Hệ thống pháp luật

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 326/QĐ-TTCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA CƠ QUAN THANH TRA CHÍNH PHỦ

TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quy chế xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 2767/2011/QĐ-TTCP ngày 12/10/2011 của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ban Cán sự đảng TTCP;
- Lãnh đạo TTCP;
- Đảng ủy TTCP;
- Lưu: VT, TCCB.

TỔNG THANH TRA




Huỳnh Phong Tranh

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA CƠ QUAN THANH TRA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm Quyết định số: 326/QĐ-TTCP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định việc áp dụng hình thức kỷ luật; thời hiệu, thời hạn thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý của Thanh tra Chính phủ.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1. Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.

2. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu công chức, viên chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và chịu hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

3. Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

4. Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.

5. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của công chức, viên chức trong quá trình xử lý kỷ luật.

Điều 3. Các trường hợp bị xử lý kỷ luật

Công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp sau:

1. Vi phạm các quy định tại Điều 3, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP).

2. Vi phạm các quy định tại Điều 4, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/2012/NĐ-CP).

Điều 4. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật và các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật

1. Đối với công chức: thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Đối với viên chức: thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Chương 2.

THỜI HIỆU, THỜI HẠN XỬ LÝ KỶ LUẬT

Điều 5. Thời hiệu xử lý kỷ luật

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.

2. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 7 Quy chế này phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.

Điều 6. Thời hạn xử lý kỷ luật

1. Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp ra quyết định xử lý kỷ luật.

2. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.

Chương 3.

THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT XỬ LÝ KỶ LUẬT

Điều 7. Thẩm quyền xử lý kỷ luật

1. Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét và quyết định hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc khối hành chính cơ quan Thanh tra Chính phủ và các trường hợp được quy định là công chức tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Thanh tra Chính phủ (trừ các trường hợp công chức là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý).

2. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp xem xét và quyết định hình thức kỷ luật đối với viên chức thuộc quyền quản lý.

3. Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, quyết định hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đối với viên chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi viên chức được cử đến biệt phái tiến hành xem xét xử lý kỷ luật, đề nghị hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ xử lý kỷ luật về đơn vị sự nghiệp cử viên chức biệt phái để ra quyết định kỷ luật theo thẩm quyền.

4. Đối với công chức, viên chức đã chuyển công tác mới phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật mà còn trong thời hiệu quy định, thì cơ quan Thanh tra Chính phủ vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật, quyết định hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan đang quản lý công chức, viên chức.

Điều 8. Áp dụng hình thức kỷ luật

1. Các hình thức kỷ luật đối với công chức thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật đối với công chức.

2. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật đối với viên chức.

Điều 9. Hội đồng kỷ luật

1. Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật (trừ trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị phạt tù mà không được hưởng án treo; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị xem xét xử lý kỷ luật khi đã có kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức của Ban Chấp hành Trung ương theo quy định tại Khoản 2, Điều 17, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP).

2. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật theo phân cấp (trừ trường hợp viên chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng theo quy định tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP).

3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật:

3.1. Hội đồng kỷ luật công chức:

a) Hội đồng kỷ luật họp khi có đủ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín;

b) Nội dung cuộc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản ghi ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật.

3.2 Hội đồng kỷ luật viên chức:

a) Hội đồng kỷ luật chỉ họp khi có đủ các thành viên tham dự. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín;

b) Nội dung cuộc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản ghi ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật.

4. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số. Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 10. Thành phần Hội đồng kỷ luật

1. Hội đồng kỷ luật công chức:

1.1. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là một Phó Tổng Thanh tra Chính phủ;

b) Một ủy viên Hội đồng là đại diện cho Ban Chấp hành công đoàn cơ quan Thanh tra Chính phủ;

c) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo của đơn vị công tác có công chức bị xem xét xử lý kỷ luật;

d) Một Ủy viên Hội đồng là người trực tiếp quản lý hành chính và chuyên môn, nghiệp vụ của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật;

e) Một uỷ viên kiêm thư ký Hội đồng là người tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thuộc Vụ Tổ chức Cán bộ.

1.2. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là một Phó Tổng Thanh tra Chính phủ;

b) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo của đơn vị công tác có công chức bị xem xét xử lý kỷ luật;

c) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện Đảng ủy cơ quan Thanh tra Chính phủ;

d) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban Chấp hành công đoàn của cơ quan Thanh tra Chính phủ;

e) Một ủy viên kiêm thư ký Hội đồng là người tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thuộc Vụ Tổ chức Cán bộ.

2. Hội đồng kỷ luật viên chức:

2.1. Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp;

b) Một ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy của đơn vị sự nghiệp;

c) Một ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành công đoàn của đơn vị sự nghiệp;

d) Một ủy viên Hội đồng là đại diện của đơn vị công tác có viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật, ủy viên Hội đồng này do người đứng đầu của đơn vị cấu thành đó lựa chọn và cử ra;

e) Một ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của đơn vị sự nghiệp.

2.2. Đối với viên chức quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp;

b) Một ủy viên Hội đồng là người tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thuộc Vụ Tổ chức Cán bộ;

c) Một ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy của đơn vị sự nghiệp;

d) Một ủy viên Hội đồng là đại diện Ban chấp hành công đoàn của đơn vị sự nghiệp;

e) Một ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của đơn vị sự nghiệp.

3. Không được cử người có quan hệ gia đình như cha, mẹ, con được pháp luật thừa nhận; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; chị, em dâu; anh, em rể hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của công chức, viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật.

Điều 11. Trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật

1. Tổ chức họp kiểm điểm công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật

- Việc tổ chức họp kiểm điểm đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

- Việc tổ chức họp kiểm điểm đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Hội đồng kỷ luật họp xem xét, xử lý kỷ luật

- Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật đối với công chức thực hiện theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP.

- Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật đối với viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP.

3. Quyết định xử lý kỷ luật

3.1. Trình tự ra quyết định kỷ luật:

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có văn bản (kèm theo biên bản, các hồ sơ, tài liệu có liên quan) báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ (đối với kỷ luật công chức) và Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp (đối với kỷ luật viên chức).

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật thì Tổng Thanh tra Chính phủ ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận công chức không vi phạm pháp luật.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận viên chức không vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3.2. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.

3.3. Trong thời gian 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu công chức, viên chức không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.

3.4 Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ công chức, viên chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của công chức, viên chức.

Điều 12. Khiếu nại

Công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Quy chế này thay thế Quy chế xem xét, xử lý kỷ luật đối với công chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 2767/2011/QĐ-TTCP ngày 12/10/2011 của Tổng Thanh tra Chính phủ và các quy định khác về xem xét, xử lý kỷ luật công chức, viên chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ trái với quy định tại Quy chế này.

2. Những nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả đối với viên chức không được nêu tại Quy chế này thì áp dụng theo các quy định pháp luật liên quan.

3. Xử lý kỷ luật đối với các trường hợp lao động hợp đồng (lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; hợp đồng vụ việc ...) thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động, các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định khác có liên quan.

4. Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, các vụ, cục, đơn vị phản ánh về Vụ Tổ chức Cán bộ để tổng hợp, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ;
- Các vụ, cục, đơn vị thuộc TTCP;
- Lưu: VT,Vụ TCCB.

TỔNG THANH TRA




Huỳnh Phong Tranh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 326/QĐ-TTCP năm 2014 về Quy chế xử lý kỷ luật đối với công, viên chức của cơ quan Thanh tra Chính phủ

  • Số hiệu: 326/QĐ-TTCP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/02/2014
  • Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
  • Người ký: Huỳnh Phong Tranh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản