- 1Thông tư 05/1999/TT-TCCP hướng dẫn thực hiện Nghị định 97/1998/NĐ-CP về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức do Ban tổ chức, cán bộ Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 22/2002/TT-BTCCBCP về việc xử lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp do Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2006/TT-BNV | Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2006 |
Thi hành Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức (sau đây gọi chung là Nghị định số 35/2005/NĐ-CP), Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện như sau:
I. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh thực hiện như quy định tại Điều I của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP. Cán bộ, công chức được điều động sang làm việc tại các tổ chức kinh tế nói tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định 35/2005/NĐ-CP là cán bộ, công chức được điều động để giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Uỷ viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần.
2. Trường hợp không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP là những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội. Các trường hợp này khi vi phạm kỷ luật thì xử lý theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
3. Các trường hợp bị xử lý kỷ luật:
3.1. Cán bộ, công chức vi phạm pháp luật quy định tại Điều 2 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP.
3.2. Cán bộ, công chức mắc các sai phạm sau đây cũng thuộc nội dung vi phạm pháp luật quy định tại Điều 2 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP:
3.2.1. Cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp;
3.2.2. Trong thời gian được cử đi học tập, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ vi phạm quy chế đào tạo hoặc tự ý bỏ học mà chưa được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức cho phép;
3.2.3. Vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma tuý…
4. Văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp bao gồm các loại sau:
4.1. Văn bằng, chứng chỉ do làm giả;
4.2. Văn bằng, chứng chỉ đã bị sửa đổi nội dung mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
4.3. Văn bằng, chứng chỉ cấp phát, sửa đổi cho những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hoặc cấp phát, sửa đổi không đúng quy định về thủ tục hoặc thẩm quyền.
5. Cán bộ, công chức làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nhưng chưa gây hậu quả nói tại Điều 21 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP được hiểu là cán bộ, công chức có hành vi làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để đủ điều kiện và tiêu chuẩn được nâng bậc lương, chuyển ngạch, nâng ngạch (qua thi hoặc xét); để được cử đi đào tạo, bồi dưỡng hoặc để xem xét bổ nhiệm nhưng đã bị phát hiện trước khi cấp có thẩm quyền ra quyết định.
6. Cán bộ, công chức sau khi được cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về việc sử dụng, cấp phát văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời bị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật theo Nghị định số 35/2005/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư này.
7. Cơ quan y tế có thẩm quyền bao gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp huyện trở lên.
8. Cán bộ, công chức tự ý bỏ việc được hiểu là cán bộ, công chức nghỉ việc mà không xin phép cơ quan, tổ chức, đơn vị từ 1 ngày làm việc trở lên hoặc đã làm đơn xin phép nhưng chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng ý.
9. Nếu cán bộ, công chức có nhiều hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và tổng hợp lại sẽ phải nhận hình thức kỷ luật cao hơn một mức so với hành vi vi phạm có hình thức kỷ luật cao nhất.
10. Nếu cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, Hội đồng kỷ luật đã xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật nhưng cấp có thẩm quyền chưa ra Quyết định kỷ luật mà cơ quan, tổ chức, đơn vị lại phát hiện thêm các tình tiết khác liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện có hành vi vi phạm kỷ luật khác thì cơ quan có thẩm quyền trả hồ sơ để Hội đồng kỷ luật xem xét kiến nghị lại hình thức kỷ luật. Trong trường hợp này, thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật được tính từ khi phát hiện thêm các tình tiết liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện có hành vi vi phạm kỷ luật khác.
II. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
1. Về thực hiện trách nhiệm xử lý kỷ luật: Người được giao thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức nếu vi phạm khoản 7 Điều 9 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP thì bị xử lý kỷ luật từ khiển trách cho đến cách chức.
2. Về việc tạm giam và đình chỉ công tác:
2.1. Cán bộ, công chức bị tạm giam theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật mà chưa có kết luận đầy đủ về vi phạm thì chưa tiến hành xem xét xử lý kỷ luật.
2.2. Việc tạm đình chỉ công tác của cán bộ, công chức chỉ thực hiện trong thời hiệu xử lý kỷ luật.
3. Về Hội đồng kỷ luật:
3.1. Thành phần Hội đồng kỷ luật thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP.
3.2. Người có quan hệ gia đình với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật nói tại khoản 4 Điều 11 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP không được tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật bao gồm:
3.2.1. Cha, mẹ đẻ;
3.2.2. Cha, mẹ vợ (hoặc chồng);
3.2.3. Cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng được pháp luật thừa nhận;
3.2.4. Vợ hoặc chồng của người vi phạm;
3.2.5. Anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu (rể) được pháp luật thừa nhận;
3.2.6. Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật thừa nhận.
3.3. Đại diện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP được mời tham gia họp xét kỷ luật cán bộ, công chức là đại diện của các tổ chức này ở cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Việt Nam hoặc đại diện nữ công, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
4. Về quy trình xem xét xử lý kỷ luật:
4.1. Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật được Hội đồng kỷ luật gửi giấy báo triệu tập trước khi Hội đồng kỷ luật họp 7 ngày làm việc.
4.2. Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật không chịu làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật hoặc không đến dự kiểm điểm theo giấy triệu tập của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn tổ chức cuộc họp để tiến hành kiểm điểm người vi phạm kỷ luật trước tập thể cơ quan, tổ chức đơn vị.
4.3. Đối với cán bộ, công chức tự ý bỏ việc đã được cơ quan gửi giấy gọi 3 lần mà không có mặt, Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét kiến nghị hình thức kỷ luật theo quy định.
4.4. Trường hợp có nhiều cán bộ, công chức trong cùng một đơn vị vi phạm kỷ luật, nếu đơn vị đó đã cử đại diện cán bộ, công chức tham gia Hội đồng kỷ luật thì Hội đồng kỷ luật có thể xem xét xử lý trong cùng một phiên họp. Biên bản cuộc họp được lập theo trình tự xem xét kỷ luật đối với từng cán bộ, công chức vi phạm.
4.5. Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị họp kiểm điểm cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, phải phân tích, chỉ rõ vi phạm nhằm giáo dục, giúp đỡ người vi phạm nhận rõ khuyết điểm của mình để khắc phục sửa chữa.
5. Về việc xem xét áp dụng hình thức kỷ luật.
Việc xem xét áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP. Bộ Nội vụ hướng dẫn việc áp dụng hình thức kỷ luật như sau:
5.1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng trong các trường hợp sau: Cán bộ, công chức có thái độ hách dịch, phiền hà, cửa quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ đã được nhắc nhở, phê bình nhưng không sửa chữa; cán bộ, công chức chây lười trong công tác, trốn tránh trách nhiệm hoặc thoái thác nhiệm vụ, công vụ đã được nhắc nhở, phê bình nhưng không sửa chữa; cán bộ, công chức gây bè phái, mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức tự ý bỏ việc lần đầu nhưng chưa quá 3 ngày làm việc; cán bộ, công chức lần đầu mắc khuyết điểm do thiếu trách nhiệm trong việc xác nhận hồ sơ và văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; cán bộ, công chức được giao quản lý hồ sơ, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đã cố ý gây trở ngại cho quá trình thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.
5.2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng trong các trường hợp:
5.2.1. Cán bộ, công chức có các vi phạm nói tại Điều 21 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP, bao gồm cả trường hợp cán bộ, công chức không chấp hành sự điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; cán bộ, công chức gây bè phái, làm mất đoàn kết gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, tự ý bỏ việc 2 lần (tổng số 2 lần không quá 6 ngày); vi phạm phẩm chất đạo đức trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; vi phạm lần đầu quy định những việc cán bộ, công chức không được làm của Pháp lệnh cán bộ, công chức nhưng đã nhận thấy được khuyết điểm, không gây hậu quả nghiêm trọng và có phương hướng khắc phục;
5.2.2. Cán bộ, công chức vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hoá, lý luận, nghiệp vụ hoặc thi nâng ngạch; để hoàn thiện tiêu chuẩn bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo;
5.2.3. Cán bộ, công chức được giao quản lý hồ sơ, cấp phát văn bằng, chứng chỉ do thiếu tinh thần trách nhiệm, làm sai lệch hồ sơ để cấp văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ điều kiện; hoặc được giao thẩm quyền xác nhận hồ sơ nhưng đã xác nhận không đúng với văn bản gốc của hồ sơ về văn bằng, chứng chỉ;
5.2.4. Cán bộ, công chức đã bị kỷ luật khiển trách do cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp nhưng nay tái phạm;
5.2.5. Cán bộ, công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để đủ điều kiện đi đào tạo (trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) ở các cơ sở giáo dục đào tạo.
5.3. Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng trong các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm nói tại Điều 22 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP. Trong đó một số trường hợp cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật liên quan đến hình thức này thực hiện như sau:
5.3.1. Cán bộ, công chức làm giả hồ sơ, lý lịch và sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được nâng bậc lương hoặc nâng ngạch, nếu cấp có thẩm quyền đã ban hành Quyết định nâng bậc lương hoặc Quyết định bổ nhiệm ngạch sau đó mới phát hiện sai phạm thì cấp có thẩm quyền phải ra Quyết định huỷ bỏ Quyết định nâng bậc lương hoặc bổ nhiệm ngạch đã ban hành và xếp trở lại ngạch, bậc lương cũ, đồng thời truy thu phần chênh lệch tiền lương đã nhận không hợp pháp theo quy định. Sau đó mới xem xét áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương;
5.3.2. Cán bộ, công chức làm giả hồ sơ, lý lịch hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được dự thi nâng ngạch, nếu đạt kết quả kỳ thi nhưng chưa bổ nhiệm vào ngạch dự thi mà phát hiện sai phạm thì cấp có thẩm quyền ra Quyết định huỷ bỏ kết quả kỳ thi, thu hồi chứng chỉ ngạch (nếu đã cấp). Trường hợp đã ra Quyết định bổ nhiệm vào ngạch thì sau khi huỷ bỏ kết quả kỳ thi, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ngạch ra Quyết định huỷ bỏ Quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp trở lại ngạch, bậc lương cũ, đồng thời truy thu phần chênh lệch tiền lương đã nhận không hợp pháp theo quy định. Sau đó mới tiến hành xem xét áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương;
5.4. Hình thức kỷ luật hạ ngạch áp dụng đối với trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định nói tại Điều 23 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP. Ngoài ra cán bộ, công chức nếu lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao để cấp phát văn bằng, chứng chỉ trái với quy định của pháp luật thì cũng bị kỷ luật ở hình thức hạ ngạch.
5.5. Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với trường hợp cán bộ, công chức giữ chức vụ vi phạm quy định nói tại Điều 24 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP. Trong đó, các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thể hiện ở các vi phạm sau:
5.5.1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vi phạm những điều cán bộ, công chức không được làm quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức;
5.5.2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ban hành các quyết định gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị;
5.5.3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc nhằm vụ lợi;
5.5.4. Sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chia rẽ, gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đến mức nghiêm trọng;
5.5.5. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp đưa vào hồ sơ cá nhân để được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo;
5.5.6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ra các văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp hoặc ra quyết định cấp phát văn bằng, chứng chỉ trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
5.6. Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm nói tại Điều 25 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP. Ngoài ra các vi phạm dưới đây cũng thuộc quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP:
5.6.1. Cán bộ, công chức sử dụng văn bằng không hợp pháp để được tuyển dụng làm cán bộ, công chức từ sau khi Pháp lệnh cán bộ, công chức có hiệu lực (sau ngày 01 tháng 5 năm 1998);
5.6.2. Cán bộ, công chức tổ chức hoặc tham gia tổ chức in ấn, lưu hành văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.
5.7. Đối với trường hợp cán bộ, công chức bị tuyên án phạt tù giam, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị ra quyết định hoặc làm văn bản báo cáo lên cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc mà không phải thành lập Hội đồng kỷ luật. Thời điểm buộc thôi việc tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
5.8. Đối với cán bộ, công chức bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, quản chế, cảnh cáo thì Hội đồng kỷ luật căn cứ vào mức độ, tính chất vi phạm và kết luận của Toà án để kiến nghị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến buộc thôi việc.
5.9. Cán bộ, công chức sử dụng ma tuý bị cơ quan công an hoặc cơ quan phòng chống tệ nạn xã hội thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác thì phải xem xét xử lý kỷ luật từ cảnh cáo đến buộc thôi việc. Cán bộ, công chức bị cơ quan y tế có thẩm quyền kết luận bằng văn bản là nghiện ma tuý thì bị xử lý kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc.
5.10. Cán bộ, công chức vi phạm quy định về phòng, chống mại dâm như tổ chức mua bán dâm, mại dâm, mua dâm hoặc có hành vi bao che, dung túng, bảo kê cho các hoạt động mại dâm; tham gia hoặc trực tiếp tổ chức, tham gia đánh bạc bị thông báo bằng văn bản về cơ quan, tổ chức, đơn vị đang làm việc thì bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc.
5.11. Cán bộ, công chức vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn bị xử lý kỷ luật từ kiển trách đến buộc thôi việc.
5.12. Một số trường hợp khác:
5.12.1. Cán bộ, công chức đang hưởng hệ số lương ở bậc 1 của ngạch công chức, viên chức nếu vi phạm kỷ luật thì áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.
5.12.2. Cán bộ, công chức đang ở ngạch thấp nhất trong cùng một loại công chức, viên chức (loại A, B, C) nếu vi phạm kỷ luật thì áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lượng, cách chức, buộc thôi việc. Ngạch thấp nhất là các ngạch: chuyên viên hoặc tương đương, cán sự hoặc tương đương; nhân viên hoặc tương đương.
5.12.3. Cán bộ, công chức đang ở bậc lương cuối cùng của ngạch cộng thâm niên vượt khung nếu vi phạm kỷ luật thì áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
6. Về thực hiện các quy định liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật:
Khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức theo các quy định tại Điều 19, Điều 27, Điều 28, Điều 29 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức thực hiện theo các hướng dẫn dưới đây:
6.1. Cán bộ, công chức vi phạm pháp luật bị phạt tù cho hưởng án treo, sau khi bị xử lý kỷ luật (trừ trường hợp kỷ luật buộc thôi việc) được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ, chính sách theo công việc được giao. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị không bắt buộc cán bộ, công chức đó phải tự liên hệ chuyển công tác và không giải quyết cho thôi việc nếu người đó không có đơn xin thôi việc.
6.1.1. Trường hợp cán bộ, công chức đang trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, nếu chuyển đi nơi khác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm thông báo ngay cho Toà án làm thủ tục cần thiết giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được hưởng án treo chuyển đến để tiếp tục giám sát, giáo dục.
6.1.2. Cán bộ, công chức trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo (kể cả thời gian thử thách) thì không thực hiện xem xét nâng ngạch, nâng bậc lương hoặc bổ nhiệm.
6.1.3. Cán bộ, công chức bị Toà án phạt tù cho hưởng án treo thì thời gian thử thách được tính vào thời gian công tác nhưng không được tính vào thời gian xét nâng lương.
6.2. Cán bộ, công chức đang nghỉ chế độ chờ làm thủ tục hưu trí mà bị phát hiện có vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành nhiệm vụ, công vụ trước khi nghỉ công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị tạm thời dừng việc giải quyết thủ tục hưu trí cho đến khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đã kết thúc việc xem xét xử lý kỷ luật.
6.3. Cán bộ, công chức bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc được cơ quan, tổ chức đơn vị làm văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian làm việc đã đóng bảo hiểm xã hội.
6.4. Cán bộ, công chức dự thi nâng ngạch, đạt yêu cầu trong kỳ thi nâng ngạch mà bị thi hành kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị báo cáo về cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức để tạm dừng việc ra Quyết định bổ nhiệm vào ngạch dự thi. Sau khi chấm dứt hiệu lực của Quyết định kỷ luật, nếu cán bộ, công chức có tiến bộ, không vi phạm khuyết điểm khác thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị lên cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức ra Quyết định bổ nhiệm vào ngạch dự thi. Nếu trong thời gian thi hành kỷ luật mà tiếp tục vi phạm kỷ luật thì cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức làm văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức kỳ thi huỷ bỏ kết quả dự thi nâng ngạch.
7. Hướng dẫn thực hiện xếp ngạch, bậc lương đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật hạ bậc lương, hạ ngạch:
7.1. Đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật hạ bậc lương thì thực hiện như sau: Cán bộ, công chức đang hưởng bậc lương ở ngạch công chức (hoặc viên chức) nào thì hạ xuống bậc thấp hơn liền kề trong ngạch đó. Thời gian xét nâng lương lần sau tính từ thời điểm giữ mức lương hưởng trước khi vi phạm kỷ luật.
7.2. Đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật hạ ngạch thì thực hiện như sau: Cán bộ, công chức đang ở ngạch công chức (hoặc viên chức) của ngành nào thì hạ xuống ngạch thấp hơn liền kề của ngành đó và xếp vào hệ số lương thấp hơn gần nhất so với hệ số lương của ngạch đang giữ trước khi bị xử lý kỷ luật. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày giữ mức lương hưởng trước khi vi phạm kỷ luật.
7.3. Giải quyết nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật hạ bậc lương hoặc hạ ngạch:
7.3.1. Cán bộ, công chức kỷ luật hạ bậc lương hoặc hạ ngạch không bị kéo dài thời hạn nâng bậc lương thêm 1 năm (12 tháng) nhưng trong thời gian chưa chấm dứt hiệu lực của Quyết định kỷ luật thì chưa giải quyết nâng bậc lương theo thâm niên. Sau khi chấm dứt hiệu lực của Quyết định kỷ luật mới xem xét nâng bậc lương theo thâm niên.
7.3.2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật hạ bậc lương hoặc hạ ngạch thì thời gian xét nâng bậc lương lần sau tính từ khi giữ bậc lương trước khi bị kỷ luật.
8. Về chấm dứt hiệu lực của Quyết định kỷ luật:
Sau 12 tháng kể từ ngày có Quyết định kỷ luật, nếu cán bộ, công chức không tái phạm hoặc không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật. Cấp có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật không phải ra Quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định kỷ luật.
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP để triển khai thực hiện và kiểm tra việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
2. Thông tư này thay thế phần hướng dẫn về kỷ luật của Thông tư số 05/1999/TT-TCCP ngày 27/3/1999 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 97/1998/NĐ-CP về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất do cán bộ, công chức gây ra và các hướng dẫn trái với Thông tư này.
3. Thông tư này thay thế phần hướng dẫn về xử lý cán bộ, công chức vi phạm việc cấp phát sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp tại Thông tư số 22/2002/TT-BTCCBCP ngày 23 tháng 4 năm 2002 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn việc xử lý kỷ luật, cán bộ, công chức và cán bộ doanh nghiệp nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.
4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
5. Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ảnh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết.
BỘ TRƯỞNG |
- 1Nghị định 97/1998/NĐ-CP về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức
- 2Thông tư 22/2002/TT-BTCCBCP về việc xử lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp do Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức
- 4Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ
- 5Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
- 1Thông tư 05/1999/TT-TCCP hướng dẫn thực hiện Nghị định 97/1998/NĐ-CP về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức do Ban tổ chức, cán bộ Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 22/2002/TT-BTCCBCP về việc xử lý cán bộ, công chức, cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước vi phạm việc cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp do Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành
- 1Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998
- 2Nghị định 97/1998/NĐ-CP về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức
- 3Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, Công chức năm 2000
- 4Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003
- 5Nghị định 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
- 6Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức
- 7Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ
- 8Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
Thông tư 03/2006/TT-BNV hướng dẫn thi hành Nghị định 35/2005/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 03/2006/TT-BNV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 08/02/2006
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Đỗ Quang Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 39 đến số 40
- Ngày hiệu lực: 11/03/2006
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực