Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 98/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2006

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VÀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VI PHẠM QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sau đây viết tắt là Nghị định 84/2006/NĐ-CP);
Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể một số nội dung về bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức) vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành công vụ gây lãng phí.

2. Đối tượng áp dụng

a. Cán bộ, công chức quy định tại điểm b, c, d, đ, e và h khoản 1, Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003.

b. Cán bộ, công chức được điều động giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng công ty nhà nước, Kế toán trưởng, Người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp.

c. Cán bộ, công chức được điều động sang làm việc tại các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; cán bộ công chức đang nghỉ chế độ chờ làm thủ tục hưu trí; cán bộ, công chức sau khi điều động công tác về các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mới phát hiện vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

II. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

1. Về xác định số tiền bồi thường thiệt hại:

a. Đối với những nội dung chi đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số tiền phải bồi thường bao gồm số tiền chi vượt hoặc sai định mức, tiêu chuẩn, chế độ, dự toán được duyệt và chi phí khắc phục hậu quả (nếu có).

- Số tiền chi vượt hoặc chi sai định mức, tiêu chuẩn, chế độ, dự toán được duyệt được tính bằng chênh lệch giữa số tiền thực chi và số tiền được chi theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ, dự toán được duyệt tại thời điểm xảy ra vi phạm.

- Chi phí khắc phục hậu quả là các chi phí phát sinh liên quan đến việc giải quyết hậu quả của hành vi lãng phí gây thiệt hại

b. Đối với những trường hợp khác, số tiền bồi thường thiệt hại bao gồm chi phí thực tế do hành vi lãng phí gây ra và chi phí khắc phục hậu quả (nếu có)

c. Chi phí cho việc xác định số tiền bồi thường được tính vào chi phí khắc phục hậu quả bao gồm chi thuê chuyên gia tư vấn về kinh tế, kỹ thuật và chi khác phục vụ trực tiếp cho việc xác định số tiền bồi thường.

d. Trường hợp phát sinh giao dịch có sử dụng ngoại tệ thì quy đổi theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xác định số tiền bồi thường.

đ. Trường hợp hành vi do từ 2 người trở lên thực hiện thì những người này cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trách nhiệm bồi thường được xác định tương ứng với mức độ lỗi của từng người.

e. Người gây thiệt hại được giảm trách nhiệm bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:

- Do vô ý mà gây thiệt hại.

- Thiệt hại xảy ra quá lớn mà khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.

Người gây thiệt hại yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại xảy ra.

Việc giảm trách nhiệm bồi thường không làm thay đổi hình thức kỷ luật theo mức bồi thường ban đầu.

2. Trường hợp trong quá trình khắc phục hậu quả có phát sinh khoản thu hồi hoặc cá nhân gây lãng phí đã thực hiện khắc phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra thì khi thực hiện bồi thường được giảm trừ tương ứng.

3. Hội đồng bồi thường thiệt hại

Việc thành lập Hội đồng bồi thường thiệt hại (sau đây gọi tắt là Hội đồng) được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 84/2006/NĐ-CP. Hoạt động của Hội đồng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, khách quan, công khai, dân chủ. Hội đồng chỉ họp khi có đầy đủ các thành viên Hội đồng.

b. Khi họp Hội đồng phải có sự tham dự của người gây thiệt hại; Trường hợp người gây thiệt hại không tham dự được thì phải có lý do chính đáng. Nếu người gây thiệt hại vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc không thông báo về sự vắng mặt của mình trước thời điểm họp 2 ngày làm việc thì Hội đồng vẫn họp xem xét việc bồi thường thiệt hại.

c. Người gây thiệt hại được Hội đồng gửi giấy triệu tập chậm nhất 7 ngày làm việc trước khi tổ chức họp.

d. Nội dung và các tài liệu liên quan cần được chuẩn bị kỹ trước mỗi cuộc họp để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

đ. Căn cứ số tiền kiến nghị phải bồi thường và khả năng kinh tế của người vi phạm, Hội đồng xem xét, kiến nghị phương thức thực hiện bồi thường một lần hay nhiều lần.

e. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

4. Quyết định về bồi thường thiệt hại

Quyết định về bồi thường thiệt hại phải bao gồm những nội dung cơ bản sau: hành vi và mức độ vi phạm; Số tiền bồi thường, số tiền bồi thường được giảm (nếu có); thời gian thực hiện bồi thường, thời gian tạm hoãn thực hiện bồi thường (nếu có); phương thức bồi thường, trường hợp số tiền bồi thường được nộp làm nhiều lần thì phải quy định cụ thể thời gian, số tiền phải nộp trong mỗi lần.

Thẩm quyền ký quyết định về bồi thường thiệt hại thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 84/2006/NĐ-CP.

5. Về thu, quản lý, sử dụng tiền bồi thường thiệt hại:

a. Cơ quan của người có thẩm quyền ra Quyết định về bồi thường thiệt hại có trách nhiệm thu đủ số tiền bồi thường thiệt hại và xác định việc hoàn trả cho cơ quan, tổ chức trực tiếp chịu thiệt hại hoặc nộp vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại điểm c khoản này.

b. Tiền bồi thường thiệt hại do người có nghĩa vụ bồi thường nộp phải được thu, theo dõi chi tiết cho từng lần nộp (nếu nộp nhiều lần) và quản lý theo chế độ tài chính hiện hành.

c. Tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để chi cho việc xác định số tiền bồi thường, phần còn lại được hoàn trả cho cơ quan, tổ chức trực tiếp chịu thiệt hại. Trường hợp đã có nguồn kinh phí khác bù đắp thiệt hại hoặc việc bồi thường phát sinh sau khi đã quyết toán ngân sách thì nộp vào ngân sách nhà nước (đơn vị thuộc cấp nào quản lý thì nộp vào ngân sách cấp đó).

Việc nộp tiền bồi thường thiệt hại vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho cơ quan, tổ chức trực tiếp chịu thiệt hại phải có đầy đủ chứng từ theo quy định.

III. XỬ LÝ KỶ LUẬT

1. Cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành công vụ gây lãng phí phải bồi thường thiệt hại đồng thời phải bị xử lý kỷ luật theo Điều 19 của Nghị định số 84/2006/NĐ-CP.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng để xảy ra vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, lĩnh vực công tác được giao quản lý phải bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Nghị định số 84/2006/NĐ-CP.

3. Trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được loại trừ trong trường hợp họ không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lãng phí như: ban hành quy chế, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra, thực hiện đúng quy định về công khai để bảo đảm quyền giám sát của tổ chức, công dân.

4. Các quy định về Hội đồng kỷ luật, quy trình, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật và các quy định liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 8/2/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước:
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Toà án nhân dân tối cao
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể:
- UBND các tỉnh, TP. trực thuộc TƯ;
- Sở TC các tỉnh, TP. trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tá

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 98/2006/TT-BTC hướng dẫn bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 98/2006/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/10/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản