sở, ty thương nghiệp, sở, ty tài chính cùng nhau tạm thời ấn định kế hoạch trích nộp lợi nhuận quý (chia tháng) cho các xí nghiệp thương nghiệp (cấp I cũng như cấp II), và thông báo cho xí nghiệp thương nghiệp, cơ quan thu và ngân hàng địa phương, trước ngày đầu qúy, để làm căn cứ thu nộp cho ngân sách cho đến khi có kế hoạch trích nộp lợi nhuận chính thức.

Nếu trong tuần đầu của tháng đầu quý mà xí nghiệp thương nghiệp và cơ quan thu địa phương chưa nhận được thông báo nói trên thì phải cùng nhau tạm ấn định kế hoạch trích nộp lợi nhuận cho tháng đó, và sao gửi cho ngân hàng địa phương, để có căn cứ thu nộp khi đến hạn phải nộp.

3. Xí nghiệp phải chủ động tính toán, trích nộp vào Ngân sách ít nhất là 10% số lợi nhuận kế hoạch; phần còn lại, nếu không đủ để phân phối cho các quỹ của xí nghiệp theo đúng như chế độ đã quy định thì được ngân sách cấp bù cho đủ: số bù thêm này không được lớn hơn số lợi nhuận mà xí nghiệp đã trích nộp vào ngân sách.

Lịch nộp lợi nhuận cho ngân sách do Bộ Tài chính (đối với cấp I) và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với cấp II) ấn định: cần căn cứ vào tính chất hoạt động của mỗi xí nghiệp và số lượng lợi nhuận mà xí nghiệp phải nộp cho ngân sách mà quy định cụ thể số lần xí nghiệp nộp trong một tháng.

Đến hạn nộp, xí nghiệp phải chủ động làm ủy nhiệm chi cho ngân hàng Nhà nước để trích chuyển từ tài khoản của xí nghiệp nộp cho ngân sách.

Cuối tháng, cuối quý và cuối năm, xí nghiệp chủ động thanh toán theo số lợi nhuận thực tế đã thực hiện và nộp vào ngân sách số lợi nhuận còn thiếu, không chờ sự kiểm tra của cơ quan thu địa phương.

Xí nghiệp phải lập đầy đủ và gửi cho cơ quan thu địa phương các báo cáo về các loại lợi nhuận xí nghiệp, việc phân phối, trích lập và sử dụng các quỹ của xí nghiệp theo kế hoạch, và thực tế thực hiện.

Cơ quan thu địa phương phải kiểm tra bản thanh toán: nếu số đã nộp (theo kế hoạch) thấp hơn số phải nộp thì thông báo cho xí nghiệp nộp ngay số còn thiếu; đồng thời thông báo cho Ngân hàng Nhà nước trích từ tài khoản tiền gửi của xí nghiệp chuyển nộp cho ngân sách, không chờ ủy nhiệm chi của xí nghiệp; nếu số đã nộp cao hơn số phải nộp thì số thừa, hoặc là trừ vào kỳ nộp lợi nhuận kế hoạch tiếp sau, hoặc là thoái lại ngay cho xí nghiệp, nếu xí nghiệp yêu cầu.

Nếu có ý kiến khác nhau giữa xí nghiệp và cơ quan thu trong việc xác định số lợi nhuận phải thanh toán thì xí nghiệp phải nộp theo mức do cơ quan thu đã thông báo; đồng thời báo cáo cho cơ quan thương nghiệp và cơ quan tài chính cấp trên xét (cho Bộ Nội thương và Bộ Tài chính đối với cấp I, cho sở, ty tài chính đối với cấp II).

Ngân hàng Nhà nước phải trích tài khoản của xí nghiệp chuyển nộp ngay vào ngân sách trong ngày kế tiếp ngày nhận được giấy nộp tiền của xí nghiệp. Nếu tài khoản của xí nghiệp không đủ tiền nộp thì ngân hàng phải căn cứ vào thứ tự ưu tiên Nhà nước đã quy định mà trích tài khoản chuyển tiền nộp vào Ngân sách; sau đó tiền vào tài khoản xí nghiệp đến đâu, thì cũng căn cứ vào thứ tự ưu tiên của Nhà nước mà tiếp tục trích tài khoản, nộp vào ngân sách đến đó, cho đủ số xí nghiệp phải nộp. Cơ quan tài chính phải liên hệ chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt việc trích nộp này.

Đối với những xí nghiệp được xác nhận là có kế hoạch lỗ được ngân sách cấp bù để trang trải các quỹ của xí nghiệp, việc cấp bù này được tiến hành theo kế hoạch từng qúy, vào tháng đầu của mỗi qúy.

4. Kỷ luật thu nộp khoản thu về nộp lợi nhuận theo như quy định tại điều 15 (chương II) của điều lệ tạm thời.

16. Việc nộp khấu hao cơ bản:

a) Các xí nghiệp thương nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp, thu mua hàng nông sản, thực phẩm, cũng như các xí nghiệp phục vụ, sửa chữa, vận tải hạch toán kinh tế độc lập, áp dụng chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quy định trong điều lệ mới, phải trích nộp 30% số khấu hao cơ bản vào ngân sách Nhà nước (cấp I nộp cho ngân sách trung ương, cấp II nộp cho ngân sách địa phương).

b) Các đơn vị hoạt động khác của ngành nội thương, hạch toán kinh tế độc lập, chưa áp dụng chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp nói trên, phải trích nộp 100% số khấu hao cơ bản vào ngân sách Nhà nước.

c) Xí nghiệp thương nghiệp phải nộp khấu hao cơ bản vào ngân sách Nhà nước mỗi tháng một lần, theo kế hoạch và thanh toán theo thực tế  khi có quyết toán quý, năm. Nếu chưa có kế hoạch thì tạm nộp theo mức của tháng trước hoặc quý trước.

Phần 2:

CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP

I. CHIẾT KHẤU THƯƠNG NGHIỆP.

17. Chiết khấu thương nghiệp định mức cho toàn ngành nội thương được quy định trong điều lệ tạm thời (điều 16 – chương III) và trong chỉ thị số 132-TTg ngày 04-12-1969 của Thủ tướng Chính phủ (kèm theo thông tư này bảng phân bố chiết khấu thương nghiệp).

Nếu sau này phát hiện thấy là mức chiết khấu thương nghiệp Bộ Nội thương ấn định cho các xí nghiệp thương nghiệp cấp I, cũng như cho các xí nghiệp thương nghiệp cấp II, có chỗ chưa hợp lý (hoặc quá cao, hoặc quá thấp), thì Bộ Nội thương đối với cấp I, các sở, ty thương nghiệp đối với cấp II, có trách nhiệm điều hòa số chênh lệch giữa các xí nghiệp thương nghiệp thuộc phạm vi mình phục trách trên cơ sở:

- Bảo đảm không vượt định mức mà Nhà nước đã ấn định chung cho toàn ngành nội thương (năm 1970 là 9,5%).

- Duy trì các tỷ lệ chiết khấu thương nghiệp, cũng như thặng số thương nghiệp mà Bộ Nội thương đã công bố làm cơ sở để định giá bán buôn công nghiệp, giá mua hàng nhập khẩu, giá bán buôn thương nghiệp giữa cấp I và cấp II…

II. PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN XÍ NGHIỆP THƯƠNG NGHIỆP.

Theo điều lệ tạm thời (điều 17, 18, 21 và 26), chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp mới áp dụng ở các xí nghiệp thương nghiệp lưu thông thuần túy, hạch toán kinh tế độc lập, như các xí nghiệp kinh doanh hàng công nghiệp (bao gồm cả công ty phế liệu phế phẩm, hợp tác xã  mua bán huyện), các xí nghiệp thu mua nông sản, thực phẩm.

Các hoạt động khác trong ngành nội thương (xí nghiệp phục vụ, sửa chữa, vận tải), hạch toán kinh tế độc lập, tuy chưa được Nhà nước định mức lợi nhuận xí nghiệp, cũng được trích từ “lãi thực hiện” để lập các quỹ của xí nghiệp.

Đối với các hoạt động khác còn lại, đã hạch toán kinh tế độc lập hay còn là đơn vị phụ thuộc (sản xuất, gia công, chăn nuôi, ăn uống…) thì sẽ quy định sau.

18. Lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp là nguồn thu nhập bảo đảm cho xí nghiệp thương nghiệp trích lập các quỹ của xí nghiệp: quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, và nộp một phần lợi nhuận cho ngân sách Nhà nước.

Các quỹ của xí nghiệp một khi được thực hiện sẽ thay thế chế độ cấp phát vốn chuyên dùng, chế độ quỹ xí nghiệp trước đây.

Các khoản trước đây xí nghiệp thương nghiệp trích từ lợi nhuận để chi hộ cho Ngân sách nay đều do ngân sách cấp phát (thông tư số 141-TTg ngày 29-12-1969 của Thủ tướng Chính phủ).

Nhà nước định mức lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp:

- Có sự phân biệt giữa các loại hoạt động khác nhau (kinh doanh hàng công nghiệp, thu mua nông sản, thực phẩm, phục vụ, ăn uống…);

- Có sự phân biệt theo yêu cầu và khả năng của từng loại hình xí nghiệp về cải tiến thiết bị, cải tiến kỹ thuật;

- Có sự phân biệt căn cứ vào tính chất lao động nặng nhọc khác nhau, phức tạp hay giản đơn, có tiếp xúc với chất độc, ảnh hưởng đến sức khoẻ của công nhân, viên chức hay không…

1. Lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp gồm có: lợi nhuận kế hoạch, lợi nhuận vượt kế hoạch, và lợi nhuận ngoài kế hoạch.

a) Lợi nhuận kế hoạch là lợi nhuận do cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính đồng cấp đã duyệt cho xí nghiệp, căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch mà Bộ Nội thương (đối với cấp I), Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với cấp II), giao cho xí nghiệp và được ghi trong kế hoạch tài chính hàng năm của xí nghiệp.

Những khoản sau đây, khi lập kế hoạch không được tính vào lợi nhuận kế hoạch – nhưng nếu phát sinh khi thực hiện thì tính vào lợi nhuận thực tế: tài sản dôi thừa, tài sản thiếu, tài sản tổn thất, thiệt hại, hạ giá hàng ứ đọng, kém, mất phẩm chất,… do nguyên nhân chủ quan gây ra, sau khi xử lý (theo nghị định số 49-CP ngày 9-4-1968 về chế độ trách nhiệm vật chất và thông tư liên bộ Nội thương – Tài chính – Ngân hàng Nhà nước số 199-TT/LB ngày 04-5-1967).

b) Lợi nhuận vượt kế hoạch là số chênh lệch giữa lợi nhuận thực hiện và lợi nhuận kế hoạch.

c) Lợi nhuận ngoài kế hoạch là lợi nhuận mà xí nghiệp, ngoài việc bảo đảm đầy đủ nhiệm vụ kinh doanh sản xuất theo kế hoạch do cấp trên giao, còn thu thêm được do những hoạt động kinh doanh không ghi vào kế hoạch do Bộ Nội thương (đối với cấp I) hay do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (đối với cấp II) giao cho xí nghiệp. Thí dụ:

- Kinh doanh những nghiệp vụ phụ (muối dưa, cà, nuôi lợn, gà vịt ở các cửa hàng ăn…),

- Tận dụng phế liệu, phế phẩm hoặc sử dụng tổng hợp khả năng của xí nghiệp để sản xuất chế biến những mặt hàng ngoài kế hoạch;

- Thu nhặt các loại bao bì không thuộc vốn của xí nghiệp;

- Phế liệu, phế phẩm do xí nghiệp loại ra từ sản xuất và kinh doanh cơ bản và chuyển sang sản xuất những mặt hàng ngoài kế hoạch, phải được trị giá để tính giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất và kinh doanh cơ bản.

Nhưng để khuyến khích xí nghiệp tận dụng phế liệu, phế phẩm, tạm thời Nhà nước không thu quốc doanh vào các mặt hàng xí nghiệp sản xuất, chế biến ngoài kế hoạch, bằng phế liệu, phế phẩm do mình loại ra: toàn bộ số chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp và giá thành sản phẩm được coi là lợi nhuận ngoài kế hoạch. Bộ Tài chính, cùng Bộ Nội thương (đối với cấp I) và Ủy ban hành chính thành phố (đối với cấp II), xác định lúc nào các hoạt động này đã ổn định thì đưa vào chi tiêu kế hoạch Nhà nước và tiến hành thu.

2. Các xí nghiệp thương nghiệp quốc doanh lưu thông thuần túy hạch toán kinh tế độc lập, trích lợi nhuận để lập các quỹ của xí nghiệp và nộp một phần lợi nhuận lợi cho ngân sách Nhà nước theo như quy định ghi ở điều 18 (Chương III) của điều lệ tạm thời.

Những khoản lãi về các nghiệp vụ phụ thuộc của xí nghiệp chưa hạch toán kinh tế độc lập, đều phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.

3. Đối với các xí nghiệp thương nghiệp được duyệt là không có lợi nhuận kế hoạch hoặc có lỗ kế hoạch (do phải chấp hành chính sách giá cả Nhà nước quy định…) thì giải quyết như quy định ở điều 19 (chương III) của điều lệ tạm thời.

III. TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ CỦA XÍ NGHIỆP

19. Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh.

1. Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh dùng để:

- Củng cố, mở rộng những công trình đã có (kho, cửa hàng…), xây dựng những công trình nhỏ không ghi trong kế hoạch kiến thiết cơ bản của Nhà nước (xây dựng thêm gian hàng, gian kho, giếng nước, hàng rào của kho…);

- Mua sắm những thiết bị lẻ, phương tiện vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản cho những cơ sở đã có (cần cẩu nhỏ, băng chuyền, xe đẩy hàng, bục, giá, quầy tủ, dụng cụ đo lường,…);

- Chi về vệ sinh an toàn lao động trong kinh doanh sản xuất (dụng cụ cầm tay, quạt máy, áo choàng, ủng cao su…);

- Mua sắm thiết bị kỹ thuật để sản xuất, chế biến sản phẩm bằng phế liệu, phế phẩm do mình loại ra; nghiên cứu cải tiến kỹ thuật kinh doanh sản xuất;

- Trả lãi tiền vay và vốn vay của ngân hàng để tăng thêm tài sản cố định, cải tiến kỹ thuật kinh doanh sản xuất;

- Bổ sung vốn lưu động tăng thêm do sản xuất ngoài kế hoạch những mặt hàng bằng phế liệu, phế phẩm loại ra.

Trường hợp xí nghiệp chưa dùng số tiền quỹ đã có vào các mục đích trên, xí nghiệp có thể tạm thời dùng cho nhu cầu vốn lưu động như một nguồn vốn tự có.

Xí nghiệp chỉ được dùng quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh để trực tiếp phục vụ cho mục đích phát triển kinh doanh sản xuất; tuyệt đối không được dùng quỹ này để chi vào những việc có tính chất phúc lợi (như xây dựng hoặc mở rộng nhà ở, nhà ăn, nhà trẻ, câu lạc bộ, căng tin… hoặc mua sắm những thiết bị, phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao…). Mặt khác, quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh cũng không thay thế vốn kiến thiết cơ bản tập trung của Nhà nước; những công trình kiến thiết cơ bản như xây dựng mới cửa hàng, kho, trạm… cũng như công việc mở rộng cửa hàng, kho trạm, đòi hỏi phải mua sắm những thiết bị, phương tiện đắt tiền, vượt quá khả năng tự lo liệu của xí nghiệp, đều do ngân sách cấp phát.

2. Quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh trích lập theo các mức quy định ở điều 21 (chương III) của điều lệ tạm thời.

3. Lợi nhuận là nguồn để trích lập quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh; xí nghiệp không đạt kế hoạch lợi nhuận chỉ được trích lập quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh theo tỷ lệ phần trăm (%) lợi nhuận thực tế đạt được; nếu xí nghiệp có kế hoạch lợi nhuận nhưng khi thực hiện lại không có lợi nhuận hoặc bị lỗ thì không được trích.

Xí nghiệp được trích qũy khuyến khích phát triển kinh doanh hàng quý, theo kế hoạch và phải thanh toán lại theo thực tế cả năm khi có báo cáo quyết toán chính thức của xí nghiệp. Cuối năm xí nghiệp không sử dụng hết quỹ thì được chuyển sang năm sau và ghi vào kế hoạch của năm sau để sử dụng.

4. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chủ quản và xí nghiệp trong việc sử dụng quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh theo như quy định ở điều 24 (chương III) của điều lệ tạm thời.

20. Quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng.

1. Quỹ phúc lợi dùng để:

-  Xây dựng mở rộng nhà ở, câu lạc bộ, nhà nghỉ, trại điều dưỡng, nhà trẻ, nhà ăn, căng tin và các công trình thể dục thể thao, xây dựng và sửa chữa hầm hố và làm những công việc khác phục vụ đời sống công nhân, viên chức trong xí nghiệp; góp phần cùng Nhà nước hoặc các xí nghiệp khác trong cùng địa phương xây dựng thêm nhà ở cho công nhân, viên chức…

- Cải thiện điều kiện sinh hoạt văn hóa và chăm lo sức khoẻ cho công nhân, viên chức trong xí nghiệp như: mua sắm thêm dụng cụ y tế,  thuốc men cho cơ sở điều trị của xí nghiệp, trang bị dụng cụ cho nhà ăn, căng tin, câu lạc bộ, nhà trẻ; mua sắm dụng cụ, phương tiện thể dục thể thao; bồi dưỡng thêm thức ăn cho các cháu ở nhà trẻ khi đau yếu (kể cả các cháu ở gia đình nếu không có điều kiện gửi nhà trẻ); chi phí về tổ chức điều dưỡng…

- Chi phí phụ thêm ngoài việc đóng góp của các học viên về bổ túc văn hóa và học tập nghiệp vụ kỹ thuật ở xí nghiệp; chi phí cho cán bộ hay công nhân không chuyên trách đi họp, đi học ngắn ngày, tham gia các hoạt động văn hóa quần chúng, thể dục thể thao, bổ túc văn hóa…

- Cho tập thể công nhân, viên chức trong xí nghiệp tạm vay làm vốn tăng gia sản xuất tự túc;

- Trợ cấp khó khăn đột xuất cho công nhân, viên chức trong xí nghiệp;

Không được dùng quỹ phúc lợi để chi những khoản sau đây (Thông tư số 115-TTg ngày 12-12-1963 của Thủ tướng Chính phủ ):

- Lương của cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa quần chúng, thể dục thể thao do quỹ công đoàn chi;

- Lương, tiền tầu xe, tiền đi đường, tiền bồi dưỡng và các phí tổn khác cho công nhân viên tham gia các hoạt động văn hóa quần chúng, thể dục thể thao (tham gia các cuộc biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, điền kinh…) do quỹ công đoàn chi nếu công đoàn tổ chức; nếu các cơ quan Nhà nước tổ chức thì cơ quan nào tổ chức, cơ quan ấy chi;

- Các khoản chi về Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên lao động ở cơ sở như: mua sắm và sửa chữa các phương tiện làm việc (bàn ghế, trụ sở…) của các tổ chức nói trên đều hạch toán vào giá thành, vào phí lưu thông; các khoản khác, (lương, văn phòng phẩm) do kinh phí của các tổ chức nói trên chi.

2. Quỹ khen thưởng dùng để:

- Thưởng cho lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ và đội lao động tiên tiến;

- Khen thưởng đột xuất trong năm cho những công nhân, viên chức có thành tích xuất sắc trong các cuộc vận động thi đua, những điển hình tốt về cải tiến kinh doanh sản xuất và quản lý;

- Khen thưởng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và các cán bộ chuyên trách công tác Đảng, đoàn thể có thành tích trong thực hiện và vận động thực hiện kế hoạch của xí nghiệp và kế hoạch Nhà nước.

3. Quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng trích lập theo quy định ở điều 26 (chương III) của điều lệ tạm thời.

4. Xí nghiệp thương nghiệp phải đạt hai điều kiện và ba tiêu chuẩn như quy định ở điều 27 và điều 28 (chương III) của điều lệ tạm thời mới được trích lập quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng.

5.Việc phân phối hai quỹ và quyền hạn, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, của công đoàn xí nghiệp, theo quy định ở các điều 29 và 30 (chương III) của điều lệ tạm thời.

21. Nhằm bảo đảm việc trích lập và sử dụng các quỹ của xí nghiệp (quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng) được đúng như điều lệ quy định.

a) Các xí nghiệp thương nghiệp có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh chế độ trích lập và sử dụng các quỹ của xí nghiệp và phải tạo mọi điều kiện thuận tiện cần thiết cho cơ quan tài chính và cơ quan ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ giám đốc tài chính đối với việc trích lập và sử dụng các quỹ của xí nghiệp.

Hàng quý, hàng năm, khi xí nghiệp báo cáo quyết toán kinh doanh, sản xuất, phải đồng thời báo cáo quyết toán việc trích lập, sử dụng các quỹ của xí nghiệp.

b) Bộ Nội thương, các sở, ty thương nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn các xí nghiệp thương nghiệp sử dụng các quỹ đúng chế độ, nhằm phát huy tác dụng của mỗi quỹ.

c) Các cơ quan tài chính và ngân hàng Nhà nước, thông qua chức năng giám đốc tài chính, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho xí nghiệp sử dụng tốt các quỹ và kiểm tra chặt chẽ việc xí nghiệp trích lập và sử dụng các quỹ; trường hợp xí nghiệp thực hiện sai nguyên tắc, chế độ quy định thì phải phản ánh kịp thời cho các cơ quan chủ quản cấp trên của xí nghiệp và, trong khi chờ đợi xét xử, được quyền tạm thời đình chỉ không cho xí nghiệp trích lập và sử dụng các quỹ.

d) Về nội dung và thủ tục xét duyệt các quỹ của xí nghiệp, phải thi hành đúng các quy định trong các thông tư và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (các thông tư số 434-TTg ngày 05-12-1959, số 34-TTg ngày 14-3-1962, và các chỉ thị số 33-TTg ngày 25-4-1963, số 23-TTg ngày 18-3-1964).

Các xí nghiệp (có công đoàn xí nghiệp tham gia) phải phân tích, đánh giá kết quả hoạt động cả năm... của xí nghiệp mình, đối chiếu với các điều kiện do Nhà nước quy định để tự xét và đề nghị  trích lập quỹ xí nghiệp lên Bộ hoặc ngành chủ quản... (thông tư số 34-TTg ngày 14-3-1962).

Các Bộ và Ủy ban hành chính địa phương, chủ quản của xí nghiệp, chịu trách nhiệm thi hành những thể lệ về việc trích lập quỹ xí nghiệp và hoàn toàn chịu trách nhiệm xét duyệt việc trích lập quỹ xí nghiệp cho xí nghiệp quốc doanh do mình quản lý. Sau khi xét duyệt cho xí nghiệp được trích lập quỹ xí nghiệp, các Bộ, các Ủy ban hành chính địa phương cần báo cáo cho Bộ Tài chính… (Thông tư số 434-TTg ngày 05-12-1959).

Cần bảo đảm xét duyệt quỹ xí nghiệp cho những xí nghiệp đã nộp đủ và đúng thời hạn báo cáo quyết toán năm chính thức, trường hợp quyết toán chậm mà có lý do chính đáng thì Bộ Tài chính (đối với xí nghiệp trung ương) cơ quan tài chính địa phương (đối với xí nghiệp trung ương) có thể gia hạn một lần cho xí nghiệp (Chỉ thị số 33-TTg ngày 25-4-1963).

Trước khi duyệt quỹ xí nghiệp cho các đơn vị, cơ quan chủ quản xí nghiệp phải bàn bạc, thống nhất ý kiến với cơ quan tài chính cùng cấp.

Nếu hai bên không nhất trí thì mỗi bên báo cáo ý kiến của mình cho chính quyền cùng cấp xét, quyết định.

Trong khi chờ đợi quyết định của chính quyền, xí nghiệp chỉ được phép trích quỹ xí nghiệp theo ý kiến của cơ quan tài chính (Chỉ thị số 23-TTg ngày 18-3-1964).

Phần 3:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC CÓ LIÊN QUAN

22. Việc tính khấu hao tài sản cố định vẫn theo chế độ hiện hành, với những điểm bổ sung sau đây:

- Tài sản cố định chưa dùng và không cần dùng, nếu thuộc tài sản cố định của xí nghiệp thì vẫn phải tính khấu hao cơ bản, nhưng không trích khấu hao sửa chữa lớn. Bộ Nội thương, các sở, ty thương nghiệp và xí nghiệp có trách nhiệm điều hoặc đề nghị điều các tài sản cố định này đi. Chỉ được xác nhận là tài sản cố định chưa dùng hoặc không cần dùng, để được miễn tính khấu hao, nếu những tài sản này là tài sản do cấp trên giao giữ hộ, hoặc là tài sản mà xí nghiệp đã đề nghị lên trên điều đi và cấp trên đã quyết định điều đi.

- Những tài sản cố định đã khấu hao hết nhưng vẫn tiếp tục sử dụng thì phải đánh giá lại để tính khấu hao (kể cả khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn).

- Những công trình, hầm số bảo vệ trong thời chiến, xây dựng kiên cố và vĩnh viễn, được coi là tài sản cố định, nhưng không trích khấu hao.

Việc sử dụng khấu hao cơ bản quy định như sau:

- Trích do quỹ khuyến khích phát triển kinh doanh 30% số tiền khấu hao cơ bản về tài sản cố định dùng trong kinh doanh sản xuất;

- Phần 70% còn lại thì xí nghiệp nộp 40% lên Bộ Nội thương (đối với cấp I) hoặc sở, ty thương nghiệp (đối với cấp II), để dùng vào kiến thiết cơ bản theo chỉ tiêu kế hoạch của ngành, ngoài chỉ tiêu kiến thiết cơ bản của Nhà nước duyệt và cấp phát vốn. Bộ Nội thương hoặc sở, ty thương nghiệp phải gửi số vốn này vào ngân hàng kiến thiết để cấp phát khi cần đến. Ngành chủ quản chỉ được sử dụng số vốn này làm vốn kiến thiết cơ bản trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh: không được dùng làm nguồn vốn khác hoặc làm vốn kiến thiết cơ bản của phần hành chính sự nghiệp;

Nộp 30% vào ngân sách trung ương (đối với cấp I) hoặc ngân sách địa phương (đối với cấp II).

23.  Đối với các loại hàng ứ đọng, thiếu, kém hoặc mất phẩm chất thì giải quyết về mặt tài chính như sau:

- Nếu do chủ quan ngành hay xí nghiệp thương nghiệp gây ra, thì phần lỗ phải tính trừ vào lợi nhuận xí nghiệp.

- Nếu do các ngành khác (như công nghiệp, ngoại thương, vận tải…) gây ra, thì các ngành đó bồi thường theo hợp đồng kinh tế;

- Nếu do khách quan gây ra, không thể khắc phục được, thì ngân sách Nhà nước xét cấp bù.

24. Sau khi áp dụng chế độ mới, trị giá hàng tồn kho của ngành thương nghiệp ở cấp I cũng như ở cấp II, đều tăng lên.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tính toán định mức vốn lưu động, sắp xếp lại việc cấp phát và cho vay vốn cho khớp với nhu cầu mới của ngành nội thương (Chỉ thị số 132-TTg ngày 04-12-1969). Liên bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước - Nội thương sẽ nghiên cứu quy định cụ thể việc vận dụng chỉ thị trên; trong khi chờ đợi, ngân sách Nhà nước không thu hồi số tiền chênh lệch tăng giữa trị giá hàng tồn kho mới và cũ; coi như vốn của ngân sách cấp tạm thời ngoài định mức năm 1970.

Riêng đối với mặt hàng xe đạp, phụ tùng xe đạp và mỳ chính (nhập khẩu), nay xí nghiệp thương nghiệp hạch toán tồn kho theo giá bán cung cấp, thì số tiền giảm đi được ngân sách cấp để bù vào phần tiền trước đây xí nghiệp đã vay của ngân hàng, giúp cho xí nghiệp trả nợ được cho ngân hàng.

25. Căn cứ các nghị định số 235-CP ngày 04-12-1969 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận quốc doanh trong ngành nội thương, quyết định số 258-CP ngày 29-12-1969 của Hội đồng Chính phủ ấn định khoản thu của Ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm và các quy định trong thông tư liên bộ này, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội thương ra thông tư riêng để hướng dẫn về nghiệp vụ.

* **

Liên bộ đề nghị Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, khu, các sở, ty thương nghiệp, các sở, ty tài chính, các chi cục thu quốc doanh và thuế công thương nghiệp, các chi nhánh ngân hàng Nhà nước phổ biến và hướng dẫn các cơ sở chấp hành đầy đủ những quy định của Hội đồng Chính phủ và những quy định trong thông tư này; trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo cho Liên bộ những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trinh Văn Bính

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bảo Văn

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Sỹ Đồng

 

ĐỊNH MỨC

CHIẾT KHẤU TOÀN NGÀNH NỘI THƯƠNG
(Ban hành kèm theo thông tư liên bộ số 93-TT/LB ngày 16-4-1970 thi hành bắt đầu từ ngày 01-01-1970)

Cục, ngành, nhóm hàng

Bình quân toàn ngành

Ghi chú

TỔNG CỘNG TOÀN NGÀNH

9.00

 

I. Cục thực phẩm

13.00

 

A. Ngành thực phẩm

13.10

 

Nhóm 3 thực phẩm thực vật khô

12.00

 

4a Muối

45.30

 

4c Đường

10.20

 

4d Rượu

12.10

 

4e Bia nước ngọt

24.30

 

4g Thực phẩm công nghiệp khác

Trong đó:

- Sữa

- Mì chính

- Bánh kẹo, quả khô

- Bơ, pho-ma

- Mỡ

- Miến, mì sợi

- Các loại khác

5.10

 

6.40

4.90

9.00

11.20

9.10

8.30

4.00

 

B.Ngành hóa chất công nghiệp

3.50

 

k. Ngành tư liệu sản xuất nông ngư nghiệp

- (hạt giống đậu)

- Khoai tây giống

12.00

12.00

16.20

 

II. Cục hải sản

14.10

 

A. Ngành thực phẩm

16.50

 

Nhóm 1. Thực phẩm thủy sản

13.20

 

Cá nước mặn

18.30

 

Đặc sản

7.00

 

Nhóm 4b. Nước mắm, nước chấm cá khô

16.60

 

- Nước mắm

18.10

 

- Nước chấm

18.10

 

- Mắm tôm

16.30

 

- Cá khô

8.90

 

- Các loại khác

8.00

 

K. Ngành tư liệu sảu xuất nông ngư nghiệp

5.60

 

- Gai lưới

6.60

 

- Tơ

5.50

 

- Đay

14.50

 

- Các loại khác

4.50

 

M. Ngành nguyên liệu hóa chất công nghiệp

2.90

 

Nhóm 29b nguyên liệu hoá chất công nghiệp

2.90

 

- Chượp

2.90

 

III. Cục nông lâm sản

9.90

 

A. Ngành thực phẩm

10.10

 

Nhóm 3

 

 

- Thực phẩm thực vật khô

8.00

 

 Nhóm 4g2 - Thuốc lào chè gói

10.10

 

- Thuốc lào

11.00

 

- Chè gói

8.40

 

B. Ngành may mặc

12.00

 

Nhóm 10a đồ dùng bằng lá:

12.00

 

- Nón lá

11.00

 

- Áo tơi

12.50

 

C. Ngành đồ dùng hàng ngày

9.50

 

Nhóm 14b:

 

 

- Đồ dùng đay gai

9.50

 

- Chiếu

9.40

 

- Bao đay, bao cói

7.20

 

- Bao sợi

6.00

 

K. Ngành tư liệu sản xuất

2.90

 

 Nhóm 25c các loại giống thực vật

2.90

 

M. Ngành nguyên liệu hóa chất công nghiệp

11.00

 

Nhóm 29b – Nguyên liệu nông sản

11.00

 

Nhóm 29c – Nguyên liệu lâm sản

11.00

 

IV. Cục vải sợi may mặc

6.60

 

B. Ngành may mặc

6.60

 

Nhóm 5 - Vải

6.10

 

Nhóm 6 - Lụa

6.10

 

Nhóm 7 – May mặc sẵn

5.80

 

Nhóm 8 - Dệt kim

10.60

 

Nhóm 9 – Chăn

5.80

 

Các loại khác

5.80

 

M. Ngành nguyên liệu hóa chất công nghiệp

3.50

 

Nhóm 28 - Thuốc nhuộm

4.10

 

Nhóm 29 – Sợi

2.10

 

V. Cục bách hoá

7.30

 

A. Ngành thực phầm

6.10

 

Nhóm 5g3 - Thuốc hút, thuốc lá điếu

6.10

 

B. Ngành may mặc

7.20

 

Nhóm 10a1 – Hàng may mặc khác

7.00

 

Nhóm 10a2 – bảo hộ lao động

10.00

 

C. Ngành dồ dùng hàng ngày

9.60

 

Nhóm 11 - Đồng dùng bằng kim khí

7.70

 

Nhóm 12a - Đồ dùng sành sứ, thủy tinh

19.20

 

Nhóm 13 – Đồ dùng sao su

8.80

 

Nhóm 14 - Đồ dùng hàng ngày khác

7.50

 

Trong đó: Diêm

(15.00)

 

D. Ngành thuốc bệnh

7.50

 

E. Ngành giao thông vận tải

5.30

 

Nhóm 16a – Các loại phương tiện giao thông

4.60

 

Nhóm 17 - Phụ tùng thay thế

8.40

 

G. Ngành vật phẩm văn hóa, giáo dục

9.10

 

 Nhóm 18 – Văn phòng phẩm

9.10

 

- Giấy viết

9.30

 

- Các loại khác

8.80

 

Nhóm 19 – Văn hóa phẩm

8.70

 

M. Ngành nguyên liệu hóa chất công nghiệp

3.00

 

VI. Cục điện máy xăng dầu

7.80

 

B. Ngành may mặc

4.00

 

- Đồ dùng bảo hộ lao động

4.00

 

C. Ngành đồ dùng hàng ngày

3.90

 

Nhóm 14c - Đồ dùng bằng điện

3.90

 

G. Ngành vật phẩm văn hóa giáo dục

5.00

 

Nhóm 19b – Máy thu thanh và phụ tùng

5.00

 

H. Ngành chất đốt

17.50

 

Nhóm 21 – Xăng dầu mỡ

17.50

 

- Dầu hỏa

20.00

 

- Ma-dút và dầu mỡ khác

6.50

 

- Các loại khác

6.00

 

I. Ngành vật liệu xây dựng

5.40

 

Nhóm 24b - Sắt thép tiểu ngũ kim

5.40

 

K. Ngành tư liệu sản xuất

11.10

 

Nhóm 25d – Tư liệu sản xuất bằng kim khí

11.10

 

L. Ngành máy móc ngũ kim

3.40

 

Nhóm 26 – Máy móc phụ tùng đồ điện

3.10

 

Nhóm 27 - Dụng cụ làm tay đo lường

4.10

 

M. Ngành nguyên liệu hóa chất công nghiệp

5.30

 

 Nhóm 28 – Nguyên liệu hoá chất công nghiệp

5.30

 

-  Các loại khác

5.20

 

VII. Cục vật liệu kiến thiết

12.00

 

B. Ngành may mặc

6.40

 

Nhóm 10a3 - Cuốc

6.40

 

C. Ngành đồ dùng hàng ngày

4.20

 

Nhóm 14d - Đồ dùng bằng gỗ

4.20

 

E. Ngành giao thông vận tải

5.10

 

Nhóm 16 – Phương tiện vận tải thô sơ

5.10

 

H. Ngành chất đốt

20.00

 

Nhóm 20 – Than củi

20.00

 

- Củi

15.40

 

- Than

26.40

 

- Than qua lửa

11.10

 

I. Ngành vật liệu xây dựng

8.70

 

Nhóm 22 - Gỗ, tre, nứa, lá

10.00

 

Nhóm 23 – Xi măng, cát, sỏi

8.90

 

- Xi măng

6.90

 

- Vôi bón ruộng

10.40

 

- Gạch

7.50

 

- Ngói

9.30

 

Nhóm 24 - Vật liệu xây dựng làm sẵn

7.00

 

- Khung nhà làm sẵn

 

 

- Các loại khác

 

 

 

Ghi chú: Mức phí tổn lưu thông trong bảng chiết khấu này nằm trong mức phí tổn lưu thông chung của Nhà nước quy định cho toàn ngành nội thương.

ĐỊNH MỨC

 THẶNG SỐ THƯƠNG NGHIỆP TOÀN NGÀNH NỘI THƯƠNG
(Ban hành kèm theo thông tư liên bộ số 93-TT/LB ngày 16-4-1970 bắt đầu thi hành từ ngày 01-01-1970)

Cục, ngành, nhóm, mặt hàng

Bình quân toàn ngành

Ghi chú

 TỔNG CỤC TOÀN NGÀNH

16,30

 

Cục thực phẩm

17.40

 

A. Ngành thực phẩm

17.40

 

Nhóm 1a: thực phẩm tươi sống

16.50

 

- Lợn hơi

16.00

 

- Trâu hơi

20.20

 

- Bò hơi

19.20

 

- Gà vịt

26.30

 

- Trứng gà, vịt

10.40

 

- Cá nước ngọt

13.00

 

Nhóm 2. Rau quả tươi

22.70

 

- Rau

22.80

 

- Quả

19.80

 

K. Ngành tư liệu sản xuất nông nghiệp

19.00

 

Nhóm 25a: Giống

19.00

 

- Lợn giống

19.00

 

- Hạt rau giống

8.40

 

Cục hải sản

12.40

 

A. Ngành thực phẩm

13.90

 

Nhóm 1b: Thực phẩm thủy sản

15.70

 

- Cá nước mặn

16.80

 

- Đặc sản

8.00

 

Nhóm 4b: Mắm, nước mắm

11.60

 

- Cá khô

11.00

 

- Mắm tôm

12.00

 

M. Ngành nguyên liệu hóa chất công nghiệp

11.20

 

Nhóm 29b: Nguyên liệu thực phẩm

11.20

 

- Chượp

11.20

 

Cục nông lâm sản

14.10

 

A. Ngành thực phẩm

16.40

 

Nhóm 3: Thực phẩm thực vật khô

16.40

 

- Đỗ các loại

16.40

 

- Lạc vỏ

16.30

 

- Lạc nhân

10.20

 

- Vừng

14.50

 

C. Đồ dùng hàng ngày

7.40

 

Nhóm 14b: Đồ dùng bằng sợi, đay, gai, cói

7.40

 

- Chiếu

6.90

 

- Nón

8.20

 

- Bao cói

7.20

 

M. Ngành nguyên liệu hóa chất công nghiệp

15.70

 

Nhóm 29b: Nguyên liệu nông sản

13.00

 

- Bông xơ

15.10

 

- Tơ tằm

7.60

 

- Cói

10.80

 

- Đay

9.80

 

- Thuốc lào nguyên liệu

19.10

 

-Thuốc lá nguyên liệu

14.30

 

- Gai

18.60

 

- Chè chính

25.80

 

- Sơn ta

35.00

 

- Các loại hạt có dầu

58.40

 

- Dầu các loại

6.40

 

- Hạt ve

12.25

 

- Các loại khác

11.50

 

Nhóm 29c: Nguyên liệu sản xuất

40.90

 

- Lá nón

33.20

 

- Lá hồ

33.20

 

- Củ nâu

310.00

 

- Xơ dừa

15.60

 

- Sợi móc

26.40

 

- Các loại khác

21.20

 

Cục vật liệu kiến thiết

19.50

 

I. Ngành vật liệu xây dựng

19.50

 

Nhóm 22: Tre, nứa, lá

19.20

 

- Lá cọ

45.20

 

- Tre các loại

17.60

 

- Nứa các loại

18.70

 

Tranh lá mía

17.30

 

- Cót

18.30

 

- Các loại khác

17.60

 

 

Ghi chú:

1. Mức thặng số thương nghiệp bao gồm: Phí tổn lưu thông cộng ( ) lợi nhuận xí nghiệp thương nghiệp.

2. Mức phí tổn lưu thông trong thặng số này nằm trong mức phí tổn lưu thông chung của Nhà nước quy định cho toàn ngành nội thương.

3. Đối với thực phẩm tươi sống (lợn, trâu, bò, dê, cừu…) chi phí giết mổ đã quy định chung trong mức thặng số này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 93-TT/LB năm 1970 hướng dẫn thi hành điều lệ tạm thời về chế độ thu tài chính và chế độ phân phối lợi nhuận xí nghiệp quốc doanh trong ngành nội thương và quyết định về khoản thu của ngân sách địa phương về giao nộp nông sản, thực phẩm do Bộ Tài chính - Bộ Nội thương - Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 93-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 16/04/1970
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Nguyễn Sỹ Đồng, Bùi Bảo Vân
  • Ngày công báo: 15/05/1970
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1970
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản